Những điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Quân khu 4
TCCSĐT - Thực hiện Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 317/CT-QUTW của Quân Ủy Trung ương, 2 năm qua (2011 - 2013) việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ và lực lượng vũ trang Quân khu; xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực công tác, của các loại hình cơ quan, đơn vị. Đây thực sự là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa muôn sắc được kết tinh từ việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nhân lên những cách làm hay
Một trong những bông hoa tươi thắm ấy chính là Sư đoàn 324 với việc nhân rộng được những cách làm hay như phong trào “Tổ thanh niên giành phụ cấp mua quà tặng gia đình”, “Tiết kiệm bản thân để khi ra quân lập nghiệp”, hay “Hũ gạo tiết kiệm”, tạo sự chuyển biến sâu rộng về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Từ phong trào “Tổ thanh niên giành phụ cấp mua quà tặng gia đình” của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 335, Sư đoàn 324, mỗi tiểu (khẩu) đội thành lập một tổ tiết kiệm, mỗi tháng một đồng chí tiết kiệm 400.000 đồng luân phiên nhau để mua quà tặng gia đình, như xe đạp cho em đến trường, bếp ga cho mẹ… có hiệu quả tích cực, đầu năm 2013, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 335 đã nhân rộng và phát động thành phong trào “Tiết kiệm bản thân để khi ra quân lập nghiệp”. Theo đó, Trung đoàn đã xây dựng quy chế hoạt động, hằng tháng mỗi chiến sĩ tự nguyện tiết kiệm ít nhất 200.000 đồng, số tiền này được bộ phận tài chính đpn vị phối hợp với ban chấp hành Đoàn các cấp gửi vào sổ tiết kiệm ở ngân hàng của từng đồng chí để khi ra quân làm vốn lập nghiệp. Trung tá Phạm Văn Đông, Chính ủy Trung đoàn 335 cho biết: “Trong quý I-2013, toàn Trung đoàn đã tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng gửi ngân hàng. Nếu như mỗi đồng chí tiết kiệm mức thấp nhất 200.000 đồng/tháng thì khi ra quân tính cả tiền thanh toán học nghề, trợ cấp xuất ngũ và tiền thanh toán bảo hiểm mỗi đồng chí cũng có gần 20 triệu đồng để lập nghiệp”.
Từ thành công của phong trào “Tiết kiệm bản thân để khi ra quân lập nghiệp”, các đơn vị trong Sư đoàn 324 tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”. Theo đó, ở các bếp ăn đều có “Hũ gạo tiết kiệm”, hằng ngày mỗi cán bộ, chiến sĩ tiết kiệm 10gr gạo vào đó. “Góp gió thành bão”, tính riêng năm 2012, ở Trung đoàn 1 đã tiết kiệm được 6.200kg gạo, trích 4.800kg tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách trong đơn vị và trên địa bàn nhân các dịp lễ, tết. Ngoài ra, Trung đoàn còn có nhiều mô hình khác như phong trào “Tiết kiệm bản thân, để phần người khó”; mỗi tháng cán bộ, chiến sĩ tiết kiệm 10.000 đồng/người để thăm hỏi quân nhân ốm đau, gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn. Số tiền nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết được vấn đề tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác.
Không chỉ Sư đoàn 324 mà Đảng ủy Lữ đoàn 16 cũng có nhiều chủ trương, biện pháp để triển khai với những giải pháp và cách làm cụ thể như “Ba cần, Hai tận dụng”, trong đó “Ba cần” là cần kiệm trong sử dụng cơ sở vật chất, tài sản của đơn vị, cần kiệm trong chi tiêu sinh hoạt cá nhân; “Hai tận dụng” là tận dụng nguyên vật liệu, vật tư công tác không để lãng phí; tận dụng mọi điều kiện thời gian để làm việc, học tập, công tác. Theo đại tá Mai Văn Lân, Chính ủy Lữ đoàn, cốt lõi của phong trào “Ba cần, hai tận dụng” là thông qua đó để làm chuyển biến về nhận thức tư tưởng, tinh thần thái độ trách nhiệm, nâng cao trình độ năng lực của cán bộ, đảng viên, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ theo từng cương vị chức trách.
Trên cơ sở nội dung, biện pháp thực hiện phong trào “Ba cần, hai tận dụng” của Đảng ủy Lữ đoàn, cấp ủy các cấp cụ thể hóa thành những tiêu chí sát với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, chức trách của từng cán bộ, đảng viên để đăng ký phấn đấu. Hằng tháng, từng cán bộ, đảng viên đăng ký phấn đấu thực hiện 01 - 02 tiêu chí phù hợp với nhiệm vụ, chức trách được giao thông qua sổ đăng ký “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của mỗi cá nhân; cuối tháng, đảng viên tự nhận xét kết quả hoàn thành nhiệm vụ và mức độ phấn đấu tu dưỡng trong tháng. Từ những nội dung đăng ký của đảng viên, cấp ủy các cấp quản lý, theo dõi kết quả thực hiện; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm từng người. Trong hội nghị chi bộ, thay mặt cấp ủy nêu rõ những ưu điểm, nhất là những khuyết điểm, hạn chế làm cơ sở cho việc định hướng những nội dung cần đăng ký tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu của từng cá nhân, nhất là việc xác định biện pháp, thời gian khắc phục sửa chữa khuyết điểm.
Từ khi triển khai phong trào đến nay, toàn Lữ đoàn đã khai thác, tận dụng được 150m³ cát, 300m³ sỏi, 1.200m³ đá phục vụ cho việc củng cố, xây dựng doanh trại, cảnh quan môi trường đơn vị; tổ chức huấn luyện ngoài giờ 75 lớp; tranh thủ thời gian ôn luyện ngoài giờ (ngày nghỉ, giờ nghỉ) của cán bộ được 6.560 giờ, hạn chế đi tới chấm dứt hiện tượng đi muộn về sớm, bớt xén thời gian huấn luyện, công tác. Toàn Lữ đoàn đã tiết kiệm được 800 triệu đồng từ phong trào “Ba cần, hai tận dụng”.
Nổi bật trong phong trào này là việc triển khai mô hình “Nuôi heo đất” của Tiểu đoàn 3. Dù quân số biên chế của đơn vị ít nhưng từ đầu năm đến nay, Tiểu đoàn đã “nuôi” được hai con “Heo đất”. Hằng tháng, khi nhận lương, phụ cấp hoặc trích một phần chi tiêu cá nhân, cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp để “nuôi heo”. Phần tiết kiệm “nuôi heo” sẽ được sử dụng để giúp đỡ những cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; bản thân hoặc gia đình ốm đau, bệnh tật, qua đời, gặp rủi ro đột xuất, thiên tai bão lũ.
Những nghĩa cử cao đẹp
Nếu như ở Sư đoàn 324 và Lữ đoàn 16 đã có những phong trào thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ thì ở Đội sản xuất 3, Đoàn KT - QP 337 tại trung tâm xã Hướng Lập lại có một nghĩa cử cao đẹp, thấm đẫm tình người, tình quân dân nơi miền biên giới.
Chuyện là ba cháu học sinh Hồ Thị Huê (sinh năm 1998), Hồ Văn Hưng (sinh năm 2000), Hồ Văn Dưng (sinh năm 2004) ở thôn Kợp xã Hướng Lập có hoàn cảnh hết sức thương tâm. Đầu năm 2012, bất hạnh bất ngờ ập đến với 3 em khi cả cha và mẹ đều qua đời trong một thời gian ngắn. Không còn cha mẹ, 3 chị em sang ở cùng chú ruột. Nhưng bất hạnh chưa chịu dừng lại, chú ruột cũng qua đời. Số phận đẩy 3 chị em rơi vào cảnh mồ côi, không nơi nương tựa, đành phải từ bỏ ước mơ được đến trường để kiếm sống qua ngày. Qua quá trình khảo sát, nắm bắt tình hình địa bàn, biết được hoàn cảnh thương tâm của 3 em, Trung tá Ngô Sĩ Lý đã đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy Đoàn 337, trao đổi với cấp ủy, chính quyền địa phương nhận 3 chị em về ăn, ở tại đơn vị. Đội quyết định dành hẳn một phòng rộng rãi, có đủ giường và bàn, ghế, tủ,… cho 3 chị em. Vậy là từ đó, 5 anh em trong Đội đã xem 3 em như con của mình. Hằng tháng, phòng chính trị và phòng tham mưu của Đoàn hỗ trợ tiền ăn, tiền học cho các em, còn cán bộ, nhân viên của Đội cùng ăn, cùng ở thì quan tâm, động viên, chia sẻ giúp các em trong học tập và cuộc sống.
Ngoài việc chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, việc đến trường của các em, Đoàn đã phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ đóng góp một ngày lương được hơn 140 triệu đồng để xây căn nhà tình nghĩa cho 3 em. Đơn vị còn vận động cấp ủy, chính quyền xã Hướng Lập, đơn vị kiểm lâm và biên phòng trên địa bàn cùng tham gia đóng góp vật chất để xây dựng nhà ở cho các em. Lãnh đạo, chỉ huy Đoàn đã làm việc, xin xã Hướng Lập cấp đất ở bản A Sóc cách doanh trại Đội sản xuất 3 khoảng 30m để xây nhà tình nghĩa. Với sự cố gắng không quản ngày đêm của các cán bộ nhân viên Đoàn, căn nhà đã hoàn thành trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, rộng chừng 70m², với 2 phòng ngủ, phòng khách, bếp và phòng ăn, sân trước. Đặc biệt nhất là căn hộ đã có nhà vệ sinh khép kín - điều mà đa số hộ gia đình bà con dân tộc nơi đây chưa có. Xây nhà xong, Đoàn tiếp tục vận động quyên góp để mua giường, tủ, bàn ghế và các đồ dùng sinh hoạt cho các em. Có người còn cho rằng nên gọi ngôi nhà tình nghĩa này là “Nhà 337” vì từ nguyên vật liệu, thiết kế và xây dựng đều là tấm lòng nhân hậu, từ bàn tay và khối óc thông minh, cần cù, sáng tạo của những cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337, không phải thuê một công thợ nào.
Tuy đã có nhà ở nhưng hằng ngày các em vẫn sang ăn cơm cùng “5 người cha” trong Đội sản xuất 3. Tự lúc nào, các em đã xem anh Lý và các chú, các anh trong Đội như những người cha ruột thịt của mình. Cháu Hồ Thị Huê xúc động chia sẻ: “Khi cả bố mẹ và chú ruột qua đời, 3 chị em cháu bơ vơ, không nơi nương tựa, phải kiếm từng bữa, nhờ có các chú, các anh ở Đội sản xuất 3, Đoàn 337 giúp đỡ, cho chị em cháu nơi ở và bữa ăn hằng ngày, được cắp sách tới trường như các bạn cùng trang lứa… Bố Lý và các chú trong Đội thực sự là “5 người cha” của 3 chị em cháu”.
Thầy giáo Nguyễn Lương Tân, Trường PTCS Lương Tân chia sẻ: “Việc cưu mang 3 em học sinh mồ côi của 5 cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 3 nói riêng, Đoàn 337 nói chung là việc làm giàu tính nhân văn và ý nghĩa giáo dục sâu sắc, giáo viên nhà trường chúng tôi cũng xin chia sẻ một phần trách nhiệm, dạy học thật tốt để giúp các cháu trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho quê hương, đất nước…”.
Nhắc đến những gương điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2011 - 2013) của lực lượng vũ trang Quân khu 4 không thể không nhắc đến gương anh dũng hy sinh của Thiếu tá Nguyễn Tuấn Ngãi trong khi chỉ huy bộ đội dập lửa tại khu vực đèo La Hy, xã Hưng Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhận được tin đám cháy xảy ra, ngay lập tức 21 cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự Nam Đông với đầy đủ trang thiết bị chữa cháy rừng đã có mặt ở hiện trường. Thiếu tá Nguyễn Tuấn Ngãi chỉ huy bộ đội chia làm 3 hướng vừa tiến hành dập lửa, vừa phát đường ranh cản lửa để cô lập đám cháy. Ở khu vực cao nhất của đám cháy, ngọn lửa bùng lên dữ dội và gió liên tục chuyển hướng, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Ngãi trực tiếp chỉ huy bộ đội dập lửa ở hướng này. Vừa tự mình dập lửa, anh vừa quan sát hướng gió để ra lệnh cho bộ đội tránh khỏi bị lửa táp vào người. Khi ngọn lửa ở nơi nguy hiểm nhất đang dần bị khống chế thì gió đột ngột chuyển hướng, bốc theo cả lớp khói bụi dày đặc trùm lên hướng mà Thiếu tá Nguyễn Tuấn Ngãi vừa dập lửa. Trong cơn nguy hiểm, anh chỉ kịp dùng tay đẩy 2 đồng đội của mình về phía sau còn anh ngã xuống và bị ngạt khói. Tuy được đồng đội sơ cứu tại chỗ và được các y, bác sĩ ở Trung tâm y tế huyện Nam Đông, Bệnh viện Trung ương Huế tận tình cứu chữa nhưng do ngạt khói quá nặng nên anh đã không qua khỏi.
Diễn ra trong cái nắng, cái gió như bủa vây, đám tang Thiếu tá Nguyễn Tuấn Ngãi vẫn rất đông người đến dâng hương. Ông Ka Sình, người dân tộc Cơ Tu ở thôn 5, xã Hương Sơn nói trong nước mắt: “Người dân Nam Đông của miềng sống nhờ rừng. Bộ đội Ngãi hy sinh vì giữ rừng quê hương miềng. Miềng thương bộ đội Ngãi nhiều lắm”. Ông Ka Sình xin với gia đình, địa phương để thi hài anh Ngãi trong ngôi nhà của anh thêm nửa ngày nữa để đồng bào dân tộc Cơ Tu đến viếng, thắp nén hương thơm tiễn biệt anh.
Còn với anh Trần Xuân Bình, Bí thư huyện ủy huyện Nam Đông, Thiếu tá Ngãi là ân nhân của cả gia đình anh. Anh nói với đôi mắt ngấn lệ: “Trong trận lũ lịch sử tháng 10-2009, nhà tôi ở tận Khu vực 5, Thị trấn Khe Tre gần bờ sông Tả Trạch nên nước lên nhanh lắm. Nước ngập tận nóc nhà. Lúc đó vườn nhà của Thiếu tá Ngãi cũng bị sạt lở nặng, bị lũ cuốn trôi hoàn toàn một ao cá, nhưng khi nhận được lệnh vào vùng lũ dữ cứu người, Thiếu tá Ngãi đã tạm gác việc gia đình để đến cứu chúng tôi. Hôm đó, mặc cho nước lũ ngập tràn, chảy xiết, đồng chí Ngãi vẫn không quản hiểm nguy vật lộn với dòng nước lũ hết lần này đến lần khác bơi đến đưa cả gia đình tôi, gia đình anh Lê Thành Nghề, gia đình anh Vương Đình Thành với hơn 10 con người đến nơi an toàn… Trong trận lũ lịch sử ấy, người dân Nam Đông quê tôi còn nhớ mãi hình ảnh anh Ngãi sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu dân đã suốt 3 ngày đêm lặn ngụp nơi dòng sông Tả Trạch hung dữ để tìm kiếm thi thể của đồng đội mình là Thiếu úy Nguyễn Công Minh, nhân viên cơ yếu Ban Chỉ huy quân sự huyện Nam Đông hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu dân…”.
Kể từ lúc anh Ngãi hy sinh, chị Phan Thị Khánh vợ anh cứ ôm chặt chiếc áo quân phục và nhiều lần ngất đi vì khóc thương chồng. Buổi trưa ngày anh Ngãi lên đường làm nhiệm vụ chữa cháy rừng, anh Ngãi từ đơn vị về và đưa cho cho chị chiếc áo quân phục bảo chị cất vào tủ. Chị không ngờ rằng đó là kỷ vật cuối cùng mà anh trao cho chị. Còn cháu bé Nguyễn Thị Kim Huệ, mới lên 9 tuổi thì cứ ngơ ngác hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao buổi chiều hôm ấy, ba không đến trường đón con”.
Nói về gương hy sinh của Thiếu tá Nguyễn Tuấn Ngãi, Đại tá Nguyễn Việt Dũng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Thiếu tá Ngãi là một cán bộ tốt. Ghi nhận quá trình công tác của anh, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ký quyết định thăng quân hàm từ thiếu tá lên trung tá, thăng chức từ Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn dự bị động viên lên chức vụ mới là Chỉ huy phó động viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Nam Đông đối với anh. Chúng tôi cũng làm thủ tục đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen; đề nghị công nhận liệt sĩ cho Thiếu tá Nguyễn Tuấn Ngãi và chúng tôi đã phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế học tập, noi gương hy sinh anh dũng của Thiếu tá Nguyễn Tuấn Ngãi”.
Có thể nói, Sư đoàn 324, Lữ đoàn 16, Đoàn 337 hay Thiếu tá Nguyễn Tuấn Ngãi chỉ là 4 trong rất nhiều những gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2013 của lực lượng vũ trang Quân khu 4. Còn rất nhiều những cá nhân, tập thể tiêu biểu khác với những cách làm sáng tạo, hiệu quả đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cơ quan, đơn vị và mọi cán bộ, chiến sĩ của Quân khu, nhằm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện; tiếp tục tô thắm thêm truyền thống vẻ vang “Bộ đội Cụ Hồ” trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới./.
Tổng Bí thư thăm, chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân  (19/08/2013)
Đồng chí Tô Huy Rứa tiếp Tỉnh trưởng Saitama của Nhật  (19/08/2013)
Không ban hành các chính sách giảm thu ngân sách  (19/08/2013)
Mỹ cam kết đem lại nhiều khoản đầu tư cho Indonesia  (19/08/2013)
Chứng khoán châu Á thận trọng chờ tin tức từ Fed  (19/08/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu
- Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội kiến Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm