Tỉnh Ninh Bình chú trọng phát huy tổng thể các nguồn lực, trong đó có các tổ chức tôn giáo để xây dựng nông thôn mới
TCCS - Cùng với bảo đảm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai các giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, toàn tỉnh Ninh Bình đã huy động, vận động được nhiều cơ sở tôn giáo và các người có đạo cùng nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.
Những kết quả đạt được trong huy động tổng thể các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Ninh Bình thời gian qua
Xác định triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, giảm nghèo bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, do đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm với hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, thể hiện sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Trên cơ sở các Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 56/2022/ NQ-HĐND, ngày 27-10-2022, quy định cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), giữa các chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025... Đây là những căn cứ quan trọng làm cơ sở để phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.
Với việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tỉnh Ninh Bình đã huy động, lồng ghép được các nguồn lực để bố trí ngân sách thực hiện các chương trình MTQG. Theo đó, năm 2024, tổng số vốn ngân sách cấp tỉnh cân đối bố trí cho các chương trình MTQG là 303,848 tỷ đồng. Tỉnh đã thực hiện phân bổ vốn cho các đơn vị để triển khai kịp thời, bảo đảm theo quy định. Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) là 225 tỷ đồng, bao gồm, vốn sự nghiệp là 75 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư là 150 tỷ đồng. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 36,063 tỷ đồng, 100% vốn sự nghiệp. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 42,785 tỷ đồng, bao gồm vốn sự nghiệp là 26,785 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư là 16 tỷ đồng(1).
Cùng với bảo đảm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, thời gian qua, tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ thực hiện các chương trình MTQG, nhất là chương trình MTQG xây dựng NTM. Trong giai đoạn này, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, làm thay đổi diện mạo nông thôn ngày một khang trang hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư đồng bộ hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Kết quả đến nay, toàn tỉnh có 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt 100%); huyện Yên Khánh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023; huyện Yên Mô đang hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định, Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao trong quý I năm 2025; 119/119 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 100%), 33/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 27,7%), 15/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 12,6%); có 396 thôn (xóm, bản) được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Với phương châm phát triển bền vững, chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, các ngành, địa phương trong tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bước đầu tạo sức lan tỏa rộng rãi góp phần nâng cao thu thập, cải thiện đời sống người dân. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Ninh Bình có 183 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, có 70 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 113 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Kết quả Chương trình OCOP đã khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững bên cạnh việc tập trung nguồn vốn ngân sách để cải thiện đời sống cho nhân dân thông qua việc tăng cường hỗ trợ các chiều thiếu hụt, tiếp cận thông tin, nguồn nước hợp vệ sinh... Ninh Bình là một trong những tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Ngoài việc thực hiện các dự án của Chương trình và các chính sách giảm nghèo chung của Trung ương, tỉnh còn dành nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 929 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Riêng trong năm 2023, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 495 căn nhà. Năm 2024, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 424 căn nhà với tổng số tiền 78,5 tỷ đồng. Với mức hỗ trợ cao nhất cả nước hiện nay là 100 triệu đồng/căn nhà xây mới, 50 triệu đồng/căn nhà sửa chữa.
Việc triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cấp, các bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, bảo đảm kế hoạch thực hiện Chương trình; đồng thời, rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình theo thẩm quyền quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện, chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp nhằm xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, bảo đảm việc thực hiện Chương trình theo đúng kế hoạch và mục tiêu, hiệu quả đã đề ra.
Năm 2024, tỉnh Ninh Bình xác định mục tiêu có thêm 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 1 huyện (Yên Khánh) được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 và 1 huyện (Yên Mô) hoàn thành hồ sơ, trình Trung ương thẩm định, công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2024; hoàn thành các quy định và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận tỉnh Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2024.
Từ đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xác định tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của 3 chương trình MTQG. Các cấp, ngành thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, giúp người nghèo có sinh kế bền vững thông qua các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm. Thực hiện phân bổ nguồn lực bảo đảm kịp thời, đúng mục tiêu, không dàn trải; lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực khác.
Sau 32 năm thành lập lại tỉnh, bằng ý chí và khát vọng phát triển mạnh mẽ, tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu to lớn: Từ năm 2022, trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách trung ương, vươn lên thành địa phương có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 12 cả nước; trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại của đất nước; trung tâm du lịch tầm quốc gia và quốc tế; phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị gắn với xây dựng NTM đạt kết quả nổi bật. Tăng trưởng kinh tế luôn gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, coi trọng phát huy nguồn lực tự nhiên và nguồn lực văn hóa trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế, phát triển bền vững; giữ vững địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh; hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng; là điểm đến an toàn, tạo được niềm tin của khách du lịch và các nhà đầu tư(2).
Các tổ chức tôn giáo tại Ninh Bình đã tích cực vận động chức sắc, phật tử, nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới
Công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công tác đoàn kết tôn giáo đạt được những kết quả nổi bật thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và hoạt động xã hội; tạo sự gần gũi trên tinh thần tôn trọng, quan tâm tới sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ, gắn bó “việc đạo, việc đời”. Các tổ chức tôn giáo chủ động cùng với chính quyền, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xứ, họ đạo bình yên, chùa tinh tiến về an ninh, trật tự, thân thiện và bảo vệ môi trường” gắn với xây dựng NTM... Một số chức sắc, tín đồ tôn giáo là đại biểu của hội đồng nhân dân, thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy viên ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, có 2 chức sắc, 1 tín đồ tôn giáo trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; 7 chức sắc Phật giáo và 6 tín đồ Công giáo trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện; 5 chức sắc Phật giáo và 312 tín đồ tôn giáo trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã. Có 521 chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp. Một mặt, các đại biểu hội đồng nhân dân, thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp là chức sắc tôn giáo giúp truyền tải tiếng nói của đông đảo tín đồ, đóng góp ý kiến vào các chủ trương, định hướng phát triển quan trọng của địa phương. Mặt khác, hàng ngũ chức sắc tôn giáo cũng thêm gắn bó, đồng hành cùng với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, vận động đồng bào theo tôn giáo thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, huy động nguồn lực trong các tôn giáo để đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh(3).
Gắn với giáo lý hòa hợp dân tộc, tôn giáo đồng hành cùng Tổ quốc, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo ở Ninh Bình đã vận động chức sắc, phật tử, nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM; góp phần tạo nên những thay đổi lớn, toàn diện. Sự chung sức, đồng lòng của các tôn giáo đã trở thành nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng NTM nơi đây. Đơn cử, như Xã Yên Phong (huyện Yên Mô) là địa phương có đông người dân theo Phật giáo sinh sống với khoảng 1.900 phật tử. Ngay từ những ngày đầu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các phật tử tham gia. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cùng với Mặt trận Tổ quốc xã, tăng ni trụ trì các chùa ở xã đã tích cực vận động người đân góp công, góp của thực hiện các tiêu chí NTM. Điển hình là việc các phật tử cùng tham gia, đóng góp xây dựng cầu, đường nông thôn, nhà đại đoàn kết, giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhiều chùa được tín nhiệm giao trách nhiệm vận động tài lực và đảm trách thi công xây dựng nhà đại đoàn kết, giúp thay đổi diện mạo nông thôn, thắt chặt tình làng nghĩa xóm; qua đó, góp phần đưa xã về đích NTM năm 2018.
Thời gian qua, để người dân, đặc biệt là các phật tử cùng chung tay xây dựng NTM, các tăng ni đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào; qua đó, công tác huy động xã hội hóa được thực hiện tốt. Từ năm 2021 đến nay, xã đã xây được 4 ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Thành công trong xây dựng NTM của xã có phần đóng góp không nhỏ của đông đảo phật tử.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” ở huyện Yên Khánh đã ghi nhận nhiều điển hình tiên tiến là người Công giáo sẵn sàn đóng góp tài sản lớn vì mục tiêu chung của cộng đồng. Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM ở địa phương, giáo dân Nguyễn Quang Hoàn (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh) đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng để cải tạo, nâng cấp đường giao thông, cổng làng, đường điện chiếu sáng trong thôn, xóm, các công trình phục vụ cộng đồng.
Tỉnh Ninh Bình hiện có 318 tăng ni, trên 190.000 phật tử, chiếm 19% dân số của tỉnh. Công giáo với trên 162.000 người, chiếm 16% dân số. Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đồng bào các tôn giáo đã đồng thuận, tích cực tham gia bằng những hoạt động thiết thực, như: Hiến đất, ủng hộ kinh phí, đóng góp ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tham gia xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục…
Phát huy giá trị tốt đẹp, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo, các cấp Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tôn giáo chung tay xây dựng mô hình “Vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”. Đến nay, toàn tỉnh có 128 xã với 849 khu dân cư thực hiện mô hình; trong đó, có hơn 66,5 nghìn hộ ký cam kết, góp phần xây dựng nếp sống văn minh ở địa phương, thực hiện tốt hương ước, quy ước ở khu dân cư. Các cấp Mặt trận Tổ quốc đã vận động xây dựng 52 ngôi nhà ấm tình đoàn kết; chung tay hỗ trợ học bổng cho hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vận động 15.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời…
Thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, toàn tỉnh đã huy động, vận động được nhiều cơ sở tôn giáo và các người có đạo cùng nhân dân tham gia, tự nguyện hiến hàng chục nghìn m2 đất và tài sản trên đất để phục vụ việc mở rộng đường, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; đồng thời đóng góp tiền của, ngày công để mở rộng khuôn viên, mua sắm thiết bị nhà văn hóa khu dân cư, sân chơi thể thao, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa... qua đó, giúp diện mạo nông thôn, đô thị ngày càng đổi mới. Tính đến hết tháng 9-2024, toàn tỉnh Ninh Bình có 119/119 xã đạt chuẩn xã NTM, 6/6 huyện đạt chuẩn huyện NTM; 2/2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM(4)... Có thể thấy, thành công trong xây dựng NTM của Ninh Bình là thực hiện hiệu quả các giải pháp phù hợp tình hình thực tiễn địa phương, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, tham gia tích cực, hiệu quả của toàn thể nhân dân; trong đó có sự đóng góp của các chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo.
Năm 2025, Ninh Bình phấn đấu được công nhận là tỉnh NTM. Do đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ sở tôn giáo chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng các mô hình, tập trung vào an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo; quan tâm đến công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Mặt trận các cấp huy động các tôn giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh phải phù hợp với đặc điểm và đường hướng hành đạo của từng tôn giáo, để tạo sự gắn kết “đạo - đời tốt đẹp”. Những thành tích đạt được của tỉnh Ninh Bình đã chứng minh cho tinh thần gắn bó dân tộc, quê hương của các tôn giáo trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội./.
------------------------
(1) Xem: Nguyễn Thơm, “Tích hợp nguồn lực thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia”, Báo Ninh Bình điện tử, https://baoninhbinh.org.vn/tich-hop-nguon-luc-thuc-hien-hieu-qua-cac-chuong-trinh-muc/d20240718083212620.htm
(2) Xem: TS Phạm Quang Ngọc, “Phát huy giá trị các di sản văn hóa, thiên nhiên thành nguồn lực, trụ cột và nguồn lực quan trọng để tỉnh Ninh Bình phát triển bền vững”, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/930602/phat-huy-gia-tri-cac-di-san-van-hoa%2C-thien-nhien-thanh-nguon-luc%2C-tru-cot-va-dong-luc-quan-trong-de-tinh-ninh-binh-phat-trien-ben-vung.aspx
(3) Xem: PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hà, “Đổi mới, tăng cường vận động chức sắc tôn giáo ở tỉnh Ninh Bình: Kết quả và những bài học kinh nghiệm, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/825844/doi-moi%2C-tang-cuong-van-dong-chuc-sac-ton-giao-o-tinh-ninh-binh--ket-qua-va-nhung-bai-hoc-kinh-nghiem.aspx
(4) Xem: Thùy Dung: “Các tổ chức tôn giáo chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới”, https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/cac-to-chuc-ton-giao-chung-suc-dong-long-xay-dung-nong-thon-moi/50294.html
Vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn, phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình  (06/11/2024)
Huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân  (06/11/2024)
Huyện ủy Nho Quan chủ trương phát huy nguồn lực văn hóa, con người, khai thác bền vững văn hóa truyền thống dân tộc trong xây dựng nông thôn mới  (05/11/2024)
Vai trò các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn  (28/10/2024)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 - biểu hiện sinh động về vấn đề “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”