Về thực hiện tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI)

Nguyễn Đức Hà Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương
22:04, ngày 11-05-2012
TCCSĐT - Tự phê bình và phê bình là một trong 5 nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của Đảng, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng mà từng đảng viên, từng tổ chức của Đảng phải tuân thủ. Để thực hiện công tác này có hiệu quả trong sinh hoạt Đảng ở các cấp yêu cầu phải nghiêm túc thực hiện, đánh giá đúng thực chất vấn đề và cũng phải có tình có lý.

Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” là một trong những Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng được đông đảo cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm theo dõi ngay từ khi chuẩn bị Đề án cho đến khi Nghị quyết được ban hành cũng như trong quá trình khi tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong đó vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng mà Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị đề ra là một nội dung đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa then chốt và quyết định đến kết quả thực hiện Nghị quyết, cũng như củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng ở các cấp cần đặc biệt chú ý một số nội dung cụ thể sau đây:

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tổ chức thật tốt việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị, Kế hoạch thực hiện của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương cho cán bộ, đảng viên. Để qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức trong toàn Đảng và có quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện ở các cấp.

Thực tiễn cho thấy, khi mới có Nghị quyết và sau khi đã được học tập, quán triệt Nghị quyết cùng các văn bản hướng dẫn của Trung ương thì niềm tin của cán bộ, đảng viên vào việc thực hiện Nghị quyết đã có sự thay đổi đáng kể. Có thể dễ nhận thấy là, khi mới có Nghị quyết thì nhiều người còn hoài nghi về việc thực hiện vì cho rằng không biết có làm được không? Nhưng đến nay, sau khi nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết và thấy rõ một số vụ việc Trung ương chỉ đạo quyết liệt, có kết quả thì niềm tin tăng lên, sự hoài nghi và thiếu tin vào việc thực hiện Nghị quyết đã giảm đi đáng kể.

2. Việc chuẩn bị kiểm điểm của tập thể và cá nhân cần được tiến hành chu đáo, nghiêm túc và có sự chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ của cấp ủy cấp trên. Cần quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng quan điểm: “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật và làm rõ sự thật” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng nhằm tiếp tục phát huy ưu điểm, thấy rõ những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, yếu kém để có biện pháp sửa chữa, khắc phục một cách thiết thực, kịp thời. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp phải trực tiếp chỉ đạo, chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của tập thể cấp mình.

3. Trước khi tiến hành kiểm điểm của mỗi tập thể và cá nhân, cần có các hình thức phù hợp để lấy ý kiến tham gia đóng góp của cấp ủy cấp dưới và của các tổ chức, đoàn thể có liên quan; của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, phải tiếp thu nghiêm túc những ý kiến đóng góp, phê bình đúng đắn, xây dựng. Đối với những tập thể, cá nhân có dư luận liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, vi phạm về phẩm chất, đạo đức, lối sống thì cấp ủy cấp trên cần gợi ý những nội dung phải tập trung kiểm điểm để làm rõ.

4. Trong quá trình kiểm điểm, tự phê bình và phê bình phải dựa trên tinh thần thương yêu đồng chí, có lý có tình, giúp nhau cùng tiến bộ và với phương châm phòng ngừa, ngăn chặn để “trị bệnh cứu người”; đồng thời kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện nể nang, né tránh, xuê xoa, “dĩ hoà vi quý” hoặc “đao to, búa lớn”, lợi dụng phê bình để đả kích, bôi nhọ cán bộ, gây rối nội bộ với động cơ không trong sáng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thấy rõ trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân; phải thực sự trung thực và tự giác để xem xét, nhìn nhận những ưu điểm, khuyết điểm của mình về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và căn cứ vào Quy định của Ban chấp hành Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm” để liên hệ, kiểm điểm và đề ra biện pháp sửa chữa, khắc phục.

5. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thấy rằng, ai cũng đều có khuyết điểm, chỉ có ít hoặc nhiều mà thôi. Vì vậy, mỗi người cần khắc phục nhận thức chủ quan cho mình là không có khuyết điểm, mình ở ngoài “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tuởng chính trị, đạo đức lối sống…” mà Nghị quyết của Trung ương đề ra, nên không kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, hoặc chỉ nhìn thấy những ưu điểm, không nhìn thấy khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục. Ngược lại, chúng ta cần nhận thức rằng, trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái…” đó cũng có nhiều bộ phận nhỏ hơn ở trong đó và mỗi người ở trong từng bộ phận nhỏ đó cũng có mức độ sai phạm khác nhau, không giống nhau. Nếu thấy mình chưa đến mức nằm ở trong “một bộ phận không nhỏ” đó thì ít nhiều cũng có khuyết điểm, không phải là không có khuyết điểm gì.

6. Khi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, cần căn cứ vào mức độ sai phạm và ý thức tự giác, thái độ quyết tâm sửa chữa, khắc phục khuyết điểm của mỗi người để có hình thức giáo dục, giúp đỡ cho phù hợp. Những người có sai lầm, khuyết điểm nhưng tự giác nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa thì cần được xem xét giảm hoặc miễn xử lý lỷ luật; không được định kiến hẹp hòi và cần tạo cơ hội tiến bộ cho những người có khuyết điểm hoặc bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng đã thực sự nỗ lực phấn đấu, có thành tích và được tín nhiệm. Đối với những trường hợp có khuyết điểm nhưng bảo thủ, quanh co, không tự giác nhận khuyết điểm, không thành khẩn hoặc cố tình che dấu khuyết điểm, sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước.

7. Quá trình tiến hành kiểm điểm, cần thực hiện phương châm làm đến đâu xử lý đến đó và sai đến đâu sửa đến đó. Đồng thời thông báo công khai để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết bằng các hình thức phù hợp theo quy định. Tuy nhiên, cần phải bình tĩnh, thận trọng, không nóng vội, cực đoan và phải hết sức cảnh giác, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng tự phê bình, phê bình để xuyên tạc, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ.

8. Để thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình, thì sự gương mẫu của cấp trên và của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là cực kỳ quan trọng cho cấp dưới học tập, noi theo - đó là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện Nghị quyết. Thực tế lịch sử của Đảng ta cho thấy, khi Đảng mắc sai lầm trong cải cách ruộng đất, nhiều cán bộ, đảng viên bị quy oan, Bác Hồ là người đứng đầu của Đảng và Nhà nước đã gương mẫu tự nhận khuyết điểm trước Đảng, trước dân về những khuyết điểm đó.

Thực tiễn qua các đợt chỉnh huấn, chỉnh đốn Đảng những năm qua cũng chứng minh rằng, khi cán bộ lãnh đạo cấp trên và người đứng đầu gương mẫu, thực sự tự giác và kiểm điểm nghiêm túc, thì cán bộ cấp dưới cũng thực hiện nghiêm túc. Nếu cán bộ lãnh đạo cấp trên không gương mẫu, không tự giác chỉ ra những khuyết điểm của mình và còn nể nang, dễ dãi khi phê bình người khác thì cán bộ cấp dưới cũng sẽ tự phê bình một cách qua loa, hình thức, làm lướt cho xong và báo cáo sai sự thật với cấp trên.

9. Trong đợt tự phê bình và phê bình lần này, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc quan điểm “Dựa vào dân để xây dựng Đảng”; thực sự mở rộng và phát huy dân chủ trong Đảng; có hình thức phù hợp để nhân dân hăng hái tham gia xây dựng Đảng và đóng góp ý kiến đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Những ý kiến tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân cần được tập hợp đầy đủ và tiếp thu nghiêm túc những ý kiến đúng đắn. Sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, các cấp ủy phải báo cáo nghiêm túc kết quả với cấp ủy cấp trên, thông báo việc tiếp thu những ý kiến đóng góp xây dựng, có kế hoạch sửa chữa khuyết điểm để nhân dân biết, giám sát việc thực hiện.

10. Trong quá trình tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình ở các cấp, cấp ủy cấp trên phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, phân công trách nhiệm các cấp ủy viên chỉ đạo, theo dõi, phụ trách từng ngành, địa phương, đơn vị; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của cấp dưới. Định kỳ sơ kết rút kinh nghiệm để kịp thời khắc phục những sai sót, lệch lạc. Nếu phát hiện nơi nào có biểu hiện làm lướt, không bảo đảm yêu cầu thì cấp ủy và người đứng đầu cấp đó phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên. Đồng thời, cấp ủy cấp trên chỉ đạo cấp ủy nơi đó phải tiến hành kiểm điểm lại theo đúng nội dung, yêu cầu mà Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị đề ra./.