Các tôn giáo chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình
TCCS - Gắn với giáo lý hòa hợp dân tộc, tôn giáo đồng hành cùng Tổ quốc, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã vận động các chức sắc, đồng bào theo đạo tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Trong xây dựng nông thôn mới, các tôn giáo trên địa bàn huyện Yên Khánh đã góp phần làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung và đồng bào theo đạo nói riêng được cải thiện, ổn định, từng bước nâng lên rõ rệt và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.
Phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng nông thôn mới
Nhận thức những lợi ích thiết thực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình tham gia tích cực cùng chính quyền thực hiện các tiêu chí, đóng góp xây dựng quê hương, kéo gần khoảng cách thành thị và nông thôn.
Đặc biệt, năm 2023, khi có Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 chạy qua địa bàn xã Khánh An theo phương châm xây dựng nông thôn mới - dự án giao thông trọng điểm của tỉnh được khởi công vào tháng 3-2022 với tổng mức đầu tư 1.475 tỷ đồng; với tinh thần vì lợi ích chung, các chức sắc Phật giáo đã bàn bạc, thống nhất quyết định tháo dỡ toàn bộ cổng, tường bao của chùa, xây lùi lại vào phía trong để hiến 2.000m2 đất mở rộng đường, ủng hộ dự án. Đồng thời, cùng lãnh đạo xã đến các hộ gia đình là tín đồ Phật giáo, tuyên truyền bà con hiến đất mở đường, thiết thực hưởng ứng, chung tay thực hiện một công trình ý nghĩa ở địa phương.
Mặc dù xã đã được công nhận xã nông thôn mới, nhưng các tín đồ Phật giáo vẫn nhiệt tình tham gia nâng cao các tiêu chí, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp. Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, các chức sắc Phật giáo cùng các tín đồ trên địa bàn xã không chỉ đơn thuần là xây dựng cầu đường, mà còn có các phần việc thiết thực khác, như: Xây dựng nhà đại đoàn kết, tặng xe đạp, học bổng cho học sinh, cùng chính quyền phụ giúp người dân…
Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con rất vui mừng, phấn khởi. Các cấp chính quyền đầu tư, hỗ trợ địa phương thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trên cơ sở những thành quả đạt được trong các hoạt động xã hội từ thiện, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trong những năm qua, bà con tín đồ Phật giáo sẽ tiếp tục phát huy vai trò, góp phần thiết thực trong công cuộc xây dựng huyện ngày càng phát triển, vững mạnh.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” ở huyện Yên Khánh cũng đã ghi nhận nhiều điển hình tiên tiến là người Công giáo. Không ít giáo dân thuộc nhiều giáo xứ đã đi đầu trong việc tham gia, tạo nên những tấm gương, có sức lan tỏa sâu rộng khi sẵn sàng đóng góp những tài sản lớn vì mục tiêu chung của cộng đồng. Nhiều giáo dân hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương và ủng hộ hàng trăm triệu đồng để cải tạo, nâng cấp đường giao thông, cổng làng, đường điện chiếu sáng trong thôn, xóm, các công trình phục vụ cộng đồng…
Các chức sắc tôn giáo đã tích cực vận động giáo dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống các tệ nạn xã hội, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài… được bà con giáo dân ở các xứ, họ tham gia tích cực. Đến nay, trên địa bàn các xứ họ không có tệ nạn xã hội nghiêm trọng, nhiều xứ họ đã góp phần cùng với khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa nông thôn mới kiểu mẫu, làng văn hóa các cấp, nhiều khu dân cư không có người sinh con thứ 3, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng xứ họ đạo bình yên, sống tốt đời, đẹp đạo và thực hiện tốt cuộc vận động nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tuyên truyền, vận động các giáo xứ, giáo họ thông qua các buổi sinh hoạt giáo lý nhắc nhở giáo dân tự giác chấp hành và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự trên địa bàn để yên tâm lao động, sản xuất và có điều kiện sinh hoạt tôn giáo tốt hơn.
Thực tế quá trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Yên Khánh cho thấy vai trò rất lớn của các chức sắc tôn giáo và đồng bào theo đạo khi đồng hành, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi rõ rệt diện mạo, đời sống nông dân tại khu vực nông thôn. Để có sự đồng thuận, chung tay đóng góp xây dựng quê hương của đồng bào Công giáo, các chức sắc tôn giáo thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, giữ mối quan hệ khăng khít với những người đứng đầu giáo xứ, giáo họ, từ đó phát huy tốt vai trò của các linh mục, chức sắc, chức việc trong đồng hành với cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các địa phương tuyên truyền, động viên giáo dân đóng góp tiền, công sức, hiến đất để làm các công trình phúc lợi xã hội.
Đồng chí Lê Hồng Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Nhạc cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới của xã, các chức sắc, tín đồ tôn giáo là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, vận động giáo dân đóng góp công sức, vật lực xây dựng quê hương. Ðược các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2014. Trên địa bàn xã, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào “Dân vận khéo” bằng nhiều hình thức phong phú. Các đơn vị, tổ chức đã cụ thể hóa từng phần việc sát với điều kiện thực tiễn thông qua các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Xóm đạo bình yên”; “Xóm đạo chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”,... Ðể có sự đồng thuận, chung tay đóng góp xây dựng quê hương của các tôn giáo, chính quyền xã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, giữ mối quan hệ khăng khít với những người đứng đầu giáo xứ, giáo họ, các nhà sư, từ đó phát huy tốt vai trò của các linh mục, chức sắc, chức việc, nhà sư.
Lương - giáo đoàn kết xây dựng quê hương
Quá trình xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh của huyện Yên Khánh đã có sự tham gia hưởng ứng ngay từ đầu của rất nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo. Gắn với đó, có phong trào được triển khai đồng bộ đến tất cả các tôn giáo, có phong trào mang đặc trưng trong từng tôn giáo và có phong trào mang tính chất khu vực, phù hợp với đặc điểm của địa phương.
Phong trào xây dựng nông thôn mới được hưởng ứng, lan truyền mạnh mẽ từ sự tham gia của các tôn giáo. Những năm qua, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn huyện luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội. Trong đó, đồng bào các tôn giáo đã tích cực tham gia hiến đất, đóng góp tiền của, công lao động tham gia xây dựng các công trình hạ tầng; đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội. Những đóng góp của các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình ghi nhận. Nhiều điển hình tiên tiến trong các tôn giáo có thành tích trong tham gia hoạt động xã hội giai đoạn 2019 - 2024 đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình biểu dương, khen thưởng.
Trong những năm qua, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Yên Khánh đã không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt; làm được nhiều việc “Tốt đời, đẹp đạo”. Đặc biệt, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện đã vận động tăng ni, tín đồ Phật giáo làm việc theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của công dân, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xóa đói, giảm nghèo, vận động từ thiện nhân đạo...; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động tín đồ Phật giáo và nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, góp phần cùng các cấp chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là về công tác an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sau một thời gian triển khai xây dựng, duy trì và nhân rộng, đến nay, mô hình “Vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” trên địa bàn huyện Yên Khánh đã được nhiều khu dân cư thực hiện có hiệu quả, góp phần xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền với các chức sắc, chức việc tôn giáo trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, mô hình “Vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo chung tay xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết Lương - Giáo” cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn. Nhiều ngôi nhà ấm tình đoàn kết đã được xây dựng, mang lại niềm vui và hy vọng cho nhiều gia đình. Những ngôi nhà này không chỉ là nơi ở, mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết, sự sẻ chia và lòng nhân ái. 5 năm qua, toàn huyện đã vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội” được trên 8 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới 89 nhà, sửa chữa 48 nhà đại đoàn kết. Đây là việc làm thiết thực, thể hiện sinh động mối quan hệ đoàn kết Lương - Giáo và sẽ tiếp tục được triển khai, nhân rộng trên địa bàn huyện. Cùng với việc tuyên truyền, vận động, trực tiếp hỗ trợ kinh phí giúp đỡ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, góp phần thực hiện tiêu chí “Nhà ở dân cư” trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện còn tổ chức thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho tín đồ Phật giáo và nhân dân.
Huyện Yên Khánh hiện có 14.229 giáo dân, sinh sống tại 11 giáo xứ, 46 giáo họ. Trong những năm qua, đồng bào Công giáo trong huyện luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, yên tâm lao động, sản xuất, tích cực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Bà con tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thời gian qua, bà con giáo dân chú trọng phát triển kinh tế trang trại, mở các ngành, nghề kinh doanh, dịch vụ, thương mại cho thu nhập cao, góp phần tăng tỷ lệ hộ khá, giàu trong đồng bào Công giáo. Kinh tế phát triển, bà con tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong 5 năm qua, các khu dân cư thuộc giáo xứ đã hiến hàng chục nghìn m2 đất để mở rộng đường nội đồng, bà con giáo dân trong huyện đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động và hàng chục tỷ đồng để xây dựng và cải tạo đường giao thông, đường hoa nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi… Trong phong trào “dồn điền đổi thửa”, nhiều giáo xứ, giáo họ, bà con giáo dân đã tích cực hưởng ứng và thực hiện đem lại nhiều kết quả tốt.
Bám sát tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các chức sắc, tín đồ các tôn giáo huyện Yên Khánh đã tình nguyện đã hiến hàng chục nghìn m2 đất và tài sản trên đất để phục vụ cho việc mở rộng đường liên thôn, liên xã, đường nội đồng và xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; đóng góp nhiều tiền của, ngày công để mở rộng khuôn viên, mua sắm thiết bị nhà văn hóa ở khu dân cư, sân chơi thể thao, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa..., góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đường làng, ngõ phố sạch đẹp, khang trang, diện mạo nông thôn, đô thị ngày càng được đổi mới. Có thể thấy, vai trò rất lớn của các tôn giáo khi đồng hành, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi rõ rệt diện mạo, đời sống nông thôn. Cộng đồng tôn giáo đã thể hiện trách nhiệm xã hội của các tôn giáo, tạo sự ổn định và đoàn kết trong nhân dân, khẳng định vị trí của tôn giáo trong đời sống xã hội và phát triển đất nước. Không chỉ đóng vai trò tiên phong trở thành kênh kết nối để tín đồ và nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều tổ chức tôn giáo còn trực tiếp tham gia, hy sinh lợi ích riêng để đóng góp vào sự thay đổi diện mạo của nông thôn.
Tuy nhiên, trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Yên Khánh vẫn còn hạn chế là chưa chú trọng tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo giáo phát huy mặt tích cực, đẩy lùi tiêu cực, chưa phát huy tốt nguồn lực các tôn giáo, công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên và ngành liên quan có lúc còn thiếu nhịp nhàng... Mặt khác, việc thể chế hóa thành các chính sách, pháp luật cụ thể còn chậm nên việc phát huy nguồn lực các tôn giáo nói chung, trong đó có phát huy nguồn lực tôn giáo trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, còn vướng mắc, hạn chế.
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Yên Khánh cho biết, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục tập trung vận động các tôn giáo tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; cùng toàn dân tích cực tham gia hoạt động trồng cây xanh, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, đổi mới, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động để 100% chức sắc, chức việc, tăng ni, tín đồ các tôn giáo nắm rõ nội dung của cuộc vận động và tích cực tham gia thực hiện, cũng như phát huy vai trò làm chủ, tính tự giác và tích cực sáng tạo của đồng bào là tín đồ các tôn giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương.
Đồng chí Lê Văn Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình cho biết, đến nay, tất cả các huyện, thành phố của Ninh Bình đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó có gần 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gần 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh đang tập trung hoàn thành các tiêu chí tỉnh nông thôn mới trong năm 2024. Mấu chốt thành công trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh là thực hiện có hiệu quả các giải pháp phù hợp tình hình thực tiễn địa phương, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, tham gia tích cực, hiệu quả của toàn thể nhân dân, trong đó, có sự đóng góp đáng kể của các chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo trên địa bàn./.
Huyện ủy Kim Sơn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên là người có đạo  (10/11/2024)
Tỉnh Ninh Bình chú trọng phát huy tổng thể các nguồn lực, trong đó có các tổ chức tôn giáo để xây dựng nông thôn mới  (07/11/2024)
Vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn, phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình  (06/11/2024)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 - biểu hiện sinh động về vấn đề “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”