Tình hình kinh tế, chính trị khu vực Đông Á năm 2019 và một số dự báo năm 2020
TCCS - Năm 2019, khu vực Đông Á tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh môi trường chính trị và kinh tế toàn cầu đang có nhiều thay đổi. Đây là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa các cường quốc, thông qua các sáng kiến và một số chính sách khác nhau, nhằm không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Những diễn biến chính tại Đông Á năm 2019
Về kinh tế, năm 2019, kinh tế khu vực Đông Á chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất ổn, đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng gia tăng. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương giảm từ mức 6,3% năm 2018 xuống 5,8% năm 2019, 5,7% và 5,6% cho năm 2020 và 2021, nguyên nhân là do sự sụt giảm xuất khẩu và các hoạt động chế tạo, chế biến(1).
Kinh tế Trung Quốc: Theo báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2019 (ADOU 2019), Ngân hàng châu Á (ADB) đánh giá, do căng thẳng thương mại và tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu, kết hợp với nhu cầu nội địa suy yếu khi ngân sách của các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá thịt lợn đã tăng gần gấp đôi so với năm 2018, nên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt 6,1% trong năm 2019(2). Mặc dù vậy, mức tăng trưởng kinh tế của nước này vẫn nằm trong mục tiêu 6,0% - 6,5% trong năm 2019, đồng thời các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn tương đối ổn định.
Kinh tế Nhật Bản: Những tháng đầu năm 2019 tiếp tục giai đoạn tăng trưởng lâu nhất, kéo dài 74 tháng liên tiếp kể từ tháng 12-2012. Nhưng những tháng cuối năm 2019, kinh tế Nhật Bản lại xấu đi, do cầu nước ngoài giảm, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, sự tăng giá của đồng Yên và những lo ngại về ảnh hưởng từ tăng thuế tiêu dùng. Do vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2019 chỉ đạt 0,9%. Điểm nổi bật về kinh tế đối ngoại của Nhật Bản năm 2019 là xung đột thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc. Từ đầu tháng 7-2019, Chính phủ Nhật Bản siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình, do hai nước tranh cãi về lao động cưỡng bức trước đây. Ngoài ra, hai nước còn cắt bỏ ưu tiên thương mại dành cho nhau. Giới quan sát cho rằng với tình hình căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc tiếp tục leo thang, cả hai nền kinh tế đều sẽ phải chịu thiệt hại với phần lớn hơn nghiêng về phía Hàn Quốc, đồng thời đe dọa đến chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu(3).
Kinh tế Hàn Quốc: Trong năm 2019 kinh tế nước này chịu những tác động mạnh từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc và châu Âu, cũng như thương mại toàn cầu suy yếu. Do vậy, thị trường lao động Hàn Quốc khó khăn, nợ gia đình tăng cao, tiêu dùng nội địa giảm sút, xuất khẩu tiếp tục bị thu hẹp. Thêm vào đó, xung đột thương mại Hàn Quốc - Nhật Bản khiến Hàn Quốc gặp khó khăn nhiều hơn. Những nhân tố trên làm cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc tăng trưởng chậm lại, chỉ ở mức 2% năm 2019 (thấp nhất kể từ năm 2009), lạm phát là 1,1%(4).
Khu vực Đông Nam Á: Trước những thách thức, rủi ro của suy giảm kinh tế toàn cầu, cùng tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn được WB đánh giá là khu vực có nhiều dấu hiệu khả quan, quan hệ nội khối có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là về kết cấu hạ tầng, vẫn duy trì được đà tăng trưởng 4,8% trong năm 2019(5).
Đánh giá chung về tình hình kinh tế Đông Á năm 2019, ông Andrew Mason, Quyền Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nêu rõ: “Mặc dù triển vọng kinh tế của Đông Á và Thái Bình Dương cơ bản vẫn tích cực, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là khu vực phải tiếp tục đối mặt với những áp lực lớn bắt nguồn từ năm 2018, hiện vẫn để lại nhiều tác động bất lợi. Tình trạng bất định vẫn tiếp diễn do nhiều nguyên nhân, kể cả do các nền kinh tế phát triển tiếp tục giảm tốc, khả năng nền kinh tế Trung Quốc suy giảm diễn ra nhanh hơn dự kiến và căng thẳng thương mại chưa được giải quyết. Những trở ngại đang diễn ra như trên cần được chủ động quản lý”(6).
Về chính trị, an ninh, vấn đề bao trùm, tác động mạnh nhất đến chính trị, an ninh Đông Á nói riêng và thế giới nói chung trong năm 2019 là sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Biểu hiện tập trung của cạnh tranh chiến lược là sự cọ xát giữa Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ với Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Trong năm 2019, cả thế giới và khu vực Đông Á bị tác động bởi vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, nhưng đó mới chỉ là bề nổi của vấn đề. Bản chất của sự cạnh tranh này là sự đối đầu lịch sử về chính trị, an ninh giữa một siêu cường với một cường quốc mới nổi đang muốn thay đổi trật tự khu vực và thế giới hiện hành. Điểm mới và khác biệt của cạnh tranh chiến lược nước lớn trong năm 2019 tại Đông Á là cạnh tranh trong phát triển hạ tầng. Trong sự cạnh tranh mới này, Trung Quốc được đánh giá là có nhiều thuận lợi. Tính đến cuối tháng 6-2019, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là 3.119 tỷ USD(7), tập trung vào phát triển hạ tầng chiến lược của Sáng kiến BRI. Để đáp lại, Mỹ và Nhật Bản cũng đưa ra những chương trình thúc đẩy phát triển hạ tầng riêng. Australia cũng tham gia vào cuộc cạnh tranh này thông qua việc đóng góp ngân sách. Tuy nhiên, việc các nước lớn đầu tư mạnh cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng đã phát sinh một số vấn đề, như xây dựng công trình hạ tầng không đúng chỗ hoặc đầu tư quá nhiều tiền cho các kết cấu hạ tầng không đem lại lợi ích cho nền kinh tế và người dân. Hiện nhiều nước ASEAN đang phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, đang cố gắng cân bằng các mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, vẫn cần dựa vào Mỹ như một bảo đảm an ninh cho khu vực.
Vấn đề Triều Tiên trong năm 2019, mặc dù Mỹ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đều hy vọng đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, song thế bế tắc vẫn chưa được khai thông. Sự khác biệt về quan điểm và thiếu lòng tin là nguyên nhân chính khiến tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên khó tiến triển kể từ sau “bước ngoặt lớn” trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên và quan hệ liên Triều trong năm 2018. Phía Mỹ yêu cầu Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi nới lỏng bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Bình Nhưỡng. Còn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn giữ nguyên tắc là “hành động đổi hành động”, tức là hai bên phải cùng đồng thời hành động thay vì Triều Tiên đơn phương hành động phi hạt nhân hóa như một điều kiện tiên quyết để Washington dỡ bỏ trừng phạt. Tới cuối năm 2019, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vẫn bế tắc, hai bên chưa đạt được kết quả cụ thể nào, thậm chí còn rơi vào vòng xoáy của những động thái cảnh báo, răn đe lẫn nhau.
Nhìn chung, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2019 cho thấy chính sách siết chặt trừng phạt của Mỹ không đem lại hiệu quả, thậm chí còn được giới quan sát đánh giá là “đổ thêm dầu vào lửa”. Còn các vụ thử tên lửa và vũ khí mang tính tạo sức ép của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng chưa có tác động phá vỡ được những trở lực, đẩy câu chuyện hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vào vòng luẩn quẩn. Bế tắc hiện nay đòi hỏi cả Mỹ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, thậm chí cả một số bên có lợi ích liên quan như Trung Quốc, Nga muốn đạt được một sự thỏa hiệp cần có những cách tiếp cận linh hoạt và mềm mỏng hơn.
Tình hình Biển Đông trong năm 2019 tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên thực địa cũng như trên mặt trận pháp lý và ngoại giao.
Trên thực địa, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc có hai vấn đề mới: Một là, sau khi hoàn thành việc xây dựng và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo, cùng với việc hiện diện thường trực một lực lượng lớn các tàu hải cảnh, dân quân hàng hải ở Biển Đông cho thấy mưu đồ muốn tầm soát và kiểm soát mạnh mẽ của Trung Quốc trên vùng biển này. Điều này tạo thuận lợi cho Trung Quốc trong việc tiếp tục các hoạt động khiêu khích và gây phức tạp tình hình, như tại bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (từ tháng 7 đến tháng 11-2019); tại bãi cạn Luconia, nơi Malaysia khẳng định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này; hoặc bãi cạn Scarborough gần bờ biển phía tây bắc của Philippines. Hai là, trong năm 2019, Mỹ tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch tự do hàng hải, không chỉ về mặt tần suất thường xuyên mà còn tăng cường độ minh bạch trong việc áp dụng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), chủ yếu là đáp trả về pháp lý trước yêu sách của Trung Quốc về “đường 9 đoạn”. Ngoài ra, mức độ hiện diện tàu hải quân của các cường quốc khác như Ấn Độ, Anh, Pháp trên vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông cũng nhiều hơn. Điều này cho thấy sự quan tâm của các nước lớn về bảo đảm quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nhưng cũng cảnh báo nguy cơ va chạm cao sẽ lớn hơn.
Trên mặt trận ngoại giao và pháp lý, ASEAN và Trung Quốc đang tiếp tục đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Song những tiến triển trong năm 2019 mới chỉ mang tính hình thức, thủ tục chứ chưa đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề cốt lõi, như phạm vi áp dụng, quy định hành vi ứng xử và giá trị pháp lý của COC sau này.
Các chuyên gia khuyến cáo cần nhận thức rõ 3 vấn đề: Thứ nhất, COC không phải là mục tiêu mà là công cụ để bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật, đặc biệt áp dụng UNCLOS để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Thứ hai, COC không thể đứng trên và đứng ngoài luật pháp quốc tế. Thứ ba, không để COC trở thành công cụ để giới hạn các hoạt động tự do hàng hải và khai thác dầu khí của các quốc gia ngoài khu vực.
Dự báo những xu hướng chính ở Đông Á trong năm 2020
Năm 2020, khu vực Đông Á được dự báo sẽ chịu những tác động lớn từ kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ; từ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc; từ cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên giữa Mỹ và Triều Tiên nên vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị, an ninh. Tuy nhiên, tình hình Đông Á năm 2020 được nhận định về cơ bản không khác nhiều so với năm 2019.
Trước hết, mọi dự đoán đưa ra đều dựa trên cơ sở phân tích, nhận định về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11-2020. Theo dõi những diễn biến trên chính trường nước Mỹ năm 2019 có thể nhận thấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump không bị suy giảm nhiều về quyền lực từ cáo buộc luận tội của Hạ viện, vì phe Đảng Cộng hòa trong Thượng viện ủng hộ ông và bởi phe này cần ông D. Trump cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Khả năng tái đắc cử Tổng thống Mỹ thứ 46 hiện vẫn sáng đối với ông D. Trump, nhưng rủi ro cũng đồng thời xuất hiện ngày càng nhiều. Nhưng cho dù chính quyền mới của Mỹ thuộc đảng nào thì chính sách của tổng thống và nội các mới cũng sẽ vẫn chú trọng đến xử lý các vấn đề nội bộ vì chính trường Mỹ hiện đang chia rẽ, nhiều bất đồng giữa hai đảng lớn khiến Chính phủ dường như tê liệt không giải quyết được nhiều vấn đề trong nước. Do vậy, Chính phủ mới sẽ phải tập trung nhiều hơn trong việc giải quyết những vấn đề nội bộ. Vì thế, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có tác động rất lớn đến tình hình khu vực Đông Á và thế giới, nhưng sẽ không xảy ra biến động lớn trong năm 2020.
Thứ hai, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tại khu vực vẫn tiếp tục tác động làm xuất hiện những xu hướng mới buộc các nước ASEAN phải nắm bắt và điều chỉnh chính sách của mình. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã làm xuất hiện xu hướng dịch chuyển dòng chảy thương mại, đầu tư từ Trung Quốc sang các nước láng giềng ASEAN. Đây là cơ hội để các nền kinh tế ASEAN nâng cao năng lực sản xuất, thu hút đầu tư, tăng cường xuất khẩu sang các thị trường, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc.
Xu hướng bảo hộ thương mại và cạnh tranh chiến lược vẫn tiếp tục là nhân tố gây trở ngại cho hệ thống đa phương tại khu vực trong năm 2020. Chẳng hạn, Nhật Bản đang đặt ra vấn đề liệu có nên ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) hay không, vì giá trị kinh tế và chiến lược của RCEP với Nhật Bản đã giảm sút nhiều do không có sự tham gia của Ấn Độ ở giai đoạn đàm phán cuối. Hơn thế nữa, sự suy giảm hệ thống đa phương còn gây nên những khó khăn trong việc phối hợp xử lý những vấn đề chung như chống biến đổi khí hậu hay chống phổ biến vũ khí hạt nhân...
Thứ ba, các “điểm nóng” ở Đông Á trong năm 2020 vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng và diễn biến phức tạp. Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn còn bỏ ngỏ với sự thận trọng của cả hai bên. Cơ hội hàn gắn mối quan hệ để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo trên bán đảo Triều Tiên đã trôi qua trong năm 2019. Quan hệ Mỹ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được dự báo sẽ rơi vào một vòng xoáy mới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (tháng 11-2020). Do vậy, có khả năng “điểm nóng” bán đảo Triều Tiên năm 2020 có chiều hướng xấu hơn năm 2019.
Hai bờ eo biển Đài Loan sẽ gia tăng căng thẳng trong năm 2020, bởi Trung Quốc đang tiến gần tới khả năng thực hiện tuyên bố “thống nhất Đài Loan”.
Vấn đề Biển Đông trong năm 2020 cũng được dự báo là sẽ không có đột biến. ASEAN và Trung Quốc đều hướng tới COC, nhưng các ưu tiên, lợi ích vẫn còn sự khác biệt chưa thể hóa giải. Không chỉ Biển Đông, mà cả các “điểm nóng” của khu vực đều liên quan đến nhau và liên quan đến Trung Quốc và Mỹ. Nhưng cả Mỹ và Trung Quốc trong năm 2020 đều có những mối quan tâm riêng nên khó có thể có đột phá trong cạnh tranh cũng như thỏa hiệp.
Việt Nam trong năm 2020 đảm nhiệm “trọng trách kép”, là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch luân phiên của ASEAN, nên cần theo dõi sát sao một số vấn đề:
Một là, theo dõi chặt chẽ mối quan hệ, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, tỉnh táo trước mỗi động thái của những nước này, vì đây là hai cường quốc quan trọng nhất đối với Việt Nam trong quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế. Mặc dù đầu tháng 1-2020 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn một, giảm bớt những căng thẳng thương mại leo thang trong gần hai năm qua giữa hai nước, song mối quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới này vẫn còn tiềm ẩn nhiều biến số khó lường.
Hai là, theo dõi sát sao những biến động của tình hình kinh tế thế giới, nhất là khi dịch bệnh viêm đường hô hấp mới của virus corona (COVID-19) bùng phát từ đầu năm 2020 và đang diễn biến phức tạp, tác động đến kinh tế toàn cầu, để từ đó điều chỉnh nền kinh tế đất nước, tận dụng tối đa cơ hội, bắt nhịp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vượt qua những thách thức để phát triển.
Với kinh nghiệm đã tích lũy được sau 25 năm gia nhập ASEAN, 25 năm bình thường hóa quan hệ với Mỹ, chúng ta tin tưởng rằng năm 2020, Việt Nam sẽ giải quyết thành công cả về đối nội và đối ngoại, tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam tại khu vực nói riêng và thế giới nói chung./.
------------------------------
(1) Thông cáo báo chí: worldbank.org/vi/news/press-release/2019/10/10/east-asia-and-pacific-growth-slows-as-trade-tensions-and-global-uncertainties-intensify, ngày 10-10-2019
(2) Quang Minh: “ADB bất ngờ nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2019 và 2020”, http://vneconomy.vn/adb-bat-ngo-nang-du-bao-tang-truong-gdp-viet-nam-nam-2019-va-2020-20191211131124011.htm
(3) Ngọc Hà: “Hệ lụy từ vòng xoáy đối đầu thương mại Nhật - Hàn”, https://haiquanonline.com.vn/he-luy-tu-vong-xoay-doi-dau-thuong-mai-nhat-han-109307.html, ngày 6-08-2019
(4) Related Indicators for South Korea Real GDP Growth, https://www.ceicdata.com/en/indicator/korea/real-gdp-growth, ngày 19-12-2019
(5) “Đông Á - Thái Bình Dương: Tăng trưởng chững lại và những thách thức”, http://thitruongtaichinhtiente.vn/dong-a-thai-binh-duong-tang-truong-chung-lai-va-nhung-thach-thuc-25551.html, ngày 9-01-2020
(6) “Tăng trưởng tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đạt mức 6,0%”, http://thanhtra.com.vn/quoc-te/nhan-dinh/tang-truong-tai-khu-vuc-dong-a-va-thai-binh-duong-dat-muc-60_t114c22n147633
(7) TTXVN: “Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 6-2019”, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2019-07-08/du-tru-ngoai-hoi-cua-trung-quoc-tang-manh-trong-thang-6-2019-73638.aspx., ngày 8-07-2019
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam