TCCS - Ngày 8-5-2024, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện 3 văn bản quan trọng của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, gồm: Đề án số 20-ĐA/TU, Quy định số 09-QĐ/TU và Kế hoạch số 121-KH/TU. Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị_Ảnh: Khôi Nguyên

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 6-6-2022, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 20-ĐA/TU, ngày 24-10-2022, về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới”; Quy định số 09-QĐ/TU, ngày 24-10-2022, của  Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, về “Một số vấn đề về công tác quản lý đảng viên; rà soát, sàng lọc, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng thuộc Đảng bộ thành phố”; Kế hoạch số 121-KH/TU, ngày 22-12-2022, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, về “Triển khai và ứng dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử và Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên”.

Trên cơ sở đó, các quận ủy, huyện ủy, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội đã tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung các văn bản này đến toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, toàn diện, thống nhất trong toàn Đảng bộ.

Công tác phát triển đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2020 đến nay, số lượng người đã học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng của toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội là 88.583 người; trong đó, đã kết nạp được 54.823 đảng viên mới. Đặc biệt, số lượng học sinh trung học phổ thông được kết nạp Đảng trong các trường trung học phổ thông tăng nhanh. Năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội đã kết nạp được 223 học sinh trung học phổ thông (tăng 14 lần so với trước khi thực hiện đề án); một số chỉ tiêu bước đầu đạt và vượt so với chỉ tiêu của Đề án số 20-ĐA/TU đề ra, như tỷ lệ đảng viên là giáo viên trong các cấp học phổ thông ở khối trường công lập đạt từ 50% trở lên; độ tuổi bình quân giảm,...

Cùng với đó, các đơn vị thường xuyên tiến hành rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Từ năm 2019 đến nay, toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội có 3.306 đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng. Từ năm 2019 đến năm 2022, có 2.014 đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng; từ năm 2023 đến nay, có 1.346 đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng, khai trừ 191 đảng viên, xóa tên 1.146 đảng viên, vì các lý do khác nhau.

Việc ứng dụng hai phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” và “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” của Đảng bộ thành phố Hà Nội giúp các đảng viên dễ dàng tiếp cận với chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên; đặc biệt là đã cung cấp thông tin chính thống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, ý chí và hành động. Hiện nay, có 445.459/481.406 đảng viên cài đặt thành công phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”, đạt 92,5% so với tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Tại hội nghị, có 10 ý kiến tham luận chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay về công tác phát triển đảng viên; việc quản lý, rà soát, sàng lọc, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; triển khai ứng dụng hai phần mềm là “Sổ tay đảng viên điện tử” và “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” của Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, phát biểu tại hội nghị_Ảnh: Khôi Nguyên

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao những kinh nghiệm, cách làm hay của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Phong khẳng định, dù có nhiều vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ trong thực tiễn, song, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo, bài bản và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác phát triển đảng viên, tạo nguồn kết nạp đảng từ học sinh, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, quân nhân dự bị, tân binh chuẩn bị nhập ngũ.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong chỉ ra những hạn chế trong công tác phát triển đảng viên; việc quản lý, rà soát, sàng lọc, nhằm kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, cũng như việc triển khai ứng dụng hai phần mềm điện tử “Sổ tay đảng viên điện tử” và “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên”; trong đó, nhấn mạnh đến nguyên nhân của hạn chế là do cấp ủy cơ sở chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề này, nên hiệu quả thực hiện chưa cao.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án số 20-ĐA/TU trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong lưu ý các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng công tác phát triển đảng viên cho thế hệ trẻ. Đặc biệt là cần tăng cường giáo dục về lý tưởng cách mạng, truyền thống lịch sử, tinh thần tự hào dân tộc để các em có lý tưởng, tình yêu đất nước; qua đó, khích lệ các em học sinh, sinh viên không ngừng học tập và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt hơn nữa công tác quản lý, rà soát, sàng lọc và đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng theo Quy định số 09-QĐ/TU, ngày 24-10-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và hai phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” và “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” của Đảng bộ thành phố, nhằm tăng cường cung cấp các thông tin cơ sở, đặc biệt là những thông tin mang tính định hướng dư luận trong bối cảnh hiện nay.

Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác kết nạp đảng viên và sự cần thiết phải nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên theo Đề án số 20-ĐA/TU; công tác quản lý, rà soát, sàng lọc và đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng theo Quy định số 09-QĐ/TU, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Hai là, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp của Đề án 20-ĐA/TU, cụ thể là: 1- Tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, lý tưởng cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối tượng dự nguồn; 2- Đổi mới công tác tạo nguồn; định kỳ hằng năm tổ chức đảng, cấp ủy cơ sở làm tốt công tác rà soát, nắm chắc số lượng kết nạp đảng, tập trung tạo nguồn trong lực lượng trí thức (giáo viên, học sinh, sinh viên, bác sĩ...), thu hút nhóm đối tượng là thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân hoặc đã hoàn thành nghĩa vụ về tham gia công tác tại địa phương; công nhân lao động, lãnh đạo quản lý doanh nghiệp, nhất là lãnh đạo doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; 3- Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tham gia xây dựng Đảng; tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các đoàn thể nhân dân; nội dung hoạt động phải thiết thực, phong phú, gắn nội dung sinh hoạt với việc phát triển đoàn viên, hội viên; phát hiện giới thiệu hội viên, đoàn viên ưu tú cho cấp ủy cùng cấp xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kết nạp Đảng; 4- Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới kết nạp phải bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả theo hướng tập trung vào những vấn đề cơ bản về Đảng, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên, tính tiên phong, gương mẫu, nhất là xác định đúng đắn động cơ vào Đảng; linh hoạt thời gian, địa điểm, hình thức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Ba là, tăng cường công tác khảo sát, nắm bắt tình hình doanh nghiệp để thuyết phục, thực hiện quy trình thành lập tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể và phát triển đảng viên, đoàn viên là công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố; bảo đảm đạt và vượt chỉ tiêu thành lập tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể và chỉ tiêu kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc hướng dẫn quy trình, thủ tục phát triển đảng viên; phát huy vai trò của cán bộ phụ trách cơ sở; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình, thủ tục phát triển đảng viên, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tổ chức đảng chưa thực hiện tốt quy trình tạo nguồn phát triển đảng viên. Kết hợp chặt chẽ giữa việc nâng cao chất lượng công tác quản lý đảng viên với rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, góp phần làm cho tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ có hiệu quả các quy định về công tác quản lý đảng viên, nghiệp vụ công tác đảng viên, trọng tâm là: Định kỳ rà soát, hoàn thiện, bổ sung đầy đủ hồ sơ đảng viên, bảo đảm hồ sơ phản ánh liên tục, chính xác lịch sử, các mối quan hệ và quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của đảng viên; thực hiện nghiêm quy định về quản lý hồ sơ đảng viên, bảo đảm theo đúng chế độ quản lý tài liệu mật, tiến hành bổ sung hồ sơ đảng viên, kiểm tra thẻ đảng viên hằng năm theo đúng quy định; thực hiện tốt việc xét tặng, truy tặng huy hiệu Đảng 4 đợt trong năm.

Sáu là, làm tốt công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên để có căn cứ sàng lọc, loại bỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thẩm định chặt chẽ việc thực hiện đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng thực chất; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, bệnh thành tích trong tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại đảng viên.

Bảy là, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả việc thực hiện công tác kết nạp đảng viên; quản lý đảng viên, rà soát, sàng lọc và đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ kết nạp đảng viên, công tác quản lý đảng viên, rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, phát hiện những sai sót để uốn nắn kịp thời. Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp phụ trách cơ sở, có kế hoạch định kỳ làm việc với cơ sở để nắm chắc tình hình, cùng tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Thực hiện nghiêm túc việc xem xét trách nhiệm và xử lý tổ chức đảng, đảng viên thực hiện quy trình, thủ tục, quyết định kết nạp đảng viên và nghiệp vụ công tác đảng viên sai quy định.

Tám là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đảng viên. Tiếp tục thực hiện tốt hai phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” và “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên”; chuẩn hóa dữ liệu giữa phần mềm “Quản lý cơ sở dữ liệu đảng viên 3.0” với phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” để phục vụ khai thác thông tin bảo đảm kịp thời, chính xác./.