Thành phố Hà Nội: Duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch
TCCS – Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đồng thời duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch, thành phố Hà Nội đã chủ động các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế, trong đó, ưu tiên đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin để bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Tiêm vắc-xin để bảo vệ thành quả phòng, chống dịch
Để việc phòng, chống dịch thực sự hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn và điều kiện của mỗi địa phương, ngày 6-4-2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban ban hành Văn bản số 1011/UBND-KGVX, về việc điều chỉnh một số biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong tình hình mới trên địa bàn thành phố. Ngày 29-4-2022, thành phố Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND, về việc triển khai Nghị quyết số 38/NQ-CP, ngày 17-3-2022, của Chính phủ, ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Những hoạt động này đều nhằm mục tiêu bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, chuyển mục tiêu từ kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện. Đồng thời, chủ động sẵn kịch bản cho mọi tình huống, kể cả khi dịch bệnh bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm.
Bên cạnh công tác quản lý, thanh tra, giám sát, thành phố cũng tổ chức nhiều biện pháp linh hoạt để phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, tiêm vắc-xin phòng COVID-19 được coi là biện pháp hiệu quả, có ý nghĩ chiến lược, quyết định trong việc kiểm soát phòng, chống dịch. Vì vậy, thành phố Hà Nội đã phát động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ trong nhóm tuổi từ 5 đến 12; phối hợp với Bộ Y tế báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia bảo đảm phân bổ vắc-xin kịp thời để thực hiện tiêm phủ mũi 2 theo kế hoạch đã đề ra, hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Việc tiêm phòng đầy đủ 4 mũi vắc-xin là cần thiết, nhằm củng cố, tăng cường miễn dịch, tránh nguy cơ bệnh chuyển nặng dẫn đến tử vong. Đây cũng là biện pháp tối ưu giúp duy trì kết quả bền vững, cũng như hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, thành phố Hà Nội còn thực hiện linh hoạt nhiều biện pháp phòng, chống dịch khác, đó là:
Thứ nhất, duy trì chế độ ứng trực thường xuyên và các hoạt động của tổ COVID cộng đồng; tăng cường thanh tra, giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ cở kinh doanh, sản xuất, dịch vụ trên địa bàn; chủ động dự trù, mua sắm thuốc, vật tư y tế… cũng như các điều kiện y tế cần thiết khác, sẵn sàng đáp ứng khi tình hình dịch thay đổi; nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ công cuộc phòng, chống dịch; tổ chức tư vấn, thông tin kịp thời, hướng dẫn và cấp phát thuốc điều trị đối với người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà; tổ chức rà soát, lập danh sách, triển khai kế hoạch quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao;...
Để tạo sự đồng thuận, giúp người dân dễ tiếp cận với nội dung chương trình phòng, chống dịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan báo chí của Trung ương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch; vận hành Tổng đài 1022 và phối hợp với các địa phương, bảo đảm tiếp nhận mọi thông tin, phản ánh của người dân liên quan đến phòng, chống dịch, hỗ trợ, giúp đỡ, cấp phát thuốc kịp thời cho F0 điều trị tại nhà;..
Trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, thành phố Hà Nội cũng đề cao nhiệm vụ nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, chủ động, tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bám sát chỉ đạo của Trung ương; kiên trì, lên phương án ứng phó cho mọi tình huống; tổ chức triển khai phân cấp cho các địa phương, tạo sự chủ động, tự giác, trách nhiệm; thực hiện đánh giá cấp độ dịch định kỳ để làm cơ sở thực hiện áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp, không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sự đi lại của người dân; thực hiện linh hoạt, hiệu quả trong việc xét nghiệm,…
Thứ hai, để việc phòng, chống dịch hiệu quả, không thể thiếu những đóng góp to lớn của ngành y tế. Vậy nên, để tránh bị quá tải và chủ động trong mọi tình huống phát sinh, thành phố cũng thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường nhân lực, hỗ trợ cho y tế, như: huy động thêm lực lượng y tế tư nhân; huy động sự hỗ trợ của cộng đồng, sự giúp sức của những cán bộ y tế đã nghỉ hưu tham gia công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; tập huấn đầy đủ cho y tế tuyến dưới;…
Đặc biệt, thành phố đánh giá cao nỗ lực, đóng góp của các y, các sĩ, lực lượng tuyến đầu nên đã tổ chức tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19. Thành phố Hà Nội đã quyết định dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực y tế cùng những chính sách đặc thù, chế độ đãi ngộ cho lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu, tổ chống dịch COVID-19 cao hơn mức quy định của Trung ương. Điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 19/2022/NQ-HĐND, ngày 12-9-2022 của Hội đồng nhân dân thành phố về “Quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội”.
Bên cạnh yếu tố con người, thành phố cũng tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa, nâng cao năng lực y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường rà soát, thống kê trang thiết bị y tế để có kế hoạch bổ sung, mua mới, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm người dân được tiếp cận y tế sớm nhất; tăng cường chất lượng cấp cứu, hồi sức tích cực ở các tuyến cơ sở khám chữa bệnh;…
Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ thể các nguồn lực trong xã hội. Đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; nêu cao vai trò của chi bộ, tổ dân phố, cán bộ tại cơ sở; nhận rõ tầm quan trọng của các lực lượng dân quân tự vệ, đội tự quản, đoàn thanh niên tự nguyện,… trong công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện phòng, chống dịch; xác định vai trò xung kích của các lực lượng y, bác sĩ, công an, quân đội,… Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã thực sự đặt người dân vào vị trí trung tâm, để mỗi người dân thực sự là một “chiến sĩ” trên mặt trận phòng, chống dịch. Do đó, người dân Hà Nội không những chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, mà còn tích cực tham gia ủng hộ, quyên góp, cống hiến bằng sức người, sức của, giúp Thủ đô thiết lập được hệ thống phòng, chống dịch thống nhất, đồng bộ theo các lớp, các vòng tương đối chặt chẽ đến từng cơ sở.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Trong đó, thống nhất một ứng dụng công nghệ để bảo đảm kết nối, liên thông, thuận lợi cho người dân cũng như sự bảo mật, an toàn thông tin. Nhờ ứng dụng được công nghệ thông tin, việc phân loại, theo dõi F0, F1 trở nên rõ ràng, hiệu quả; các hoạt động kinh tế, giáo dục cũng được khai thông liên tục, không bị gián đoạn; việc giãn cách xã hội, cách ly xã hội cũng trở nên bảo đảm, an toàn.
Mặc dù là một trong những thành phố chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh, có những thời điểm số ca F0 đứng đầu cả nước, nhưng thành phố Hà Nội luôn bình tĩnh, không nóng vội, chủ động kịch bản ở mức cao hơn thực tế, linh hoạt áp dụng các giải pháp phù hợp với từng thời điểm. Theo báo cáo của trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, tính đến hết ngày 20-10-2022, toàn thành phố đã tiêm được 21.329.675 liều vắc-xin COVID-19; tỷ lệ tiêm mũi 1, 2 và 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đều đạt trên 98%. Tỷ lệ tiêm mũi cơ bản cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 100%. Hiện tại, thành phố là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cao nhất cả nước. Việc tiêm phòng bảo đảm đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân thành phố. Thành công trong tiêm chủng nên dù số ca bệnh tăng cao nhưng tỷ lệ người phải điều trị ở bệnh viện và chuyển tầng thấp; diện bao phủ vắc-xin, nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn, tăng nhanh giúp việc phòng, chống dịch trở nên chủ động hơn. Ngoài ra, năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên; việc tiếp cận với các dịch vụ y tế của người dân cũng trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, còn những vấn đề hạn chế trong việc phòng, chống dịch ở thành phố. Đó là sự lúng túng, thiếu tính thiết thực trong một số quyết định của thành phố khiến việc triển khai của các lực lượng chức năng rất khó khăn; sự biểu hiện “chặt ngoài, lỏng trong” ở việc triển khai các quy định phòng, chống dịch tại một số cơ sở; sự chủ quan, lơ là của một số địa phương khiến dịch bùng phát mạnh; các biện pháp công nghệ chưa hoàn thiện; công tác tuyên truyền còn thiếu chủ động…
Tỷ lệ tiêm chủng mũi 4 cho đối tượng được tiêm của Bộ Y tế và thống kê, báo cáo của các quận, huyện, thị xã, toàn thành phố mới đạt 78,7%, trong đó một số đơn vị còn thấp như quận Hoàng Mai (46,7%), quận Ba Đình (49,1%), huyện Chương Mỹ (61,3%), quận Hoàn Kiếm (63,5%), huyện Ứng Hòa (65,3%), huyện Gia Lâm (67,4%).
Thay đổi để phù hợp với thực tế, chủ động trong mọi tình huống
Để tiếp tục bảo vệ bền vững thành quả phòng, chống dịch, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang có nguy cơ quay trở lại, bên cạnh việc duy trì các biện pháp tích cực đã và đang thực hiện, thành phố Hà Nội cần ưu tiên triển khai một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, bảo đảm an toàn, đúng tiến độ. Cụ thể: Ưu tiên khẩn trương hoàn thiện, ban hành hướng dẫn tiêm vắc-xin cho trẻ em; thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin; tiếp tục thúc đẩy việc sản xuất và khâu nhập khẩu vắc-xin; đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch, nhất là mua sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc-xin, thuốc; rà soát các đối tượng, dự trù nhu cầu sử dụng vắc-xin để có kế hoạch tiếp nhận, phân bổ vắc-xin kịp thời, khoa học, tránh tình trạng thừa, thiếu hay sửa dụng lãng phí, hủy bỏ vắc-xin do hết hạn; tăng cường giám sát, đôn đốc công tác tiêm phòng COVID-19 để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, cũng như có phương án điều chỉnh, xử lý hợp lý khi có sai phạm;...
Hai là, tăng cường giám sát, kiểm tra để phát hiện, điều chỉnh ngay những gì chưa phù hợp; tiếp tục điều chỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu, có tính hệ thống; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kép; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương nhưng linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, đơn vị, sẵn sàng tình huống xấu hơn; làm tốt hơn nữa công tác dự báo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát;…
Ba là, tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện y tế để chủ động trong mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực của ngành y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; chủ động phối hợp với các bệnh viện, bảo đảm phân luồng, phân tầng hợp lý; rà soát, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; tổ chức khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch; nghiên cứu, đề xuất chính sách hậu phương cho những người tham gia tuyến đầu, nhất là đối với gia đình những người đã hy sinh vì công tác phòng, chống dịch bệnh; động viên sự tham gia của các tầng lớp xã hội, góp phần bổ sung nhân lực cho y tế, bảo đảm nguồn nhân lực cho phòng, chống dịch; phân bổ nhân lực và bảo đảm chế độ hợp lý ở khu vực có dịch; có mô hình y tế phù hợp cho các khu công nghiệp, khu sản xuất, dân cư;…
Bốn là, làm tốt công tác truyền thông theo phương châm “dân biết - dân hiểu - dân tin - dân theo - dân làm” để nhân dân tự nâng cao ý thức, đề cao cảnh giác; tăng cường kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục các bất cập, sự cố, không để xảy ra tình trạng khủng hoảng truyền thông./.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng chính quyền điện tử ở thành phố Hà Nội  (28/09/2022)
Sự đồng thuận xã hội - yếu tố góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội  (28/09/2022)
Hà Nội: Phát triển kinh tế làng nghề từ du lịch và sản phẩm OCOP  (27/09/2022)
Phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm với vị thế Thủ đô trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19  (27/09/2022)
Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội: Thực trạng và giải pháp  (25/09/2022)
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm