Đừng vì hiện đại mà lại… xa dân

Vũ Lân
16:26, ngày 20-08-2013
TCCS - Bấy lâu nay có một nghịch lý là, dường như cán bộ càng được cung cấp phương tiện, trang bị hiện đại bao nhiêu thì lại càng xa dân bấy nhiêu! Suy cho cùng, lỗi đâu phải tại phương tiện mà là ở người sử dụng nó. Nhiều người dân quê từ thực tế đã chỉ ra 3 phương tiện hiện đại nhưng lại làm cán bộ xa dân:

1 - Chiếc ô tô có máy lạnh. Thời bao cấp, cán bộ Trung ương, tỉnh, huyện xuống cơ sở công tác thường không có xe gắn máy lạnh. Cấp vụ thì dùng xe U-oát, cấp thứ trưởng thì xe La-da; cấp bộ trưởng trở lên thì xe Von-ga. Tất cả các xe đó đều không có máy lạnh. Nhiều cán bộ cấp huyện xuống xã, thôn thì đi bằng xe máy, thậm chí bằng xe đạp. Cán bộ xã xuống gặp dân thì đi bằng xe đạp, thậm chí là đi bộ. Chính những điều kiện khó khăn này lại làm cho cán bộ dễ gần dân hơn, thông cảm với nỗi khổ của dân hơn. Người dân cũng nhìn rõ cán bộ hơn. Không ai muốn khổ cực, lạc hậu làm gì, nhưng với những chiếc xe ô tô hạng sang đủ loại và hiện đại ngày nay đã vô tình làm cán bộ xa dân. Cán bộ nào không chịu được cái nóng 380c - 400c thì chẳng muốn rời xe để gặp gỡ dân, có chăng chỉ muốn làm việc mau mau, chóng chóng rồi “chui” vào xe cho nhanh. 

Có một giai thoại khá sâu sắc và thâm thúy rằng, đón tiếp đoàn cán bộ lên công tác tại bản người Mông, trưởng bản đã hỏi: Cán bộ đi đến với đồng bào bằng chân hay bằng mông (tức là ngồi xe ô-tô)?. Nếu bằng mông thì mỗi người trong đoàn phải uống hết 4 chén rượu đầy (tượng trưng cho 4 bánh xe); còn nếu bằng chân thì chỉ phải uống 2 chén (tượng trưng cho hai chân). Cái lý của người Mông là như vậy, “nhập gia tùy tục”!

Vừa rồi, Công an thành phố Đà Nẵng có một sáng kiến rất hay. Để cán bộ gần dân, sát dân, nghe được tiếng nói của nhiều người dân hơn, các chiến sĩ cảnh sát khu vực ở một số phường buộc phải để xe máy ở cơ quan và đồng loạt xuống cơ sở bằng xe đạp hoặc đi bộ. Hiệu quả đem lại khá rõ ràng, tích cực.

2 - Khách sạn, nhà khách có điều hòa nhiệt độ. Có một thời, khi mà các phương tiện đi lại còn khó khăn thì hầu như huyện nào cũng có nhà khách với phòng ngủ, bếp ăn. Hầu hết các đoàn công tác của Trung ương, của tỉnh về làm việc với huyện đều ăn nghỉ ở huyện. Và những chuyến lưu trú qua đêm như thế rất bổ ích: cán bộ cấp trên gần gũi cán bộ cấp dưới hơn; đi dã ngoại buổi tối sẽ là điều kiện thâm nhập thực tế để hiểu biết đúng đắn, sâu sắc tình hình địa phương, cơ sở vì nghe được tiếng nói thật của người dân… Ngày nay, vì có phương tiện ô tô đi lại hiện đại hơn nên con đường từ huyện về tỉnh cũng xem ra càng “ngắn” hơn, vả lại điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tại huyện cũng khó khăn hơn (bởi nhà khách ở huyện đã xuống cấp lại không có máy điều hòa), cho nên, hầu hết các đoàn công tác mau mau làm việc cho nhanh để về ăn nghỉ tại nhà khách ở tỉnh. Tại đấy mọi thứ đầy đủ, có chăng chỉ thiếu sự gần dân và sự sâu sát cơ sở mà thôi!

3 - Phương tiện thông tin, liên lạc hiện đại. Trước kia, khi phương tiện thông tin, liên lạc lạc hậu, yếu kém, mỗi khi cần nắm tình hình cán bộ thường phải đích thân xuống địa phương, cơ sở. Do vậy mà cũng gần dân hơn, sâu sát cơ sở hơn. Ngày nay, ngồi một chỗ mà biết được tình hình cả thế giới, cộng với bệnh quan liêu, bệnh thành tích, “làm thì láo, báo cáo thì hay”, cấp trên lại không kiểm tra, kiểm soát mà tình trạng khá phổ biến ở nhiều nơi là thực tế một đằng, báo cáo một nẻo. Ở nhiều nơi, người ta báo cáo thành tích, báo cáo sơ kết, tổng kết bằng cách mở máy vi tính lấy báo cáo cũ ra và làm mới nó bằng việc thay ngày, tháng, sửa đổi một vài con số, một vài dữ liệu, một ít hành văn, đôi chỗ chấm, phảy,... rồi cứ thế nộp cho cấp trên. Trong khi đó, tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của người dân thì nhiều khi cán bộ không nắm được. Chính vì thế mà có cán bộ cấp trên xuống tiếp xúc với người dân, đồng bào có lúc đã thắc mắc: Tại sao cán bộ “trên cây” (tức loa truyền thanh) nói khác, cán bộ dưới đất lại nói khác? 

Do vậy, làm sao hiện đại mà lại gần dân phải là một yêu cầu trong việc tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận hiện nay./.