Tượng đài và tượng… tâm!

Nhị Lê
15:43, ngày 23-11-2018




Làng tôi là làng khoa bảng!

Thuở bé, lúc chửa biết chữ, tôi học lịch sử bằng... bia đá, qua ông nội. Bao nhiêu ông nghè, ông cử của làng, tôi ngắm bia đá, trên đó dày đặc những chữ nho, ghi tên những bậc khoa bảng. Tôi học bằng miệng. Và, thuộc lòng, tất tật các vị khoa bảng của làng! Bẵng đi, bia đá cũng rêu phủ. Trí nhớ cũng mòn theo. Tôi không còn đọc thuộc nguyên vẹn nữa! Trăm năm bia đá thì mòn...

Huyện tôi là huyện của những anh hùng và danh nhân!

Nhớn lên chút nữa, cha tôi dạy tôi lịch sử bằng những tượng đài. Nhìn tượng nhớ người! Và, tôi cũng thuộc lòng lịch sử qua những pho tượng sừng sững, đứng trên cả mấy sào đất! Tôi học bằng mắt! Lâu dần, tượng mòn đi bởi nắng đốt gió cào, rêu phong, chẳng thể nhận ra thuở ban đầu. Cứ lần theo thời gian, nhiều pho trông mòn hẳn, lại mốc mác, thậm chí nhếch nhác, lòng tôi thành ra bập bõm! Chưa kể, cũng một người, mà mỗi nơi tạc một dạng. Thành thử, đem một vị ra đối sánh mấy pho tượng, rồi mấy pho tượng đối sánh với nhau. Đến cha tôi nhìn, cũng lúc nhớ, khi quên, thậm chí cũng chẳng nhận ra là tượng ai nữa! Hình như, quê tôi không có tượng đài, người ta như sợ bị nhiễm... bệnh không lớn được, vì thiếu oai phong!

Nhớn hẳn lên, tôi ra ngang dọc thiên hạ. Lúc mỏi mệt, quay về làng. Khi rỗi rãi, mẹ tôi thường kể sử, bằng cách nói những đền thờ, những miếu thờ trong xứ. Những ai mở đất xứ ta, những ai lập ấp khẩn hoang làng tôi, những ai có công đánh giặc giữ nước, những ai chia gạo nhà mình cho dân mỗi đận tháng tám ngày ba hồi cải cách... Tôi lớn, mẹ tôi dạy tôi học bằng tự cảm! Trăm năm, ngàn năm chỉ còn truyền lại bằng những miếu, qua những ban thờ, tịnh không ảnh vẻ, càng tịnh không một bóng tượng đài. Mẹ tôi nhắc những nhời của Bà Đoàng cứu tế cho làng, lúc tản cư lánh giặc, khi giáp hạt, rằng “Một nắm khi đói hơn một gói khi no”! Mẹ tôi dạy nhắc tôi nhớ màu của củ khoai lang Ông Đùng cứu cả họ buổi tháng tám, khi đói quắt quay do vỡ đê Văn Giang 18 năm liền thời vua Tự Đức... Rồi nhời của những hạt lúa làng ăn mang dáng hình của những giọt mồ hôi tiền nhân mở đất lúc hoang sơ, cũng giống như hình giọt máu giữ đất mùa giặc giã mà các ông bà ấy quẩy theo lúc lũ lụt, khi tản cư lánh giặc! Miếu thôn Thượng, đền làng Hạ khắp xứ tôi, do các làng lập ra để thờ các vị ấy. Bé xíu... Rêu phong... Trầm mặc... Đứng nép trong hơi ấm lũy tre làng... mà bốn mùa nghi ngút khói hương. Mẹ tôi chậc lưỡi, nhẹ như gió thoảng, và đăm chiêu: - Ai thương Dân, Dân lập ban thờ!

Bây giờ, thì đường xa chân mỏi. Một đời ngang dọc sơn hà. Lại về quê. Ngoại tôi móm mém: - Giờ, rỗi rồi, chả còn ỷ bận công nước việc non, con năng sang thắp hương cho ông giáo Thức hơn nhá! Ông ngoại con nên ông nghè, ông trạng, là ngày xưa bà gửi gắm cả vào cửa nhà ông giáo cả! Nhân bất học bất tri lý! Xứ này, mấy ông nghè ông trạng đều bước từ cửa mấy đời nhà ông giáo mà ra đới! Chợt ngoại tôi chỏ ra cây đa đầu xứ đã tỏa rợp bóng cả đường làng, rồi bảo: -Tượng Cụ Trạng đấy! Cả xứ bảo thế! Cây đa Cụ Trạng! Cụ Trạng trồng trước khi về với ông bà ông vải: - Để lấy bóng mát cho lũ trẻ đi học trường đồng bãi nắng nôi về nghỉ chân đấy! Ai cũng chăm. Thảo nào, xứ tôi có đến dăm cây đa, nhưng tuổi dễ đến cả mấy trăm năm như thế! Mỗi gốc đa ở đó là một miếu thờ một ông thần treo ấn từ quan, về xứ mở trường. Đi xa về, ngóng làng, chả thấy gì, trong tầm nhìn mút mắt, chỉ thấy những đa làng, mà ở đó ngự những vị đã thành những ông thần lòng Dân!

Tôi lặng đi! Giời bỗng im đất cũng chợt ắng! Bà ngoại tôi móm mém, bàn tay hơn trăm năm gội nắng gió, quệt ngang khóe môi tràu đỏ, bỏm bẻm mấy câu của ai đó... rất xa xăm. Nhẹ hơn lời gió!

Rằng:

Đất nước trải mấy ngàn năm lịch sử

Đã bao bận thiếu vua nhưng không thể thiếu Thày

Tượng đài vua, ai dựng trên lối cũ

Tượng đài Thày, Dân tạc ở trong tim! ./.