“Đúng vai, nhưng… không thuộc bài”

HOÀNG NGUYỄN
11:04, ngày 15-12-2020

Trong các cuộc làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thường nhắc nhở mỗi cơ quan, đơn vị, các cá nhân, trên cương vị công tác, lĩnh vực phụ trách của mình khi thực hiện nhiệm vụ cần chú ý sao cho “đúng vai, thuộc bài”. Câu nói khái quát ấy được người lãnh đạo cao nhất của Đảng dùng trong mỗi hoàn cảnh, với các đối tượng khác nhau, có ý nghĩa đúc kết, hướng dẫn mỗi người trong suy nghĩ và hành động để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Tư tưởng ấy đang được lan tỏa, nhân rộng và trở thành điều nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

“Đúng vai, thuộc bài” chính là mỗi cá nhân, tập thể khi thực hiện nhiệm vụ chính trị cần làm đúng chức năng và nhiệm vụ của mình; nắm vững và thực hiện đúng những nguyên tắc, quy chế hoạt động thuộc lĩnh vực của mình; không làm việc “lấn sang sân” của người khác, trong khi việc chính của mình lại không làm hoặc làm chưa tốt (1). Trong thực tế, đâu đó có những cơ quan, đơn vị chưa quan tâm thực hiện tốt điều này; từ đó, dẫn đến một số tình huống làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị.

“Diễn đúng vai nhưng không thuộc bài” - được chăng hay chớ, buông bỏ nhiệm vụ. Trong trường hợp này, người đảm nhận sẽ rơi vào tình trạng thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, vì thế kết quả, hiệu quả công việc sẽ không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, về khách quan, xuất phát từ trách nhiệm của cơ quan quản lý, có thể sự phân công nhiệm vụ cho cá nhân đó không chính xác, không căn cứ vào năng lực, sở trường của cá nhân để giao việc, khiến cho cá nhân đó không thể nào hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ; về chủ quan, điều này xuất phát từ thái độ trách nhiệm của cá nhân với nhiệm vụ được giao, mặc dù có đầy đủ mọi yếu tố cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng vì suy nghĩ cá nhân, bởi những đắn đo, cân nhắc thiệt hơn nên đã không thực hiện đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ đề ra hoặc thực hiện nhiệm vụ với thái độ hời hợt, mang tính đối phó, thể hiện sự qua loa, tắc trách trong công việc.

Trong thực tế, nguyên nhân chủ quan của việc “Diễn đúng vai nhưng không thuộc bài” hay gặp hơn, bởi sự chi phối của chủ nghĩa cá nhân trong bản thân mỗi con người - điều rất dễ nảy sinh nếu không có sự nghiêm khắc của bản thân mỗi người trong rèn luyện, tu dưỡng cũng như thiếu sự theo dõi, phê phán, giúp đỡ của tập thể. Chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người gây nguy hại rất lớn cho kết quả thực hiện nhiệm vụ chung, bởi nó tác động tiêu cực tới thái độ, trách nhiệm của cá nhân đó trong thực hiện nhiệm vụ. Xét đến cùng, đây cũng là một trong những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị trong suy nghĩ và hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

“Không thuộc bài nhưng vẫn vào vai” - trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Trong trường hợp này, cá nhân mặc dù rất nhiệt tình thực hiện nhiệm vụ, nhưng bởi không được đào tạo phù hợp, chuẩn bị cho vị trí công tác đó, nên thực hiện nhiệm vụ theo cách mà V.I. Lê-nin nói, đó là lòng nhiệt tình cộng với sự ngu dốt sẽ dẫn đến kết quả là sự phá hoại. Trên thực tế, trường hợp “Không thuộc bài nhưng vẫn vào vai” có thể coi là hãn hữu, bởi hiện nay những quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ. Do đó, trường hợp này chỉ có thể xảy ra với khả năng là, năng lực, chất lượng và hình thức đào tạo của bằng cấp không đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, nhưng vẫn được bố trí, sắp xếp công việc; hoặc bởi những tiêu cực nào đó trong công tác cán bộ.

“Đúng vai, thuộc bài” là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả công việc của mỗi cá nhân, tập thể. Muốn vậy, các bộ phận, cá nhân có trách nhiệm cần làm tốt việc đào tạo, bố trí, giúp đỡ đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, các bộ phận chức năng, cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần quan tâm thực hiện việc đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của mỗi cá nhân một cách thực chất gắn với vị trí việc làm; phát huy tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong cơ quan, đơn vị, ở đội ngũ đảng viên để giúp đỡ mỗi cá nhân nâng cao thái độ trách nhiệm với công việc; cùng với sự tự giác rèn luyện của mỗi cá nhân, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị./.

____________

(1) Nguyễn Phú Trọng: “Tạp chí Cộng sản phấn đấu mãi mãi xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản số 947 (8-2020)