Tác động của tình hình thế giới, khu vực đối với Việt Nam trong bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc
TCCS - Tình hình thế giới, khu vực là yếu tố khách quan có tác động lớn đến lợi ích của mỗi quốc gia - dân tộc nói chung và Việt Nam nói riêng. Dự báo trong thời gian tới, thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, nhanh chóng và khó lường. Do đó, việc nắm bắt và nghiên cứu thấu đáo bối cảnh quốc tế, khu vực tác động đến Việt Nam là cần thiết nhằm đề ra những sách lược sát, đúng, kịp thời, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc.
Lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề tối hệ trọng của mỗi quốc gia trong hoạch định, thực thi chiến lược, chính sách xây dựng và bảo vệ đất nước. Lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự ổn định của hệ thống chính trị. Đây là nhân tố bất biến trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực không ngừng biến động. Bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, hòa bình, hợp tác là xu thế chủ đạo, song tình hình thế giới, khu vực luôn có diễn biến khó lường, điều này đã và đang đem lại những thuận lợi - thời cơ, khó khăn - thách thức đối với Việt Nam trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc.
Một là, trật tự đa cực đang hình thành ngày càng rõ nét cho phép Việt Nam có điều kiện để thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong quan hệ quốc tế và lựa chọn những kế sách phù hợp để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Thực tiễn tình hình quốc tế cho thấy, kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc cho tới một vài thập niên tới, thế giới đang trong quá trình hình thành cấu trúc trật tự mới. Trật tự hiện nay không còn là đơn cực nhưng vẫn chưa phải đa cực(1). Tuy sức mạnh của Mỹ trong tương quan so sánh với phần còn lại của thế giới không còn cho phép Mỹ có khả năng áp đặt thế giới theo ý chí của riêng mình, nhưng sự ra đời và tồn tại của các trung tâm quyền lực khác, như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU)... vẫn chưa đủ khả năng định hình trật tự đa cực. Cấu trúc “nhất siêu, đa cường” vẫn tồn tại và ngôi thứ giữa các nước lớn không có nhiều thay đổi, song khoảng cách so sánh lực lượng giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, có sự thay đổi nhanh chóng. Trật tự đa cực và sức mạnh tổng hợp quốc gia của các cường quốc đứng đầu, nhất là Mỹ và Trung Quốc, ngày càng có xu hướng “cân bằng”, buộc các nước phải “cân nhắc” hành vi của mình do lo ngại về phản ứng của các nước khác. Chính điều đó mang lại lợi ích không nhỏ cho hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới và khu vực.
Cục diện thế giới trên cho phép Việt Nam có điều kiện lựa chọn những kế sách phù hợp trong bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến” để không bị chi phối trong quan hệ quốc tế, giảm sức ép của các nước lớn; thúc đẩy quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các nước lớn, trên các vấn đề lợi ích chiến lược; qua đó, kiềm chế, đẩy lùi âm mưu, ý đồ và hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, thực hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với Việt Nam.
Hai là, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, diễn ra ngày càng gay gắt, phức tạp, tác động đến hòa bình, ổn định và quan hệ quốc tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Trong thời gian qua, thế giới chứng kiến các nước lớn có sự cạnh tranh chiến lược gay gắt, phức tạp, đặc biệt cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc diễn ra một cách trực tiếp, toàn diện. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, gia tăng sức mạnh quân sự, tiếp tục can dự, chi phối an ninh, chính trị thế giới, khu vực và các nước khác. Các nước lớn kết hợp răn đe quân sự với các biện pháp kinh tế, văn hóa, chính trị, ngoại giao, tạo “sức mạnh mềm”, sẵn sàng can thiệp vũ trang, tấn công các nước nhỏ bằng các biện pháp vũ trang và phi vũ trang, buộc các nước phải khuất phục, thay đổi chế độ chính trị... Vai trò của luật pháp quốc tế, thể chế quốc tế tăng lên, nhưng một số nước lớn vẫn đang tìm cách thay đổi “luật chơi” trong quan hệ quốc tế. Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, môi trường chiến lược diễn biến ngày càng phức tạp, thúc đẩy chạy đua vũ trang. Do yêu cầu phát triển kinh tế, nhất là để vượt qua khủng hoảng bởi tác động của đại dịch COVID-19, các nước đẩy nhanh tốc độ khai thác tài nguyên thiên nhiên, từ đó làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường và gia tăng thách thức đối với phát triển bền vững. Sự khan hiếm tài nguyên thúc đẩy các nước lớn tiến hành chính sách “ngoại giao tài nguyên” một cách mạnh mẽ hơn. Cuộc chạy đua về kiểm soát tài nguyên giữa các cường quốc khiến cho môi trường an ninh, chính trị quốc tế thêm căng thẳng.
Không chỉ vậy, nhằm tạo dựng các trục hợp tác bao vây, kiềm chế Trung Quốc, Mỹ triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn quá trình tập hợp lực lượng ở khu vực; tìm cách lôi kéo các đối tác khác trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh lôi cuốn các nước tham gia Sáng kiến “Vành đai, Con đường” nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị, lợi ích của mình; ngăn chặn, phá thế bao vây, kiềm chế của Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Điều này tạo nên áp lực không nhỏ đối với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam trước việc “chọn bên”. Các nước lớn có thể sẽ sử dụng vai trò, ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế để gây sức ép đối với các nước trong khu vực, nhất là trong các tổ chức quốc tế và khu vực mà những nước này đóng vai trò chủ đạo. Bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt, không loại trừ các nước lớn thỏa hiệp với nhau, ảnh hưởng đến lợi ích của các nước vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam.
Ba là, hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ và sự phụ thuộc của các nước đang phát triển, nước nhỏ vào nước lớn có xu hướng gia tăng, tác động không nhỏ đến vấn đề bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Dự báo đến năm 2030, tình hình thế giới, khu vực có thể tiếp diễn các xu thế lớn của những năm qua, nhưng phạm vi, quy mô, mức độ và tính chất có những biểu hiện khác trước. Tình hình sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, song hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Đấu tranh giai cấp và quan hệ quốc tế tiếp tục diễn ra với nhiều hình thức mới. Thay vì sự phân hóa sâu sắc như trong thời kỳ Chiến trạnh lạnh, trong những năm tới, các quốc gia tham gia tiến trình hội nhập ngày càng đông đảo, qua đó xuất hiện ngày càng nhiều các cấu trúc an ninh, hợp tác đa tầng nấc, theo cả trục dọc và trục ngang, cả ở quy mô tiểu khu vực, khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, khiến sự tùy thuộc, ràng buộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Vì lợi ích địa - chính trị, địa - kinh tế, nhiều nước gác lại tranh chấp, đối đầu để cùng hợp tác, khai thác thế mạnh của nhau nhằm chia sẻ lợi ích. Thậm chí, một số quốc gia có sự khác nhau về hệ tư tưởng, chế độ chính trị cũng bỏ qua những khác biệt này để không chỉ hợp tác mà còn sẵn sàng trở thành “đồng minh” tạm thời của nhau trong xu thế tập hợp lực lượng mới. Mặc dù các cường quốc tiếp tục đóng vai trò chính trong quan hệ quốc tế, các quốc gia nhỏ và vừa sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tham gia các vấn đề thế giới, khu vực. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các yếu tố “công bằng”, “dân chủ” trở thành các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế đương đại; ngược lại, những chuẩn mực trong các mối quan hệ, hợp tác, hay các cách thức giải quyết các vấn đề quốc tế vẫn sẽ do các cường quốc đóng vai trò quyết định. Mặt khác, cùng với tác động của đại dịch COVID-19, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ và sự phụ thuộc của các nước đang phát triển, nước nhỏ vào nước lớn có xu hướng gia tăng cũng làm cho tính phức tạp của thế giới đương đại đa dạng và khó đoán định.
Trước các xu hướng trên, Việt Nam vận dụng hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi(2). Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực do chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ mang lại đối với Việt Nam là không hề nhỏ, đòi hỏi cần có những đối sách phù hợp nhằm hạn chế những tác động này để không ngừng bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Bốn là, nhiều vấn đề có tính toàn cầu nổi lên, tác động mạnh tới nhận thức và quan hệ của các nước nói chung, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam nói riêng.
Ngày nay, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin... là những vấn đề mang tính toàn cầu nổi lên và đây là những nhân tố tích cực thúc đẩy tiến bộ của thời đại. Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mở ra một thời đại mới về phát triển lực lượng sản xuất, dẫn tới sự thay đổi nền tảng trên mọi mặt của đời sống chính trị - xã hội của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ do mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, can thiệp lật đổ, khủng bố tiếp diễn phức tạp; các điểm nóng vẫn tồn tại và mở rộng ở nhiều khu vực trên thế giới. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh phi truyền thống, như an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính, an ninh mạng, khủng bố vũ trang, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... đang tiếp tục diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Đây là những vấn đề không một quốc gia nào có thể tự giải quyết mà cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam có vị trí địa lý đặc thù, chịu tác động nặng nề từ các thách thức an ninh phi truyền thống, ảnh hưởng lớn đến nguồn lực, xây dựng lực lượng, thế trận phòng thủ, các mặt bảo đảm cho hoạt động của lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời bình và khi có chiến tranh. Chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng ngày càng bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng rộng rãi để xâm phạm chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia, phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chi phối, tác động lớn đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Tuy nhiên, với sự ổn định về chính trị, thế và lực của Việt Nam ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, do vậy, cộng đồng quốc tế đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong hợp tác cũng như tham gia xử lý các vấn đề mang tính toàn cầu; đồng thời, là nước có sự phát triển nhanh về công nghệ thông tin nên Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để tiếp cận công nghệ, tranh thủ thị trường, tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, cũng như ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ mới, tạo sức đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng - an ninh, góp phần tích cực trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong tình hình mới.
Năm là, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động, có vị trí địa kinh tế - chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới, nhưng tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, tác động đến việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, vai trò, sức mạnh và ảnh hưởng của châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng tăng lên khi các nền kinh tế trong khu vực có sự phục hồi và phát triển tích cực mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19. Theo nhận định của Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Ph. Béc-xten, trong nền kinh tế toàn cầu, vai trò của khu vực châu Á đã được tăng cường trong 20 năm qua và tiếp tục được củng cố trong hai thập niên tới(3). Trong tương lai, với các đặc điểm như số lượng lao động và nhu cầu thị trường lớn với những quốc gia là thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở Trung Quốc, khu vực Viễn Đông của Nga, Đông Nam Á, công nghệ cao và kinh nghiệm quản lý của các nước tư bản phát triển như Mỹ, Nhật Bản..., cơ hội tập hợp của các nền kinh tế này sẽ giúp mở rộng không gian tăng trưởng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng với sức hút đặc biệt về kinh tế, ảnh hưởng trên lĩnh vực an ninh - chính trị của khu vực đến an ninh quốc tế cũng ngày càng tăng. Châu Á - Thái Bình Dương tập trung 3 trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời là nơi hiện diện và tập trung nhiều lợi ích và ưu tiên chiến lược của tất cả các nước lớn trên thế giới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới và đóng vai trò ngày càng lớn đối với các vấn đề chính trị toàn cầu(4). Tại khu vực đã xuất hiện một số sáng kiến liên kết và thỏa thuận đa phương không chỉ có nội dung kinh tế - thương mại mà còn mang ý nghĩa tập hợp lực lượng về chính trị, chiến lược và an ninh(5); các diễn đàn hợp tác, như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) có xu hướng mở rộng nội dung hợp tác sang các vấn đề an ninh, chính trị... Sự hiện diện của nhiều nước lớn thúc đẩy quan hệ hợp tác trong và ngoài khu vực phát triển mạnh mẽ, hình thành các liên kết song phương và đa phương, góp phần duy trì xu thế hòa bình, kiềm chế xung đột, ngăn ngừa chiến tranh.
Tập hợp lực lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng linh hoạt, chịu tác động lớn bởi sự điều chỉnh chính sách của Mỹ, Trung Quốc và những chuyển động trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Hợp tác đi cùng với va chạm lợi ích và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa hai nước đã và đang diễn ra một cách phức tạp, toàn diện ở khu vực. Kể từ thời điểm Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm lên nắm quyền (tháng 1-2017) đến nay, Mỹ công khai xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” và thách thức an ninh lớn nhất của Mỹ. Trên cơ sở đó, Mỹ triển khai nhiều nội dung, biện pháp chiến lược để cạnh tranh vai trò lãnh đạo khu vực với Trung Quốc, đặt khu vực trước những cơ hội và thách thức an ninh mới. Chiều hướng này còn tiếp tục trong thời gian tới và tác động không nhỏ tới chính sách và an ninh của các nước.
Mặc dù hòa bình, ổn định vẫn là xu thế chủ đạo tại châu Á - Thái Bình Dương, song tình hình khu vực cũng có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó, mặc dù quan hệ kinh tế ngày càng phát triển và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng nhưng quan hệ chính trị giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là các cường quốc, vẫn chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn định và những mâu thuẫn có thể bùng phát thành xung đột, đó là: 1- Các tranh chấp biên giới - lãnh thổ tại khu vực, nhất là tranh chấp biển, đảo tại Biển Đông và biển Hoa Đông, trở nên phức tạp hơn, trở thành nguy cơ gây mất ổn định khu vực, ảnh hưởng tới việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, đe dọa lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực; 2- Tình hình nội trị nhiều nước diễn biến phức tạp, nhân tố chủ nghĩa dân tộc nổi lên tác động đến quyết sách đối nội và đối ngoại của nhiều nước; 3- Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trở nên gay gắt hơn trong khi khu vực vẫn chưa có cơ chế hữu hiệu để đối phó với các nguy cơ này; 4- Khu vực xuất hiện nhiều cấu trúc hợp tác quốc phòng, nhưng thiếu một cơ chế hữu hiệu để ngăn ngừa và xử lý các thách thức an ninh, tranh chấp, xung đột.
Việt Nam là cầu nối giữa vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa ở châu Á. Biển Đông là nơi cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, cả trước mắt và lâu dài để bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không trên tuyến vận tải quốc tế; có vị trí quan trọng trong chiến lược của các nước lớn. Do vậy, các nước lớn muốn lôi kéo Việt Nam trong thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những chuyển động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tạo cơ hội để Việt Nam mở rộng quan hệ và tận dụng nguồn lực từ bên ngoài, góp phần nâng cao sức mạnh quốc gia của Việt Nam. Tuy nhiên, những nhân tố bất ổn như tình hình Biển Đông đã và đang ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo và lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) quy định cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo, nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức, tranh chấp về phân định các vùng biển chồng lấn, đòi hỏi phải đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Việt Nam với gần 100 triệu dân, có kinh nghiệm, truyền thống lịch sử, có sức mạnh, vị thế trên trường quốc tế, luôn kiên định đường lối độc lập, tự chủ, nhưng cũng chịu sức ép rất lớn từ các thách thức trong khu vực và trên thế giới.
Sáu là, ASEAN tiếp tục phát huy vai trò trung tâm hợp tác, thúc đẩy liên kết khu vực Đông Á, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tác động không nhỏ đến bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam.
Ở khu vực Đông Nam Á, tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục được thúc đẩy đi vào chiều sâu, thể hiện ASEAN tiếp tục là khu vực phát triển năng động, ngày càng phát huy vai trò trung tâm trong thúc đẩy liên kết khu vực Đông Á. Tuy nhiên, tranh chấp chủ quyền biển, đảo giữa các nước lớn với một số nước ASEAN, buộc các nước phải chú trọng nhiều hơn đến quốc phòng. Bên cạnh đó, trình độ phát triển không đồng đều, sự khác biệt về lịch sử, văn hóa, thậm chí vấn đề ý thức hệ vẫn còn nặng nề trong một số nước thành viên ASEAN. Sự can dự của các nước lớn cùng với tính toán lợi ích quốc gia, dân tộc riêng rẽ của một số nước cản trở lập trường chung của ASEAN trong giải quyết những vấn đề phức tạp, gây khó khăn trong lựa chọn đối sách, xử lý quan hệ với các nước lớn. Do vậy, các nước lớn lợi dụng và thực thi chính sách chia rẽ, ngoại giao trên thế mạnh, chi phối, làm suy giảm vai trò của ASEAN.
Việt Nam là thành viên đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và nhiều tổ chức khu vực khác. Trong nhìn nhận của các nước lớn - như ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu - Việt Nam là một trong những nước có ảnh hưởng mang tính “dẫn dắt” trong ASEAN. Do đó, trong chính sách của các nước, nhất là các nước lớn đối với khu vực, Việt Nam có vị trí tương đối quan trọng, được các nước coi là một đối tác cần tăng cường, là nhân tố góp phần kết nối quan hệ của các nước với ASEAN(6). Với nhận thức của các nước về vai trò của Việt Nam nêu trên là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát huy vị thế, lựa chọn những kế sách phù hợp trong bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Tóm lại, tình hình thế giới và khu vực hiện nay và dự báo trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI có những biến đổi phức tạp, nhanh chóng và khó lường. Tình hình trên tiếp tục tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi mới, vừa mang đến những khó khăn, thách thức lớn đối với nước ta, đòi hỏi cần phải luôn theo dõi, bám sát tình hình, vận dụng phương pháp khoa học để đánh giá đúng bối cảnh quốc tế. Đặc biệt, phải nắm bắt, dự báo được các xu hướng trong quan hệ quốc tế, khu vực cũng như mục tiêu, lợi ích, ý đồ chiến lược của các nước, nhất là các nước lớn, đối với khu vực và Việt Nam để đề ra đường lối, chính sách, sách lược kịp thời, trong đó phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng cần tìm phương cách để tránh rơi vào thế kẹt giữa các bên./.
------------------
(1) Phạm Minh Chính: “Những biến động mới của tình hình thế giới, khu vực và chính sách của Việt Nam”, in trong sách: Biến động của tình hình thế giới: Cơ hội, thách thức và triển vọng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018
(2) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 161 - 162
(3) Bergsten, F.: “Pacific Asia and the Asia Pacific: The Choices for APEC” (Tạm dịch: Thái Bình Dương và châu Á - Thái Bình Dương: Sự lựa chọn cho APEC), Institute for International Economics, Washington D.C
(4) Đây là khu vực tập trung những quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới (Nga, Trung Quốc và Mỹ), bốn trong số những quốc gia đông dân nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và In-đô-nê-xi-a), 3 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản). Hơn nữa, khu vực cũng tập trung 3 trong 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Mỹ và Nga), 7 trong 10 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc).
(5) Nổi bật nhất là sự hình thành của Nhóm “Bộ Tứ” (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a); Liên minh quân sự Mỹ - Anh - Ô-xtrây-li-a (AUKUS)...
(6) “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tháng 6-2019 đã 23 lần đề cập đến Việt Nam, thậm chí xếp Việt Nam trước cả các đối tác quan trọng khác của Mỹ trong ASEAN là Xin-ga-po và In-đô-nê-xi-a
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường  (19/09/2022)
Quan điểm về đoàn kết quốc tế trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” và sự vận dụng của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới  (09/09/2022)
Bốn mươi lăm năm quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN và định hướng phát triển trong thời gian tới  (15/08/2022)
Triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc  (19/07/2022)
Giao lưu, hợp tác văn hóa Việt Nam - Trung Quốc trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay  (17/06/2022)
Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong bối cảnh hiện nay  (27/05/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm