Hà Nội nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người dân
TCCS - Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đã đem lại nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có việc củng cố và hoàn thiện hệ thống chính sách về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Hà Nội - nơi đầu tầu của nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào, trong những năm qua đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người dân, đạt nhiều kết quả khích lệ.
Những kết quả đáng khích lệ
Trong thời gian qua, hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội của thành phố Hà Nội được bảo đảm, đời sống nhân dân Thủ đô được nâng cao. Điều này được thể hiện rõ ở những lĩnh vực sau:
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân có nhiều đổi mới về chất. Chất lượng khám, điều trị bệnh được nâng cao; ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, trong đó nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện hàng đầu của khu vực. Thành phố tập trung đầu tư nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế, đồng thời tuyên truyền nâng cao y đức và thái độ phục vụ đối với bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế Thủ đô. Triển khai mô hình nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn thành phố; cùng với đó, công tác lập hồ sơ sức khỏe điện tử được triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác quản lý y, dược, y tế dự phòng tiếp tục được tăng cường và từng bước đổi mới. Công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường trên diện rộng. Thành phố cũng thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố có kiểm soát.
Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có nhiều bước tiến bộ rõ nét. Các chỉ tiêu về tỷ suất sinh thô, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đều giảm qua từng năm. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chính quyền thành phố quan tâm, chăm sóc và trợ giúp kịp thời.
Hoạt động thể dục, thể thao của thành phố được đẩy mạnh, đóng góp nổi bật vào phong trào chung của cả nước. Hà Nội giữ vững vị trí là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thể thao có thành tích cao, giành nhiều huy chương nhất cho thể thao Việt Nam tại các giải đấu quốc tế. Đặc biệt, trong những năm qua, thể thao quần chúng được chính quyền thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao quan tâm, đầu tư phát triển, nhất là việc xây dựng, lắp đặt dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời tại các điểm công cộng. Luyện tập thể dục và tham gia hoạt động thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe đã và đang phát triển mạnh, trở thành nhu cầu tự giác trong nhân dân. Cùng với đó, Hà Nội là địa phương thực hiện hiệu quả chương trình “Sữa học đường” lớn nhất cả nước về quy mô và giá trị; kế hoạch hành động nâng cao thể lực và tầm vóc cho thanh niên Hà Nội được triển khai rộng rãi, thiết thực.
Lĩnh vực lao động, việc làm của Thủ đô có nhiều bước phát triển. Công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được đẩy mạnh. Thực hiện có hiệu quả các chính sách đào tạo nghề cho sinh viên và người lao động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường việc làm trong nước và ngoài nước. Nhiều sàn giao dịch việc làm truyền thống và trực tuyến cùng hệ thống đăng ký hồ sơ tuyển dụng, đào tạo được hình thành, hoạt động có hiệu quả. Quản lý nhà nước về lao động, việc làm chặt chẽ hơn; công tác thực hiện an toàn lao động được chú trọng. Công tác quản lý lao động người nước ngoài được tăng cường. Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động tiếp tục được đẩy mạnh. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm còn 2,21%; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng hằng năm đạt 70,2%; tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 48%.
Các chính sách đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… được quan tâm thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của toàn thành phố đạt 90,1%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp đạt 95%; tốc độ tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 30%. Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện có hiệu quả, huy động nhiều nguồn lực tài chính phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Hoàn thành chương trình xây dựng gần 10.000 nhà ở cho người có công và hỗ trợ 7.565 nhà ở cho hộ nghèo. Chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hoàn thành sớm 2 năm, đến cuối năm nay, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Đặc biệt, trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, chính quyền thành phố đã kịp thời hoàn thành hỗ trợ đợt 1 cho các đối tượng chính sách, người lao động mất việc làm với số tiền 474 tỷ đồng.
Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cũng được chính quyền thành phố quan tâm chỉ đạo. Các vấn đề gây nguy hiểm, bức xúc trong xã hội được tập trung giải quyết, như cấm kinh doanh các chất kích thích, gây nghiện (shisa, bóng cười,…) tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí (quán bar, karaoke, vũ trường,…) gắn với kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm; đấu tranh triệt phá nạn tín dụng đen, các hoạt động kiểu xã hội đen (đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, tổ chức môi giới mại dâm). Công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực được đẩy mạnh. Xây dựng, hình thành mô hình xã, phường, địa bàn dân cư, cơ quan, trường học không có tệ nạn xã hội được nhân rộng trong toàn thành phố. Bên cạnh đó, chất lượng quản lý, giáo dục, chữa trị tại các trung tâm chữa bệnh và giáo dục lao động xã hội được nâng lên. Các câu lạc bộ sau cai nghiện ma túy, đội tình nguyện xã hội tại các xã, phường, thị trấn được duy trì và hoạt động hiệu quả.
Tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội
Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền thành phố cần tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả cơ chế quản lý, bảo đảm hệ thống y tế công bằng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Nâng cao năng lực hạ tầng y tế, chất lượng mạng lưới y tế dự phòng, thực hiện tốt công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tăng cường khả năng dự báo, giám sát, phát hiện, năng lực ứng phó, khống chế các dịch bệnh, đặc biệt là năng lực ngăn chặn, giảm lây lan, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đối với những dịch bệnh lớn, đại dịch toàn cầu như đại dịch COVID-19. Cùng với đó, phát triển hệ thống y tế phổ cập, bác sĩ gia đình, gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Hiện đại hóa và phát triển nền y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong việc khám, chữa bệnh cho người dân.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và y đức của đội ngũ cán bộ ngành y tế cần tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo nhân rộng từ hệ thống y tế tuyến xã đến hệ thống y tế tuyến Trung ương. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến, giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Củng cố, nâng cao năng lực hoạt động các bệnh viện tuyến thành phố theo chuẩn quốc tế về chất lượng y tế và an toàn cho người bệnh, kết nối hiệu quả với hệ thống y tế Trung ương. Tiếp tục kiện toàn tổ chức mạng lưới, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ ở các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, phường. Hoàn thành xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu về dân cư của thành phố. Ưu tiên phát triển y tế số, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin trong đào tạo nguồn nhân lực cán bộ y, bác sĩ của ngành y tế; tập trung xây dựng, phát triển, giữ vững thương hiệu một số lĩnh vực khám, chữa bệnh đạt trình độ chuyên sâu, chất lượng cao hàng đầu cả nước; đẩy mạnh xã hội hóa đi đôi với tăng cường quản lý trong lĩnh vực y tế, nhất là hoạt động y, dược tư nhân, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt công tác dân số - gia đình, chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, thực hiện bình đẳng giới. Chú trọng, nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm mức tăng dân số hợp lý và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Lồng ghép các yếu tố về dân số vào việc hoạch định chính sách, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành. Tiếp tục đổi mới công tác truyền thông, tăng cường phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về dân số, sức khỏe sinh sản, đặc biệt là chính sách, pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản có chất lượng. Xây dựng mô hình gia đình Hà Nội “Ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; bảo đảm trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, đối tượng chính sách và có hoàn cảnh đặc biệt được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý theo pháp luật các hành vi xâm hại trẻ em. Quan tâm chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ./.
Agribank dành 3 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào 6 tỉnh khu vực miền Trung khắc phục thiên tai  (16/10/2020)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên