TCCS - Việc thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là một quyết sách chính trị mang tính đột phá của Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho ra đời mô hình cơ quan báo chí hợp nhất cấp tỉnh đầu tiên của cả nước, tiếp tục khẳng định tư duy đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, tiên phong của tỉnh Quảng Ninh trong triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ thực tiễn sau hơn 3 năm Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đi vào hoạt động, bước đầu khẳng định đây là một quyết sách chính trị đúng, đồng thời gợi mở một số kinh nghiệm quý, không chỉ với Quảng Ninh, mà còn có giá trị tham khảo đối với các tỉnh, thành phố khác và đối với công tác lãnh đạo, quản lý phát triển nền báo chí Việt Nam nói chung trong bối cảnh, điều kiện mới.

Sau hơn 3 năm vận hành, mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh bước đầu giúp nhận diện rõ hơn và giải quyết được một số vấn đề đặt ra, trong đó có cả những thách thức, mâu thuẫn:

Thứ nhất, kết hợp hài hòa giữa ý chí chính trị (yếu tố chủ quan) và nhu cầu, đòi hỏi tự thân của các cơ quan báo chí (yếu tố khách quan) trong quyết định sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí đơn lẻ thành mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.

Mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh bản chất là hướng đến mô hình của một tổ hợp, tập đoàn truyền thông - mô hình ra đời từ quá trình tích lũy, phát triển lâu dài của nền truyền thông thế giới và cho đến nay vẫn được chứng minh là mô hình tối ưu nhất, tiên tiến và hiệu quả, là bước phát triển tất yếu và cao nhất trong khoa học tổ chức quản lý cơ quan - doanh nghiệp truyền thông.

Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh - mô hình cơ quan báo chí hợp nhất cấp tỉnh đầu tiên của cả nước (Trong ảnh: Phóng viên, kỹ thuật viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tác nghiệp tại một sự kiện)_Nguồn: baoquangninh.com.vn

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, các tập đoàn truyền thông ra đời chủ yếu từ hai nguyên nhân: (1) Tập đoàn truyền thông ra đời là một tất yếu từ sự phát triển của lực lượng sản xuất truyền thông. Khi lực lượng sản xuất, quá trình tích tụ và tập trung các nguồn lực của một cơ quan truyền thông ngày càng lớn mạnh về quy mô, tiềm lực, tất yếu đòi hỏi phải có một mô hình tổ chức - quản lý tiên tiến hơn để tiếp tục phát triển, thay vì mô hình cũ có thể kìm hãm nó. Đây là sự phát triển tự nhiên, tự thân, tuần tự, bền vững, phù hợp của mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong lĩnh vực truyền thông; (2) Ra đời có sự định hướng, tác động từ tác nhân bên ngoài, thường thông qua mệnh lệnh hành chính, trên cơ sở cân nhắc lợi ích và sự cần thiết sáp nhập. Đây là sự ra đời rút ngắn thời gian, khắc phục tính chất phân tán, manh mún, hiệu lực, hiệu quả truyền thông hạn chế của các chủ thể truyền thông nhỏ lẻ, để hình thành tập đoàn truyền thông có quy mô, tiềm lực truyền thông tập trung hơn, gia tăng sức chi phối, khơi nguồn, phản ánh, định hướng và điều hòa - truyền dẫn dư luận.

Mỗi phương thức hình thành tập đoàn truyền thông có những ưu điểm và  hạn chế nhất định. Việc hình thành bằng sự tích lũy nội lực tuần tự tạo sự phát triển vững chắc; tuy nhiên đòi hỏi thời gian kéo dài, thiếu tính linh hoạt. Trong khi đó, việc hình thành từ sự định hướng, tác động bằng quyết định hành chính khi hội đủ các điều kiện cơ bản giúp mô hình tập đoàn truyền thông rút ngắn thời gian ra đời, cấu trúc tổ chức tinh gọn, hiện đại, đồng thời linh hoạt trong việc tái cấu trúc khi cần thiết, tận dụng những ưu thế đi sau để áp dụng các phương thức quản trị hiện đại và công nghệ truyền thông mới nhất, tranh thủ được các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ chủ thể ra quyết định thành lập; tuy nhiên, cách thức hình thành này cũng dễ dẫn tới chủ quan, duy ý chí, việc sáp nhập cơ học như một phép cộng dồn, cấu trúc tổ chức rời rạc, thậm chí xung đột, “bình mới rượu cũ”, hoạt động kém hiệu quả, nếu cơ quan ra quyết định vội vàng, thiếu sự khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, các cơ quan truyền thông (nhất là cơ quan truyền thông hạt nhân trong quá trình hợp nhất) thiếu nội lực căn bản… 

Quyết định thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh trực thuộc Tỉnh ủy là sự cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của cơ quan báo chí của tỉnh nói riêng, phù hợp với Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đồng thời, việc thành lập cũng xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi khách quan từ sự phát triển của các cơ quan báo chí của tỉnh Quảng Ninh, góp phần khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực tài chính, khả năng cạnh tranh hạn chế, tình trạng hành chính hóa bộ máy tổ chức và phương thức hoạt động, mô hình tổ chức nhiều tầng nấc trung gian, sự phân định chức năng chồng chéo, thiếu cơ chế liên kết, phối hợp hiệu quả, hoạt động kinh tế truyền thông chưa được phát huy..., từ đó hình thành mô hình cơ quan truyền thông hiện đại, chuyên nghiệp, nguồn lực tập trung hơn, mạnh hơn.  

Ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 là cơ sở vững chắc để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh mạnh dạn triển khai mô hình Trung tâm Truyền thông trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Ninh. Đồng thời, việc xuất phát từ nhu cầu phát triển khách quan của hệ thống các cơ quan báo chí của tỉnh, thông qua việc nghiên cứu kỹ thực trạng phát triển, dự báo những thời cơ, thuận lợi, những khó khăn, thách thức có thể gặp phải… càng củng cố quyết tâm chính trị cho việc hiện thực hóa mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Vai trò định hướng, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh rất quan trọng, nếu thiếu sự đầu tư, hỗ trợ này ở giai đoạn ban đầu và định hướng chiến lược phát triển dài hạn sẽ rất khó cho mô hình cơ quan truyền thông hiện đại, hoạt động hiệu quả dạng thức các tổ hợp, tập đoàn truyền thông có thể hình thành trong thực tiễn ở nước ta, nhất là trong điều kiện các cơ quan báo chí cấp tỉnh, thành trực thuộc Trung ương phân tán, có quy mô, tiềm lực còn hạn chế, mô hình tổ chức theo dạng thức truyền thống, ít có sự đổi mới; tuy nhiên, phải dựa trên nguyên tắc, hỗ trợ là để giúp phát huy tiềm lực nội tại của các cơ quan truyền thông - yếu tố quyết định sự phát triển của các cơ quan báo chí, truyền thông - tuyệt nhiên các cấp ủy, chính quyền không làm thay hay can thiệp sâu, làm giảm bớt tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, báo chí.

Thực tiễn sau hơn 3 năm vận hành cho thấy, mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là kết quả sự kết hợp hài hòa và thành công giữa ý chí chính trị và nhu cầu phát triển khách quan, tự thân, nhờ đó cho ra đời một mô hình cơ quan truyền thông - một thực thể truyền thông thống nhất, hòa hợp, vận hành ngày càng nhuần nhuyễn. Những hạn chế, bất cập phát sinh liên tục được nhận diện để hóa giải, xử lý.

Thứ hai, đích cuối hướng đến của mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là nhằm tối ưu hóa mô hình tổ chức, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực truyền thông, từ đó nâng cao chất lượng chuyên môn và các mặt công tác khác, năng lực quản trị trung tâm, sản xuất các sản phẩm báo chí ngày càng có chất lượng cao, phục vụ và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, tâm lý, thói quen của công chúng báo chí hiện đại, cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao ngày càng hiệu quả hơn.

Việc hợp nhất 4 cơ quan truyền thông riêng lẻ giúp tinh gọn bộ máy (giảm 8 đầu mối cấp phòng, 8 trưởng phòng, 17 người so với thời điểm thành lập…). Tuy nhiên, mấu chốt của mô hình mới không chỉ là giảm về số lượng nhân sự thuần túy, mà quan trọng hơn là sự thay đổi về chất của mô hình tổ chức, theo hướng ngày càng khoa học và hiệu quả, khi được tổ chức theo quy trình - chu trình sản xuất đồng bộ, bao gồm 3 khối có mối quan hệ nhân - quả, tương hỗ chặt chẽ, gồm: Các phòng sản xuất “đầu vào” (1); các phòng “đầu ra” (2); các phòng khối “tham mưu, phục vụ” (3)

Nguồn thông tin trở thành tài sản chung của Trung tâm Truyền thông được các phòng khai thác, cung cấp trên các hạ tầng. Cùng một nguồn thông tin sẽ được tận dụng triệt để, khai thác đa chiều cạnh, độ rộng - sâu khác nhau, tạo thành các sản phẩm truyền thông đa dạng phù hợp với từng loại hình báo chí, vừa tiết kiệm về nguồn lực, vừa tránh trùng lắp nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu đa dạng về thông tin, cũng như phương thức tiếp nhận phong phú của công chúng.

Quá trình số hóa và đa phương tiện hóa các khâu, quy trình, các sản phẩm báo chí được đẩy mạnh. Năng lực tự sản xuất các chương trình gia tăng; một số chương trình được sản xuất hằng ngày với format mới hiện đại; tăng cường phương thức truyền hình - phát thanh trực tiếp, gia tăng sự tương tác với công chúng báo chí (4). Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, thực chất, nhất là với đối tác truyền thống như Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Tây, Tập đoàn Truyền thông Nhật báo Quảng Tây (Trung Quốc), Đài Phát thanh - Truyền hình Gangwon (Hàn Quốc); tiếp tục mở rộng hợp tác với các tập đoàn truyền thông uy tín khác của thế giới...

Những kết quả trên là minh chứng sinh động khẳng định, việc thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đi đúng hướng và bước đầu đạt được mục tiêu việc hợp nhất là nhằm hình thành một tổ hợp truyền thông được tổ chức thống nhất, đồng bộ, khoa học, các bộ phận chức năng cấu thành bên trong mô hình có sự hòa hợp, liên kết, bổ trợ nhau chặt chẽ (chứ không phải là phép cộng dồn cơ học như nhiều lo ngại ban đầu), với mục tiêu cao nhất là tối ưu hóa mô hình tổ chức, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực truyền thông, từ đó nâng cao toàn diện các mặt chuyên môn, sản xuất các sản phẩm báo chí ngày càng có chất lượng, phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng truyền thông và làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao. Mô hình trung tâm truyền thông cũng giúp việc thích ứng hiệu quả hơn với các xu hướng phát triển của nền truyền thông, báo chí và công nghệ truyền thông hiện đại chủ đạo của thế giới và trong nước, nhất là xu hướng số hóa truyền thông; xu hướng tích hợp báo chí (truyền thông) - công nghệ thông tin - viễn thông; truyền thông đa phương tiện...

Thứ ba, giải quyết mối quan hệ giữa thực hiện và bảo đảm nhiệm vụ, lợi ích chính trị với nhiệm vụ và lợi ích kinh tế truyền thông. Cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhưng đồng thời cũng là một "doanh nghiệp" do báo chí cũng là một hàng hóa đặc biệt trong nền kinh tế thị trường. Việc tuyệt đối hóa nhiệm vụ tuyên truyền, xem nhẹ các hoạt động kinh tế truyền thông hoặc ngược lại quá coi nặng hoạt động kinh tế, dẫn tới thương mại hóa, đồng thời với hạ thấp nhiệm vụ chính trị đều là những quan điểm không phù hợp.

Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh tế truyền thông đều có vai trò quan trọng, giống như cánh tay mặt và cánh tay trái trong một thực thể truyền thông thống nhất, trong đó cần xác định rõ, nhiệm vụ chính trị giữ vai trò chủ đạo, hoạt động kinh tế truyền thông tạo dựng nền tảng và tiềm lực vật chất để phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội được thực hiện tốt hơn. Việc thực hiện các hoạt động kinh tế truyền thông và các hoạt động khác tạo nguồn thu, dù rất quan trọng, nhưng không phải mục đích chính của các cơ quan báo chí, mà là phương tiện tạo tiềm lực vật chất để quay trở lại phục vụ nhiệm vụ chính trị, thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền. Lợi ích chính trị - xã hội và lợi ích kinh tế là hai mặt thống nhất bên trong mô hình trung tâm truyền thông.

Mô hình cơ quan báo chí hợp nhất của Trung tâm Truyền thông tỉnh giúp phát huy sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đối với công tác báo chí, củng cố và giữ vững trận địa tư tưởng, công tác an ninh thông tin, an ninh văn hóa trên địa bàn tỉnh, gia tăng sự đồng thuận xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ và tác động của khủng hoảng truyền thông, tạo môi trường thông tin và sự ổn định xã hội phục vụ cho sự phát triển của tỉnh.

Mô hình trung tâm truyền thông khắc phục được nhiều hạn chế của mô hình cơ quan báo chí phân tán, tổ chức dạng thức truyền thống trước đây để có điều kiện, nguồn lực và phương thức phù hợp, chuyên nghiệp nhằm phát huy và khai thác được sức mạnh kinh tế truyền thông để tạo tiềm lực vật chất. Trung tâm Truyền thông tỉnh đã xây dựng Đề án tự chủ tài chính giai đoạn 2019 - 2021, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần tài chính. Hiện nay, tỷ lệ tự chủ chi thường xuyên của Trung tâm là 80%; được cấp ngân sách các hoạt động sự nghiệp truyền dẫn phát sóng các kênh phát thanh, truyền hình lên các hạ tầng; thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công đối với sản xuất, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản báo in, báo điện tử, Báo Hạ Long và vận hành hoạt động Cổng thông tin điện tử tổng hợp tỉnh Quảng Ninh. Ngân sách tỉnh giao nhiệm vụ, đặt hàng 3 năm (2019 - 2021) đối với truyền dẫn phát sóng lên các hạ tầng và nhuận bút, một số nhiệm vụ khác là trên 191 tỷ đồng; doanh thu từ hoạt động quảng cáo, phát hành và doanh thu khác từ năm 2019 đến tháng 6-2021 đạt trên 88 tỷ đồng… Mặc dù do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cạnh tranh gay gắt từ các phương tiện truyền thông xã hội…, nên nguồn thu từ hoạt động dịch vụ quảng cáo đang có xu hướng giảm, song kết quả trên cho thấy những nỗ lực lớn của Trung tâm trong việc phát huy được những lợi thế của mô hình mới để thực hiện hiệu quả hoạt động kinh tế truyền thông, tạo tiềm lực vật chất phục vụ nhiệm vụ thông tin, nhiệm vụ chính trị…

Mặc dù đạt được những kết quả ban đầu quan trọng, tuy nhiên, mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh vẫn còn những hạn chế, như hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất của Trung tâm chưa đồng độ, thiếu tập trung, ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng và sản xuất chương trình trên các hạ tầng, nhất là các chương trình mới; mô hình tổ chức chưa được tối ưu hóa, còn nhiều khâu, nhiều mặt thiếu đồng bộ, khoa học; trình độ đội ngũ phóng viên, biên tập viên còn những hạn chế, chưa đồng đều; một số sản phẩm truyền thông của Trung tâm chất lượng còn hạn chế, hiệu lực, hiệu quả truyền thông chưa cao; mô hình hoạt động của Trung tâm là mô hình mới, chưa có tiền lệ nên chưa có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, gây không ít khó khăn trong quá trình hoạt động; việc thực hiện cơ chế đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công còn có những bất cập, hoạt động kinh tế truyền thông ở một đơn vị báo chí cấp tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về đối tác, sự cạnh tranh của các loại hình truyền thông mới, ảnh hưởng của dịch bệnh…  

Như vậy, sau hơn 3 năm ra đời và đi vào vận hành, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định được đây là một mô hình phù hợp, sau hợp nhất đã trở thành một chỉnh thể thống nhất, đồng bộ, vận hành ngày càng nhuần nhuyễn, không chỉ bảo đảm, tăng cường sự lãnh đạo của đảng bộ cấp tỉnh đối với công tác báo chí, mà còn giúp đổi mới và tối ưu hóa mô hình tổ chức - quản lý cơ quan báo chí hiện đại trong cơ chế thị trường và kỷ nguyên số, giúp nắm vững và xử lý hài hòa mối quan hệ giữa chức năng tư tưởng, nguyên tắc tính khuynh hướng với chức năng kinh tế truyền thông trong hệ thống quản trị nội bộ cơ quan báo chí… Đây là những tiền đề quan trọng để trung tâm định vị và củng cố vững chắc vị trí của mình, không ngừng đổi mới, gia tăng tiềm lực, quy mô, năng lực, sức ảnh hưởng để phát triển trong thời gian tới, hướng tới trở thành một tổ hợp truyền thông mạnh không chỉ của tỉnh Quảng Ninh, mà còn của cả vùng Đông Bắc.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tác nghiệptrong điều kiện mưa bão_Nguồn: baoquangninh.com.vn

Việc phấn đấu trở thành một tổ hợp truyền thông của khu vực là tầm nhìn dài hạn và là mục tiêu lớn giúp trung tâm vươn tầm phát triển, là động lực để trong trung hạn củng cố vững chắc vị trí, sức mạnh, tầm ảnh hưởng truyền thông của mình trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Bám “sâu rễ bền gốc” ở địa bàn chính của mình thì mới có khả năng vươn ra vùng ngoại vi của khu vực. Trên thế giới, nhiều tập đoàn truyền thông của mỗi khu vực địa lý do biết khai thác thế mạnh thị trường và công chúng đích có những đặc thù riêng về nhu cầu truyền thông, thói quen, văn hóa truyền thông… nên có sự phát triển mạnh mẽ, thậm chí phát triển hơn các tập đoàn truyền thông quy mô quốc gia. Sự phát triển của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đến một quy mô và trình độ nhất định sẽ bị những lực cản về giới hạn công chúng, giới hạn địa lý, giới hạn thị trường, giới hạn về sự kiện - vấn đề có thể phản ánh trong một thời gian nhất định…, nên tất yếu cần vươn lên, vượt tầm về không gian phát triển. Truyền thông, báo chí sẽ là một “sức mạnh mềm” của tỉnh Quảng Ninh để gia tăng kết nối, hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong khu vực, góp phần phá vỡ giới hạn về ranh giới địa lý và tư duy cát cứ, đưa Quảng Ninh trở thành một hạt nhân trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tận dụng các nguồn ngoại lực cho sự phát triển của tỉnh. Với mô hình mới có nhiều lợi điểm, bước đi vững chắc, sự đầu tư mạnh mẽ về con người, cơ sở vật chất, phạm vi phủ sóng…, về lâu dài, việc phấn đấu trở thành một tập đoàn truyền thông của khu vực Đông Bắc hoàn toàn khả thi.    

Trước mắt, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục khoa học hóa mô hình tổ chức, nhuần nhuyễn hơn trong vận hành các hoạt động; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm, trong đó có xây dựng mới trụ sở làm việc (trụ sở mới không chỉ là một trung tâm truyền thông, mà còn là một công trình của nghệ thuật kiến trúc, kết tinh văn hóa Quảng Ninh và vùng Đông Bắc, nơi quảng bá hình ảnh của tỉnh và phục vụ kinh tế du lịch); đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm truyền thông gắn với triển khai có hiệu quả cơ chế tự chủ, cân đối tài chính và mở rộng về diện, thay đổi về chất hoạt động kinh tế truyền thông, gia tăng sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận, thành viên của Trung tâm qua nhiệm vụ chính trị, lợi ích kinh tế; quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện chuyển đổi số, đưa Trung tâm trở thành một trong những đơn vị đi đầu thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống các cơ quan báo Đảng ở địa phương trong cả nước và trong hệ thống cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh Quảng Ninh; nâng cao chất lượng và thu hút được đội ngũ nhân lực tinh, mạnh, không chỉ tác nghiệp đa phương tiện theo chiều rộng, mà còn rất chú trọng tác nghiệp theo chiều sâu thông tin, khai thác thế mạnh và sức sống của báo chí phân tích, báo chí dữ liệu; tập trung nguồn lực để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm, ấn phẩm báo chí - yếu tố sống còn đối với sự phát triển và thương hiệu của Trung tâm…

Mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh bước đầu khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả, là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của báo chí tỉnh Quảng Ninh; tuy nhiên, để trở thành mô hình đầy đủ của một tập đoàn truyền thông, hơn nữa vươn lên là tập đoàn truyền thông cấp vùng, cần một lộ trình dài, với rất nhiều công việc phải thực hiện trong thời gian tới. Cùng với quyết tâm chính trị cao của Tỉnh ủy Quảng Ninh, sự nỗ lực lớn của Trung tâm, còn cần những đổi mới về cơ chế ở cấp vĩ mô, nhất là cần sớm có quy định cụ thể về mô hình hợp nhất cơ quan truyền thông cấp tỉnh (cao hơn nữa là về mô hình tập đoàn truyền thông, mô hình cơ quan truyền thông cấp vùng ở Việt Nam), cơ chế đặt hàng của Nhà nước đối với sản phẩm truyền thông, cơ chế tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh tế truyền thông.../.

-----------------------------

(1) Gồm phòng: Thời sự, Chuyên đề, Văn nghệ - Thể thao - Giải trí và Quốc tế) chịu trách nhiệm sản xuất chương trình cho tất cả các hạ tầng phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử
(2) Gồm: Biên tập truyền hình, Biên tập phát thanh, Biên tập báo Quảng Ninh - báo Hạ Long, Biên tập báo Quảng Ninh điện tử và Cổng thông tin) chịu trách nhiệm biên tập từ các nguồn thông tin do các phòng sản xuất “đầu vào”của Trung tâm sản xuất, để xuất bản thành các sản phẩm báo chí (gồm 2 kênh truyền hình QTV1, QTV3 phát sóng 24/24h hằng ngày; 2 kênh phát thanh QNR1, QNR2 phát sóng 18h/ngày, Báo Quảng Ninh hằng ngày, Báo Quảng Ninh cuối tuần, Báo Hạ Long (2 số/ tháng), Đặc san Hoa Sen (1 số/ tháng), Báo Quảng Ninh điện tử, Cổng thông tin điện tử tổng hợp, các trang thông tin Quảng Ninh trên mạng xã hội)
(3) Gồm phòng: Tổ chức - Hành chính - Quản trị, Quảng cáo - Dịch vụ, Thư ký biên tập, Bạn đọc - Tư liệu, Công nghệ thông tin và Sản xuất chương trình, Kỹ thuật - Truyền dẫn) giúp xây dựng kế hoạch xuất bản, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, thực hiện phần hậu kỳ trong sản xuất chương trình, truyền dẫn phát sóng phát thanh - truyền hình, phát hành báo và các ấn phẩm, lưu trữ và cung cấp tư liệu cho phóng viên, đánh giá nghiệm thu sản phẩm, tổng hợp chấm nhuận bút, bảo đảm trang thiết bị, cơ sở vật chất cho mọi hoạt động của Trung tâm
(4)  Kênh Truyền hình QTV1 - Thời sự chính trị tổng hợp, phát sóng 24h/ngày, trong đó, thời lượng chương trình tự sản xuất trung bình là trên 11h/ngày, phát lần 1 (phát mới) trên 2,5 h/ngày, phát lại 8,5h/ngày. Kênh truyền hình QTV3 - Giải trí tổng hợp, phát sóng 24h/ngày, thời lượng tự sản xuất trung bình trên 10h/ngày, phát lần 1 (phát mới) gần 2,5h/ngày, phát lại trên 7h/ngày. Thời lượng bản tin được nâng lên so với trước (Bản tin 19h45 từ 15 phút tăng lên 25 phút và được tổ chức sản xuất trực tiếp); tỷ lệ sản xuất tin, bài thời sự tăng 50% so với thời điểm trước năm 2019, các bản tin trong ngày liên tục được cập nhật. Duy trì 2 kênh phát thanh QNR1 và QNR2. Kênh QNR1 - Thời sự chính trị tổng hợp phát sóng 18h/ngày từ 5h30 đến 23h30. Trong đó, thời lượng tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam là 3h/ngày, thời lượng chương trình tự sản xuất trung bình là 15h/ngày, phát lần 1 (phát mới) trung bình từ 7-8h/ngày, đạt gần 50% tỷ lệ tự sản xuất. Kênh QNR2 - Văn hóa - Du lịch - Đối ngoại, cũngphát sóng 18h/ngày, từ 5h30 đến 23h30, trong đó thời lượng tự sản xuất là 18h/ngày, phát lần 1 (phát mới) là 9h/ngày, đạt 50% tỷ lệ tự sản xuất. Trung bình mỗi năm, Trung tâm sản xuất gần 900 chương trình phát thanh trực tiếp, gần 50 chương trình tọa đàm, talk show, trên 2.000 chuyên đề, chuyên mục, hàng chục nghìn tin, bài thời sự. Nội dung các chương trình phát thanh được xây dựng theo xu hướng phát thanh hiện đại, tương tác, khuyến khích sự tham gia của thính giả vào các chương trình trên sóng…