Tỉnh Bạc Liêu tạo đột phá từ công tác cán bộ

LÊ THỊ ÁI NAM
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu
21:42, ngày 03-10-2020

TCCS - Xác định công tác cán bộ là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”  - nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã đưa ra nhiều quyết sách triển khai vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn tỉnh. Đây được xem là khâu đột phá trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Tỉnh, đến nay đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ.

Tạo chuyển biến từ Chỉ thị 12 đến Kế hoạch 102

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí trong Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bạc Liêu tại buổi làm việc cho ý kiến vào dự thảo văn kiện và phương án nhân sự cấp uỷ chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2020 - 2025_Ảnh: TTXVN

Cụ thể là, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU,  ngày 12-3-2018 (Chỉ thị 12), “Về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh”; Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 23-10-2018, “Về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ””. Trong năm 2019, Tỉnh ủy ban hành Quy định số 2133-QĐ/TU, ngày 3-4-2019, “Về việc phân cấp nhận xét, đánh giá, xếp loại hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý”; Kế hoạch số 102-KH/TU, ngày 26-4-2019 (Kế hoạch 102), “Thực hiện khâu đột phá về công tác cán bộ và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm đối với công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang”; Kế hoạch số 108-KH/TU, ngày 9-7-2019, “Tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ nguồn quy hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025”;... Trong đó, Chỉ thị 12 và Kế hoạch 102 được xem là những quyết sách có tính đột phá của Tỉnh ủy Bạc Liêu và đến nay đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ của tỉnh.

Chỉ thị 12 xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm hướng đến mục tiêu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao đạo đức và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, trong quan hệ, ứng xử với người dân, doanh nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Để bảo đảm triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này, trong 2 năm 2018 - 2019, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức 812 cuộc hội nghị tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị đến 29.282 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Trên cơ sở đó, nhiều cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh cải cách hành chính mà còn chú trọng xây dựng, hoàn thiện các quy định về đạo đức công vụ, các quy định, quy chế về nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân; đổi mới phong cách làm việc theo hướng phát huy dân chủ, khoa học, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, chức trách được giao.

Kế hoạch 102 đã xác định 10 nội dung cần tập trung thực hiện để tạo ra bước đột phá trong công tác cán bộ: Một là, nâng cao nhận thức về công tác cán bộ đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là người đứng đầu; Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân cán bộ, công chức, viên chức và tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ; Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, lựa chọn những người thật sự có đức, có tài bổ nhiệm vào chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Bốn là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ để đáp ứng yêu cầu thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức, khắc phục có hiệu quả tình trạng hẫng hụt cán bộ dự nguồn; Năm là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập trung đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp tỉnh có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và cán bộ dự nguồn; Sáu là, đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ nhằm đào tạo qua thực tiễn cho cán bộ và thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương; Bảy là; kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và kiên quyết thay thế ngay những cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ, năng lực hạn chế, không chịu khó nghiên cứu, học tập, tinh thần trách nhiệm không cao, uy tín thấp; Tám là, thực hiện nghiêm, đúng các quy định về công tác cán bộ; Chín là, nâng cao chất lượng công tác quản lý cán bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm đối với công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; Mười là, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy, chính quyền về công tác cán bộ.

Kết quả bước đầu và những vấn đề cần khắc phục

Với tinh thần “Nghị quyết đến đâu, triển khai thực hiện đến đó”, Tỉnh ủy và các cấp ủy trong tỉnh đã nghiêm túc, quyết liệt, trách nhiệm trong quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và Tỉnh ủy về công tác cán bộ, trong đó có Chỉ thị 12 và Kế hoạch 102. Đến nay, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận này đã đi vào cuộc sống, tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở. Cụ thể là:

Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; tác phong, lề lối làm việc có nhiều đổi mới; tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn; việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dần được khắc phục; tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã giảm; việc chấp hành giờ giấc làm việc, không sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực cơ bản đã được thực hiện tốt hơn; hạn chế, khuyết điểm, yếu kém trên một số lĩnh vực được chấn chỉnh.

Tổ chức bộ máy quản lý tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; đội ngũ cán bộ ở nhiều đơn vị, địa phương được xây dựng, bố trí phù hợp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Từ đó, lòng tin của người dân, doanh nghiệp đối với cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng lên. Đặc biệt, Tỉnh ủy và các cấp ủy đã đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng toàn diện, sâu sát, cụ thể và có trọng tâm, trọng điểm; nghị quyết ban hành phải được quán triệt nghiêm túc, tổ chức thực hiện có hiệu quả và định kỳ đánh giá sơ kết, tổng kết. Có thể khẳng định, những kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện các chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy về công tác cán bộ đã góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Đến cuối năm 2019, tỉnh đã hoàn thành đạt và vượt 13/20 chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước một năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,71%/năm (Nghị quyết là 6,5 - 7%/năm); tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 22.925 tỷ đồng (tăng 2,1 lần so với năm 2015); GRDP bình quân đầu người đạt 51,09 triệu đồng/người (tăng 1,6 lần so với năm 2015); tổng doanh thu du lịch tăng gấp 3 lần so với đầu nhiệm kỳ... Nhiều dự án động lực, một số dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được triển khai thực hiện thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Trong đó, đã hoàn thành Nhà máy Điện gió Bạc Liêu với 62 tua-bin, công suất 99,2MW, tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng, đã phát được hơn 1 tỷ KW điện và đang thi công mới 2 nhà máy điện gió với 26 tua-bin, công suất 100MW, tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng cùng với thu hút đầu tư Nhà máy điện khí 3.200MW, tổng mức đầu tư 4 tỷ USD...

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản và xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên tôm phục vụ xuất khẩu tại tỉnh Bạc Liêu_Ảnh: TTXVN

Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có sự chuyển biến tích cực: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới thực hiện đạt kết quả nổi bật; tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm mạnh, hộ nghèo cuối năm 2019 còn 1,38%, bình quân giảm 3,05%/năm (chỉ tiêu Nghị quyết là giảm 2%/năm); đã có 1 huyện và 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 71,42% số xã trong toàn tỉnh, chỉ tiêu Nghị quyết là 50%); đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng lên rõ nét.

Công tác quốc phòng, an ninh, nội chính được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt; tổ chức bộ máy được củng cố, kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền được củng cố và nâng lên.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Trung ương và Tỉnh ủy về công tác cán bộ và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm đối với công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục. Cụ thể là:

Công tác cán bộ, ở một số địa phương, đơn vị vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm trong đánh giá, xếp loại cán bộ; năng lực một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, nhất là cấp xã chưa ngang tầm với nhiệm vụ; chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,... Một số nơi vẫn còn tình trạng quy hoạch cán bộ khép kín, chưa mạnh dạn bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, nữ; có địa phương ít luân chuyển cán bộ diện quy hoạch về cơ sở; một số cán bộ được luân chuyển, vẫn còn mang tư tưởng “giữ mình”, chưa có giải pháp đột phá trong lãnh đạo, quản lý nơi được luân chuyển đến.

Về thực hiện kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm công vụ, công tác cải cách hành chính ở một số lĩnh vực còn hạn chế; sự phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương có lúc thiếu chủ động; vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc trông chờ vào sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên. Một số địa phương, đơn vị triển khai thực hiện chưa toàn diện, chưa đầy đủ các nội dung của Chỉ thị 12; ít kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị; tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, còn thụ động...

Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ

Khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng được Tỉnh ủy Bạc Liêu xác định là đổi mới, thực hiện tốt công tác cán bộ và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm đối với công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở. Mục tiêu hướng đến là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh có phẩm chất, đạo đức tốt; đủ trình độ, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy xác định một số nhiệm vụ mà các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung thực hiện đồng bộ trong thời gian tới:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu về trách nhiệm xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng bộ về tầm quan trọng và sự cần thiết xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Đồng thời, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, cơ quan chuyên trách làm công tác cán bộ; bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong công tác cán bộ. Phát huy dân chủ trong Đảng, tăng cường sự tham gia và giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, của nhân dân đối với công tác cán bộ.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ; căn cứ vào kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao, thông qua những sản phẩm cụ thể, có tính định lượng để đánh giá. Việc đánh giá còn căn cứ vào kết quả đổi mới, sáng tạo; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm; khả năng thích ứng nhanh với tình hình thực tiễn, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Việc đánh giá cán bộ để bổ nhiệm hay bầu cử phải qua trực tiếp khảo sát, gặp gỡ trao đổi với các tổ chức, cá nhân có liên quan và ý kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ba là, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện nghiêm và có hiệu quả Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Đồng thời, tăng cường hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về công tác cán bộ; nâng cao phẩm chất, trình độ, kiến thức và năng lực của đội ngũ làm công tác cán bộ; có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn những người công tâm, trung thực, trong sáng, có kinh nghiệm làm công tác cán bộ.

Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Chỉ thị 12, Kế hoạch 102 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các cấp, các ngành, từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức - nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt - phải thực hiện nghiêm việc đăng ký công việc cụ thể thực hiện hằng tháng theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trước hết, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, khắc phục những hạn chế, yếu kém và giải quyết những vấn đề bức xúc tại địa phương, đơn vị; đồng thời, xác định rõ lộ trình, thời gian hoàn thành để làm cơ sở đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Năm là, từng đơn vị, địa phương chủ động tự kiểm tra, rà soát việc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua, đặc biệt là Chỉ thị 12 và Kế hoạch 102 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cơ quan, địa phương phải làm tốt vai trò nêu gương, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần quyết liệt hơn, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả việc thực hiện khâu đột phá trong công tác cán bộ và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Sáu là, tiếp tục rà soát nhiệm vụ cụ thể đối với từng vị trí việc làm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xác định những vị trí dễ phát sinh tiêu cực, những vị trí không đáp ứng yêu cầu để bố trí lại cho phù hợp với năng lực, sở trường, tinh thần trách nhiệm; đề xuất thay thế, điều chuyển những người năng lực không phù hợp, tinh thần trách nhiệm không cao, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung quy chế, quy trình làm việc của từng cơ quan, đơn vị; xác định rõ chức trách, nhiệm vụ được giao trong tập thể lãnh đạo và giữa các phòng, ban, đơn vị trực thuộc để khắc phục những trì trệ, chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ./.