Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, mạnh về kinh tế biển
Chiếm 0,6% diện tích tự nhiên, trên 1% dân số cả nước nhưng hằng năm, Bà Rịa -Vũng Tàu cung cấp 40% sản lượng điện quốc gia, tạo ra 11% GDP và đóng góp trên 30% tổng thu ngân sách nhà nước. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV đề ra mục tiêu: "Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành tỉnh công nghiệp, mạnh về kinh tế biển vào đầu thời kỳ 2010 - 2015".
1 - Khơi dậy tiềm năng, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển của khu vực và cả nước
Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ở miền Đông Nam Bộ, giáp với tỉnh Đồng Nai ở phía Bắc, với Thành phố Hồ Chí Minh ở phía Tây, với tỉnh Bình Thuận ở phía Đông, còn phía nam giáp với Biển Đông. Đây chính là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ. Vị trí này cho phép Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển như: khai thác dầu khí trên biển, khai thác cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển. Ở vị trí này, tỉnh còn có điều kiện phát triển tất cả các tuyến giao thông đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt và là một địa điểm trung chuyển đi các nơi trong nước và trên thế giới.
Nói về tiềm năng phát triển của Bà Rịa - Vũng Tàu, trước hết phải kể đến dầu khí. Trên thềm lục địa Đông Nam Bộ, tỉ lệ các mũi khoan thăm dò, tìm kiếm gặp dầu khí rất cao. Tại đây, đã phát hiện được các mỏ dầu có giá trị thương mại lớn, như Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Rạng Đông... Trữ lượng công nghiệp của các mỏ này cho phép khai thác 20 triệu tấn dầu mỗi năm. Khí đồng hành và khí thiên nhiên cũng có trữ lượng lớn (khoảng 300 tỉ m3), cho phép khai thác 6 tỉ m3 mỗi năm. Riêng khu vực lòng chảo Côn Sơn, đã phát hiện được hai mỏ khí thiên nhiên là Lan Tây và Lan Đô, với trữ lượng khoảng 58 tỉ m3, mỗi năm có thể khai thác từ 1 đến 3 tỉ m3.
Tiềm năng khai thác và chế biến hải sản của Bà Rịa - Vũng Tàu là rất lớn. Theo số liệu của ngành thủy sản, vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có nguồn hải sản rất đa dạng, gồm 660 loài cá, 35 loài tôm, 23 loài mực..., cho phép mỗi năm khai thác khoảng 200.000 tấn. Tỉnh còn có 10.000 ha mặt nước có thể phát triển việc nuôi trồng các loại hải sản, đặc biệt là nuôi tôm - một mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Nghề khai thác và nuôi trồng hải sản đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghề chế biến hải sản phát triển. Đây là nghề truyền thống của tỉnh, với nhiều thành phần kinh tế tham gia, ở những quy mô khác nhau.
Tiềm năng khai thác cảng biển và vận tải biển là lợi thế rất lớn của Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự trữ công suất cảng biển của tỉnh có thể đạt tới 80 triệu tấn hàng hóa luân chuyển mỗi năm. Khu vực Sao Mai - Bến Đình, thuộc thành phố Vũng Tàu, có khả năng xây dựng cảng nước sâu cho tàu trọng tải trên 100.000 tấn ra vào, với tổng công suất 50 triệu tấn hàng hóa luân chuyển mỗi năm. Côn Đảo có vịnh Bến Đầm, chiều rộng trung bình là 1,6 km, chiều dài là 4km, sâu từ 6m đến 18m, kín gió; tại đây đã xây dựng và đưa vào sử dụng Cảng Bến Đầm, có chiều dài cầu cảng là 336m, cho phép tiếp nhận tàu trọng tải 2.000 tấn...
Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tỉnh có 156km bờ biển, với những bãi tắm đẹp, cát dài thoai thoải, nước trong và sạch quanh năm, như Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dâu, Bãi Dứa (Vũng Tàu), Long Hải (Long Đất), Hồ Cốc, Hồ Tràm (Xuyên Mộc)... Gắn liền với các bãi tắm là các khu rừng nguyên sinh Bình Châu - Phước Bửu và suối nước khoáng nóng Bình Châu. Ngoài ra còn có Vườn quốc gia Côn Đảo, diện tích là 6.043 ha, với hệ động, thực vật phong phú, và cạnh đó là di tích hệ thống nhà tù Côn Đảo.
Do có các tiềm năng lớn, nhất là tiềm năng khai thác dầu khí và khai thác cảng biển, lại có trung tâm điện năng lớn nhất cả nước là Phú Mỹ, nên Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều khả năng trong việc thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp. Đến nay, tại các khu công nghiệp đã có 89 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 3 tỉ USD.
Sau 15 năm cùng cả nước tiến hành công cuộc đổi mới (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập năm 1991) và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ III, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo thế và lực mới cho sự phát triển đi lên.
Đi vào cụ thể, có thể thấy một số thành tựu nổi bật như sau:
- Tổng sản phẩm GDP trong giai đoạn 1992 -2005, kể cả dầu khí, tăng bình quân 14,7% mỗi năm; không kể dầu khí, tăng 21% mỗi năm. GDP bình quân đầu người 2005, kể cả dầu khí, đạt khoảng 7.050 USD, gấp 7,2 lần so với năm 1992; không kể dầu khí, đạt khoảng trên 2.570 USD, gấp 13,9 lần so với năm 1992.
- Kinh tế công nghiệp phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng cao; nhiều cơ sở công nghiệp với vốn đầu tư lớn và sản phẩm có giá trị cao như khí, điện, đạm, thép... phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương. Các ngành dịch vụ phát triển khá nhanh. Nhiều khu du lịch lớn và khách sạn cao cấp đã đưa vào hoạt động tại các địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh. Các loại hình dịch vụ cảng, vận tải, bưu chính - viễn thông, tài chính - ngân hàng đều có bước phát triển. Các ngành nông - lâm - ngư nghiệp tăng trưởng khá. Tỉnh đã đầu tư trên 450 tỉ đồng để hoàn thành các chương trình, dự án phục vụ cho phát triển kinh tế nông ngiệp và nông thôn.
- Công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" được đẩy tới một bước. Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện tốt hơn. Số dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép tăng gấp 3 lần trong 5 năm 2001 - 2005, và đứng đầu cả nước năm 2006. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa; kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân phát triển mạnh về vốn và số lượng doanh nghiệp.
- Sự nghiệp văn hóa - xã hội được chú ý phát triển, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục - đào tạo, với tỷ lệ đầu tư chiếm 14,8% tổng chi ngân sách địa phương và tăng nhanh sau mỗi năm. Toàn tỉnh đã đạt chuẩn giáo dục trung học cơ sở vào năm 2004. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 5,6% năm 1992, lên 33% năm 2005. Nhờ vậy, trình độ dân trí ngày càng được nâng lên; chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện; khoa học, công nghệ từng bước được ứng dụng vào quản lý và sản xuất; chương trình xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội đạt kết quả cao; hoạt động văn hóa, thể thao phát triển mạnh. Bằng phong trào hành động của toàn xã hội, tỉnh cơ bản xóa hộ nghèo theo chuẩn cũ; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh được phụng dưỡng và hỗ trợ; 100% hộ nghèo và chính sách được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 96% hộ gia đình dùng điện lưới quốc gia; 47% dân số nông thôn sử dụng nước sạch. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng tích cực. Đến nay, có 85% hộ gia đình, 70% thôn, ấp, khu phố và 70% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hóa; Côn Đảo trở thành đơn vị huyện thứ 2 trong cả nước đạt danh hiệu "Huyện văn hóa".
- Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên các mặt giáo dục tư tưởng chính trị, kiện toàn tổ chức, kiểm tra đảng viên chấp hành các nghị quyết và Điều lệ Đảng, phát triển đảng viên mới, nhằm xây dựng các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, trình độ lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao của từng ngành, từng địa phương cũng như trong phạm vi toàn tỉnh. Hằng năm, có trên 80% tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh; số đảng viên được kết nạp đạt từ 10% đến 19%.
Điều cần nhấn mạnh là, trong năm 2006, hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội của tỉnh đều tăng trưởng và có bước chuyển biến hơn so với năm 2005 và các năm trước đó. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài đạt mức rất cao, đứng đầu cả nước; vốn doanh nhân và doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng trên 70% so với năm 2005.
2 - Những bài học kinh nghiệm và hạn chế, yếu kém
Từ những thành tựu đã đạt được trong phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đúc rút được một số bài học kinh nghiệm (cũng là nguyên nhân của các thành tựu) như sau:
Một là, xác định đúng cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Đây là cơ cấu kinh tế hợp lý, phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Hai là, ưu tiên đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm thu hút các dự án, vốn đầu tư cho phát triển và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Ba là, coi xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, đồng thời thường xuyên cải thiện đời sống nhân dân.
Bốn là, trong xây dựng, phát triển kinh tế, phải đặc biệt coi trọng khai thác, tận dụng các lợi thế so sánh, nhất là lợi thế về tiềm năng kinh tế biển.
Năm là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vừa có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, vừa tạo được sự nhất trí cao về chính trị trong đại đa số nhân dân lao động, tăng cường được nội lực của địa phương về mọi mặt.
Sáu là, quán triệt tinh thần, nội dung cơ bản trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ (đặc biệt là trong tập thể cấp ủy và cán bộ chủ chốt), nghiêm túc thực hành phê bình và tự phê bình là những điều kiện cốt yếu bảo đảm đoàn kết nội bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác.
Những thành tựu và kinh nghiệm mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đạt được thời gian qua có giá trị thực tiễn to lớn đối với quá trình xây dựng tỉnh từ nay về sau. Tuy nhiên, đó cũng mới là bước đầu. Bên cạnh những gì đã đạt được, tỉnh còn không ít hạn chế, yếu kém như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong đó, điều đáng lưu ý là tỷ trọng kinh tế địa phương trên địa bàn còn quá thấp. Nguồn thu trên địa bàn chưa mang tính bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu dầu khí. Một số vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt. Y tế, giáo dục chưa đạt chất lượng theo yêu cầu. Đời sống nhân dân được cải thiện nhưng chưa cơ bản. Công tác quản lý đô thị vẫn còn nhiều yếu kém; tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép, không phép chưa chấm dứt; quy hoạch treo vẫn là nỗi khổ của người dân trong vùng quy hoạch; thất thoát trong xây dựng cơ bản vẫn chưa được khắc phục; những vướng mắc trong công tác đền bù giải tỏa, tái định cư, tái ổn định cuộc sống vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tội phạm hình sự, tai nạn giao thông vẫn còn xảy ra nghiêm trọng; tệ nạn xã hội có được ngăn chặn nhưng chưa được đẩy lùi. Cải cách hành chính có cố gắng nhưng tình trạng các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân vẫn chưa chấm dứt.
3 - Để trở thành tỉnh công nghiệp, mạnh về kinh tế biển vào đầu thời kỳ 2010 - 2015
Trên cơ sở nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội trong địa bàn tỉnh, kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được và dựa trên những phân tích, đánh giá sâu sắc tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2005 - 2010, đã đề ra mục tiêu tổng quát trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 như sau: Phấn đấu xây dựng, phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành tỉnh công nghiệp, mạnh về kinh tế biển, với hệ thống thương cảng quốc gia và quốc tế vào đầu thời kỳ 2010 - 2015; là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hải sản của khu vực và cả nước; nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; bảo đảm vững chắc về quốc phòng an ninh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Mục tiêu cụ thể được xác định với những nội dung chính:
- Tăng trưởng GDP trung bình mỗi năm giai đoạn 2006 - 2010 đạt 11,32% (không tính dầu khí, đạt 17,49%); giai đoạn 2011 - 2015 đạt 11,8% (không tính dầu khí, đạt 16,58%); giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,13% (không tính dầu khí, đạt 13,35%).
- Tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thúc đẩy phát triển nhanh khu vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, dịch vụ cảng và thương mại; phát triển các ngành công nghệ hiện đại, năng suất lao động cao, sản xuất hàng hóa bảo đảm chất lượng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ từng ngành kinh tế để nâng cao hiệu quả, tiến tới phát triển kinh tế tri thức. Cơ cấu kinh tế đến năm 2010: công nghiệp và xây dựng chiếm 79,34%; dịch vụ chiếm 18,74%; nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 1,92% (nếu không tính dầu khí, cơ cấu kinh tế tương ứng là: 58,04%; 38,07%; 3,89%). Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế là: công nghiệp và xây dựng chiếm 61,55%; dịch vụ tăng lên khoảng 36,8%; nông lâm, ngư nghiệp chiếm 1,65% (nếu không tính dầu khí, cơ cấu kinh tế tương ứng là: 53,23%; 44,77%; 2%).
- Tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện ngành giáo dục và đào tạo; chú trọng đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, đạt trên 50% vào năm 2010 và trên 80% vào năm 2020; tạo việc làm cho người lao động.
- Phát triển các hoạt động văn hóa - thông tin, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân (đến năm 2010, số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 25 giường, tiếp tục nâng lên 28 giường vào năm 2015 và 30 giường vào năm 2020).
- Thu hẹp chênh lệch giữa các vùng, các tầng lớp dân cư trong việc thụ hưởng dịch vụ xã hội cơ bản. Đến năm 2010, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh (cao hơn chuẩn nghèo quốc gia 1,5 lần) và tiếp tục nâng cao mức sống nhân dân trong giai đoạn tiếp theo.
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện có hiệu quả chương trình 4 giảm (gồm: tội phạm, tai nạn giao thông, tệ nạn ma túy, tệ nạn mãi dâm), giảm tối đa các tệ nạn xã hội; gìn giữ môi trường sinh thái, phát triển bền vững.
Theo đó, định hướng chính về phát triển các ngành và lĩnh vực chủ yếu như sau:
Thứ nhất, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: khai thác và chế biến dầu khí, phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ và hỗ trợ dầu khí, các ngành sử dụng khí làm nhiên liệu (như điện, đạm, khí hóa lỏng, hóa dầu, thép..), các ngành công nghiệp dịch vụ cảng, phục vụ các hoạt động vận tải biển, công nghiệp chế biến hải sản và sản xuất vật liệu xây dựng từ các nguồn nguyên liệu địa phương. Tập trung hoàn chỉnh các khu công nghiệp lớn, các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
Thứ hai, nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: cảng, đường bộ, đường hàng không, đường thủy nội địa, thông tin liên lạc, cấp thoát nước, điện. Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư cho phát triển, nhất là vào các khu công nghiệp đã được thành lập.
Thứ ba, phát triển các ngành dịch vụ với tốc độ nhanh và chất lượng cao, bảo đảm sự phát triển toàn diện và bền vững. Trước mắt, tập trung đầu tư phát triển du lịch với các loại hình du lịch trọng điểm: du lịch sinh thái rừng - biển - đảo, du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng và du lịch nghỉ dưỡng. Hình thành các trung tâm thương mại ở đô thị, các cụm thương mại ở nông thôn, hệ thống chợ; khai thác lợi thế hàng nông sản, thủy sản để đẩy mạnh xuất khẩu. Phát huy lợi thế của hệ thống vận tải cảng biển, đẩy mạnh dịch vụ vận tải thủy nội địa và đường biển, dịch vụ hàng hải quốc tế. Phát triển các hoạt động tín dụng gắn với phục vụ nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa phát triển bền vững gắn với xây dựng khu vực nông thôn có kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện. Lựa chọn và hướng sản xuất nông nghiệp vào những loại cây lâu năm dùng để xuất khẩu và làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp dịch vụ. Đầu tư phát triển thủy lợi, đưa tiến bộ khoa học vào nông nghiệp, đẩy mạnh khuyến nông, đưa giống mới vào sản xuất, tổ chức tốt công tác thú y, bảo vệ thực vật.
Thứ năm, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở. Duy trì thành quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học vào 2010.
Thứ sáu, tăng cường quản lý môi trường, hướng tới phát triển bền vững, ưu tiên sử dụng công nghệ sạch, phát triển các cơ sở dịch vụ xử lý chất thải; thường xuyên thanh tra, giám sát, bảo vệ các vùng sinh thái trọng yếu. Sử dụng hợp lý, tiết kiệm quỹ đất và tổ chức không gian lãnh thổ.
Trên cơ sở mục tiêu và định hướng nói trên, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới như sau:
Trước hết, phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong mối quan hệ quy hoạch vùng và cả nước; phát huy cao nhất lợi thế so sánh, tạo sự liên kết, hỗ trợ cùng phát triển với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ưu tiên phát triển nhanh, mạnh, vững chắc công nghiệp dầu khí, kinh tế biển, kinh tế dịch vụ và các ngành kinh tế có khả năng tăng đột biến trong giai đoạn tới.
Hai là, đầu tư chiến lược về khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn có tác động trực tiếp đến ổn định đời sống nhân dân, tạo sức bật thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Ba là, tạo bước chuyển biến toàn diện trong cải cách hành chính. Đây là khâu đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng bộ máy hành chính đáp ứng yêu cầu đổi mới và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, thuận lợi và ổn định. Phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, tạo điều kiện để mọi tổ chức và cá nhân được tự do sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bốn là, huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển của toàn xã hội, tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế theo hướng hiện đại. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu đô thị; quản lý tốt tài nguyên, môi trường, sử dụng đất có hiệu quả; quản lý quy hoạch xây dựng kiến trúc đô thị, nông thôn theo hướng phát triển bền vững.
Năm là, hoàn thành cơ bản chương trình xóa đói, giảm nghèo; tích cực giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc như việc làm, nhà ở cho người có thu nhập thấp, tệ nạn ma túy, mại dâm..., tạo tiền đề và những điều kiện để kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ và bền vững.
Sáu là, tập trung đổi mới, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và tính chiến đấu của đảng viên và tổ chức cơ sở đảng; tạo chuyển biến về chất cả phong cách lãnh đạo và tính gương mẫu của đảng viên; lấy cuộc vận động "Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" làm nòng cốt tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, bồi dưỡng niềm tin và sự gắn bó của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền.
Bảy là, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm nguy hiểm, bảo đảm kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
* *
Ninh Thuận sau hơn 20 năm đổi mới và phát triển  (17/05/2007)
Thực hiện Quy chế Dân chủ ở Thái Bình - thành tựu và kinh nghiệm  (17/05/2007)
Quan niệm của C.Mác về văn hóa và vai trò nền tảng tinh thần của văn hóa  (17/05/2007)
Một số vấn đề về phát triển báo chí nước ta hiện nay  (17/05/2007)
Bảo đảm quyền con người trong thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam  (17/05/2007)
Bảo vệ an ninh văn hóa trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế  (17/05/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển