Hội nghị Thượng đỉnh SAARC lần thứ 14 và những vấn đề của khu vực Nam Á
Hiệp hội hợp tác các nước khu vực Nam Á (SAARC)(1) được thành lập ngày 8-12-1985, với mục đích là: xây dựng tình hữu nghị, sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, thông qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên. Hiện nay, SAARC gồm các nước: Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Nepal, Pakistan, Sri lanka.
Khu vực Nam Á có 1,5 tỉ dân, chiếm 1/5 dân số thế giới, là khu vực nghèo của thế giới. Bởi vậy, với mục đích liên kết để phát triển, giữa các nước có nhiều lĩnh vực cần hợp tác. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế của mình và của khu vực, các nước đã thống nhất tập trung vào 5 lĩnh vực chủ yếu là: nông nghiệp và phát triển nông thôn; viễn thông, khoa học công nghệ và khí hậu; y tế và dân số; giao thông; phát triển nguồn nhân lực.
Từ khi thành lập đến nay, SAARC đã tiến hành 14 Hội nghị thượng đỉnh. Hội nghị lần thứ 14 được tiến hành trong 2 ngày, từ ngày 3 đến 4-4-2007, tại New Delhi (Ấn Độ), với chủ đề: Tăng cường kết nối giữa các nước trong khu vực và giữa khu vực với thế giới. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế các nước trong khu vực có sự khởi sắc, đặc biệt là Ấn Độ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao: 9,2% trong năm 2005-2006. Hội nghị ra tuyên bố chung gồm 30 điểm, nhấn mạnh liên kết khu vực, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và tuyên bố về chống khủng bố.
Thông qua những diễn biến và kết quả của Hội nghị, có thể thấy những vấn đề chủ yếu của khu vực Nam Á hiện nay.
1. Vấn đề kinh tế, tự do hóa thương mại
Tình hình kinh tế của khu vực Nam Á vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy hợp tác kinh tế vẫn là một nội dung chủ yếu của Hội nghị lần này. Trong 30 điểm của tuyên bố chung, có tới 14 điểm liên quan trực tiếp đến kinh tế, chưa kể những phần có liên quan gián tiếp. Trong những năm gần đây, mặc dù tăng trưởng kinh tế của các nước trong Hiệp hội có khá hơn, nhất là của Ấn Độ, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chung của khu vực vẫn còn khá khiêm tốn, do vậy nhiều vấn đề xã hội chưa được giải quyết, đồng thời, những vấn đề mới lại nảy sinh. Chính vì thế, chủ đề của Hội nghị là tăng cường liên kết, thực chất là tăng cường khả năng giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước thành viên, để từ đó, có thể hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Cụ thể là:
- Cam kết xây dựng một hệ thống thương mại tự do, thống nhất để tạo ra cơ hội mới và tăng trưởng kinh tế cho các nước thành viên. Không chỉ chú ý đến liên kết, hợp tác trong khu vực, Hội nghị còn kêu gọi khôi phục lại vòng đàm phán Đôha, tập trung vào vấn đề phát triển, kêu gọi các nước thành viên WTO thực hiện cam kết của họ để có thể sớm kết thúc vòng đàm phán này. Điều đó cho thấy các nước Nam Á, mặc dù khả năng hội nhập kinh tế thế giới còn hạn chế, nhưng cũng đã nhận thấy sự vai trò tác dụng và sự cần thiết của một hệ thống thương mại tự do.
- Thúc đẩy sự hoạt động của Khu vực mậu dịch tự do Nam Á (SAFTA)(2). Cho đến nay, SAFTA vẫn chưa đem lại nhiều kết quả như mong muốn của các nước thành viên, vì thế, Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết của việc mở cửa thị trường, thông qua thực hiện chương trình tự do hoá, và tin tưởng rằng SAFTA sẽ tác động đến các lĩnh vực khác trong hợp tác khu vực, bao gồm cả thương mại, dịch vụ. Một hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ sẽ được đưa ra trong thời gian sớm nhất.
- Thực hiện các giải pháp thuận lợi hoá thương mại, đặc biệt trong việc tiêu chuẩn hoá các tên hiệu, tài liệu, các thủ tục cho việc thông thương hàng hoá. Hệ thống viễn thông khu vực cần được nâng cấp để mở rộng khả năng kết nối mọi người trong khu vực, đồng thời, thực hiện các biện pháp tự do hoá thuế quan trong ngành viễn thông, trên cơ sở có đi có lại.
- Hợp tác kinh tế được mở rộng sang cả lĩnh vực đầu tư. Hội nghị kêu gọi các nước cần đi đến ký kết hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư một cách sớm nhất. Đây cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của SAARC, khi mà khả năng đầu tư nội khối còn hạn chế, khả năng thu hút FDI từ bên ngoài chưa được nhiều. Ngay như Ấn Độ, trong năm tài chính 2006-2007, mặc dù lượng FDI đạt mức kỷ lục, nhưng cũng chỉ được 16 tỉ USD, trong khi Trung Quốc đạt tới hơn 60 tỉ USD và tính chung từ 1991 đến nay, Ấn Độ mới thu được 38,9 tỷ USD(3).
- Nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai và sớm đưa vào thực hiện một liên minh thuế quan và tiếp theo là một liên minh kinh tế tại Nam Á. Theo quy luật phát triển, các liên kết kinh tế này sớm muộn cũng sẽ hình thành, nhưng nếu có sự chủ động thì việc hình thành sẽ nhanh hơn và tác dụng của chúng sẽ cao hơn.
2. Vấn đề nghèo đói
Đây vẫn là vấn đề lớn của SAARC và chưa dễ dàng giải quyết ngay được. Nam Á là khu vực còn nghèo của thế giới, và đang phải đối mặt với những thách thức về an ninh lương thực, dinh dưỡng…Tình hình sản xuất nông nghiệp trong khu vực lại đang diễn ra trong tình trạng đất đai suy giảm độ màu mỡ và khả năng cung cấp nước tưới ở khu vực rất khó khăn: nhiều nơi đất bị sa mạc hoá do phá rừng, độ màu mỡ bị cạn kiệt do sử dụng phân hoá học quá nhiều…
Mặc dù trong những năm qua, một số nước thành viên của SAARC đã đạt được những thành tựu nhất định trong phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề nghèo đói, nhưng nhìn chung, khoảng cách phát triển giữa các vùng, cũng như giữa các khu vực trong mỗi nước còn khá lớn, sự phân hoá xã hội ngày càng gay gắt, sự chênh lệch về hưởng thụ phúc lợi xã hội còn lớn …
Để vượt qua thách thức về nghèo đói, bệnh tật, vì triển vọng của khu vực, Hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với nhau giữa các nước thành viên. Ủy ban xoá nghèo đói để phát triển của SAARC đã được hình thành nhằm đạt những tiến bộ nhanh hơn trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs)(4). Các chương trình quốc gia về xoá đói, giảm nghèo cần phải trở thành một nội dung quan trọng hoạt động của các chính phủ. Việc huy động các nguồn lực để đạt mục tiêu phát triển khu vực sẽ là một ưu tiên cao trong thập kỷ xoá đói nghèo. Trong các nội dung hợp tác kinh tế của khối, thì định hướng quan trọng là phải chú ý hỗ trợ người nghèo trong khu vực và hợp tác trên cơ sở các dự án cụ thể. Chiến lược để giải quyết tình trạng nghèo khổ một cách có hiệu quả là phải tăng cường đầu tư vào con người và kết cấu hạ tầng, tăng cường ngân sách vào các khu vực phù hợp và cải thiện phân phối dịch vụ, thực hiện tốt nhất các dự án quốc tế về xoá đói, giảm nghèo. Những biện pháp thiết thực trong công cuộc chống đói nghèo là tăng cường sản xuất nông nghiệp, nâng cao tiền lương thực tế trong khu vực nông thôn, từ đó tạo ra sự ổn định trong xã hội.
3. Vấn đề năng lượng, môi trường
- Về năng lượng: các nước Nam Á đều trong tình trạng thiếu năng lượng, hoặc sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng thiếu năng lượng. Cải cách kinh tế dẫn tới tiêu thụ ngày càng nhiều nhiên liệu, năng lượng, trong khi sức cung có hạn. Nhu cầu năng lượng của các nước trong khu vực sẽ ngày càng cao hơn. Đồng thời, những yếu tố về chính trị cũng làm cho an ninh năng lượng của khu vực trở nên cấp bách hơn. Điều đó đòi hỏi phải có sự hợp tác để xây dựng một kế hoạch chung, đảm bảo an ninh năng lượng cho tất cả các nước trong khu vực. Chẳng hạn như: khai thác các nguồn năng lượng bền vững, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh như thuỷ điện, năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời, năng lượng gió; hình thành cộng đồng năng lượng Nam Á, tạo nên một hệ thống hài hoà với một cơ cấu trao đổi năng lượng có hiệu quả trong khu vực.
- Vấn đề môi trường là một trong 4 nội dung sẽ nằm trong các dự án chung của khu vực. Hội nghị bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về việc môi trường của khu vực đang tiếp tục suy giảm và nhấn mạnh cần thiết phải tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa các nước để bảo vệ và giữ gìn môi trường, coi đây là một lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác khu vực. Theo số liệu điều tra tại Ấn Độ và Bangladesh cho thấy: do nguồn nước sinh hoạt thiếu trầm trọng, đã gây ra nhiều loại bệnh tật cho con người. 60% dân số nông thôn vẫn thiếu điện, nước. Mực nước ở nhiều vùng đang ngày càng bị hạ thấp. Ở miền Tây Ấn Độ, năm 1970 mực nước ngầm ở độ sâu khoảng 5,5m, thì nay đã xuống đến 100m, do việc khai thác nước diễn ra quá mức(5).
Hiện nay, những vấn đề môi trường của khu vực đang nổi lên là: kiểm soát và sử dụng các nguồn nước (nước ngầm đang bị ô nhiễm a-sen, tác động xấu đến sức khoẻ con người, thiếu nước tưới và sinh hoạt, nhưng đồng thời tình hình lũ lụt ở nhiều nơi cũng rất nghiêm trọng…); sự thay đổi khí hậu toàn cầu và sự tăng lên của mực nước biển, động đất, sóng thần... Việc đánh giá, dự báo và quản lý những rủi ro và tác động của môi trường đến đời sống, do thiên tai có xu hướng ngày càng phức tạp hơnlà vấn đề vô cùng bức thiết(6), trong khi đó, khả năng dự báo và khống chế, khắc phục của mỗi nước còn hạn chế. Vì vậy cần có sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức giữa các nước để giảm thiểu những tác động tiêu cực của tự nhiên với con người. Với tinh thần đó, năm 2007 được chọn là năm Nam Á xanh (năm 1992 là năm môi trường của SAARC và năm 2002-2003 là năm đóng góp của tuổi trẻ SAARC cho môi trường).
4. Vấn đề chống khủng bố
Do đặc thù của khu vực, tình trạng khủng bố diễn ra tại đây không chỉ gây mất ổn định và an ninh cho mỗi nước, cho khu vực, mà còn gây mất đoàn kết, nghi kỵ lẫn nhau giữa các nước. Hội nghị nêu rõ chủ nghĩa khủng bố là mối đe doạ cho hoà binh, an ninh trong khu vực và khẳng định lại một cách rõ ràng sự cam kết của các quốc gia trong việc chống chủ nghĩa khủng bố. Trong khi tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố, Hội nghị kêu gọi cần có một hiệp định toàn diện về chống khủng bố trên phạm vi quốc tế. Đồng thời với chống khủng bố, Hội nghị cũng đề cập đến tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em và các tội phạm xuyên quốc gia khác, coi đó là những vấn đề cấp bách cần được nhanh chóng giải quyết.
5. Vấn đề văn hoá, giáo dục, y tế
- Quan hệ văn hoá, xã hội giữa các nước SAARC dựa trên một nền tảng lịch sử và địa lý chung, và, trong tương lai, khu vực Nam Á sẽ liên kết với nhau. Xuất phát từ thực tế về giáo dục của khu vực, hội nghị đã quyết định thành lập trường Đại học Nam Á tại Ấn Độ, đồng thời tăng cường hợp tác và đối thoại về giáo dục, thông qua việc trao đổi giữa các viện khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các sinh viên và giáo viên…. Việc thành lập trường đại học có trình độ quốc tế này là biểu tượng quan trọng của ý tưởng liên kết.
- Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, trao đổi, coi đó là yếu tố cơ bản trong thúc đẩy liên kết, hội nhập khu vực. Mở rộng các hoạt động của ngành du lịch và tăng cường trao đổi các hoạt động của tuổi trẻ, các hiệp hội, quốc hội; đề xuất chương trình hoạt động văn hoá và tiến hành tổ chức các Festival SAARC.
- Ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong các hoạt động xã hội và coi đây là một trong các lĩnh vực để các nước thành viên hợp tác với nhau. Do vậy, các dự án khu vực cần chú trọng vào những vấn đề liên quan đến phụ nữ.
- Đưa ra kế hoạch xây dựng mạng lưới điều trị y tế từ xa (mỗi nước 2 bệnh viện) và kết nối với bệnh viện đặc biệt tại Ấn Độ.
- Bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình trạng tham nhũng ở các nước trong khu vực. Năm 2004, trong số 146 nước được điều tra về tham nhũng, Ấn Độ đứng thứ 90, năm 2005, đứng thứ 88 trên 159 nước, Sri Lanka đứng thứ 78. Ngay cả thủ đô New Delhi - một trung tâm kinh tế, chính trị lớn - cũng đứng thứ 10 trên tổng số 35 bang và vùng lãnh thổ của Ấn Độ về tham nhũng(7).
- Thành lập Quỹ phát triển (SDF)(8) trị giá 300 triệu USD. Quỹ này sẽ là một công cụ quan trọng mang lại lợi ích cho nhân dân trong khu vực. Nguồn lực để huy động cho SDF có thể từ trong và cả ngoài khu vực. Hội nghị cũng đưa ra kế hoạch xây dựng tại mỗi nước một làng SAARC làm khuôn mẫu điển hình phát triển để nhân rộng trong toàn
Với tư cách là nước chủ nhà, và hơn thế, với tư cách là một nước lớn trong khu vực, tại hội nghị này, Ấn Độ đã tuyên bố đơn phương miễn thuế nhập khẩu cho các nước SAARC, giảm danh mục hàng hoá loại trừ cho các nước Nam Á từ 45% xuống 10%. Ấn Độ cũng đơn phương tự do hoá thị thực cho giáo viên, sinh viên, nhà nghiên cứu từ các nước SAARC, tự nguyện đóng góp 25 triệu USD cho việc nâng cấp Ban thư ký SAARC tại Kadmandu. Cũng chính Ấn Độ đã đề nghị nối tất cả thủ đô các nước bằng các đường bay trực tiếp, coi đó là bước đi đầu tiên của sự liên kết.
Mặc dù nội dung của Hội nghị khá phong phú, chiều hướng phát triển có nhiều sáng sủa; sự tham dự của 5 quan sát viên là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU cho thấy các nước trên thế giới đã càng ngày càng quan tâm hơn đến SAARC, nhưng cũng cần phải khẳng định một thực tế là kết quả của Hội nghị còn khiêm tốn, các dự án cụ thể còn ít, khả năng biến các ý tưởng thành hiện thực còn nhiều khó khăn. Quá trình tự do hoá thương mại nói chung, việc thực hiện SAFTA nói riêng còn nhiều cản trở, do vậy để có một SAFTA trong thực tế còn mất khá nhiều thời gian và công sức.
Nếu như sự liên kết khu vực thành công, thì vai trò của SAARC sẽ ngày càng lớn hơn và một tương lai cho SAARC sẽ ngày càng tươi sáng hơn.
Tài liệu tham khảo:
2. Financial Express tuần từ 2-7/4/2007
3. www.economywatch.com,1-12/4/2007
4. http://www.business-standard.com/, ngày 7/4/2007
5. http://www.financialexpress.com/, ngày 8/4/2007
6. http://www.indiainbusiness.nic.in/, ngày 7/4/2007
7. http://www.saarc-sec.org/main.php
(2) South Asian Free Trade Area – SAFTA
(3)The Times of India - 20/4/2007
(4) The Millennium Development Goals - MDGs.
(5)Geographic Information Science số: 6-2005
(6)Trận lũ lụt tại Mumbai vào tháng 7/2005 có thế giảm tăng trưởng của Ấn Độ tới 1%. Điều này cho thấy, sự phụ thuộc của nền kinh tế Ấn Độ vào thiên nhiên, cũng như sự phân bố kinh tế vùng còn nhiều vấn đề tồn tại . (Financial Express -16/8/2005)
(7) The Financial Express ngày 5-10-2006.
(8) The SAARC Development Fund – SDF.
Cảnh bần cùng của những người lao động Mỹ  (17/05/2007)
“Quyết tâm” xây dựng Nghệ An “trở thành một tỉnh gương mẫu”  (17/05/2007)
Ninh Thuận sau hơn 20 năm đổi mới và phát triển  (17/05/2007)
Thực hiện Quy chế Dân chủ ở Thái Bình - thành tựu và kinh nghiệm  (17/05/2007)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển