TCCS - Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta hiện nay đang hướng mạnh đến không gian biển, khai thác, phát huy tiềm năng phong phú của đại dương. Với vị trí địa lý thuận lợi, giàu tài nguyên thiên nhiên, tỉnh Quảng Ninh được xem là địa bàn trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thành phố Hạ Long và các huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô,... đang nỗ lực góp phần đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành một trung tâm phát triển toàn diện, năng động, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao lưu quốc tế của đất nước(1).

Biển, đảo Đông Bắc - vùng đất thiêng, trí tuệ, kiên cường

Sau đêm trường Bắc thuộc, bước vào kỷ nguyên độc lập, các triều đại quân chủ Việt Nam đều coi trọng, thực thi nhiều chủ trương, chính sách để giữ vững an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo Đông Bắc(2). Từ thời Lý (1009 - 1225), thời Trần (1226 - 1400) cùng với việc xây dựng trung tâm kinh tế đối ngoại, dải biên cương vững chắc về văn hóa, chính quyền Thăng Long đã thiết lập ở đây một vùng biên cương về chính trị, những lá chắn thép, nhiều tầng, nhiều lớp về quốc phòng, an ninh. Các đường biên chính trị, kinh tế, văn hóa đó không chỉ khẳng định cương vực đất nước, bản sắc văn hóa, mà còn củng cố cơ sở pháp lý, ý thức về sự toàn vẹn của chủ quyền quốc gia.

Huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh_Nguồn: baoquangninh.com.vn

Trong lịch sử, vùng biển, đảo Đông Bắc thường xuyên phải đối mặt với những biến đổi, thách thức của môi trường chính trị khu vực, thế giới. Đây vừa là cửa ngõ bang giao, vừa là hệ thống phòng vệ tiền tiêu trọng yếu của Tổ quốc. Phòng tuyến này có chức năng thu thập, phân tích thông tin, đồng thời là nơi đầu tiên phát hiện, ngăn chặn những cuộc xâm nhập theo đường bờ biển của các thế lực thù địch trong khu vực. Trong quan hệ khu vực, cùng với tuyến hải trình ven bờ, còn có tuyến đường biển thứ hai từ đại dương vào vùng quần đảo Cô Tô, qua Cửa Đối, đi dọc theo sông Đông Kênh đến Cái Làng, Quan Lạn, tiếp tục tiến về hướng Tây Nam đến Cống Đông, Cống Tây, Cửa Lục và vùng cửa sông Bạch Đằng. Các thuyền buôn, vận tải,... từ khu vực Đông Bắc Á đến nước Đại Việt thường đi theo tuyến này. Trên thực tế, sau khi tuyến giao thương duyên hải được khai mở, nhiều quốc gia Đông Á, Tây Nam Á đã cho thuyền qua vùng Cô Tô, Cửa Đối, Ngọc Vừng để vào Vân Đồn - trung tâm kinh tế đối ngoại trọng yếu của quốc gia Đại Việt.

Vào thời Lý, nhất là từ thời Trần, dựa vào địa thế tự nhiên hiểm yếu, chính quyền Đại Việt đã cho xây dựng ở đây thế trận vững chắc để chặn đánh và thực tế đã lập được nhiều chiến công hiển hách(3). Hào khí của những chiến công lừng lẫy; điều kiện, cảnh quan tự nhiên; đời sống xã hội, cùng môi trường chính trị khu vực,... đã tôi rèn bản lĩnh, đặc trưng văn hóa của đất và người dân Đông Bắc - Quảng Ninh. Phẩm cách kiên cường, bộc trực, năng động, giàu tư duy thực tế đã được kết tụ, nhân lên từ đó. Trải qua các thế hệ, cư dân vùng biển, đảo Đông Bắc luôn hiểu sâu về môi trường sống, không gian sinh tồn truyền thống, có vốn tri thức phong phú về biển và các hoạt động kinh tế biển.

Quá trình định diện bản sắc, bản lĩnh văn hóa chính trị đó được khơi nguồn từ truyền thống lịch sử, đặc biệt là sự hưng thịnh của vương triều nhà Lý và quyết định của vua Lý Anh Tông (1138 - 1175), khai mở thương cảng quốc tế Vân Đồn vào năm 1149. Đó là quyết định lịch sử, thể hiện tư duy hướng biển, bản lĩnh chính trị của một triều đại. Nhà Lý đã mở trang Vân Đồn, thành lập trung tâm kinh tế, đối ngoại hàng đầu của quốc gia Đại Việt trước đế chế Tống hùng mạnh(4). Để khẳng định chủ quyền, vua Lý Anh Tông đã hai lần (năm 1171, 1172) đích thân tuần tra, khảo sát vùng biển, đảo Đông Bắc; cho vẽ bản đồ địa giới; đồng thời, “Xem khắp hình thế núi sông, muốn biết dân tình đau khổ và đường đi xa gần thế nào”(5). Có thể khẳng định, trong lịch sử Việt Nam, vua Lý Anh Tông là người có ý chí mạnh mẽ, sâu sắc về chủ quyền biển, đảo; đã đề ra các quyết sách, chủ trương quan trọng về biển, đảo và triển khai trên thực tế công cuộc khai thác, xác lập chủ quyền, bảo vệ lợi ích, biên cương của Tổ quốc.

Đến thế kỷ XIII - XIV, là một dòng họ dựng nghiệp từ vùng duyên hải, nhà Trần hiểu rất rõ vai trò của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Năm 1349, nhà Trần đã cho nâng tầm hành chính của Vân Đồn từ “trang” thành “trấn”, đồng thời cho đặt Quan trấn, Quan lộ, Sát hải sứ và Bình hải quân để trấn giữ vùng biên giới, biển, đảo(6). Trong ba cuộc kháng chiến chống đế chế Mông - Nguyên, nhà Trần đã dựa vào tinh thần yêu nước để hợp tụ sức mạnh của dân tộc; kiến lập nên một trung tâm Phật giáo lớn ở vùng biển, đảo Đông Bắc để thể hiện hào khí dân tộc, kết tụ các giai tầng xã hội, xoa dịu những nỗi đau nhân thế, đồng thời mở kênh đối thoại với các nền văn hóa khu vực. Phúc địa Yên Tử có nhiều mối liên hệ chặt chẽ với vùng địa linh Đông Triều, địa bàn gốc tích và là khu lăng mộ của nhà Trần. Từ tầm nhìn Thăng Long và từ vùng Yên Tử, nhà Trần đã mở ra một kênh đối thoại văn hóa, xây dựng một không gian văn hóa, không gian thiêng ở vùng Đông Bắc dựa vào trí tuệ, tinh thần yêu nước và triết lý nhân sinh Phật giáo(7).

Sự hiện diện của các di tích Phật giáo ở vùng biển, đảo Đông Bắc (với độ trù mật cao các ngôi chùa trên đảo Cống Tây, Cống Đông) không chỉ cho thấy nhu cầu tâm linh của cư dân vùng biển, đảo, những người đi biển, mà qua đó chính quyền Đại Việt cũng muốn khẳng định chủ quyền, dấu ấn văn hóa của quốc gia Đại Việt trên Biển Đông. Thông qua các kênh tiếp giao kinh tế, văn hóa, các triều đại quân chủ đã mở rộng mối giao lưu với các quốc gia Đông Á và Tây Nam Á. Điều đó lý giải vì sao trung tâm kinh tế đối ngoại vùng biển, đảo Đông Bắc lại có thể duy tồn trong suốt bảy thế kỷ và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thương khu vực.

Vào đầu thế kỷ XV, sau cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, nghĩ suy về vị thế quốc gia Đại Việt trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực khu vực, trong tác phẩm “Dư địa chí”, nhà chiến lược quân sự - ngoại giao Nguyễn Trãi từng khẳng định: Hải Đông là “vùng phên dậu trọng yếu thứ hai của đất nước ở phương Đông”(8). Tuy không có nhiều đất canh tác nông nghiệp, nhưng vùng Đông Bắc lại giàu về tài nguyên biển(9). Đó là vùng “Ngư diêm như thổ” (Lê Thánh Tông). Cư dân Hải Đông sớm giỏi việc kinh doanh, buôn bán trên đất liền và trên biển. Viết về phủ Hải Đông thế kỷ XIX, nhà bác học Phan Huy Chú cho rằng: “Phong thổ và nhân vật đông đúc giàu thịnh, việc buôn bán lưu thông tấp nập, cũng là chỗ phồn hoa ở trấn ngoài, mà cũng là nơi hình thắng của nước Nam”(10). Các kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ rộng lớn, tính chất chuyên nghiệp, truyền thống kinh doanh, tư duy năng động của các thế hệ cư dân vùng biển, đảo. Về vị thế địa - chiến lược của tỉnh Quảng Yên, các sử gia nhà Nguyễn khẳng định: “Đất nhân thế núi làm thành, chỗ dựa cao mà giữ hiểm, có núi để tựa, có biển vòng quanh, địa thế xa lánh mà xung yếu, trong thì giữ vững cương vực, ngoài thì khống chế đất Thanh. Núi cao có Lôi Âm, sông lớn có Bạch Đằng, 22 cửa biển, hơn 10 đồn ải, hải đảo quanh co, sông bến khuất khúc, cũng là nơi then chốt ở ven biển”(11).

Từ góc nhìn lịch sử về văn hóa Quảng Ninh nói chung và vùng biển, đảo Đông Bắc nói riêng, có thể thấy rõ ba giai đoạn phát triển của vùng biển, đảo Đông Bắc. Vào thời kỳ cổ trung đại, đây là một vùng biên viễn xa xôi, hiểm trở, nhưng giàu có về tài nguyên. Trong thời kỳ cận hiện đại, vùng biển, đảo Đông Bắc có đường bờ biển dài, không gian biển rộng lớn, có nhiều lợi thế giao thương biển và kinh tế mỏ. Hiện nay, vùng biển, đảo Đông Bắc có nhiều ưu thế trong giao thương quốc tế, phát triển kinh tế biển, dịch vụ biển, tài chính - ngân hàng và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp...

Vị thế địa - kinh tế của Cô Tô và vùng biển, đảo Đông Bắc

Cô Tô là một đảo lớn nhất thuộc cụm đảo Cô Tô - Long Châu, bao gồm đảo Thanh Lân, đảo Cô Tô Lớn và đảo Chằn (Trần) (tỉnh Quảng Ninh), với diện tích tự nhiên gần 46,2km2. Về mặt địa lý, đảo Cô Tô Lớn tiếp giáp với đảo Thanh Lân về phía Đông Bắc; giáp với vùng biển, đảo Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái và vùng biển Cái Chiên của huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) về phía Bắc; giáp vùng biển Vân Hải (Minh Châu - Quan Lạn), huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) về phía Tây; phía Đông Nam giáp vùng biển Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); phía Đông giáp hải phận quốc tế với chiều dài gần 200km từ ngoài khơi đảo Trần đến huyện đảo Bạch Long Vĩ. Đảo Cô Tô cách Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn 35km, thành phố Cẩm Phả 50km và cách đất liền khoảng 80km. Cùng với huyện đảo Bạch Long Vĩ, chuỗi đảo ven bờ tạo thành ba cụm chính kéo dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam như “cánh cung sơn văn” trên biển, là các lớp phên dậu che chắn cho đất liền. Nhìn từ biển vào, đó là các cụm đảo: Cô Tô - Long Châu, Bái Tử Long - Hạ Long và Vĩnh Thực - Cái Bầu. Cụm đảo Cô Tô - Long Châu giữ vị trí tiền tiêu và là cụm đảo có trữ lượng sinh thái biển phong phú.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trò chuyện với các em học sinh trên đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh_Nguồn: quangninh.gov.vn

Vùng biển, đảo Đông Bắc có nhiều nguồn tài nguyên quý(12), là cơ sở cho sự phát triển nhiều ngành kinh tế truyền thống và các ngành kinh tế mới. Trong không gian vịnh biển, các địa điểm hóa thạch Graptolithina tuổi Ordovic - Silur thuộc hệ Cô Tô có ý nghĩa đặc biệt trong nghiên cứu địa chất, địa mạo. Dấu ấn thời gian và sự biến đổi của tự nhiên trên các đảo được coi là “bản mô tả đầy đủ và quý hiếm” về lịch sử phát triển địa hình khu vực Tây vịnh Bắc Bộ, qua đó có thể khôi phục được các thời kỳ biển tiến - biển lùi trong kỷ Đệ tứ của vùng biển quan trọng này(13). Cấu trúc đặc thù của “Karst(14) kiểu Hạ Long” hình thành từ những đặc trưng địa chất đã khẳng định “giá trị ngoại hạng toàn cầu” của thế giới tự nhiên. Nhờ có giá trị nổi bật đó mà Vịnh Hạ Long đã hai lần (năm 1994, 2000) được đánh giá là “kỳ quan” và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh “Di sản thiên nhiên thế giới”.

Trên nhiều đảo đá vôi vùng Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Cát Bà, các nhà khoa học đã phát hiện được những chứng tích lịch sử, văn hóa quý hiếm của chủ nhân các nền văn hóa biển. Vào thời đá mới, tiếp nối những phát triển của Soi Nhụ(15), di chỉ Cái Bèo “đã đánh dấu việc mở đầu phân vùng kinh tế tiền sử Việt Nam” và đạt được những bước tiến quan trọng về văn hóa(16). Nhờ đó, vào thời hậu kỳ đá mới, đã hình thành nền văn hóa biển Hạ Long phát triển rực rỡ.

Về cảnh quan, từ thế kỷ XV, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi từng ngợi ca cảnh sắc huyền ảo của vùng biển, đảo Đông Bắc. Đó là nơi: “Non biển gạn trong tay vũ trụ”(17) đặc biệt hấp dẫn với giới nghiên cứu, khách du lịch trong và ngoài nước. Vịnh Bái Tử Long - Hạ Long thể hiện tiềm năng của một trung tâm du lịch lớn. Với tư duy hệ thống, liên kết chuỗi, từ Vân Đồn, Cô Tô có thể kết nối với đất liền, với các danh thắng, khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, như Yên Tử; khu di tích Bạch Đằng, khu lăng mộ nhà Trần, chùa Quỳnh Lâm, đền Sinh ở Đông Triều; đền thờ Cửa Ông, đình Quan Lạn, đình Trà Cổ; các suối nước nóng, du lịch nghỉ dưỡng Quang Hanh (Cẩm Phả), Khe Lạc (Tiên Yên), Đồng Long (Bình Liêu),... Điều kiện tự nhiên, nhân văn đó là nhân tố thiết yếu để tỉnh Quảng Ninh phát triển thành trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế(18).

Do có cấu trúc địa hình, địa chất đặc thù và nhiều bãi biển sạch mà Cô Tô có thể phát triển kinh tế du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, có sức cạnh tranh cao. Những năm qua, lượng khách du lịch đến tỉnh Quảng Ninh (Vân Đồn, Cô Tô,...) đều tăng nhanh(19). Trong tương lai, huyện đảo Cô Tô có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa biển. Khách du lịch được tham gia, trải nghiệm trong các hoạt động kinh tế, văn hóa biển, tìm hiểu kho tàng tri thức biển, các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội biển. Du lịch là động lực để phát triển kinh tế, văn hóa biển, khẳng định bản sắc, góp phần bảo vệ chủ quyền(20). Mặt khác, các hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến, giao thương biển cũng làm cho các dấu ấn văn hóa biển của cư dân Cô Tô thêm đặc sắc. Vùng Cô Tô - Thanh Lam có thể phát triển mô hình du lịch làng chài và thương mại trên biển. Đây cũng là vùng có hệ sinh thái biển đa dạng với nhiều loại hải sản giá trị. Cùng với giá trị khoa học, cảnh quan văn hóa, thiên nhiên, của vùng biển, đảo là nguồn tài nguyên có trữ lượng lớn, có thể khai thác, phát huy lâu dài trong các kế hoạch, chiến lược phát triển của huyện đảo Cô Tô và vùng duyên hải Đông Bắc.

Về tiềm năng kinh tế biển, vùng biển Quảng Ninh là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, có khả năng đánh bắt, nuôi trồng các loại hải sản có giá trị kinh tế cao, như tôm, cua, mực, trai ngọc, bào ngư, hải sâm, sá sùng... Với ngư trường rộng trên 300km2, huyện đảo Cô Tô có trữ lượng đa dạng sinh học hàng đầu Việt Nam bởi sự hiện diện của hệ sinh thái biển nhiệt đới và cả nhiệt đới. Biển Cô Tô có trữ lượng thủy sản dồi dào với hơn 1.000 loài, trong đó có trên 60 loài có giá trị cao về kinh tế. Trên vùng quần đảo, có 472 loài thực vật bậc cao, trong đó thực vật tự nhiên là 339 loài(21). Vùng biển Cô Tô còn là thế giới của hệ sinh thái rạn san hô tập trung. Do có điều kiện thuận lợi về khí hậu, diện tích bãi triều lớn, ngư trường rộng lớn nên Cô Tô có thể tập trung phát triển một số khu nuôi biển có quy mô lớn, giá trị kinh tế cao. Cùng với Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), do có hệ sinh thái đặc sắc nên vùng đảo Trần và đảo Cô Tô đã được lựa chọn là Khu bảo tồn biển của Việt Nam(22).

Về giao thương biển, tỉnh Quảng Ninh có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc dài 250km. Là một vịnh biển tương đối kín, nhưng từ vịnh Bắc Bộ có thể kết nối thuận lợi với các tuyến hải thương quốc tế. Hệ thống luồng lạch tự nhiên tương đối dày đặc ở vịnh biển là điều kiện để xây dựng các cảng nước sâu, như Cái Lân, Hòn Gai, Cửa Ông, Mũi Chùa, Vạn Gia. Cảng Cái Lân giữ vai trò cầu nối giữa Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông qua hai hành lang kinh tế: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Quảng Ninh cũng có kế hoạch phát triển tuyến Móng Cái - Vĩnh Thực - Vĩnh Trung - đảo Trần - Cô Tô, xuất phát từ cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Từ Cô Tô có thể tiếp cận trực tiếp với vùng kinh tế Đông Nam Trung Quốc, có nhiều thuận lợi trong hợp tác với Hải Nam, Đài Loan (Trung Quốc) và xa hơn là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Tài nguyên vị thế là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế đối ngoại, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia khu vực Đông Bắc Á.     

Đến nay, giao thông biển vẫn là con đường chính kết nối huyện đảo. Phân tích tiềm năng của Cô Tô trong tổng thể vùng biển, đảo Đông Bắc, có thể thấy tầm quan trọng của huyện đảo được thể hiện rõ ở tài nguyên vị thế. Cùng với Vân Đồn và Bạch Long Vĩ, từ Cô Tô có thể bao quát một vùng biển rộng lớn, có nhiều điều kiện để tiếp cận với các tuyến hàng hải quốc tế, ngư trường, bể dầu khí và hành lang kinh tế Thái Bình Dương. Trong những năm qua, mặc dù huyện đảo phát triển mau chóng, nhưng vẫn còn có nhiều nguồn tài nguyên chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Cùng với đó, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, giao lưu quốc tế, nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về an ninh, bảo tồn các giá trị văn hóa và đặc tính tự nhiên của hệ sinh thái,... là bài toán đã và đang đặt ra đối với công tác quản lý và các kế hoạch, chính sách phát triển của huyện đảo.

Vị thế địa - chính trị của Cô Tô

Cùng với vị thế địa - kinh tế, huyện đảo Cô Tô có vị thế địa - chính trị đặc biệt quan trọng. Vào đầu thế kỷ XIX, nhận thấy những nguồn lợi kinh tế (chủ yếu là tài nguyên mỏ, muối, lâm thổ, hải sản, thóc gạo),... của vùng biển, đảo Đông Bắc, mà nhiều hoạt động giao thương, nhập cư bất hợp pháp và tình trạng cướp bóc trên biển đã diễn ra. Trước tình trạng đó, để bảo vệ chủ quyền, an ninh đất nước, vương triều Nguyễn đã cho xây dựng hệ thống đồn bảo, các trạm kiểm soát ở vùng duyên hải, trạm thu thuế, đồng thời phái cử lực lượng thủy binh mạnh tuần du, kiên quyết trấn dẹp(23).

Trong thời kỳ Pháp thuộc, Cô Tô là một tổng thuộc châu Hà Cối, phủ Hải Đông, tỉnh Hải Ninh. Do có vị trí tiền tiêu, Pháp đã biến vùng đảo thành căn cứ quân sự. Cùng với đó, chính quyền Pháp còn cho tiến hành khảo sát địa hình, khí hậu thủy văn, các loại khoáng sản nhằm khai thác tài nguyên, chuẩn bị cơ sở dữ liệu để xây dựng cảng Hải Phòng, Hòn Gai, Tiên Yên và mở tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai - Vân Nam.   

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vị trí của đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô nổi lên như những lá chắn vững chắc để ngăn chặn không quân, hải quân Mỹ xâm nhập vào miền Bắc Việt Nam. Ngày 9-5-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra thăm đảo Cô Tô. Đây là một vinh dự lớn đối với quân và dân vùng biển, đảo Cô Tô. Người căn dặn đồng bào, chiến sĩ cần hăng hái thi đua lao động sản xuất; phát triển văn hóa, giáo dục; bảo đảm trị an, phát triển tổ chức Đảng, Đoàn, củng cố chính quyền, tình đoàn kết, đồng thời cần đẩy mạnh nghề đánh bắt cá, nghề làm muối, nuôi dưỡng và bảo vệ các thứ hải sâm, trân châu,... Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ(24). Thể theo ý nguyện tha thiết của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý cho dựng tượng của Người trên đảo. Đây là tượng đài duy nhất được Bác Hồ lúc sinh thời cho phép kiến dựng. Sự kiện Bác Hồ ra thăm đảo và tượng đài của Người hiện diện trên vùng đảo Cô Tô thể hiện tầm nhìn xa rộng, tư duy chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị thế của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tượng đài của Người là hồn thiêng sông núi, dấu mốc lịch sử, khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam trên Biển Đông. 

Cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Cô Tô dâng hương, báo công trước tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô_Nguồn: baoquangninh.com.vn

Hòa cùng với sự phát triển chung của đất nước, Cô Tô đã có nhiều đổi mới. Năm 1994, huyện Vân Đồn được thành lập. Tiếp đó, hai xã đảo Cô Tô và Thanh Lân cũng được lập thành huyện Cô Tô vào ngày 23-3-1994. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, dành nhiều chương trình đầu tư lớn, xây dựng kết cấu hạ tầng; ban hành cơ chế, chính sách, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện của huyện đảo(25).

Về vị trí địa - chính trị, Cô Tô luôn giữ vai trò là một quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc, là nơi neo đậu của tàu, thuyền nhiều nước tham gia các tuyến hải trình khi qua vùng biển Việt Nam. Do gần với hải phận quốc tế nên nhiều hoạt động của vùng đảo có tác động trực tiếp đến hệ thống giao thương khu vực. Mặc dù hiện nay các thiết bị, công nghệ hiện đại đã hỗ trợ tích cực cho những người đi biển, nhưng hình thế đặc thù của các đảo luôn có ý nghĩa nhiều mặt với các nhà hàng hải, bởi đó là: 1- Tiêu mốc quan trọng cho các tàu thuyền định vị trên biển; 2- Xác định hướng đi cho các tuyến giao thông biển; 3- Đưa tàu, thuyền từ biển khơi vào vị trí bến, cảng theo đúng luồng, lạch nước sâu; 4- Xác định vị trí chính xác của tàu, thuyền đang trên mặt biển; 5- Xác định đúng điểm đổi hướng tàu, thuyền trên hải trình... Cùng với đó, các đảo còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh; bảo vệ môi trường, bảo tồn tính nguyên sơ, đa dạng của hệ sinh thái biển(26).

Từ cách tiếp cận địa - chính trị quốc tế, có thể thấy, do có hệ thống đảo ven bờ và trên đại dương mà Việt Nam đã được nhìn nhận, đánh giá theo cách tiếp cận mới. Từ một quốc gia bán đảo, Việt Nam đã trở thành một quốc gia biển (nửa quần đảo - nửa bán đảo). Với vị thế đó, cùng với các đối tác trong khu vực, Việt Nam có quyền lợi và nghĩa vụ trong khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, hòa bình ở Biển Đông, trong đó có hai vịnh biển lớn là vịnh Bắc Bộ (Tonkin gulf) và vịnh Phú Quốc (Phuquoc gulf) ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Với vùng biển, đảo Đông Bắc, Cô Tô luôn giữ vị trí địa - chính trị quan trọng. Các đảo, quần đảo vùng Đông Bắc là cơ sở để xác định đường biên giới quốc gia trên biển và xác định vùng chồng lấn với nước láng giềng. Kết quả Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ cho thấy, đường biên giới trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đi cách đảo Bạch Long Vĩ - điểm gần nhất về phía Đông là 15 hải lý, dành cho đảo khoảng 25% hiệu lực, đảo Cồn Cỏ được tính 50% hiệu lực trong phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Các đảo Chàng Đông, Chàng Tây (đảo Trần), có hiệu lực nhất định trong phân định lãnh hải. Khu vực đảo Trần và quần đảo Cô Tô đã góp phần xác định (từ vị trí số 1 đến số 9, đặc biệt là điểm cực Đông của đảo Bồ Cát) là thuộc về lãnh hải của Việt Nam(27). Với 21 vị trí được xác định, Việt Nam được hưởng 53,23% diện tích vịnh, rộng hơn Trung Quốc khoảng 8.205km2 biển. Như vậy, sự hiện diện của các đảo Chàng Đông, Chàng Tây (thuộc quần đảo Cô Tô), Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ đã góp phần khẳng định chủ quyền, bảo vệ lợi ích quốc gia(28).

Cùng với đó, trong quy hoạch hướng đến mục tiêu tổng thể, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung thực hiện định hướng tổ chức không gian phát triển: “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”. Theo đó, “một tâm” là thành phố Hạ Long - trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế và văn hóa của tỉnh Quảng Ninh. “Hai tuyến”, bao gồm tuyến phát triển phía Tây Hạ Long - Đông Triều, hướng về Thủ đô Hà Nội và tuyến phía Bắc: Hạ Long - Móng Cái, hướng về khu vực Đông Bắc Á. “Hai mũi đột phá” là khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, phấn đấu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương(29). Tỉnh Quảng Ninh đang tập trung nguồn lực để phát triển thành khu kinh tế trọng điểm dựa trên tiềm năng kinh tế biển, hoạt động kinh tế vùng biên và chuỗi liên kết liên vùng. Vị thế địa - chiến lược, vùng biển Hạ Long, Bái Tử Long có vai trò, vị trí nổi bật về tính bao quát, tính tiền đồn, trọng lực điểm chốt, khả năng cận chiến, mức độ liên kết phối thuộc và tính trọng điểm của căn cứ(30).

Lịch sử cho thấy, vùng biển, đảo Đông Bắc luôn có vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh. Chính quyền, nhân dân vùng biển, đảo Đông Bắc luôn coi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh đất nước. Đây là mục tiêu kép, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quân và dân vùng biển, đảo. Cùng với tài nguyên vị thế, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên kinh tế, các nguồn tài nguyên văn hóa - nhân văn của đất và người Đông Bắc đã và đang hợp tụ, tạo nên thế mạnh, động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh và vùng Đông Bắc. 

Các huyện đảo Vân Đồn - Cô Tô, trong mối liên kết giữa biển và lục địa, quốc gia và quốc tế, ngày càng hướng đến nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về tiềm năng, thế mạnh của vùng biển, đảo. Vị thế địa - kinh tế, chiến lược của huyện đảo, nguồn tài nguyên phong phú và những định hướng lớn trong chiến lược biển Việt Nam,... là những điểm tựa, thuận lợi cơ bản cho việc đề xuất, thực thi các kế hoạch, chiến lược phát triển dựa trên nền tảng văn hóa giàu bản sắc của vùng biển, đảo Đông Bắc và các thành tựu khoa học, công nghệ cao.

Trong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Quảng Ninh và các huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô đang nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển gắn với các giá trị di sản, gia tăng giá trị cho du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và một số ngành kinh tế biển, đồng thời chuẩn bị những luận cứ khoa học cho việc kiến tạo các hành lang phát triển mới, đẩy mạnh liên kết vùng, giao thương liên thế giới; tổ chức, hoàn thiện các không gian phát triển; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với chiến lược phát triển kinh tế biển xanh./.

------------------------

(1) Xem: Nguyễn Xuân Ký: “Tỉnh Quảng Ninh - Đột phá bắt đầu từ tư duy lãnh đạo, tầm nhìn và khát vọng phát triển”, Tạp chí Cộng sản, số 969, tháng 7-2021, tr. 80
(2) Trong phân vùng địa - sinh vật biển châu Á, vùng biển phía Bắc Việt Nam, với khu hệ sinh vật cận nhiệt đới, có nhiều đặc tính tương hợp với phân vùng Trung Hoa - Nhật Bản, trong khi đó vùng biển phía nam với khu hệ sinh vật nhiệt đới có nhiều điểm gần với phân vùng Ấn Độ - Mã Lai của tổng vùng Tây Thái Bình Dương (West Pacific Region). Từ nhiều nghìn năm trước đây, vùng biển, đảo Đông Bắc luôn có vị trí chiến lược trọng yếu, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo tồn cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái và các di sản văn hóa biển
(3) Xem: Phan Huy Lê: Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 83 - 152; Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t. 4 (Hoạt động quân sự thời Trần, thế kỷ XIII - XIV), tr. 193 - 226
(4) Nguyễn Văn Kim: Vân Đồn - Thương cảng quốc tế của Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2016, tr. 103 - 105
(5) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, t. 1, tr. 324
(6) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t. 2, tr. 13
(7) Nguyễn Văn Kim: Giá trị ba di sản tiêu biểu của không gian văn hóa Đông Bắc - Quảng Ninh, trong Việt Nam - Tiềm năng và vị thế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2021, tr. 79 - 90
(8) Nguyễn Trãi: Dư địa chí, Nxb. Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hà Nội, 2001, tr. 465. Theo Nguyễn Trãi, Hải Dương là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn, đứng đầu phên giậu phía Đông; Sơn Tây là trấn thứ hai, đứng đầu phên giậu phía Tây; Sơn Nam là trấn thứ ba, đứng đầu phên giậu phía Nam; Kinh Bắc là trấn thứ tư, đứng đầu phên giậu phía Bắc. Xem: Nguyễn Trãi: Dư địa chí, Sđd, tr. 458 - 465
(9) Xem: Cao Hùng Trưng: An Nam chí nguyên, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2017, tr. 169
(10) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, t. 1, tr. 161
(11) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Thuận Hóa, Thừa Thiên Huế, 1997, t. 4, tr. 13
(12) Tài nguyên khoáng sản, tài nguyên sinh thái, tài nguyên du lịch, tài nguyên vị thế, tài nguyên văn hóa...
(13) Lê Đức An: Hệ thống đảo ven bờ Việt Nam - Tài nguyên và phát triển, Nxb. Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội, 2008, tr. 30 - 36
(14) Địa chất - địa mạo
(15) Xem: Trình Năng Chung: Khảo cổ học tiền sử Vân Đồn (Quảng Ninh) - Tư liệu và nhận thức, Tạp chí Khảo cổ học, số 6 (156), 2008, tr. 10
(16) Xem: Nguyễn Khắc Sử: Di chỉ tiền sử Cái Bèo, đảo Cát Bà, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009, tr. 298
(17) Nguyễn Trãi: Toàn tập, Nxb. Văn học - Trung tâm Nghiên cứu quốc học, Hà Nội, 2001, t. 1, tr. 73
(18) Gần đây, Quảng Ninh đã đề xuất mở đường bay quốc tế, kết nối nhiều di sản, như Cang-uôn (Gangwon, Hàn Quốc), Luông Phra-bang (Lào), Xiêm Riệp (Cam-pu-chia), Xa-ra-goắc (Sarawak, Ma-lai-xi-a), Chê-bu (Cebu (Phi-líp-pin), Tuv (Mông Cổ)
(19) Năm 2019, du lịch Quảng Ninh đạt 14 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 5,749 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch năm 2019 đạt 29.487 tỷ, tăng 25% so với năm 2018, đóng góp vào ngân sách nội địa của tỉnh 3.568 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018. Năm 2019, Cô Tô đón 288.000 khách du lịch, trong đó có 4.200 khách quốc tế, doanh thu đạt 700 tỷ đồng, đem lại việc làm cho khoảng 5.000 người. Tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng đề án phát triển du lịch theo bốn không gian trọng điểm: Hạ Long, Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên, Vân Đồn - Cô Tô, Móng Cái; đồng thời, tập trung vào bốn dòng sản phẩm du lịch chính: du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch cộng đồng, sinh thái; du lịch biên giới
(20) Xem: Từ Thị Loan (Chủ biên): Văn hóa biển đảo Việt Nam - Văn hóa biển đảo vùng Đông Bắc Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 100 – 198
(21) Xem: Lê Đức An: Hệ thống đảo ven bờ Việt Nam - Tài nguyên và phát triển, Sđd, tr. 91
(22) Quyết định số 742/QĐ-TTg, ngày 26-5-2010, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam. Đến nay đã thành lập, đưa vào hoạt động 11/16 khu bảo tồn biển, bao gồm: 1- Cát Bà; 2- Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); 3- Cồn Cỏ (Quảng Trị); 4- Cù Lao Chàm (Quảng Nam); 5- Lý Sơn (Quảng Ngãi); 6- Vịnh Nha Trang (Hòn Mun, Khánh Hòa); 7- Hòn Cau (Bình Thuận); 8- Núi Chúa (Ninh Thuận); 9- Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); 10- Phú Quốc (Kiên Giang); 11- Cô Tô và đảo Trần (Quảng Ninh). Các khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện hồ sơ phê duyệt quy hoạch thành lập, gồm: 1- Hòn Mê (Thanh Hóa); 2- Hải Vân - Sơn Trà (Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế); 3- Phú Quý (Bình Thuận); 4- Nam Yết (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa)
(23) Xem: Phạm Văn Thủy: “Thủy quân Việt Nam thế kỷ XVII - XVII và đầu thế kỷ XIX qua các nguồn sử liệu phương Tây”, in trong sách: Nguyễn Văn Kim (Chủ biên): Người Việt với biển, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011, tr. 506 - 523
(24) Từ năm 1946 - 1965, Bác Hồ đã về thăm Quảng Ninh 9 lần: lần thứ nhất (ngày 3-10 đến 5-10-1957); lần thứ hai (ngày 29-3 đến 31-3-1959); lần thứ ba (ngày 19-2 đến 20-2-1960); lần thứ tư (ngày 16-3-1961); lần thứ năm (ngày 8-5 đến 9-5-1961); lần thứ sáu (ngày 21-1 đến 22-1-1962); lần thứ bảy (ngày 13-11-1962); lần thứ tám (ngày 23-11-1963); lần thứ chín (Tết Ất Tỵ năm 1965). Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vị thế địa - kinh tế, chiến lược của vùng biển, đảo Đông Bắc. Năm 1963, Người đã đặt tên tỉnh là Quảng Ninh (trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Quảng Yên - Hải Ninh và đặc khu Hồng Gai). Tên gọi chính thức của tỉnh Quảng Ninh bắt đầu từ ngày 1-1-1964
(25) Cô Tô là huyện đảo được thành lập trên cơ sở hai xã Cô Tô và Thanh Lân thuộc huyện Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn). Huyện đảo có ba đơn vị hành chính, bao gồm: thị trấn Cô Tô, xã Thanh Lân và xã Đồng Tiến. Khi thành lập, toàn huyện có 2.050 người dân, đến năm 2017 tăng lên 6.200 người dân, mật độ trung bình 124,9 người/km2, với trên 1.500 hộ dân. Cô Tô là huyện đảo đầu tiên được công nhận “huyện nông thôn mới”, được quy hoạch thành “Khu du lịch sinh thái biển cao cấp của quốc gia”. Thu nhập bình quân theo đầu người tăng từ 57 triệu đồng năm 2015 lên 88 triệu năm 2019, đạt 92 triệu năm 2020
(26) Xem: Lê Đức An: Hệ thống đảo ven bờ Việt Nam - Tài nguyên và phát triển, Sđd, tr. 27
(27) Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ, ký kết ngày 25-12-2000, xác định rõ: “Mặt thẳng đứng đi theo đường biên giới lãnh hải của hai nước quy định tại Khoản 1 Điều này phân định vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải hai nước”. Xem: Ủy Ban Biên giới quốc gia: Quản lý biển trong vịnh Bắc Bộ, Bộ Ngoại giao, Hà Nội, 2005, tr. 121
(28) Xem: Lê Quý Quỳnh - Nguyễn Trường Giang: Các hiệp định phân định biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 48 - 49
(29) Xem: Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025
(30) Xem: Phạm Hoàng Hải: Những mô hình phát triển kinh tế hải đảo Việt Nam, Sđd, tr. 128