Trung Quốc thúc đẩy định hình tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu và một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam
TCCS - Năng lực định hình các tiêu chuẩn công nghệ, bao gồm công nghệ số, là một trong những thành tố quan trọng góp phần quyết định tương quan sức mạnh của một quốc gia trong quan hệ quốc tế. Việc Trung Quốc triển khai chiến lược “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” định vị vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ số, gắn với các sáng kiến, chiến lược toàn cầu của nước này, mang đến sự quan ngại kèm theo các chính sách ứng phó của Mỹ và phương Tây, đã tác động mạnh mẽ tới môi trường chính trị - an ninh, hợp tác kinh tế và khoa học - công nghệ toàn cầu. Bối cảnh đó mang đến cho Việt Nam cả thời cơ và thách thức, đòi hỏi cần có những chính sách phù hợp nhằm tranh thủ tối đa cơ hội, hạn chế các thách thức đến từ tiến trình này.
Tiêu chuẩn công nghệ được hiểu là các quy trình, đặc tính kỹ thuật giúp các sản phẩm, dịch vụ có khả năng tương thích rộng rãi với nhau (1), ở các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Trong đó, sự hình thành các tiêu chuẩn công nghệ ở cấp độ toàn cầu là “động lực cơ bản đối với tiến trình toàn cầu hóa từ cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI”(2). Sự khác biệt của tiến trình định hình các tiêu chuẩn công nghệ số hiện nay là tính chính trị hóa, an ninh hóa gia tăng so với giai đoạn trước đây. Khả năng định hình tiêu chuẩn công nghệ số không chỉ mang đến sức ảnh hưởng kinh tế rộng lớn, mà còn tạo ra lợi thế chính trị chiến lược cho các quốc gia, cũng như lợi thế an ninh khi các công nghệ về quốc phòng, giám sát xã hội được áp dụng. Do đó, chủ thể tham gia tiến trình định hình công nghệ hiện nay không chỉ là những tập đoàn, doanh nghiệp như trước đây, mà còn bao gồm cả các chính phủ, với những chiến lược quốc gia đồng bộ.
Từ góc độ đối ngoại, khả năng ảnh hưởng đối với các tiêu chuẩn công nghệ đã trở thành một thành tố quan trọng của vị thế và ảnh hưởng quốc gia trong quản trị kinh tế toàn cầu. Các cường quốc phát huy vai trò ảnh hưởng, thậm chí dẫn dắt các chương trình nghị sự của các tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế; đồng thời, đưa ra những sáng kiến hợp tác quy mô toàn cầu hoặc liên khu vực để kiến tạo một môi trường hợp tác thuận lợi cho các dự án đầu tư, sản phẩm và công nghệ của mình. Trong khi đó, việc nắm giữ và phổ biến các tiêu chuẩn công nghệ số sẽ củng cố ảnh hưởng của các cường quốc trong dài hạn, do khi các hệ tiêu chuẩn số mới được sử dụng phổ biến thì sự thay đổi là không dễ dàng, nhất là đối với các sản phẩm công nghệ số của tương lai trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Điều đó cho thấy, vai trò định hình tiêu chuẩn công nghệ số không chỉ giúp một quốc gia quyết định “luật chơi” ở “sân chơi” kinh tế số và thứ hạng năng lực công nghệ toàn cầu trong nhiều năm tới(3), mà còn gắn với các chiến lược đối ngoại, chiến lược phát triển của quốc gia trong dài hạn.
Chiến lược “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” và một số tác động đối với môi trường chính trị - an ninh, kinh tế, khoa học - công nghệ toàn cầu
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chuyển mình mạnh mẽ từ “nước chấp nhận tiêu chuẩn công nghệ” sang “nước định hình tiêu chuẩn công nghệ”, nhất là một số công nghệ mới như mạng 5G. Năng lực thiết lập tiêu chuẩn công nghệ quốc tế của Trung Quốc được củng cố khi các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc phát triển lớn mạnh và Chính phủ Trung Quốc dành nhiều nguồn lực để nâng cao năng lực tham gia các diễn đàn, tổ chức đa phương khu vực và quốc tế về thiết lập tiêu chuẩn công nghệ. Từ năm 2017, Trung Quốc đã trở thành nước thứ hai trên thế giới có số lượng đăng ký bản quyền sáng chế công nghệ nhiều nhất tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ sau Mỹ (4). Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường IPLytics (Đức), tính đến tháng 2-2021, Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) là công ty viễn thông nắm giữ số lượng bằng sáng chế toàn cầu về công nghệ 5G lớn nhấttrên thế giới với 15,39%. Trong khi đó, Qualcomm của Mỹ là 11,24%, Samsung (Hàn Quốc): 9,67%, Nokia (Phần Lan): 9,01%), Ericsson (Thụy Điển): 4,35% và Sharp (Nhật Bản): 3,65%(5).
Ngày 1-3-2018, Trung Quốc công bố kế hoạch nghiên cứu hoạch định chiến lược “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” (China Standard 2035). Việc nghiên cứu hoạch định chiến lược “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035”được tiến hành trong giai đoạn 2018 - 2020 với nhiều cuộc hội thảo, khảo sát thực địa giữa các tập đoàn công nghệ hàng đầu, các cơ quan chính phủ và học giả Trung Quốc để hình thành một kế hoạch triển khai(6). Chiến lược này có tính bổ trợ và gắn kết với chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc” (Made in China 2025) nhằm củng cố vị thế toàn cầu của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.
Sau hai năm nghiên cứu, năm 2020, Trung Quốc công bố “Một số điểm chính của kế hoạch tiêu chuẩn quốc gia”, tập trung vào hai cấp độ là tăng cường nội lực của hệ thống tiêu chuẩn bản địa và tiến tới thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu.
Ở cấp độ thứ nhất, Trung Quốc xác định ba định hướng chính, bao gồm: Thứ nhất, đẩy mạnh thể chế hóa; lồng ghép chiến lược tiêu chuẩn hóa vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lần thứ mười bốn của các bộ, ngành, địa phương. Ngày 10-10-2021, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ Viện Trung Quốc đã ban hành “Chương trình phát triển tiêu chuẩn hóa quốc gia”, phát huy vai trò của thị trường, chú trọng tiêu chuẩn cho tăng trưởng xanh, đổi mới côngnghệ, phát triển công nghiệp an toàn xã hội và dịch vụ công(7). Thứ hai, cải cách công tác quản lý tiêu chuẩn hóa nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu năng quản lý ở các cấp bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh về thiết lập tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Thứ ba, tăng cường xây dựng hệ thống tiêu chuẩn của Trung Quốc và năng lực dẫn dắt tiêu chuẩn chất lượng cao của Trung Quốc, trong đó tập trung vào các sản phẩm công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, những công nghệ liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các lĩnh vực khác (nông nghiệp, nông thôn, hàng tiêu dùng, quản trị xã hội…).
Ở cấp độ thứ hai, Trung Quốc cũng xác định ba định hướng chính(8): Một là, tham gia sâu vào các cơ chế quản trị và cơ chế ra quyết định của các tổ chức tiêu chuẩn toàn cầu, như Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU)... Các tập đoàn của Trung Quốc, như Huawei, Alibaba, Haier,… tham gia tích cực vào cơ chế hoạch định chính sách của các hiệp hội doanh nghiệp về tiêu chuẩn, như Hội Kỹ sư điện và điện tử (IEEE). Hai là, xúc tiến việc đàm phán, xây dựng và chia sẻ các tiêu chuẩn toàn cầu trong các lĩnh vực năng lượng mới, vật liệu mới, máy tính lượng tử, sản phẩm kỹ thuật số, chế tạo thông minh nhằm phát huy các lợi thế của Trung Quốc về tiêu chuẩn kỹ thuật, đưa ra các tiêu chuẩn ISO và IEC phiên bản của Trung Quốc. Ba là, thúc đẩy hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn hóa trong các cơ chế và tổ chức, như Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); các nước khu vực Đông Bắc Á, Trung Á, Nam Á, cùng một số nước, như Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Canada, Nga, Saudi Arabia.
Đáng chú ý, Trung Quốc tích cực triển khai “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (DSR), đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng công nghệ, hạ tầng số để quảng bá các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc ra thế giới(9). Từ năm 2013 - 2020, các doanh nghiệp của Trung Quốc đã ký kết 116 hợp đồng triển khai các hệ thống thành phố thông minh trên toàn cầu, trong đó có 70 dự án tại các nước trong Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI). Tháng 4-2019, nhân dịp Diễn đàn cấp cao BRI lần thứ hai, Viện Tiêu chuẩn hóa quốc gia Trung Quốc đã công bố hai nền tảng để thúc đẩy hợp tác tiêu chuẩn kỹ thuật trong khuôn khổ BRI, bao gồm: “Nền tảng thông tin cùng nhau xây dựng tiêu chuẩn quốc gia” và “Nền tảng tiêu chuẩn hóa phiên dịch thông minh song ngữ Trung Quốc - Anh trên nền điện toán đám mây”, nhằm phục vụ công tác phiên dịch các hệ thống tiêu chuẩn của Trung Quốc từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Anh để phổ biến.
Theo giới phân tích, việc Trung Quốc triển khai chiến lược “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” cũng tạo ra một số tác động đối với môi trường chính trị - an ninh, kinh tế và hợp tác khoa học - công nghệ toàn cầu.
Thứ nhất, môi trường chính trị - an ninh toàn cầu trở nên bất định hơn, cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng, mở rộng ra lĩnh vực định hình tiêu chuẩn công nghệ số. Chiến lược “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” được các nước phương Tây nhìn nhận không chỉ dưới góc độ cạnh tranh kinh tế đơn thuần mà bao gồm cả an ninh và chính trị đối ngoại. Báo cáo đánh giá an ninh thường niên do Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ công bố vào tháng 4-2021, nhận định, Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với năng lực cạnh tranh công nghệ của Mỹ” và vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các công nghệ mới nổi “ngày càng bị thách thức, chủ yếu từ Trung Quốc”(10). Theo đó, Mỹ điều chỉnh chính sách, phát huy vai trò lớn hơn trong thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ quốc tế thông qua các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn công nghệ, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan liên bang với nhau cũng như với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, gia tăng phối hợp với các đồng minh và cả những đối tác là các nước đang phát triển. Cách tiếp cận này bổ trợ cho cách tiếp cận trước đây chủ yếu dựa vào khả năng ảnh hưởng tới thị trường quốc tế của các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ(11). Hợp tác định hình tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu của các nền dân chủ phương Tây đã trở thành một trong những ưu tiên của hợp tác Mỹ - EU, thể hiện qua Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- EU ngày 15-6-2021(12) cũng là một trong những minh chứng điển hình.
Sự cạnh tranh, tập hợp lực lượng của các nước lớn trên các diễn đàn đa phương gia tăng. Trung Quốc đã nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong một số tổ chức, như Tổng Thư ký ITU, Chủ tịch ISO và IEC. Trung Quốc thúc đẩy hợp tác tiêu chuẩn hóa ở cấp độ khu vực. Năm 2019, Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Tiêu chuẩn hóa quốc tế Trung Quốc - ASEAN; đồng thời, thiết lập khoảng 300 tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC với ASEAN, khu vực Nam Á, Trung Âu và Đông Âu(13). Trung Quốc cũng thúc đẩy vai trò trong các cơ quan của Liên hợp quốc, nhất là tại WIPO.
Thứ hai, tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập, liên kết kinh tế số và phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh COVID-19 chịu rủi ro ngày càng lớn trong bối cảnh phân tách kinh tế - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng trở nên sâu sắc hơn. Thế giới đứng trước rủi ro bị phân mảng thành các khối tiêu chuẩn công nghệ khác nhau, không tương thích, thậm chí đối nghịch nhau. Dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ đã thông qua chiến lược về sự lãnh đạo của Mỹ trong ngành chế tạo tiên tiến, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hình các tiêu chuẩn toàn cầu, không để các công ty sáng tạo và chế tạo của Mỹ gặp bất lợi(14). Dưới thời kỳ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Đạo luật sáng tạo và cạnh tranh năm 2021 với quy mô 250 tỷ USD đã được Thượng viện Mỹ thông qua vào ngày 8-6-2021, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực công nghệ của Mỹ và củng cố vị thế của Mỹ là lực lượng chủ đạo thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu(15). Trong khi đó, EU đưa ra các chiến lược, như Thỏa thuận xanh, Chiến lược số và Chiến lược công nghiệp giai đoạn 2019-2024 với mục tiêu củng cố vị thế của EU trong định hình tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu.
Thứ ba, việc các nền kinh tế lớn thúc đẩy các hệ tiêu chuẩn công nghệ số tương đối khác biệt, an ninh hóa các tiêu chuẩn công nghệ, gia tăng cạnh tranh chiến lược về công nghệ có thể làm giảm hợp tác khoa học -công nghệ ở cấp độ toàn cầu(16). Khía cạnh an ninh trong lựa chọn các tiêu chuẩn công nghệ số toàn cầu gia tăng khiến môi trường hợp tác toàn cầu trở nên khó khăn hơn. Theo đó, bài toán cân bằng giữa các lợi ích an ninh và hợp tác phát triển nhiều khả năng sẽ gay gắt hơn đối với mọi quốc gia, nhất là đối với các nước đang phát triển cần thu hút nguồn công nghệ hiện đại từ bên ngoài để nâng cao nội lực và phục vụ các mục tiêu an ninh, phát triển trong nước.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu nhận định, các nước đang phát triển có vai trò nhất định trong quyết định hệ tiêu chuẩn nào được áp dụng để phù hợp với quy mô thị trường ứng dụng công nghệ của các nước này(17). Trên thực tế, các quốc gia tầm trung, các nước vừa và nhỏ có xu hướng gia tăng hợp tác, bổ trợ lẫn nhau về công nghệ để hạn chế những tác động tiêu cực từ sức ép phải “chọn bên” gây ra, như Cơ chế hợp tác số Digital5 giữa Anh, Estonia, Hàn Quốc, Israel và New Zealand (sau này được nâng cấp thành Cơ chế “các quốc gia số”), Hiệp định kỹ thuật số Australia -Singaporevà Singapore - New Zealand, Hiệp định Đối tác kinh tế số Singapore - Chile - New Zealand.
Ở khu vực Đông Nam Á, việc thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử, liên kết kinh tế số trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu có sự khác biệt, không tương thích về tiêu chuẩn công nghệ giữa các đối tác kinh tế lớn của ASEAN và trong nội khối ASEAN. Các nền kinh tế châu Á có quan hệ thương mại - đầu tư chặt chẽ với Trung Quốc sẽ chịu sức ép lớn hơn về việc phải áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ do Trung Quốc dẫn dắt. Nếu cạnh tranh và phân tách công nghệ giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục gia tăng, ASEAN sẽ đứng trước thách thức bị “phân mảng” công nghệ ngay trong nội khối với các hệ tiêu chuẩn công nghệ khác nhau.
Cơ hội, thách thức và một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Về cơ hội
Một là, Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn trong áp dụng tiêu chuẩn công nghệ. Theo Trưởng nhóm công nghệ châu Á tại Ngân hàng Morgan Stanley Shawn Kim, sự “tích cực” của Trung Quốc trong phát triển công nghệ đã khiến vị thế của phương Tây về tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu trong nhiều năm qua bị thách thức. Việc các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc gia tăng cạnh tranh sẽ thúc đẩy các tập đoàn công nghệ toàn cầu đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, hoàn thiện thêm các tiêu chuẩn công nghệ. Do đó, các nước ứng dụng và triển khai công nghệ như Việt Nam nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi từ các tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu ngày càng được cải thiện.
Thứ hai, sự đa dạng và tính đa tầng nấc của hệ thống các cơ chế tạo lập tiêu chuẩn công nghệ quốc tế tạo không gian để các nước đang phát triển như Việt Nam có thể phối hợp với các quốc gia khác nâng cao vị thế và vai trò trong định hình tiêu chuẩn công nghệ ở quy mô khu vực, đẩy mạnh các sáng kiến về tiêu chuẩn hóa trong khuôn khổ ASEAN.
Thứ ba, trong bối cảnh các nước lớn gia tăng tập hợp lực lượng, các nước đang phát triển như Việt Nam có thể cân nhắc tranh thủ nhu cầu hợp tác của các cường quốc để thu hút những công nghệ phù hợp với ưu tiên phát triển quốc gia. Thông qua các mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, công tác đối ngoại có thể tạo ra những cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ phù hợp. Bên cạnh đó, việc gia tăng hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác về định hình tiêu chuẩn công nghệ cũng góp phần đưa các mối quan hệ hợp tác song phương đi vào chiều sâu theo định hướng đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng.
Thứ tư, với dân số trẻ, quy mô dân số đứng thứ 15 trên thế giới (năm 2020) cùng nền kinh tế phát triển năng động, Việt Nam có thể là điểm đến đầu tư phù hợp để các tập đoàn về công nghệ trên toàn cầu ứng dụng, thử nghiệm những công nghệ tiên tiến với hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật mới, từ đó dần hoàn thiện các hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật này.
Thứ năm, việc nghiên cứu và triển khai xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ giúp Việt Nam có cơ hội tham gia học hỏi, chia sẻ và nắm bắt quá trình định hình các tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu, góp phần hoạch định chính sách phù hợp với định hướng hợp tác với các đối tác liên quan; tham mưu về các xu hướng định hình công nghệ toàn cầu cũng như sự tương tác, cọ sát giữa các cường quốc trong lĩnh vực này.
Về thách thức
Một là, Việt Nam về cơ bản chưa thực sự có năng lực khoa học - công nghệ đủ mạnh và các tập đoàn công nghệ đủ tiềm lực để định hình tiêu chuẩn công nghệ ở cấp độ toàn cầu, như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Do đó, thách thức đối với Việt Nam là cần có chiến lược phù hợp để định vị vai trò của Việt Nam ở vị trí có lợi nhất trong tiến trình hình thành các tiêu chuẩn công nghệ số trên toàn cầu.
Hai là, sự gia tăng tính chính trị hóa và an ninh hóa trong hợp tác công nghệ, trong đó có hợp tác định hình tiêu chuẩn công nghệ số, sẽ ảnh hưởng tới hoạt động hợp tác về khoa học - công nghệ của Việt Nam với các đối tác lớn. Cạnh tranh về định hình tiêu chuẩn công nghệ số ngày càng trở thành mặt trận mới trong cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, trong đó xu hướng “cạnh tranh để phân tách” ngày càng nổi trội hơn so với xu hướng “cạnh tranh để hợp tác” trước đây.
Ba là, mặc dù hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ của Việt Nam ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, song Việt Nam vẫn có sự hạn chế về nguồn lực để tham gia rộng rãi các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế về định hình tiêu chuẩn công nghệ nhằm nắm bắt kịp thời thông tin, xu hướng hợp tác, cạnh tranh giữa các bên liên quan, phục vụ cho hoạch định chiến lược và chính sách phát triển khoa học - công nghệ trong nước.
Bốn là, thách thức về hạ tầng, công nghệ trong bối cảnh các tiêu chuẩn của các công nghệ số mới vẫn đang trong quá trình định hình. Rủi ro về sự phân mảng hạ tầng công nghệ nếu áp dụng không thống nhất các hệ tiêu chuẩn khác nhau, cũng như sự phụ thuộc vào một hệ tiêu chuẩn nhất định được xem là một trong những minh chứng rõ nét. Thực tiễn quốc tế cho thấy, một khi các hệ tiêu chuẩn công nghệ đã hình thành và ứng dụng rộng rãi, việc thay đổi sang hệ tiêu chuẩn mới đòi hỏi cần có nguồn lực khá lớn.
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta luôn nhất quán xác định khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đồng thời thống nhất quan điểm đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và quy mô của nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là nền tảng cốt lõi, đồng thời là phương tiện hữu hiệu để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu đến năm 2025 “kinh tế số đạt khoảng 20% GDP” (18); đến năm 2030, “kinh tế số đạt khoảng 30%GDP”(19).
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực chuyển biến mau lẹ và khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó cạnh tranh định hình tiêu chuẩn công nghệ số đang dần trở thành mặt trận mới; tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên toàn cầu và ở khu vực, môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, trở nên phức tạp và khó lường hơn, đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu mới, đòi hỏi công tác phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phải thích ứng nhanh chóng, chủ động đón đầu và tranh thủ tối đa các cơ hội mang lại, giúp thu hẹp khoảng cách về khoa học - công nghệ, trình độ phát triển đối với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Trên tinh thần đó, từ góc độ chính trị - đối ngoại, công tác phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thời gian tới cần tập trung triển khai một số giải pháp:
Thứ nhất, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, gắn kết chặt chẽ quá trình hội nhập quốc tế với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước. Quán triệt và triển khai hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, “Về nâng tầm và đẩy mạnh đối ngoại đa phương đến năm 2030”. Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế đối với các vấn đề khoa học - công nghệ quan trọng, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể của đất nước. Trong đó, cân nhắc chủ động tham gia thảo luận, phối hợp lập trường, quan điểm và đề xuất sáng kiến góp phần vào tiến trình xây dựng các khuôn khổ về hợp tác khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, định hình tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu, trước hết là trong hợp tác ASEAN và Liên hợp quốc, cũng như các diễn đàn, hiệp hội về tiêu chuẩn công nghệ. Phát huy vai trò là thành viên tích cực của ASEAN trong định hình cách tiếp cận chung của khu vực đối với việc tiêu chuẩn hóa các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, 5G.... Thúc đẩy hợp tác về tiêu chuẩn công nghệ giữa ASEAN với các đối tác quan trọng, hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các tổ chức chuyên ngành để tranh thủ nguồn lực cần thiết, qua đó nâng cao hệ thống tiêu chuẩn công nghệ cho Việt Nam.
Thứ hai, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác. Thông qua nền tảng quan hệ chính trị với các nước có trình độ khoa học - công nghệ cao để tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác đột phá, giúp đất nước phát huy sức mạnh nội sinh, khả năng tiếp thu, làm chủ, ứng dụng nhanh chóng các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại của thế giới, hướng dần đến tự chủ về công nghệ ở những lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu, lợi thế.
Thứ ba, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về các xu hướng phát triển lớn trên thế giới, trong đó có định hình tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu. Tìm hiểu, đánh giá các tác động của xu hướng vận động này tới việc triển khai Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030; Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tham khảo kinh nghiệm hợp tác quốc tế và ứng dụng, triển khai các công nghệ với tiêu chuẩn kỹ thuật mới để góp phần hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách liên quan tới ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực đối ngoại, quốc phòng, an ninh của Việt Nam.
Thứ tư, quán triệt và triển khai Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12-8-2021, của Bộ Chính trị, “Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài trong ứng dụng và phát triển các công nghệ với hệ tiêu chuẩn mới tại Việt Nam. Có chính sách hỗ trợ và chương trình cụ thể để phát huy hiệu quả sự đóng góp của các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài. Thông qua cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để tìm kiếm cơ hội chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ phục vụ nhu cầu trong nước, mở rộng hợp tác nghiên cứu và phát triển hướng tới đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Thứ năm, cân nhắc nghiên cứu hình thành nội hàm ngoại giao công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển của đất nước, phát huy vai trò tiên phong của công tác đối ngoại trong kết nối với các đối tác quan trọng và các xu thế phát triển lớn. Hiện nay, hoạt động ngoại giao công nghệ được nhiều quốc gia chú trọng triển khai nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ, xử lý hiệu quả mối quan hệ giữa hợp tác công nghệ và chính trị đối ngoại với các nước lớn liên quan. Các hướng triển khai chính được các nước chú trọng là: 1- Sử dụng các đòn bẩy của quan hệ chính trị đối ngoại để tạo thuận lợi, mở đường cho các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ; 2- Sử dụng những thế mạnh về khoa học - công nghệ của quốc gia để tạo đòn bẩy cho củng cố mối quan hệ chính trị đối ngoại với các nước đối tác; 3- Ứng dụng công nghệ trong hoạt động đối ngoại, như ngoại giao số, nhằm nâng cao hiệu quả triển khai một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại./.
--------------------
(1) John Seaman: “China and the New Geopolitics of Technical Standardization”,https://www.ifri.org/sites/default/files/atoms/files/seaman_china_standardization_2020.pdf , 2020
(2) Tim Nicholas Rühlig: “Technical standardisation, China and the future international order: A European perspective”, The Swedish Institute of International Affairs, Stockholm, 2021
(3) Hilary McGeachy: “US - China Technology Competition: Impacting a rules-based order”, https://www.ussc.edu.au/analysis/us-china-technology-competition-impacting-a-rules-based-order#footnote-def-2, 2019
(4) Science/Business: “China moves to number two in international patent applications”, ngày 21-3-2018, https://sciencebusiness.net/news/china-moves-number-two-international-patent-applications
(5) Xem: IPLytics: “Who is leading the 5G patent race?”,ngày 16-2-2021,https://www.iplytics.com/report/5g-patent-race-02-2021/
(6) State Administration for Market Regulation:“China Standard 2035: Project Discussion Meeting Held in Beijing”, ngày 15-5-2019,http://www.samr.gov.cn/bzjss/sjdt/gzdt/201910/t20191015_307375.html
(7) Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ Viện Trung Quốc, Chương trình phát triển tiêu chuẩn hóa quốc gia, http://www.gov.cn/zhengce/2021-10/10/content_5641727.htm, 2021
(8) Thông báo của Cục Quản lý tiêu chuẩn hóa quốc gia về phát hành “Những điểm chính của công tác tiêu chuẩn hóa quốc gia 2020”,http://www.gov.cn:8080/zhengce/zhengceku/202003/24/5494968/files/cb56eedbcacf41bd98aa286511214ff0.pdf
(9) Li Lei: “Belt and Road industrial standards to be introduced: official”, China Daily, ngày 11-9-2019,https://www.chinadaily.com.cn/a/201909/11/WS5d78ee06a310cf3e3556b120.html
(10)Office of the Director of Naitonal Intelligence: “Annual Threat Assessment of the U.S. Intelligence Community”, tr. 7, 20,https://www.dni.gov/files/ODNI/documents/assessments/ATA-2021-Unclassified-Report.pdf
(11) John Chen, Emily Walz, Brian Lafferty, Joe McReynolds, Kieran Green, Jonathan Ray and James Mulvenon: “China’s Internet of Things”, Research Report Prepared on Behalf of the U.S-China Economic and Security Review Commission, October 2018, tr. 53
(12) European Council: “EU-US Summit 2021 - Statement Towards a Renewed Transatlantic Partnership”, ngày 15-6-2021,https://www.consilium.europa.eu/en/press/press-releases/2021/06/15/eu-us-summit-statement-towards-a-renewed-transatlantic-partnership/
(13) Guangxi: “China, ASEAN strengthen intl standardization cooperation”, http://en.gxzf.gov.cn/2019-09/25/c_410694.htm, ngày 25-9-2019
(14) National Science and Technology Council: “Strategy for American Leadership in Advanced Manufacturing”, Washington DC: Office of the President of the United States, 2018, tr. 5
(15) Congress.gov: “United States Innovation and Competition Act of 2021”, ngày 6-8-2021, https://www.congress.gov/bill/117th-congress/senate-bill/1260/text
(16) Alex Capri: “Strategic US-China decoupling in the tech sector Report”, ngày 4-6-2020,https://www.hinrichfoundation.com/research/wp/tech/us-china-decoupling-tech/
(17) Robert Morgus, Jocelyn Woolbright, Jusstin Sherrman: “The Digital Deciders”, New America, ngày 23-10-2018,
https://www.newamerica.org/cybersecurity-initiative/reports/digital-deciders/
(18)Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 113
(19)Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 218
Hà Nội ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài ứng dụng công nghệ cao  (29/10/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác  (28/10/2021)
Hà Nội ứng dụng khoa học - công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh hướng tới phát triển bền vững  (15/10/2021)
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá điểm đến du lịch  (10/10/2021)
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nhận diện một số tiêu chí cơ bản của xã hội văn minh ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình trong xây dựng chính sách gia đình hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm