Bình Phước – hành trình 10 năm cùng cả nước trên con đường đổi mới
Từ một tỉnh nông nghiệp, kinh tế chậm phát triển, sau 10 năm tái lập, Bình Phước đã vươn lên đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 12,75%/năm, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15 lần so với năm 1997, các mặt văn hóa, giáo dục, an ninh - quốc phòng... được bảo đảm. Thành công của Bình Phước là bài học tham khảo chung cho nhiều địa phương.
Là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhờ có điều kiện tự nhiên ưu đãi và 240 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Cam-pu-chia; lại nằm trên hai tuyến quốc lộ 13, 14 và nhiều đường giao thông quan trọng khác kết nối các tỉnh Tây Nguyên với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông - Nam Bộ; Bình Phước có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh, chính trị, quốc phòng của khu vực phía Nam và cả nước.
Sau khi được tái lập (1-1-1997), Bình Phước là một trong những tỉnh hết sức khó khăn. Cơ sở vật chất kỹ thuật yếu kém. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp (72%), công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ lệ rất thấp. Thu ngân sách toàn tỉnh 176 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người là 2,2 triệu đồng. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu. Ngành giáo dục - đào tạo thiếu trên 1.200 giáo viên. Trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao, chỉ có 53/64 xã đạt chuẩn quốc gia về xóa nạn mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học.
Mười năm qua, bằng sự nỗ lực và ý chí phấn đấu của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc anh em trong tỉnh, kinh tế Bình Phước liên tục tăng trưởng với tốc độ khá, GDP năm 2006 tăng gấp 3 lần so với năm 1997, bình quân mỗi năm tăng 12,75%. Thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước, năm 2006 tăng gấp 5 lần so với năm 1997, bình quân mỗi năm tăng 20,91%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng từ 3,89% tăng lên 18,50%, dịch vụ tăng từ 20% lên 28% và nông - lâm nghiệp từ 72% giảm xuống còn 53,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 15 lần, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng hơn 3 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 8 lần. Thu nhập của nhân dân không ngừng được nâng lên, GDP bình quân đầu người từ 2,2 triệu đồng năm 1997, tăng lên 7,48 triệu đồng/năm 2006, bình quân mỗi năm tăng 14,57%.
Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư xây dựng. Tổng chiều dài đường điện trung thế tăng hơn 6 lần và đường dây hạ thế tăng hơn 16 lần năm 1997; 100% xã phường có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện từ 18,03% lên 76%. Đến nay, 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm xã. Tỉnh đã có bệnh viện đa khoa với 300 giường, các trung tâm y tế khu vực, huyện và trạm xá cũng được quan tâm đầu tư. Bưu chính - viễn thông cũng là lĩnh vực phát triển mạnh, dung lượng tổng đài tăng lên gấp 25 lần, nâng số máy bình quân từ 0,8 máy/100 dân lên 26 máy/100 dân và sử dụng In-tơ-nét đạt 4,5 người/100 dân; 100% xã, phường, thị trấn có điện thoại.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển cả về quy mô và chất lượng. So với năm học 1996 -1997 tăng 160 trường (tăng 83,6%), phòng học tăng 2.129 phòng (tăng 89,2%), đặc biệt đã hình thành được các trường chuyên của tỉnh, Trường Dân tộc nội trú, Trường cao đẳng sư phạm, Trường trung học y tế... đáp ứng tốt nhu cầu phát triển giáo dục - đào tạo. Trong 10 năm qua, giáo viên tăng 4.829 người (tăng 111,7%). Số giáo viên đạt chuẩn đào tạo theo quy định chiếm 91,8%; học sinh các bậc học tăng lên 68.489 học sinh (tăng 47,8%), tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng nhanh qua các năm. Tỉnh đã hoàn thành xóa nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào cuối năm 1998. Đến nay đã có 74/94 xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.
Các chính sách xã hội được triển khai thực hiện tốt. Trong 10 năm qua đã giải quyết việc làm cho 157.623 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở cả khu vực thành thị và nông thôn; thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 20% năm 1998 xuống còn 9,78% theo tiêu chuẩn mới năm 2006.
Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố. Công tác xây dựng đảng, công tác cán bộ được kiện toàn. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Từ 8.848 đảng viên năm 1997, tăng lên 16.047 đảng viên năm 2006; tổ chức cơ sở đảng tăng từ 356 lên 406 cơ sở.
Quốc phòng, an ninh được bảo đảm và ngày càng vững mạnh. Mặc dù giáp ranh với các tỉnh Tây Nguyên - nơi có nhiều "điểm nóng" phức tạp, song Bình Phước vẫn giữ được ổn định. Công tác đối ngoại ngày càng được tăng cường, đã cùng với các tỉnh của nước bạn Cam-pu-chia xây dựng tốt đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển.
* * *
Phát huy truyền thống "Miền Đông gian lao mà anh dũng", cùng với cả nước vượt qua mọi khó khăn thách thức, Đảng bộ và nhân dân Bình Phước tự hào về những thành tựu đạt được sau 10 năm tái lập tỉnh. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những thành tựu, Bình Phước còn nhiều yếu kém. Đó là tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tỷ trọng công nghiệp thấp, thu hút đầu tư trong và ngoài nước chưa đạt yêu cầu. Tình trạng di dân tự do, phá rừng còn diễn biến phức tạp, chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn. Công tác xây dựng đảng còn một số mặt hạn chế, nhất là công tác giáo dục rèn luyện cán bộ, đảng viên, công tác đào tạo, đánh giá cán bộ.
Nhận thức rõ những tồn tại, yếu kém trên đây, Bình Phước đang nỗ lực phấn đấu cùng cả nước vươn lên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã được Đại hội X xác định, cụ thể là Bình Phước đang: "Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu theo hình thức tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững nhịp độ tăng trưởng, phấn đấu giai đoạn 2005 - 2010 đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt 14% - 15%". Theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII.
Nhằm thực hiện tốt các mục tiêu trên, gắn với Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Đảng bộ Bình Phước đang tập trung thực hiện 5 Chương trình hành động lớn sau đây:
Một là, nâng cao hiệu quả nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thúc đẩy nhanh phát triển công nghiệp và dịch vụ một cách hiệu quả, bền vững. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm 14% - 15%; đến năm 2010, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng 27% - 30%; thương mại - dịch vụ 28% - 29%; nông, lâm nghiệp - thủy sản 41% - 45%, thu nhập bình quân đầu người đạt 650 - 700 USD, tổng thu ngân sách 1.500 - 1.600 tỉ đồng. Tiếp tục đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể là:
Nhanh chóng triển khai và hoàn chỉnh đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo thứ tự ưu tiên, nhất là các dự án trọng điểm; triển khai sử dụng có hiệu quả đất quy hoạch phát triển công nghiệp từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp theo; sớm hoàn thành quy hoạch để từng bước đầu tư hạ tầng kinh tế - kỹ thuật khu kinh tế cửa khẩu.
Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Quản lý các khu công nghiệp; sớm hình thành ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu. Huy động tối đa mọi nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển (khoảng 14.134 tỉ đồng). Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư, công nghệ; đặc biệt là công nghệ cao từ bên ngoài. Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; chú trọng các sản phẩm thế mạnh như cao su, điều, tiêu, cà phê... chủ động hội nhập thị trường khu vực và thị trường quốc tế.
Hai là, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư và phát triển bền vững. Mở rộng, nâng cấp đường tỉnh, đường huyện theo hướng nhựa hóa đạt cấp II, III; 100% xã có đường nhựa đến trung tâm.
Phấn đấu đến năm 2010 đạt 85% hộ dân sử dụng điện, bảo đảm cung cấp đủ điện cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; cung cấp các dịch vụ viễn thông đa dạng, phong phú, phổ cập tới các xã trong tỉnh, đưa tốc độ tăng trưởng viễn thông đạt 1,5 - 2 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Phát triển kết cấu hạ tầng cấp, thoát nước ở các đô thị, khu công nghiệp, thương mại, du lịch, dân cư tập trung.
Huy động vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, tạo vốn từ quỹ đất và các nguồn vốn nước ngoài như vốn ODA, FDI. Tranh thủ các nguồn hỗ trợ phi chính phủ (NGO) để đầu tư kết cấu hạ tầng.
Tăng cường tổ chức và nâng cao năng lực quản lý, tăng cường chế độ trách nhiệm, quy định rõ trách nhiệm cá nhân trong lĩnh vực quản lý đầu tư và xây dựng.
Chọn năm 2008 là năm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong tỉnh. Huy động tối đa các nguồn thu cho đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng dự toán, tăng nguồn vốn từ quỹ đất, vốn vay trung ương, vốn ODA và các nguồn vốn khác để bảo đảm nguồn lực cho các dự án trọng điểm.
Ba là, giải quyết tốt vấn đề di dân tự do, ổn định dân cư gắn với bảo vệ rừng, phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm, sang nhượng trái phép đất rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 30% vào năm 2010.
Lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, đất có rừng; nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các cấp, các ngành, năng lực quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng. Ổn định dân di cư tự do phù hợp với quy hoạch, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống; nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Phát triển chăn nuôi gia súc nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng.
Bốn là, phát triển nhanh thương mại - dịch vụ, du lịch và xuất khẩu, xây dựng thị trường ổn định, thống nhất; bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, cân đối, cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng và có năng lực cạnh tranh tốt. Gắn phát triển thương mại của tỉnh với phát triển thương mại của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thị trường trong nước và quốc tế; gắn hiệu quả kinh tế - xã hội với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển lành mạnh bền vững.
Phấn đấu đến năm 2010 GDP thương mại đạt 637,62 tỉ đồng (tốc độ tăng trưởng bình quân 12,5%/năm). Tổng mức hàng hóa bán lẻ là 7.372,38 tỉ đồng (tốc độ tăng bình quân 17,5%/năm). Kim ngạch xuất khẩu 410 - 451,7 triệu USD (tốc độ tăng bình quân 15,5%/năm). Kim ngạch nhập khẩu 118 triệu USD (tốc độ tăng bình quân 30 - 44%/năm).
Về thương mại, phát triển đồng bộ thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường lao động và các loại thị trường dịch vụ khác. Lấy thị trường thị xã Đồng Xoài, thị trấn Chơn Thành, khu kinh tế cửa khẩu làm đầu tàu kéo các thị trường nông thôn, miền núi cùng phát triển.
Về xuất khẩu, tận dụng tối đa thế mạnh, nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: cao su thành phẩm, hạt điều, cà phê nhân, tiêu đen, cao lương, trái cây... Chú trọng sản xuất các thành phẩm xuất khẩu mới như: may mặc, nhựa, cơ khí, điện tử; xuất khẩu dịch vụ (lao động, vận tải đường bộ,...) hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng.
Về dịch vụ du lịch, rà soát lại quy hoạch triển khai thực hiện theo quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt, lập các dự án trọng điểm có tính khả thi cao để kêu gọi đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, phấn đấu đến năm 2010, các dự án trọng điểm phải được đưa vào khai thác, đồng thời tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở các khu, tuyến du lịch trọng điểm.
Năm là, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đáp ứng chuẩn về trình độ chuyên môn, có phẩm chất chính trị, có năng lực tập hợp quần chúng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bố trí cán bộ đúng ngành nghề đào tạo. Phấn đấu đến năm 2010 đưa đi đào tạo 100 cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn có trình độ trên đại học. Đào tạo, đào tạo lại và thu hút nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao, có phẩm chất tốt theo hướng trẻ hóa cán bộ.
Thực hiện nghiêm túc công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Ưu tiên tuyển dụng học sinh, sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi, xuất sắc, cán bộ khoa học thuộc các ngành nghề mũi nhọn. Thực hiện thí điểm mô hình thi tuyển cán bộ lãnh đạo tại các sở, ngành (trước hết là cấp trưởng, phó phòng).
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc phát triển mạnh các trường, các trung tâm đào tạo nghề, chú trọng các nghề kinh tế, kỹ thuật và công nghệ. Xây dựng đề án quy hoạch và phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Xuân 2007 đánh dấu một chặng đường tròn 10 năm ngày Bình Phước tái lập tỉnh. Mười năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính Phủ, đồng bào và chiến sĩ cả nước, Bình Phước đã nỗ lực vươn lên vững bước cùng cả nước trên con đường đổi mới. Mặc dù đã đạt được một số thành tựu quan trọng, nhưng Bình Phước cũng đang đứng trước những khó khăn thách thức không nhỏ. Phát huy truyền thống của "Miền Đông trung dũng" Đảng bộ và nhân dân Bình Phước nguyện một lòng cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X, vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Những mùa xuân bình yên ở một miền biên giới  (15/01/2007)
Kon Plông – 5 năm một chặng đường  (15/01/2007)
Đồng bào công giáo thi đua sống tốt đời đẹp đạo  (15/01/2007)
Hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2006  (15/01/2007)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển