Nghĩ về “gốc của công việc”

Phạm Đức Rục
00:24, ngày 11-11-2020

Trong một lần họp chi bộ gần đây ngồi cạnh tôi là một "lão đồng chí" đã được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Như có ý trước, tranh thủ chưa vào cuộc họp, ông quay sang tâm sự câu chuyện đang đến hồi "nóng" về thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật một số cán bộ lãnh đạo vì những sai phạm Điều lệ Đảng và những quy định của Đảng.

- Cậu thấy chưa, thế mới biết câu nói của Cụ Hồ thật thấm thía: "Cán bộ là gốc của mọi công việc". Gốc hỏng, cây đổ, lẽ đương nhiên. Mà cái gì trên đời đều do con người nghĩ, sáng chế ra cả, từ cái tăm nhỏ nhất đến máy bay, tên lửa to đùng, phải không?

Lắng nghe lão đồng chí đảng viên có tuổi đời, tuổi đảng đã đi qua quá nửa thế kỷ nói, tôi thấy cũng rất tâm đắc câu: Cán bộ là gốc của công việc. Nghe và nghĩ, cán bộ dù cấp thấp đến cấp cao ở mọi lĩnh vực công tác đều là người thi hành nhiệm vụ cả, đều có nỗi nhọc nhằn, lo lắng hoàn thành công việc được giao. Nôm na là vậy nhưng vào văn bản giấy tờ thì phải viết là: hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chữ “nhiệm vụ” mang sứ mệnh lớn vì có những vị trí quản lý, lãnh đạo nắm hàng "núi" tiền, nhà, tàu, xe..., đến hàng ngàn con người dưới quyền, nếu sơ sẩy một chút thôi là ngân sách quốc gia "vơi" đi hàng nghìn tỷ đồng. Thực tế đã có sơ sẩy, đã có trả giá, do cán bộ ở vị trí đó thiếu năng lực, do coi đồng tiền cao hơn trách nhiệm, và cũng do nhiều nguyên nhân khác nữa, người cán bộ đó đã biến chất, thui chột, trở thành kẻ đi ngược lại lợi ích của nhân dân.

Vì đâu ông hay bà cán bộ đó thoái hóa, biến chất? Lý lẽ để phân tích nguyên nhân dẫn đến sự thoái hóa, biến chất nếu nói ra, viết ra thì nhiều. Thực tế trên các văn bản của Đảng, trên các bài báo chuyên luận về công tác xây dựng Đảng, người ta đã nêu và phân tích cặn kẽ. Ở đây chúng tôi chỉ suy nghĩ gọn trong phạm vi về lập trường, bản lĩnh và sự trung thực của cán bộ, đảng viên. Hai phẩm chất đó mãi vẫn là "điểm nhấn" để đánh giá chất lượng tổ chức cũng như cá nhân cán bộ, đảng viên.

Cán bộ có lập trường, bản lĩnh và sự trung thực thì chắc chắn "gốc của công việc" sẽ vững vàng, rất khó lay chuyển. Ngược lại, lập trường không vững, thiếu kiên định, có người trong phút chốc không còn là chính mình; còn sự thiếu trung thực là kẻ nói dối tổ chức để vinh thân phì gia, thì không còn xứng đứng trong hàng ngũ tiên phong của Đảng, còn có tội lớn với nhân dân, đất nước.

Và, lập trường, bản lĩnh cùng những phẩm chất đạo đức của người cán bộ không tự dưng mà có, phải qua trui rèn, thử thách, luôn tự răn, tự dạy nghiêm khắc với chính mình.

Vì rằng:

"Đường dài mới biết ngựa hay

Đến khi cả gió biết cây cứng mềm"./.