Nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay

ThS. Trần Văn Hoan
Thiếu tá, Học viện Hậu cần, Bộ Quốc phòng
05:01, ngày 25-11-2020

TCCS - Làm việc trong môi trường đặc thù, cán bộ hậu cần quân đội dễ bị tác động bởi mặt trái nền kinh tế thị trường, những cám dỗ lợi ích vật chất. Do đó, việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực công tác của cán bộ hậu cần phải là việc làm thường xuyên, liên tục, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Cán bộ hậu cần quân đội phải là tấm gương mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, yêu thương bộ đội hết lòng (Trong ảnh: Thiếu tướng Phạm Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiểm tra chất lượng quân trang chiến sĩ tại Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 148)_Nguồn: quankhu2.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Đảng ta luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng và coi đó là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, là khâu “then chốt” của “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng.

Đối với cán bộ hậu cần quân đội, trong “Thư gửi lớp cán bộ cung cấp đầu tiên của quân đội”, ngày 15-6-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận”(1). Hậu cần là một mặt công tác quân sự của Đảng, gồm tổng thể các hoạt động nhằm bảo đảm cho Quân đội hoạt động và chiến đấu. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các thế hệ cán bộ hậu cần đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng trong mọi điều kiện khó khăn, gian khổ, luôn tâm huyết với nghề, tận tụy phục vụ, tiêu biểu về “cần, kiệm, liêm, chính”, giỏi về chuyên môn. Nhiều cán bộ hậu cần là tấm gương sáng về tinh thần tận tụy trong lao động, học tập, chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Cán bộ hậu cần quân đội là cán bộ được Đảng, Nhà nước, Quân đội bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý và thực hiện công tác hậu cần ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; cán bộ hậu cần quân đội là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng đảm nhiệm chức vụ sĩ quan hoạt động trong lĩnh vực hậu cần quân đội. Đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác bảo đảm hậu cần cho toàn quân; trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, bảo quản và cấp phát một khối lượng lớn cơ sở vật chất hậu cần phục vụ cho các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chăm sóc sức khỏe, cải thiện đời sống bộ đội,… ở các cấp, các đơn vị. Phẩm chất, năng lực, phong cách của đội ngũ cán bộ này có ý nghĩa quyết định tới chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các mặt công tác bảo đảm hậu cần, đóng góp tích cực vào xây dựng Quân đội vững mạnh và tiềm lực quốc phòng của đất nước.

Thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác cán bộ; bám sát đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch, xác định chỉ tiêu, biện pháp chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hậu cần vững mạnh cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Bởi vậy, đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt; chủ động, tích cực trong thực hiện chức trách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có năng lực lãnh đạo, chỉ huy, quản lý và phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu đề ra. Đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội luôn giữ ngọn lửa yêu ngành, yêu nghề, tình thương yêu bộ đội, tác phong dân chủ, kỷ luật…

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ hậu cần quân đội luôn thấm sâu lời Bác Hồ căn dặn: “Phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ”(2); lương thực, vũ khí là mồ hôi nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội. Vì vậy, phải quý trọng, phải tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý. Đó là bổn phận cao quý nhất của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành hậu cần quân đội. Mỗi cán bộ ngành hậu phải tiết kiệm, chắt chiu, bảo vệ, sử dụng mọi tài sản, cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo đảm đúng định lượng, tiêu chuẩn, chế độ quy định. Phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham ô, lãng phí, cửa quyền, hách dịch, ăn bớt, ăn xén tiêu chuẩn của bộ đội, của đơn vị, làm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sức khỏe và sức chiến đấu của bộ đội

Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội vẫn còn có những hạn chế, bất cập về phẩm chất, đạo đức và năng lực công tác. Một số cán bộ không giữ được mình đã có những vi phạm, sai phạm, thậm chí tham ô, tham nhũng, lãng phí, bớt xén tiêu chuẩn của bộ đội; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, câu kết lợi ích nhóm, nâng giá thành sản phẩm, quyết toán khống, lập chứng từ giả, kinh phí để ngoài sổ sách…, làm ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống vẻ vang của ngành hậu cần quân đội.

Sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giúp cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân nói chung, của cán bộ hậu cần quân đội nói riêng vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, mục tiêu độc lập dân tộc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, phấn đấu. Sự tăng trưởng kinh tế tác động thuận lợi, tạo điều kiện vật chất và tinh thần tốt hơn đối với sự phát triển ngành hậu cần, như: cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị kỹ thuật - hậu cần từng bước được hiện đại hóa; điều kiện ăn ở, sinh hoạt của bộ đội được cải thiện…

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tích cực, mặt trái nền kinh tế thị trường cũng có những tác động tiêu cực đến cán bộ hậu cần quân đội, như lối sống thực dụng, đề cao đồng tiền, yếu tố kỹ thuật đơn thuần, chạy theo lợi ích cá nhân; nảy sinh nhiều tâm trạng băn khoăn, thiếu nhiệt tình, chu đáo, thiếu yên tâm với nhiệm vụ; mải mê kiếm tiền bên ngoài, sao nhãng công việc ở đơn vị; ngại học tập tu dưỡng về chính trị, giảm sút hoài bão, lý tưởng, chấp hành kỷ luật không nghiêm… Hơn nữa, thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ, từ lớp cán bộ hậu cần sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ hậu cần sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hoà bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Nếu đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội trẻ thiếu tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp rất dễ dẫn đến những nhận thức, hành vi tiêu cực.

Cán bộ hậu cần quân đội bảo đảm nhiên liệu cho tàu hoạt động dài ngày trên biển tại Vùng 4 Hải quân_Nguồn: baohaiquanvietnam.vn

Bước vào thời kỳ mới, nhiệm vụ và trọng trách bảo vệ Tổ quốc của Quân đội ngày càng nặng nề. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; bảo đảm số lượng hợp lý, có sức chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ”(3). Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội có phẩm chất và năng lực tương xứng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, ngành hậu cần quân đội cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

Thứ nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị ở các cơ quan, phân đội hậu cần trong Quân đội.

Phát huy các mặt công tác, nhất là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ hậu cần quân đội phải là tấm gương mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, yêu thương bộ đội hết lòng, không tham ô, lãng phí một đồng tiền, một bát gạo, một ngày công của nhân dân, của bộ đội.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan, phân đội hậu cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác tư tưởng, nâng cao tính chiến đấu, hiệu quả công tác tư tưởng, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội. Chú trọng giáo dục pháp luật, kỷ luật, truyền thống tốt đẹp của Quân đội, của ngành hậu cần, nhất là phẩm chất đạo đức đặc thù của cán bộ hậu cần, về sự tận tụy, tấm lòng trong sáng, lối sống giản dị, trong sạch, lành mạnh, biết vượt lên sự cám dỗ của vật chất, đồng tiền, minh bạch trong quản lý, phân phối vật chất, kinh phí, trang thiết bị hậu cần, không để xảy ra thất thoát tài sản, tham nhũng và lãng phí…

Thứ hai, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác cán bộ, đánh giá, tuyển chọn, tạo nguồn và quy hoạch đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11-2-2019, của Quân ủy Trung ương, “Vxây dựng đội ngũ cán bộ quân đội nhất là cấp chiến dịch - chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; các nghị quyết, quy định, quy chế của Quân ủy Trung ương về công tác cán bộ trong Quân đội để xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần có chất lượng(4).

Đánh giá cán bộ là vấn đề hệ trọng, là khâu mở đầu, quyết định việc thực hiện các khâu, các bước tiếp theo trong công tác cán bộ. Do đó, việc đánh giá cần thực sự khoa học, khách quan, công tâm, theo quy trình dân chủ; đánh giá cán bộ phải xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể. Để thực hiện tốt các nội dung này, cần kịp thời đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, bảo đảm sự kế thừa liên tục, vững chắc trong quá trình chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ hậu cần. Làm tốt công tác quy hoạch sẽ bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, chuẩn bị cho cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Bởi vậy, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, cần làm tốt công tác quy hoạch, đồng thời, thường xuyên rà soát, bổ sung theo định kỳ hằng năm và đột xuất phù hợp với sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ. Chú trọng thực hiện tốt khâu tạo nguồn và tuyển chọn đào tạo cán bộ với chức danh chủ nhiệm hậu cần các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và cán bộ cơ quan hậu cần cấp chiến dịch - chiến lược, trên cơ sở xây dựng quy chế thống nhất, quy định rõ tiêu chí cán bộ cho từng cấp, từng lĩnh vực hoạt động, các điều kiện cần có về chức vụ, quân hàm, học hàm, học vị, tuổi đời; quy định về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, kết quả thực hiện nhiệm vụ, khen thưởng, kỷ luật…

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng và có chế độ, chính sách phù hợp để phát huy được tiềm năng, phẩm chất và năng lực của cán bộ hậu cần quân đội.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện chủ trương đào tạo gắn với sử dụng cán bộ; tích cực, chủ động bồi dưỡng, tạo nguồn cho các loại hình, bậc học (cả dài hạn và ngắn hạn) theo hướng gắn đào tạo chính quy với đào tạo tại chức, học tại trường với bồi dưỡng tại đơn vị, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, từng chuyên ngành chủ động bồi dưỡng cán bộ theo kế hoạch đã xác định. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần tiến hành thường xuyên, toàn diện; gắn đào tạo, bồi dưỡng nội dung, chương trình cơ bản với nâng cao kiến thức và năng lực thực hành công tác Đảng, công tác chính trị, làm cơ sở cho thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Đồng thời, thực hiện tốt việc luân chuyển để bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn; chú trọng đối tượng cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, trong nguồn quy hoạch, qua thực tiễn quản lý, chỉ huy đơn vị để tạo nguồn phát triển lên vị trí cao hơn. Đặc biệt, phát huy tính tích cực, tự giác, tự học để nâng cao kiến thức, trình độ nghiệp vụ của cán bộ; khuyến khích và có chính sách thỏa đáng đối với những cán bộ có phát minh, sáng kiến, nghiên cứu khoa học về phương thức bảo đảm hậu cần phù hợp với thực tiễn các quân chủng, binh chủng, các đơn vị trong toàn quân, đáp ứng yêu cầu chiến tranh công nghệ cao, các hình thức tác chiến mới và trong các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo.

Ngoài việc thực hiện tốt chế độ, chính sách cán bộ theo tiêu chuẩn chung, các cơ quan đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở cho cán bộ, nhân viên trong ngành, bồi dưỡng tại chức, nghỉ dưỡng cho cán bộ theo kế hoạch và chỉ tiêu được phê duyệt, duy trì nền nếp chế độ khám sức khỏe định kỳ, quản lý tình hình sức khỏe cán bộ theo quy định, quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội và những gia đình cán bộ hậu cần có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện ổn định cuộc sống, yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa và phát huy tính tích cực, chủ động của bản thân cán bộ hậu cần trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện. 

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, dân chủ, kỷ luật trong các đơn vị là biện pháp quan trọng, tạo điều kiện bồi dưỡng, rèn luyện và nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ hậu cần hiện nay. Tăng cường phổ biến, giáo dục việc chấp hành pháp luật, xây dựng nền nếp chính quy, tác phong chuyên nghiệp, giữ nghiêm kỷ luật, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cán bộ phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Thông qua công tác giáo dục của cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân tự soi, tự điều chỉnh, tự tu dưỡng, rèn luyện.

Bộ đội Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 tăng gia sản xuất_Ảnh: Tư liệu

Thứ năm, xây dựng, củng cố tổ chức đảng; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy và cơ quan chính trị ở các cơ quan, phân đội hậu cần.

Sự trong sạch, vững mạnh và vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng có ý nghĩa quyết định đến sự lớn mạnh và chất lượng đội ngũ cán bộ hậu cần. Do đó, cần xây dựng, củng cố các tổ chức đảng ở các cơ quan, đơn vị hậu cần trong sạch, vững mạnh, có tính chiến đấu cao, tiền phong gương mẫu, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biết làm trong thực hiện nhiệm vụ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, cấp ủy, người chỉ huy trong xây dựng và nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ hậu cần. Chú trọng tổ chức, biên chế đầy đủ, nâng cao năng lực của cơ quan chính trị các đơn vị. Phát huy tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của người cán bộ, đảng viên để chuẩn mực đạo đức của cán bộ hậu cần ngày càng được khẳng định và trở thành nhu cầu phấn đấu của mỗi người; đánh giá trách nhiệm của đảng viên trong rèn luyện phẩm chất, năng lực thông qua phân loại đảng viên theo định kỳ; duy trì thực hiện điều lệnh, điều lệ để rèn luyện phong cách sống, tác phong công tác, rèn luyện tính tổ chức, kỷ luật, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.

-----------------------

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr. 179, 433
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 149
(4) Xem Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11-2-2019 của Quân ủy Trung ương “Về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”