Đông Nam Á trong triển khai “Sáng kiến Văn minh toàn cầu” của Trung Quốc
TCCS - “Sáng kiến Văn minh toàn cầu” (GCI) là một trong ba sáng kiến(1) được Trung Quốc đưa ra trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. GCI được công bố tại Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng trên thế giới (tháng 3-2023). Với vị trí địa lý gần gũi và tầm quan trọng về địa - chính trị, khu vực Đông Nam Á là địa bàn chiến lược đầu tiên và trọng tâm được Trung Quốc lựa chọn để triển khai GCI.
Nội hàm của “Sáng kiến Văn minh toàn cầu”
Thứ nhất, “Sáng kiến Văn minh toàn cầu” hướng tới những giá trị chung của nhân loại.
Ngày 15-3-2023, Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng chính trị trên thế giới diễn ra với chủ đề “Con đường tiến tới hiện đại hóa: Trách nhiệm của các đảng chính trị”. Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng phát triển, có tiếng nói, vị thế đối với khu vực và toàn cầu, tại Hội nghị, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra đề xuất về “Sáng kiến Văn minh toàn cầu” (GCI). Có thể nói, GCI là một công cụ ngoại giao hoàn toàn mới, đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy “chiến lược toàn cầu” của Trung Quốc trong thế kỷ XXI.
Về bản chất, GCI đề cập đến việc ủng hộ, tôn trọng và kế thừa sự đa dạng của các nền văn minh, vượt qua mọi rào cản, xung đột giữa các nền văn minh; đề cao hệ giá trị chung của nhân loại là hòa bình, công bằng, công lý, dân chủ, tự do và phát triển. Về chủ trương, GCI ủng hộ hợp tác quốc tế mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Về biện pháp, GCI thúc đẩy tuyên truyền, giao lưu nhân dân giữa các quốc gia, “tìm kiếm và thiết lập mạng lưới đối thoại văn minh toàn cầu”(2); “thúc đẩy quá trình chuyển đổi sáng tạo và tăng cường đổi mới nền văn hóa truyền thống tốt đẹp”(3). GCI được đánh giá “như một lời kêu gọi về thúc đẩy sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại thông qua lòng khoan dung và học hỏi lẫn nhau, đóng góp các giải pháp của Trung Quốc để thúc đẩy hợp tác quốc tế ở mức độ cao hơn”(4).
Thứ hai, “Sáng kiến Văn minh toàn cầu” góp phần tích cực thúc đẩy các nước đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.
Hiện nay, các nước ASEAN đang phát triển như Việt Nam, Lào, Campuchia,… đều đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, thông qua GCI, Trung Quốc kỳ vọng sẽ cung cấp giải pháp cho sự phát triển của các quốc gia này, góp phần thúc đẩy hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt SDGs vào năm 2030. Điển hình như “Cộng đồng Mekong - Lan Thương” giữa Trung Quốc với 5 quốc gia Đông Nam Á lục địa (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) đã bước vào giai đoạn thứ hai (2023 - 2027) với quyết tâm đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số, hải quan thông minh, biên giới thông minh và kết nối thông minh; chuyển đổi năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học.
Mặt khác, là nhu cầu lớn của các quốc gia Đông Nam Á, GCI sẽ góp phần củng cố hợp tác Trung Quốc - ASEAN trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng theo hướng bền vững. Tháng 9-2021, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết quốc tế rằng, kể từ năm 2021, Trung Quốc sẽ không sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch trong các dự án đầu tư của mình tại các nước đang phát triển. Do đó, việc Trung Quốc triển khai tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng xanh và sản xuất năng lượng tái tạo tại các nước ASEAN sẽ góp phần để những quốc gia này tin tưởng vào GCI hơn. Hiện nay, các tuyến đường sắt, đường bộ có vốn đầu tư từ Trung Quốc tại Đông Nam Á được coi là “điểm nhấn” đầu tư trong quan hệ hợp tác giữa hai bên. Điển hình như tuyến đường sắt Nam Ninh - Singapore, tuyến đường sắt Nam Ninh - Viêng Chăn (Lào), tuyến đường sắt Jakarta (Nhật Bản) - Bandung (Indonesia), quy hoạch tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam), tuyến đường sắt Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc),... Các tuyến đường này không chỉ tạo ra nhiều lợi ích về kinh tế, mà còn góp phần nâng cao đời sống cho người dân dọc theo tuyến đường. Thậm chí, hệ thống đường sắt, đường bộ còn là phương tiện “cứu cánh” trong trường hợp các quốc gia Đông Nam Á gặp thiên tai.
Bên cạnh đó, GCI góp phần tiếp tục đưa quan hệ kinh tế Trung Quốc - ASEAN đi vào ổn định. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt mức kỷ lục mới là 722 tỷ USD. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN liên tục trong 14 năm (2010 - 2013)(5). Tiến trình đàm phán nâng cấp Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN đang được thúc đẩy với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, hỗ trợ tiếp cận thị trường, đồng thời mở rộng hợp tác trong chuyển đổi số, kinh tế số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh và bền vững.
Mục tiêu triển khai “Sáng kiến Văn minh toàn cầu” tại khu vực Đông Nam Á
Đông Nam Á là địa bàn chiến lược đầu tiên được Trung Quốc lựa chọn triển khai “Sáng kiến Văn minh toàn cầu”.
Thế kỷ XXI, Đông Nam Á tiếp tục là địa bàn trọng điểm mà các nước lớn lựa chọn để triển khai những chiến lược quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Đặc biệt, các chiến lược của Mỹ và Trung Quốc đều mang tầm toàn cầu và có tính quyết định tới vị thế của cả hai cường quốc trong trật tự thế giới và khu vực. Nếu như Trung Quốc đã lựa chọn Đông Nam Á là khu vực đầu tiên để triển khai Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) trên lĩnh vực kinh tế, thì hiện nay, quốc gia này vẫn tiếp tục coi đây là địa bàn trọng điểm để mở rộng ảnh hưởng về văn hóa. GCI sẽ là công cụ tích cực để Trung Quốc vươn từ cường quốc khu vực lên cường quốc toàn cầu.
“Sáng kiến Văn minh toàn cầu” được Trung Quốc triển khai song hành cùng với giá trị văn hóa đa dạng của các quốc gia Đông Nam Á.
Quan điểm của Trung Quốc khi triển khai GCI là tôn trọng tính đặc thù của các nền văn hóa trên thế giới. Khu vực Đông Nam Á có sự gần gũi về địa lý nên đây chính là cơ hội thuận lợi để Trung Quốc chia sẻ được nhiều hơn các giá trị văn hóa đặc sắc, thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa văn hóa của toàn khu vực. Khi triển khai GCI ở Đông Nam Á, Trung Quốc kêu gọi sự tôn trọng đa dạng văn hóa của khu vực, phát huy các giá trị chung giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Cách tiếp cận này sẽ dễ dàng được các quốc gia Đông Nam Á chấp nhận.
Mặt khác, Đông Nam Á là khu vực có nền văn hóa đa dạng, là “bản đồ thu nhỏ” của các nền văn hóa thế giới. Các quốc gia Đông Nam Á đều là những nước vừa và nhỏ đang thực hiện mô hình Cộng đồng văn hóa - xã hội với tinh thần hiểu biết, tôn trọng, chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau. Ngoài ra, sự hiện diện của người Hoa ở Đông Nam Á cũng chiếm tới 80% số người Hoa trên toàn cầu. Yếu tố này cũng là một trong những lý do giúp Trung Quốc tuyên truyền, phổ biến và triển khai GCI một cách hiệu quả hơn so với các khu vực khác.
Thông qua các mô hình “cộng đồng” mà Trung Quốc xây dựng với một số quốc gia Đông Nam Á đang là cơ sở để Trung Quốc triển khai “Sáng kiến Văn minh toàn cầu” thành công tại khu vực Đông Nam Á.
Trong các cơ chế hợp tác khu vực, tiểu vùng hay quan hệ song phương giữa Trung Quốc với từng quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc tích cực triển khai mô hình “cộng đồng”. Thuật ngữ “Cộng đồng chung vận mệnh” vốn là ý tưởng của nguyên Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đưa ra tại Đại hội XVII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2007). Thuật ngữ này được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng như một triết lý mới, khẳng định vai trò rộng lớn hơn của Trung Quốc trong mối quan hệ toàn cầu: “Cộng đồng vận mệnh vì nhân loại, nghĩa là vận mệnh và tiền đồ của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có quan hệ chặt chẽ với nhau, vì vậy cần phải “cùng hội cùng thuyền”, hưởng chung vinh quang và tủi nhục, nỗ lực đưa trái đất này - nơi chúng ta sinh ra và lớn lên, xây dựng thành một đại gia đình hòa thuận, thân thiết, đem nguyện vọng về cuộc sống tốt đẹp của người dân các nước trên thế giới trở thành hiện thực”(6). Mô hình “Cộng đồng chung vận mệnh” được đưa vào Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (sửa đổi) năm 2018(7), nhấn mạnh về sự chuyển biến mạnh mẽ của thế giới theo xu hướng “cộng đồng chung vận mệnh”, mà ở đó “trong tôi có bạn, trong bạn cũng có tôi”.
Với định hướng như vậy, hiện nay, GCI được triển khai dựa trên nền tảng từ các mô hình cộng đồng khu vực có sự hiện diện của Trung Quốc, điển hình như “Cộng đồng Mekong - Lan Thương” (năm 2016), “Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc - Lào” (năm 2019), “Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc - Campuchia” (năm 2019), “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc” (năm 2023). Đây chính là cơ sở để Trung Quốc dần hình thành mô hình “Cộng đồng châu Á” và xa hơn nữa là “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” trong tương lai.
“Sáng kiến Văn minh toàn cầu” xem trọng sự kế thừa và tăng cường giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á.
Cùng với việc công bố GCI, tháng 9-2023, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 26 được tổ chức tại Thủ đô Jakarta (Indonesia), Trung Quốc đã cùng ASEAN thống nhất đi đến quyết định chọn năm 2024 là “Năm giao lưu nhân dân ASEAN - Trung Quốc” nhằm đẩy mạnh giao lưu nhân dân, làm sâu sắc giao lưu văn hóa và thắt chặt tình hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Tháng 2-2024, lễ phát động “Năm giao lưu nhân dân ASEAN - Trung Quốc” 2024 đã được tổ chức tại Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc do Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hiệp hội Hữu nghị của nhân dân Trung Quốc với nước ngoài và chính quyền tỉnh Phúc Kiến đồng tổ chức. Tại lễ phát động, Trung Quốc khẳng định, quan hệ hữu nghị ASEAN - Trung Quốc là hình mẫu trong các mối quan hệ láng giềng thành công nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nước ASEAN cũng ủng hộ và cam kết tăng cường hợp tác giao lưu, gắn kết nhân dân hai bên thông qua các chương trình hợp tác về thanh niên, giáo dục, văn hóa, du lịch, truyền thông, khoa học - công nghệ... Giao lưu nhân dân góp phần gia tăng kết nối các nền tảng xã hội giữa người dân của hai bên, là cơ sở để Trung Quốc triển khai GCI một cách thuận lợi, hiệu quả.
“Sáng kiến Văn minh toàn cầu” chú trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - ASEAN.
GCI chú trọng quan hệ giữa các quốc gia dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Trong bối cảnh tình hình an ninh, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường chính trị của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, khu vực Đông Nam Á cũng là nơi tồn tại đa dạng các mô hình nhà nước, chế độ chính trị khác nhau, do vậy, các quốc gia Đông Nam Á đều mong muốn một môi trường chính trị ổn định. Khi triển khai GCI, Trung Quốc nhấn mạnh, coi trọng ASEAN trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ủng hộ quan điểm trung lập của ASEAN; sẵn sàng chia sẻ cơ hội và thúc đẩy thịnh vượng chung với ASEAN. Trung Quốc hy vọng sẽ cùng ASEAN hướng tới việc xây dựng một “Cộng đồng Trung Quốc - ASEAN” trong tương lai, góp phần bảo đảm tính trung lập của khu vực trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các nước ASEAN trước “Sáng kiến Văn minh toàn cầu”
Kể từ sau khi công bố GCI, Trung Quốc luôn đề cập đến GCI trong nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao với các nước ASEAN, cũng như tại các diễn đàn khu vực. Ngày 5-6-2024, phát biểu tại Diễn đàn Bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 37, Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia - Âu Dương Ngọc Tịnh nhấn mạnh: “Trung Quốc và ASEAN nên thúc đẩy học hỏi giữa các nền văn minh và tạo ra những điểm tốt nhất của sáng kiến văn minh toàn cầu, tăng cường trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, truyền thông, giáo dục, du lịch, thanh niên và tư vấn” (8).
Mặc dù GCI đề cập chủ yếu đến “các vấn đề văn hóa và phát triển, ít nhạy cảm hơn các sáng kiến liên quan đến an ninh”, song các nước Đông Nam Á vẫn chưa thể hiện rõ ràng quan điểm và cách tiếp cận GCI(9). Trên thực tế, các quốc gia Đông Nam Á đều không muốn “bị cuốn vào cuộc cạnh tranh ý thức hệ”, cũng như nguy cơ phải “chọn bên”, có liên quan trực tiếp đến các nước lớn. Mặt khác, các nước Đông Nam Á vẫn tỏ ra e ngại về tính khả thi của “mô hình toàn cầu phát triển kiểu mới, hài hòa về kinh tế, an ninh và văn hóa, văn minh”(10) trong bối cảnh cục diện thế giới đang chứng kiến sự cạnh tranh đối đầu về hệ giá trị, tư tưởng giữa các nước lớn không hề suy giảm.
Tuy nhiên hiện nay, các nước ASEAN đang triển khai tương đối tốt quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - ASEAN. Ngoài các nước Lào, Campuchia, Việt Nam đã xây dựng mô hình “cộng đồng” với Trung Quốc, một số quốc gia Đông Nam Á khác như Myanmar, Indonesia, Thái Lan cũng đã đạt được sự đồng thuận về việc xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc(11). Năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Malaysia, hai nước đã nhất trí “cùng nhau xây dựng Cộng đồng Trung Quốc - Malaysia cùng chung vận mệnh”(12). Bởi những quốc gia này đều có thể tìm thấy lợi ích khi hợp tác với Trung Quốc trong mô hình cộng đồng. Vì vậy, khi Trung Quốc triển khai GCI tại Đông Nam Á, mô hình “cộng đồng” sẽ góp phần thúc đẩy, củng cố và làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - ASEAN, mang lại lợi ích thiết thực cho hơn 2 tỷ người dân của hai bên.
Nằm trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam ủng hộ các sáng kiến bảo đảm môi trường an ninh của khu vực, cũng như các sáng kiến được cộng đồng quốc tế đón nhận. Đối với Trung Quốc, Việt Nam luôn coi phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại của Việt Nam. Vì vậy, trong bối cảnh GCI được triển khai tại Đông Nam Á, Việt Nam có thể tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ Trung Quốc và Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc mở rộng hợp tác văn hóa, đẩy mạnh giao lưu nhân dân như một cơ sở nền tảng bảo đảm cho hòa bình, an ninh quốc gia và khu vực. Theo đó, chính sách hội nhập văn hóa của Việt Nam chủ động tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ từ bên ngoài, nhưng vẫn bảo tồn được giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Có thể thấy, Đông Nam Á đang là lựa chọn hàng đầu của Trung Quốc trong việc triển khai GCI. Trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - ASEAN cũng như sự tương đồng về văn hóa, con người, thông qua sáng kiến này, Trung Quốc kỳ vọng phát huy vai trò đối với khu vực Đông Nam Á; còn các nước ASEAN đang tiếp tục theo dõi sự chuyển động mới của GCI tại khu vực để đưa ra những đối sách phù hợp./.
----------------------------
(1) Bao gồm: Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI), Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI)
(2) Trần Thị Thủy, Tạ Phú Vinh: “Sáng kiến văn minh toàn cầu của Trung Quốc - nỗ lực để truyền thông mô hình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 1, 2024, tr. 152
(3) Hoàng Huệ Anh: “Sáng kiến văn minh toàn cầu của Trung Quốc: nội hàm, mục tiêu, tác động”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 7, 2023, tr. 4
(4) Trần Thị Hải Yến: “Sáng kiến Văn minh toàn cầu của Trung Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 4 (266), 2023, tr. 13
(5) Hà Văn: “ASEAN và Trung Quốc cần chung tay đưa khu vực trở thành tâm điểm tăng trưởng kinh tế, Báo điện tử Chính phủ, ngày 6-9-2023, https://baochinhphu.vn/asean-va-trung-quoc-can-chung-tay-dua-khu-vuc-tro-thanh-tam-diem-tang-truong-kinh-te-10223090614565133.htm
(6) 什么是人类命运共同体?(Tạm dịch: Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại là gì? ), ngày 17-1-2018, https://www.ccdi.gov.cn/special/zmsjd/zm19da_zm19da/201801/t20180116_161970.html
(7) Hoàng Long: “Kế hoạch xây dựng cộng đồng chung vận mệnh của Trung Quốc tại Lào”, Trang điện tử Cộng đồng nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế, ngày 7-12-2023, https://nghiencuuchienluoc.org/ke-hoach-xay-dung-cong-dong-chung-van-menh-cua-trung-quoc-tai-lao/
(8) Tuấn Đạt: “Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia: Trung Quốc và ASEAN nên giao lưu văn hóa”, Cổng thông tin ASEAN - Việt Nam, ngày 7-6-2024, https://aseanvietnam.vn/post/djai-su-trung-quoc-tai-malaysia-trung-quoc-va-asean-nen-giao-luu-van-hoa
(9) Pak Yiu: “China targets sea change in global diplomacy race with West” (Tạm dịch: Trung Quốc nhắm đến sự thay đổi lớn trong cuộc đua ngoại giao toàn cầu với phương Tây), https://asia.nikkei.com/Sptlight/Asia-Insight/China- targets-sea-change-in-global -diplomacy-race-with-West
(10) Hoàng Hải: “Sáng kiến Văn minh toàn cầu - sự khác biệt chiến lược của Trung Quốc”, Trang điện tử Cộng đồng nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế, ngày 18-3-2023, https://nghiencuuchienluoc.org/sang-kien-van-minh-toan-cau-su-khac-biet-chien-luoc-cua-trung-quoc/
(11) Nguyễn Phượng: “Chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”, Trang điện tử Cộng đồng nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế, ngày 28-10-2023, https://nghiencuuchienluoc.org/chinh-sach-ngoai-giao-lang-gieng-cua-trung-quoc-trong-ky-nguyen-moi/
(12) Ngọc Hân: “Trung Quốc - Malaysia tăng cường hợp tác sâu rộng”, Trang điện tử Báo Quân đội nhân dân, ngày 21-6-2024, https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/trung-quoc-malaysia-tang-cuong-hop-tac-sau-rong-781989
Hoạch định đường lối đối ngoại của Nhật Bản hiện nay  (24/05/2024)
Mối quan hệ chính đảng tạo dựng nền tảng chính trị cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản  (15/03/2024)
Nhận thức về cục diện quốc tế  (30/12/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên