Tinh thần chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam qua nỗ lực gia nhập và trở thành thành viên WTO - Thành tựu và triển vọng
TCCS - Một trong những mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam là chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 1-2007. Sau hơn 15 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã có một bước tiến quan trọng và đạt được những thành tựu nổi bật. Đây là tiền đề vững chắc để Việt Nam tiếp tục vượt qua thách thức, đón nhận cơ hội để thích nghi và phát triển hơn nữa.
Nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là tổ chức quốc tế duy nhất giải quyết các quy tắc thương mại toàn cầu với chức năng chính là giảm thiểu các rào cản thương mại, tiến tới sự tự do thương mại, giúp các giao dịch quốc tế diễn ra suôn sẻ.
Tính đến nay, WTO có 164 thành viên trên tổng số 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và hiện là ngôi nhà cho các cuộc đàm phán mới theo Chương trình Nghị sự phát triển Doha(1) được đưa ra vào năm 2001. Các thỏa thuận của WTO bao gồm sáu nội dung chính: 1- Hiệp định thành lập WTO; 2- Các hiệp định đa phương về thương mại hàng hóa; 3- Hiệp định chung về thương mại dịch vụ; 4- Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ; 5- Giải quyết tranh chấp; 6- Đánh giá về chính sách thương mại của các chính phủ(2). WTO là một tổ chức lớn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế và thương mại của các nước thành viên, do đó để có thể tham gia một “sân chơi lớn” như vậy, Việt Nam đã phải trải qua một quá trình dài đầy khó khăn với những cuộc đàm phán và hàng loạt văn bản được đưa ra.
Với sự đổi mới về tư duy của Đảng và Nhà nước, từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu tiến hành cải cách và mở cửa thị trường. Về đối ngoại, Việt Nam thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế. Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995 là sự kiện có ảnh hưởng to lớn đến quan hệ kinh tế quốc tế và là “bước đệm” để Việt Nam từng bước phát triển các quan hệ kinh tế song phương với các quốc gia và tổ chức kinh tế lớn trên thế giới. Những năm sau đó, Việt Nam ngày càng tích cực mở cửa hội nhập kinh tế thế giới, trước hết là gia nhập các tổ chức và diễn đàn uy tín cấp khu vực, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, năm 1995), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM, năm 1996) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC, năm 1998).
Ngày 1-1-1995, Việt Nam chính thức đệ trình đơn xin gia nhập WTO và trở thành một quan sát viên của tổ chức này. Đến tháng 8-1996, Việt Nam đệ trình “Bị vong lục về chính sách thương mại” tới Ban Thư ký WTO nhằm phác họa tổng quan về nền kinh tế, các chính sách kinh tế vĩ mô, cơ sở hoạch định và thực thi chính sách, đồng thời cung cấp các thông tin chi tiết về các chính sách liên quan đến thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ (IPRs).
Năm 1996, Việt Nam bắt đầu các cuộc đàm phán, trước hết là Hiệp định thương mại song phương với Mỹ (BTA). Cuộc đàm phán chỉ rõ các điều khoản được dựa trên cơ sở các nguyên tắc của WTO. Vì vậy, việc đàm phán thành công hiệp định này được đánh giá như một cuộc “tập dượt” trước khi bước vào sân chơi toàn cầu. Ngày 13-7-2000, Việt Nam và Mỹ ký kết BTA. Đồng thời, Việt Nam cũng tiến hành các phiên họp đa phương với Ban Công tác về minh bạch hóa các chính sách thương mại vào các tháng 7-1998, tháng 12-1998, tháng 7-1999, tháng 11-2000. Kết thúc bốn phiên họp, Việt Nam cơ bản hoàn thành quá trình minh bạch hóa và chuyển sang hướng đàm phán mở cửa thị trường. Ngày 7-1-2002, tại phiên đàm phán lần thứ 5, Việt Nam đưa ra Bản chào đầu tiên về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, sau đó bản chào này tiếp tục được sửa đổi và bổ sung vào các năm 2004, 2005 và 2006. Bản chào được đưa ra vào phiên họp thứ 8 của Nhóm công tác vào tháng 6-2004 đã tạo ra bước thay đổi quan trọng cho quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.
Trên cơ sở đạt được một số thành công từ các cuộc đàm phán đa phương và hiệp định BTA có hiệu lực vào năm 2001, Việt Nam tiến hành các buổi đàm phán song phương với các nước có nhu cầu. Thời điểm đầu, Việt Nam nhận được hơn 40 đề nghị đàm phán song phương từ các thành viên WTO. Nhờ những nỗ lực ngoại giao, số lượng thành viên WTO đề nghị đàm phán song phương rút lại còn 28, trong đó bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Việc rút số lượng đề nghị từ 40 xuống còn 28 nước đem đến cho Việt Nam những dấu hiệu tích cực. Qua đó, quá trình đàm phán được rút ngắn cả về thời gian và khoảng cách, đưa Việt Nam tiến gần hơn vị trí là thành viên WTO. Tháng 5-2006, Việt Nam và Mỹ ký kết thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương, Mỹ dành cho Việt Nam Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với nội dung chính là bãi bỏ việc áp dụng Đạo luật bổ sung Jacson - Vanik(3), đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ, mở đường cho Việt Nam thực hiện các cam kết gia nhập WTO. Ngày 11-1-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO và một ngày sau, những quyền và nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là thành viên đầy đủ của WTO được thực thi.
Những thành tựu đạt được
Sau 15 năm gia nhập WTO (2007 - 2022), Việt Nam đã có những bước tiến dài trên con đường hội nhập kinh tế toàn cầu. Việt Nam cũng được đánh giá là có sự bứt phá và đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Đây là những kết quả được ghi nhận từ việc mở rộng nền kinh tế của Việt Nam, việc gia nhập WTO và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo đó, Việt Nam tiếp tục ký kết các FTA khi có cơ hội phát triển. Cụ thể là, 15 FTA đã và đang thực thi (trong đó có 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP), 2 FTA đang đàm phán (EFTA FTA - Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA (bao gồm bốn nước Thụy Sỹ, Na Uy, Ai-xơ-len, Lích-ten-xtên) và FTA Việt Nam - I-xra-en)(4). WTO và FTA đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc tăng cường thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Báo cáo Rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO ghi nhận, trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019. Đến năm 2021, Việt Nam đã nằm trong danh sách 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Về thương mại, theo Tổng cục Thống kê, nếu năm 2006, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD (xuất khẩu 39,8 tỷ USD), thì đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt tới 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 và tăng hơn 7 lần so với năm 2006. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm, từ 1,77 tỷ USD (năm 2016), 2,1 tỷ USD (năm 2017), 6,8 tỷ USD (năm 2018), 10,9 tỷ USD (năm 2019), trên 19 tỷ USD (năm 2020) và năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn đạt mức xuất siêu gần 4 tỷ USD(5)...
Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng liên tục có sự cải thiện theo chiều hướng tích cực. Tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến đã tăng từ 80,3% kim ngạch xuất khẩu năm 2016 lên mức 89,2% năm 2021. Số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD cũng tăng nhanh từ 9 mặt hàng trong năm 2006 lên 25 mặt hàng năm 2016 và 35 mặt hàng vào năm 2021 (trong đó 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD)(6).
Trong khi đó, tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 2% tổng kim ngạch xuất khẩu xuống còn 1% năm 2020. Hơn nữa, việc khai thác các FTA cũng góp phần phát triển xuất khẩu bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32% - 34%/năm(7). Kết quả này phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.
Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam hiện trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trên thế giới. Ngay sau khi gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam đã đón một số lượng vốn FDI đăng ký lên tới 64 tỷ USD vào năm 2008, cao gấp 3 lần so với năm 2007. Cùng với việc tham gia các FTA, Việt Nam tiếp tục thu hút đều một số lượng lớn FDI qua các năm. Đặc biệt năm 2020, Việt Nam lọt vào tốp 20 quốc gia thu hút nhiều FDI nhất trên thế giới, đứng vị trí thứ 19, tăng 5 bậc so với năm 2019. Tính lũy kế đến hết năm 2021, Việt Nam đã thu hút được 34.527 dự án FDI từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đăng ký là 408,9 tỷ USD(8). Nhiều dự án FDI có tổng số vốn đăng ký lớn, tập trung vào các ngành có tính cạnh tranh cao, như điện thoại, điện tử...
Sự hợp tác của Việt Nam với các thị trường lớn đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thu hút FDI có giá trị lớn, như các thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. Ngoài ra, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những thị trường trọng yếu của Việt Nam. Cụ thể, đối với thị trường các nước châu Âu, tổng vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp EU tại Việt Nam tính đến nay tăng gần 70%. Tháng 8-2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 42,4 tỷ USD, tăng khoảng 624% sau 15 năm (kim ngạch thương mại của Việt Nam - EU trong năm 2006 là 6,8 tỷ). Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt, chứng kiến sự chuyển dịch tích cực, không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ của EU, như Đức, Pháp, Hà Lan,... mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa, khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, như máy móc và thiết bị (tăng 34,8%), dệt may (41,2%), giày dép (36,2%)..., mà còn cả kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng đang tăng ở mức cao, đáng kể, như cà phê (tăng 54,4%), thủy sản (42%), rau quả (18%), hồ tiêu (25%), gạo (22,2%)(9)...
Đối với thị trường Mỹ, Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ. Tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ là đặc điểm quan trọng giúp Việt Nam định hình chính sách kinh tế, thương mại với Mỹ theo hướng hài hòa và bền vững, bảo đảm các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương, từ đó đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Mỹ đạt 111 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 96,29 tỷ USD, tăng 24,9%, nhập khẩu từ Mỹ đạt gần 15,27 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2020(10).
Đối với thị trường Trung Quốc, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua phát triển theo hướng tích cực, đạt nhiều tiến triển mới. Ngoài tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước liên tục tăng, Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Về xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Về nhập khẩu, đây cũng là thị trường cung cấp nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 87,3 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 26,17 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương tăng hơn 1,6 tỷ USD) và nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 61,12 tỷ USD, tăng 14,63% (tương đương tăng 7,8 tỷ USD)(11).
Đối với thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam đóng góp hơn 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hàn Quốc cũng là một trong số ít quốc gia tham gia ký kết FTA song phương và đa phương với Việt Nam, như FTA ASEAN - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP),... Theo Bộ Công Thương, năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đạt 78,1 tỷ USD, tăng 18,33% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 21,9 tỷ USD, tăng 14,9% và kim ngạch nhập khẩu đạt 56,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020(12). Trong hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam và Hàn Quốc đạt 13,8 tỷ USD, tăng 19,03% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 15,7% và nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 10,1 tỷ USD, tăng 20,3%(13).
Đối với thị trường Nhật Bản, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2021), quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển mạnh và năng động nhất. Nhật Bản trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác quan trọng của Nhật Bản ở Đông Nam Á. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 20,13 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2020. Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ thị trường này trị giá trên 2,52 tỷ USD, tăng 138,5% so với năm 2020(14).
Triển vọng của WTO và đề xuất đối với Việt Nam
Kể từ khi thành lập, bên cạnh những thành tựu đạt được, WTO cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện sứ mệnh là một diễn đàn đàm phán các quy tắc thương mại thế giới. Trong những năm gần đây, những biến động khôn lường về dịch bệnh, chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại đã đẩy WTO vào những vấn đề chưa thể giải quyết. Chính vì vậy, mặc dù có nhiều nỗ lực nhằm tìm ra những quy tắc thương mại toàn cầu mới, nhưng các vòng đàm phán Doha trong suốt 20 năm qua vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Một vấn đề trọng tâm trong đàm phán là khó khăn trong việc thuyết phục hơn 160 thành viên đạt được sự đồng thuận.
WTO cũng chưa thực sự thể hiện tốt vai trò của mình khi giải quyết các tranh chấp, xung đột thương mại. Năm 2019, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm lên nắm quyền, Mỹ tuyên bố “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc và đe dọa rời khỏi WTO. Xung đột Nga - U-crai-na hiện nay cũng đang làm gia tăng căng thẳng tình hình quốc tế, các lệnh trừng phạt thương mại, giá cả hàng hóa tăng vọt... đã làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Vai trò giải quyết tranh chấp của WTO đứng trước thách thức.
Chính vì vậy, là một trong những thành viên năng động và gặt hái được nhiều thành tựu, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những thách thức của WTO. Bên cạnh các hiệp định mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, như EVFTA, RCEP, CPTPP, vẫn còn nhiều FTA chưa được tận dụng hiệu quả. Việc tập trung quá lớn vào một số thị trường đã làm suy giảm khả năng thực hiện mục tiêu mở rộng thị trường mới, dẫn tới nguy cơ đánh mất thị trường, khó có thể phát triển bền vững và duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Việt Nam đang bị “neo chặt” ở khâu có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu(15).
Sau những biến cố như đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga - U-crai-na, khủng hoảng lương thực,... xu hướng phân mảnh và bảo hộ thương mại trong cấu trúc thương mại toàn cầu đang trỗi dậy. Thay vì lựa chọn chủ nghĩa đa phương, các nước đang dịch chuyển theo hướng hình thành các khối ảnh hưởng khu vực, như nhóm 11 nước trong CPTPP, nhóm 15 nước trong RCEP hay 54 nước trong Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (ACFTA).
Không chỉ vậy, những tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu cũng như tới từng quốc gia đã trỗi dậy chủ nghĩa bảo hộ mà trong đó, các nước đặt ra các hàng rào phi thuế quan. Trong số hơn 2.800 biện pháp hạn chế thương mại ghi nhận qua các thời kỳ khảo sát các chính sách thương mại của WTO từ tháng 10-2008 đến nay, mới chỉ có 25% đã được bãi bỏ. Điều này cho thấy, sự gia tăng đáng lo ngại về tỷ lệ các biện pháp hạn chế thương mại mới được thiết lập(16).
Các quy tắc giờ đây đã không còn thích ứng tối ưu với các động lực kinh tế toàn cầu và đòi hỏi cần được sửa đổi. Vai trò của WTO sẽ dần bị mai một nếu không thay đổi cơ chế vận hành và cải cách mà trong đó, đối thoại chính sách nhằm xây dựng một bộ nguyên tắc có tính thích ứng cao là điều cấp thiết. Dù vòng đàm phán Doha vẫn còn dở dang và bế tắc, việc 24 quốc gia hiện đang tìm cách gia nhập WTO cho thấy tổ chức này vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Vì vậy, các cuộc đối thoại chính sách cần sự kết hợp giữa các chủ đề cũ chưa thể giải quyết cũng như các chủ đề mới cần khai phá. Trong đó, việc xóa bỏ leo thang thuế quan, điều chỉnh tình trạng dư thừa công suất toàn cầu trong một số ngành nhất định, trừng phạt trợ cấp nông nghiệp và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đều là những vấn đề lâu nay mà nhiều thành viên WTO quan tâm.
Bên cạnh đó, nhằm xây dựng một hệ thống thương mại đa phương minh bạch, bao trùm, công bằng và cởi mở, chương trình đối thoại cần cân bằng với cơ hội thực tế để giải quyết các mối quan tâm ưu tiên cho tất cả thành viên WTO phát triển, mới nổi và đang phát triển. Trong cuộc họp của 53 nước thuộc Khối Thịnh vượng chung, các bộ trưởng đều nhất trí rằng bất kỳ cải cách nào của WTO đều phải tính đến quan điểm của tất cả thành viên, nhấn mạnh đến hoàn cảnh đặc biệt của các nước đang phát triển và kém phát triển nhất, cũng như các nền kinh tế nhỏ và dễ bị tổn thương.
Trước những thách thức và triển vọng của WTO, Việt Nam vẫn luôn nhấn mạnh vai trò và vị thế của tổ chức thương mại toàn cầu này và cam kết phối hợp tối đa hiệu quả nhằm duy trì và phát triển WTO. Để thực hiện được mục tiêu này cũng như nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế trong khuôn khổ WTO, cần xem xét một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần tham gia các cuộc đối thoại chính sách về cả những chủ đề cũ và chủ đề mới nhằm góp phần đưa ra các cơ chế phù hợp. Đồng thời, tích cực thảo luận các mối quan tâm chung giữa các nước phát triển, đang phát triển và chậm phát triển để mang tới những chính sách công bằng. Đặc biệt, việc tích cực tham gia đàm phán và thảo luận về lĩnh vực trợ cấp thủy sản và nông nghiệp - ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, cũng vô cùng cần thiết.
Thứ hai, để phát triển nền kinh tế và hội nhập sâu rộng trong khuôn khổ của WTO, Việt Nam cần tận dụng tối đa ưu đãi trong các FTA đã ký kết. Trong đó, các FTA khác ngoài các hiệp định với một số đối tác lớn của Việt Nam cũng cần được chú trọng và thúc đẩy hơn nữa. Ngoài ra, tập trung vào nguồn gốc xuất xứ theo các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng ưu đãi thuế quan theo các hiệp định này.
Thứ ba, Nhà nước cần xây dựng và bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật nhằm tạo ra sân chơi hấp dẫn thu hút thương mại và đầu tư thông qua các FTA. Các quy định, thủ tục hành chính nên được đẩy mạnh cải cách nhằm cải tạo môi trường thương mại, đầu tư cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia. Tăng cường các cam kết trong hội nhập tài chính về thuế, hải quan, dịch vụ bảo hiểm, chứng khoán, kế toán - kiểm toán và các dịch vụ khác.
Thứ tư, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng phát triển chất lượng hàng hóa để vượt qua hàng rào phi thuế quan của các nước. Bên cạnh đó, đề xuất các định hướng, biện pháp cụ thể để cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tìm hiểu và tận dụng các cơ hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước. Khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân thực hiện nghiên cứu cũng như chuyển giao, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp./.
----------------------
(1) Tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ tư tại Doha (Qatar) vào tháng 11-2001, các thành viên của WTO đã đồng ý khởi động các cuộc đàm phán mới. Vòng đàm phán Doha có nhiệm vụ đàm phán trong các lĩnh vực: 1- Tiếp cận thị trường hàng phi nông nghiệp; 2- Nông nghiệp; 3- Dịch vụ; 4- Các vấn đề về quy tắc; 5- Sở hữu trí tuệ; 6- Thuận lợi hóa thương mại; 7- Thương mại - môi trường; 8- Thương mại phát triển. Mục tiêu đàm phán là gói cam kết tổng thể tất cả các lĩnh vực trên
(2) World Trade Organization: “What is the World Trade Organization?” (Tạm dịch: Tổ chức Thương mại thế giới là gì?),
https://www.wto.org/english/thewto_e/whatis_e/tif_e/fact1_e.htm:~:text=The%20WTO%20began%
20life%20on,50th%20anniversary%20of%20the%20system
(3) Tu chính án Jackson - Vanik là một điều khoản năm 1974 trong Luật liên bang Hoa Kỳ nhằm hạn chế quyền tự do di cư của các quốc gia không có nền kinh tế thị trường
(4) Trung tâm Hội nhập kinh tế quốc tế: “Tổng hợp các FTA của Việt Nam tính đến tháng 01/2022”, ngày 19-8-2021, https://trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fta-cua-viet-nam-tinh-den-thang-112018
(5) Nguyễn Minh Phong: “Dấu ấn tích cực trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam”, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, ngày 11-1-2022, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM220893
(6) Doanh nghiệp và Việt Nam thương mại hóa: “15 năm gia nhập WTO: Việt Nam khẳng định vị thế hội nhập, https://trungtamwto.vn/file/21519/5-15-nam-wto.pdf
(7) Vietnam Law Magazine: “Fifteen - year WTO membership: improving the balance of trade, striving for sustainable development” (Tạm dịch: 15 năm thành viên WTO: Cải thiện cán cân thương mại, phấn đấu phát triển bền vững), ngày 5-12-2021, https://vietnamlawmagazine.vn/fifteen-year-wto-membership-improving-the-balance-of-trade-striving-for-sustainable-development-48222.html
(8) Doanh nghiệp và Việt Nam thương mại hóa: “15 năm gia nhập WTO: Việt Nam khẳng định vị thế hội nhập, https://trungtamwto.vn/file/21519/5-15-nam-wto.pdf
(9) Lê Anh: “Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU tăng gần 15%”, Báo Chính phủ, ngày 29-9-2022, https://baochinhphu.vn/kim-ngach-thuong-mai-hai-chieu-viet-nam-eu-tang-gan-15-102220929175730832. htm
(10) Thế Hải: “Thương mại Việt - Mỹ vượt 110 tỷ USD”, ngày 20-1-2022, https://baodautu.vn/thuong-mai-viet---my-vuot-110-ty-usd-d159622.html
(11) Thế Hải: “Thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 87,3 tỷ USD”, ngày 24-7-2022, https://baodautu.vn/thuong-mai-viet-nam---trung-quoc-dat-873-ty-usd-d170210.html
(12), (13) Thu Phương: “Việt Nam - Hàn Quốc: Thúc đẩy hợp tác, sớm hoàn thành kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD năm 2023”, Báo Công Thương, ngày 29-4-2022), https://congthuong.vn/viet-nam-han-quoc-thuc-day-hop-tac-som-hoan-thanh-kim-ngach-thuong-mai-song-phuong-100-ty-usd-nam-2023-176348.html
(14) Thế Hoàng: “Thương mại Việt Nam - Nhật Bản năm 2021 đạt 42,7 tỷ USD, nhập siêu 2,52 tỷ USD”, ngày 19-1-2022, https://baodautu.vn/thuong-mai-viet-nam-nhat-ban-nam-2021-dat-427-ty-usd-nhap-sieu-252-ty-usd-d159562.html
(15) Phạm Vĩnh Thắng, Doãn Công Khánh: “Xuất, nhập khẩu của Việt Nam sau khi gia nhập WTO - một chặng đường nhìn lại”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 5-11-2021, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/824285/xuat%2C-nhap-khau-cua-viet-nam-sau-khi-gia-nhap-wto---mot-chang-duong-nhin-lai.aspx
(16) Lê Thanh Trúc: “Xu hướng và những công cụ bảo hộ mậu dịch mới”, trang Ngoại giao Kinh tế trực tuyến, ngày 15-3-2021, https://ngkt.mofa. gov.vn/xu-huong-va-nhung-cong-cu-bao-ho-mau-dich-moi/
Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài tại tòa án ở Việt Nam  (07/03/2023)
Vai trò của kinh tế nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế - từ góc nhìn của ngành dệt may, da giày  (07/03/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên