Những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á sau Chiến tranh lạnh (1991 - 2006)
TCCS - Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Nhật Bản đã điều chỉnh chiến lược phát triển và chính sách đối ngoại nhằm phù hợp với điều kiện, tình hình mới. Một trong những điều chỉnh quan trọng và đáng chú ý trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á là coi trọng an ninh kinh tế, dùng sức mạnh kinh tế để tăng cường sức mạnh an ninh - chính trị để duy trì an ninh khu vực.
Một số điều chỉnh trong chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản
Với vị trí địa lý án ngữ trên con đường hàng hải quốc tế từ Đông sang Tây cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và hệ thống eo biển, cảng biển đa dạng, thuận tiện cho giao thông vận tải, khai thác, vận chuyển hàng hóa, Đông Nam Á từ lâu đã trở thành khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện, như an ninh - quân sự, kinh tế - thương mại, đối ngoại - quốc phòng… Chính vì vậy, Đông Nam Á đã sớm trở thành địa bàn tranh chấp, tăng cường ảnh hưởng, quyền lực và luôn giữ một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của các nước lớn, trong đó có Nhật Bản. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Nhật Bản đã có những điều chỉnh rõ nét và toàn diện trong chính sách đối ngoại đối với khu vực Đông Nam Á nhằm tăng cường sự hiện diện, ảnh hưởng chính trị của Nhật Bản ở khu vực này, củng cố vị thế quốc tế của Nhật Bản trên cả phương diện chính trị và kinh tế.
Nhật Bản không chỉ có tiềm lực mạnh về kinh tế - tài chính, khoa học - công nghệ, mà còn có sức mạnh vượt trội về quốc phòng và vị thế quốc tế. Do đó, những điều chỉnh trong chiến lược phát triển và chính sách đối ngoại của Nhật Bản có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến cục diện thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á được thể hiện một cách toàn diện, cơ bản trong các học thuyết đối ngoại lần lượt được công bố và thông qua trong các giai đoạn cầm quyền của các Thủ tướng Nhật Bản.
Giai đoạn đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đã đánh dấu sự công bố chính thức mục tiêu chiến lược của Nhật Bản trong việc nâng cao vị thế, vai trò chính trị và xác lập ảnh hưởng toàn diện của Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á với sự ra đời của Học thuyết Miyazawa vào tháng 1-1993, nhân chuyến thăm chính thức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Thủ tướng Nhật Bản Kiichi Miyazawa.
Học thuyết Miyazawa bao gồm hai nội dung chính: Thứ nhất, Nhật Bản nhắc lại cam kết không trở thành “cường quốc quân sự”. Đồng thời, trên cơ sở một tầm nhìn lâu dài về an ninh khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản chủ trương cùng các quốc gia khu vực Đông Nam Á tập trung hợp tác ổn định, đoàn kết, thiết lập trật tự an ninh và bảo vệ hòa bình ở khu vực. Thứ hai, Nhật Bản kêu gọi sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN để tái thiết bán đảo Đông Dương, xác định diễn đàn phát triển toàn diện Đông Dương(1).
Học thuyết Miyazawa thực chất là sự tiếp nối những nỗ lực lớn của Nhật Bản từ Học thuyết Fukada - học thuyết nền tảng đánh dấu “sự quay trở về châu Á” của Nhật Bản, được công bố nhân dịp Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukada tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ hai, diễn ra tại Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) vào tháng 8-1977, trong thực hiện mục tiêu thiết lập quan hệ tổng thể hài hòa, hữu nghị với các quốc gia trong khu vực và tăng cường ảnh hưởng hàng đầu của Nhật Bản tại khu vực trên cả phương diện chính trị và kinh tế. Duy trì quan điểm “chính trị, kinh tế song hành” được hình thành từ Học thuyết Fukada, Học thuyết Miyazawa tiếp tục khẳng định trụ cột kinh tế và trụ cột chính trị luôn là động lực nền tảng thúc đẩy, củng cố quan hệ ngoại giao và trở thành những định hướng cho sự phát triển quan hệ của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á trong một giai đoạn mới.
Trên lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản đặc biệt chú trọng đến vấn đề hợp tác kinh tế và viện trợ phát triển chính thức (ODA), xác định đây là một trong những chính sách quan trọng trong chiến lược ngoại giao. Trên thực tế, trật tự an ninh và hòa bình, tinh thần hợp tác ổn định và phát triển mà Nhật Bản chủ trương thiết lập ở khu vực Đông Nam Á được xây dựng dựa trên việc duy trì chính sách ngoại giao kinh tế, thông qua các khoản viện trợ kinh tế nhằm tạo lập một nền tảng kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc vào kinh tế Nhật Bản. Các hoạt động kinh tế đối ngoại, viện trợ kinh tế của Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á đã được tăng cường đáng kể trong những năm 90 của thế kỷ XX. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Nhật Bản đã sử dụng chính sách ngoại giao kinh tế - ngoại giao ODA một cách hiệu quả nhằm nỗ lực khẳng định vị trí, vai trò của Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á. Một số lượng vốn ODA lớn đã được đầu tư vào khu vực này dưới hình thức hợp tác kinh tế. Thông qua hoạt động ngoại giao kinh tế và ODA, Nhật Bản không những bảo vệ và thúc đẩy được lợi ích kinh tế của đất nước, mà còn tăng cường hợp tác, cạnh tranh trong quan hệ kinh tế, hỗ trợ nền kinh tế các quốc gia khu vực phát triển.
Tháng 12-1992, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên quyết định nối lại ODA sớm nhất cho Việt Nam và các nước Đông Nam Á sau Chiến tranh lạnh, khi lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam vẫn chưa được dỡ bỏ. Với mức đầu tư 281,24 triệu USD (năm 1992), Nhật Bản trở thành nước đứng đầu trong số các nước cung cấp ODA cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ sáu trong số các nước nhận ODA của Nhật Bản, trong đó 5,43 triệu USD là viện trợ không hoàn lại và 275,81 triệu USD là tài trợ tín dụng. Trong giai đoạn 1992 - 2003, mức viện trợ ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đạt khoảng 8.700 triệu USD, chiếm khoảng 30% tổng khối lượng ODA của cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam; trong đó, khoảng 1.200 triệu USD là viện trợ không hoàn lại(2). Viện trợ phát triển kinh tế và cho vay với lãi suất thấp mà Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam cũng tăng liên tục trong các năm(3). Cùng với việc thúc đẩy viện trợ kinh tế, Nhật Bản còn tăng cường trao đổi thương mại, đầu tư kinh doanh, hợp tác kinh tế với các nước Đông Nam Á. Một mạng lưới tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản đã được hình thành ở khu vực, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế các quốc gia Đông Nam Á phục hồi, phát triển.
Trên lĩnh vực an ninh - chính trị, Nhật Bản trực tiếp đề cập và khẳng định mục tiêu hợp tác trong lĩnh vực an ninh - chính trị với các quốc gia Đông Nam Á. Trong Hiến chương ODA được soạn thảo vào năm 1992, Nhật Bản nhấn mạnh nguyên tắc hỗ trợ ODA nhằm đóng góp vào hòa bình và sự phát triển của cộng đồng quốc tế, nhờ đó bảo đảm an ninh và sự phồn vinh cho đất nước Nhật Bản. Đối với Đông Nam Á, chính sách đối ngoại của Nhật Bản luôn đề cao sự ổn định trong chính trị, bình đẳng trong hợp tác nhằm xây dựng một cộng đồng Đông Nam Á hòa bình và phát triển. Viện trợ kinh tế của Nhật Bản ngoài mục tiêu đạt được những lợi ích kinh tế còn tạo cơ sở, tiền đề cho việc xây dựng một cộng đồng nhân văn, hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng tại khu vực Đông Nam Á. Có thể nói, với những đóng góp thiết thực cho việc phục hồi, đổi mới, phát triển kinh tế, các khoản ODA của Nhật Bản đã trở thành cầu nối quan trọng gắn kết Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, xây dựng một hình ảnh tích cực về Nhật Bản trong cộng đồng khu vực, giúp Nhật Bản mở rộng hợp tác kinh tế và tăng cường ảnh hưởng chính trị cũng như vị thế quốc tế tại khu vực.
Bước sang giai đoạn nửa cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, trước những chuyển biến mới của tình hình thế giới và khu vực, Nhật Bản tiếp tục có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại đối với khu vực Đông Nam Á. Đây là giai đoạn đánh dấu việc Nhật Bản nhấn mạnh và đề cao mục tiêu chính trị hơn mục tiêu kinh tế trong chính sách đối ngoại đối với các nước Đông Nam Á bằng sự ra đời của Học thuyết Hashimoto được công bố nhân chuyến thăm 5 nước ASEAN của Thủ tướng Nhật Bản Hashimoto Ryutaro vào tháng 1-1997.
Học thuyết Hashimoto bao gồm ba nội dung chính: Một là, tăng cường trao đổi sâu hơn, rộng hơn mối quan hệ Nhật Bản - ASEAN trên mọi lĩnh vực và nâng quan hệ Nhật Bản - ASEAN lên tầm cao mới với việc tổ chức định kỳ các cuộc trao đổi cấp cao Nhật Bản - ASEAN; củng cố quan hệ Nhật Bản - ASEAN thông qua mở rộng hợp tác văn hóa nhằm làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên. Hai là, Nhật Bản ủng hộ và đánh giá cao vai trò của ASEAN và việc mở rộng ASEAN bao gồm tất cả 10 quốc gia Đông Nam Á. Ba là, quan hệ Nhật Bản - ASEAN sẽ chuyển từ quan hệ giữa nước viện trợ và nước nhận viện trợ sang mối quan hệ bạn bè, hợp tác bình đẳng, trao đổi rộng rãi không những về kinh tế mà còn trên các lĩnh vực an ninh - chính trị và văn hóa - xã hội(4).
Bên cạnh việc kế thừa phát triển quan điểm đối ngoại được đề xuất trong Học thuyết Fukada ra đời trước đó 20 năm với mục tiêu tăng cường và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, Học thuyết Hashimoto tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại cơ bản mà Nhật Bản đưa ra từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX trong Học thuyết Miyazawa về việc không ngừng thúc đẩy quan hệ ngoại giao Nhật Bản - ASEAN và đề xuất tổ chức các cuộc họp cấp cao thường xuyên giữa hai bên. Tuy nhiên, Học thuyết Hashimoto cũng đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng trong sự điều chỉnh chính sách của Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh lạnh khi bao hàm một số điểm mới sau:
Thứ nhất, Học thuyết Hashimoto nêu quan điểm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng và nâng tầm quan hệ chính trị, mục tiêu chính trị bên cạnh nền tảng quan hệ kinh tế và văn hóa đã được phát triển, tăng cường khía cạnh hợp tác an ninh - chính trị, củng cố quan hệ chiến lược ngoại giao - chính trị với khu vực Đông Nam Á thay vì khía cạnh hợp tác kinh tế truyền thống trong quan hệ Nhật Bản - ASEAN trước đây. Với ba nguyên lý nền tảng là hòa bình, dân chủ và tôn trọng nhân quyền, Hiến pháp năm 1946 của Nhật Bản đã ghi một dấu mốc quan trọng trong quá trình phi quân phiệt và dân chủ hóa Nhật Bản. Trong bối cảnh đang bị hạn chế việc sử dụng sức mạnh quân sự, Nhật Bản luôn nỗ lực xây dựng hình ảnh một nước lớn có uy tín, trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu trên nhiều lĩnh vực nhằm tạo những dấu ấn tích cực đối với các quốc gia Đông Nam Á nói riêng và các quốc gia châu Á nói chung trong quan hệ quốc tế. Đặc biệt, với vai trò, vị thế nước lớn, Nhật Bản đã dần cân bằng chính sách thiên về “ngoại giao kinh tế”, “kinh tế chủ nghĩa” để tập trung nhiều hơn cho chính sách “ngoại giao chính trị”, tăng cường ảnh hưởng chính trị và củng cố vai trò chính trị của Nhật Bản trên thế giới cũng như trong khu vực. Nói cách khác, Nhật Bản đã ý thức một cách sâu sắc về một sự phù hợp cần thiết, tương xứng hài hòa, giữa vai trò an ninh chính trị của Nhật Bản với địa vị kinh tế của quốc gia này.
Do đó, trên cơ sở sự kế thừa và tiếp thu tinh thần hợp tác phát triển trong Học thuyết Fukada và Học thuyết Miyazawa, Học thuyết Hashimoto ra đời thể hiện quyết tâm cao của Nhật Bản trong nắm giữ một vai trò chính trị quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc tăng cường đối thoại với các quốc gia Đông Nam Á. Để thực hiện mục tiêu này, Nhật Bản đề nghị nâng cấp quan hệ Nhật Bản - ASEAN từ đối thoại cấp bộ trưởng lên hội nghị cấp cao định kỳ, chính thức hoặc không chính thức. Theo đó, Nhật Bản tổ thức thường xuyên hơn các hội nghị cấp cao ASEAN chính thức và không chính thức; đồng thời, cam kết đối thoại thẳng thắn về vấn đề an ninh khu vực với các quốc gia thành viên ASEAN trên cơ sở quan hệ song phương vì hòa bình, ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng.
Thứ hai, Học thuyết Hashimoto được coi là một sự khẳng định, công nhận của Nhật Bản về vị trí, vai trò chính trị của ASEAN ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với mức tăng trưởng kinh tế cao từ 7 - 10% trong hai thập niên qua, nền kinh tế ASEAN ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trong thương mại và đầu tư của Nhật Bản tại khu vực. Bên cạnh đó, cùng với việc mở rộng các quốc gia thành viên thông qua việc Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995; Lào, Myanmar gia nhập vào năm 1997, ASEAN thực sự trở thành một thực thể chính trị độc lập có tiếng nói, có khả năng tham gia thiết lập một trật tự khu vực mới nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng trước hết là duy trì một môi trường hòa bình, ổn định và phát triển. Với vai trò, ảnh hưởng chủ chốt, quan trọng đến hoạt động của các diễn đàn lớn, ASEAN đang dần khẳng định được vị trí trung tâm trong giải quyết các vấn đề khu vực, trở thành một cực quan trọng về chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhìn nhận và đánh giá đầy đủ, khách quan vai trò của ASEAN tại khu vực, Nhật Bản đã xem ASEAN như một đối tác bình đẳng trong thương mại và đầu tư, hướng tới mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Cũng vì thế, Đông Nam Á trở thành một nhân tố quan trọng trong chiến lược “quay trở về châu Á” và chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Nhật Bản.
Kế thừa Học thuyết Hashimoto, mối quan hệ Nhật Bản - ASEAN tiếp tục được củng cố, phát triển và điều chỉnh phù hợp với diễn biến mới của tình hình khu vực, thế giới dưới thời kỳ Thủ tướng Nhật Bản Koizumi Junichirô. Đó cũng là cơ sở cho sự ra đời của Học thuyết Koizumi, bao gồm bốn nội dung chính: Một là, Nhật Bản ủng hộ ASEAN cải cách trên các lĩnh vực chính trị, luật pháp, cơ cấu kinh tế và tài chính; tăng cường hợp tác khai thác khu vực sông Mekong, công nghệ thông tin và các ngành, nghề liên quan. Hai là, Nhật Bản tích cực hợp tác với các nước ASEAN trong mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phòng ngừa xung đột, xây dựng cơ chế an ninh khu vực… Ba là, Nhật Bản đưa ra năm ý tưởng cho mối quan hệ hợp tác Nhật Bản - ASEAN, bao gồm: hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác kinh tế toàn diện; triệu tập Hội nghị phát triển quốc tế Đông Á và tăng cường hợp tác an ninh. Bốn là, Nhật Bản đề ra ý tưởng xây dựng “Một cộng đồng Đông Á cùng nhau hành động và cùng nhau phát triển”.
Học thuyết Koizumi đã khẳng định vị trí và tầm quan trọng của ASEAN đối với chiến lược phát triển Nhật Bản; đồng thời, đề xuất thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN nhằm tạo thế chủ động trước những biến động đầy thách thức của khu vực trong thế kỷ XXI. Trên thực tế, mối quan hệ hợp tác Nhật Bản - ASEAN hướng đến mục tiêu “Nhật Bản và ASEAN cùng tiến” diễn ra đồng thời trên cả ba lĩnh vực.
Về lĩnh vực ngoại giao kinh tế, để đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển nói chung cũng như chiến lược kinh tế nói riêng của đất nước, Nhật Bản đã chủ động xây dựng kế hoạch điều chỉnh sách ngoại giao kinh tế thông qua điều chỉnh Hiến chương ODA năm 1992. Tháng 1-2003, Ban điều chỉnh Hiến chương ODA chính thức được thành lập, đánh dấu sự thay đổi trong tầm nhìn và chiến lược ngoại giao kinh tế của Nhật Bản trước những thách thức to lớn, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới những năm đầu kỷ XXI. So với Hiến chương ODA năm 1992, Hiến chương ODA năm 2003 đề cập đến các chính sách cơ bản, các lĩnh vực được ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn ODA theo hướng tập trung nhiều vào các vấn đề nhân văn và các mục tiêu hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững, xây dựng hòa bình và an ninh khu vực. Theo số liệu thống kê trong Sách Trắng về hợp tác phát triển (ODA White Paper) của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, mặc dù trong những năm đầu thế kỷ XXI đã có những biến động về nguồn viện trợ ODA của Nhật Bản dành cho các nước Đông Nam Á, song đây vẫn là khu vực chiếm tỷ lệ đầu tư lớn nhất trong ngân sách ODA Nhật Bản hằng năm và Nhật Bản luôn là một trong những nước cung cấp viện trợ ODA nhiều nhất trong khu vực. Đồng thời, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào các dự án về giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực, an ninh con người và các vấn đề toàn cầu, như môi trường, sức khỏe, giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra cả về số lượng cũng như quy mô triển khai.
Về lĩnh vực ngoại giao văn hóa, Nhật Bản coi đây là một trong những công cụ chủ lực để phát triển kinh tế cũng như tăng cường vị thế chính trị, nâng cao tầm ảnh hưởng chính trị quốc gia trong thế kỷ XXI. Theo đó, để tăng cường củng cố quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và các quốc gia thành viên ASEAN trong tương lai, hướng đến mục tiêu “cùng nhau hành động - cùng nhau tiến lên”, năm 2003 được xác định là “Năm Giao lưu Nhật Bản - ASEAN”. Đây là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Koizumi Junichirô, đồng thời hướng đến kỷ niệm 25 năm thiết lập Quỹ Văn hóa ASEAN, 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam, với mục tiêu cơ bản là thúc đẩy các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa, học thuật; duy trì và mở rộng mạng lưới liên kết các tổ chức nghiên cứu ở Nhật Bản và các nước ASEAN. Nhiều các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa cũng được hai bên tích cực tổ chức. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong năm 2003, Nhật Bản và các nước ASEAN đã phối hợp tổ chức 843 chương trình, sự kiện văn hóa; trong đó, có 225 chương trình, sự kiện được tổ chức ở Nhật Bản và 618 chương trình, sự kiện được tổ chức ở các nước thành viên ASEAN.
Về lĩnh vực ngoại giao - chính trị, cùng với ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, hoạt động ngoại giao - chính trị đối với khu vực Đông Nam Á của Nhật Bản thời kỳ này tiếp tục được củng cố, tăng cường nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc về kinh tế, văn hóa và chính trị trong thế kỷ XXI. Các hội nghị đối thoại cấp cao, các chương trình hành động, tuyên bố chung giữa hai bên tiếp tục được diễn ra và mang lại nhiều kết quả quan trọng. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản, tháng 12-2003, Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản đã được tổ chức thành công tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản), với việc các nhà lãnh đạo hai bên nhất trí thông qua “Tuyên bố Tokyo vì một quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản năng động và bền vững trong thiên niên kỷ mới”, đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ giữa hai bên; trên cơ sở đó thúc đẩy quá trình hợp tác toàn diện, xây dựng và củng cố môi trường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản. Hội nghị cũng thể hiện nỗ lực của Nhật Bản trong thực hiện chiến lược ngoại giao chính trị nhằm tăng cường ảnh hưởng, nâng cao vị thế quốc tế, uy tín chính trị của Nhật Bản trên thế giới nói chung và tại khu vực Đông Nam Á nói riêng.
Nhìn chung, khu vực Đông Nam Á luôn nhận được sự quan tâm của Nhật Bản, đặc biệt sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và Việt Nam được xem là một trong những nhân tố có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Nhật Bản đối với khu vực. Với phương châm “trở về châu Á”, hướng tới mục tiêu trở thành “cường quốc toàn diện”, Nhật Bản đã có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại Đông Nam Á theo hướng độc lập, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Đông Nam Á trên cơ sở coi trọng và đề cao hòa bình, an ninh khu vực, hợp tác bình đẳng và hỗ trợ nhau cùng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, từ an ninh - chính trị, kinh tế - thương mại đến văn hóa - xã hội. Đó là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược bình đẳng, toàn diện Nhật Bản - Đông Nam Á trong những giai đoạn tiếp theo./.
------------------------
(1) Ngô Xuân Bình: Chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr. 270
(2) Xem: Ministry of Foreign Affairs of Japan: “Japan’s ODA Annual Report (Summary)” (Tạm dịch: Báo cáo tóm tắt thường niên về viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản, 1995, https://www.mofa.go.jp/policy/oda/summary/1995/index.html
(3) Nguyễn Hoàng Giáp: “Một số điều chỉnh trong chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản những năm 90”, Trang thông tin điện tử Học viện Ngoại giao, ngày 22-3-2012, https://dav.edu.vn/so-19-mot-so-dieu-chinh-trong-chinh-sach-dong-nam-a-cua-nhat-ban-nhung-nam-90/
(4) Nguyễn Hoàng Giáp: “Một số điều chỉnh trong chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản những năm 90”, Tlđd
Thăng trầm trong quan hệ Nhật Bản - Nga những năm gần đây  (29/03/2023)
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực: Triển vọng đối với chính trị và kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương  (29/10/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay