Xây dựng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội vững chắc
TCCS - Là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, những năm qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ra sức xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội vững chắc.
Lực lượng nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội vững chắc
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Quân khu Thủ đô Hà Nội theo Lệnh số 16/2008/L-CTN, ngày 16-7-2008, của Chủ tịch nước. Theo đó, Bộ Tư lệnh là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, chịu sự quản lý, chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; có chức năng tham mưu cho Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân và công tác quân sự địa phương; giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng tại địa phương; tổ chức thực hiện việc xây dựng, quản lý, chỉ huy các đơn vị lực lượng thường trực, dân quân tự vệ và dự bị động viên thuộc quyền.
Hiện nay, theo quy định chung, ở tất cả các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội, từ quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn đều có ban chỉ huy quân sự thực hiện chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác quân sự, quốc phòng địa phương và trực tiếp chỉ huy bộ đội địa phương, dân quân tự vệ. Khác với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có đơn vị bộ đội thường trực đến cấp sư đoàn làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; ngoài ra còn có các đơn vị cấp trung đoàn và một số tiểu đoàn trực thuộc làm nhiệm vụ chiến đấu và bảo đảm.
Là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn được xây dựng vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc Thủ đô trong mọi tình huống.
Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ Thủ đô”, có đạo đức, lối sống trong sáng, nhận thức tốt về yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; luôn đề cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và không có các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; có quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; tự giác chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội và các chế độ, quy định của đơn vị.
Trong quá trình xây dựng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vững mạnh toàn diện, Bộ Tư lệnh luôn quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 917/1999/CT-QP, ngày 22-6-1999, của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, “Về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện” và hướng dẫn của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “tiêu biểu, mẫu mực”; Kế hoạch số 921/KH-BTL, ngày 19-4-2019, của Bộ Tư lệnh Thủ đô, “Về xây dựng đơn vị điểm vững mạnh toàn diện “tiêu biểu, mẫu mực” trong Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội”. Nhờ đó, những năm qua Bộ Tư lệnh đã thực hiện tốt chức năng là lực lượng nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội vững chắc, cụ thể như sau:
Một là, chủ động tham mưu với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kịp thời các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương và xây dựng khu vực phòng thủ Thủ đô ngày càng vững chắc.
Trên cơ sở Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 3-10-2011, của Ban Bí thư, về “Tăng cường lãnh đạo xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tham mưu với Thành ủy Hà Nội kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Trung ương đối với nhiệm vụ xây dựng thành phố Hà Nội thành khu vực phòng thủ vững chắc, đồng thời là cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ(1).
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội còn chủ động tham mưu với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kịp thời sơ kết, tổng kết các văn bản pháp luật, nghị quyết về công tác quân sự, quốc phòng và xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ, nhằm đánh giá một cách toàn diện kết quả, tìm ra những hạn chế, thiếu sót và đề ra biện pháp triển khai thực hiện khoa học, hiệu quả(2). Đồng thời, tham mưu với cấp ủy, chính quyền thành phố trong chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương xây dựng và điều chỉnh hệ thống văn kiện, kế hoạch tác chiến ở các cấp; xây dựng kế hoạch bảo đảm nhu cầu năm đầu chiến tranh, kế hoạch B của các sở, ban, ngành sát với yêu cầu, nhiệm vụ, bảo đảm tính chủ động, đủ khả năng đối phó thắng lợi với mọi tình huống xảy ra trên địa bàn thành phố.
Hai là, phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ Thủ đô trong tình hình mới.
Đây được xác định là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nội dung, yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ của các cấp, các ngành, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng được nâng lên, thấy được việc xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội vững chắc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản, lâu dài trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô; là nhiệm vụ trọng yếu của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ đó, tạo được sự thống nhất cao giữa nhận thức và hành động.
Là cơ quan thường trực của thành phố Hà Nội về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; chỉ đạo thực hiện công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng một cách chặt chẽ và ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả; thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền thành phố chỉ đạo kiện toàn hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp; củng cố, nâng cấp trung tâm bồi dưỡng chính trị của các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thành phố để thực hiện tốt việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ theo phân cấp(3).
Công tác giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng khu vực phòng thủ được kết hợp chặt chẽ với công tác giáo dục pháp luật, giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng của Đảng bộ Bộ Tư lệnh và truyền thống anh hùng của lực lượng vũ trang Thủ đô. Qua đó, các cấp, các ngành và nhân dân có nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới; đề cao cảnh giác cách mạng, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và các hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch; tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.
Ba là, tích cực xây dựng thế trận quân sự, công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội.
Những năm qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn tích cực, chủ động tham mưu với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đẩy mạnh xây dựng thế trận quân sự, công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội, bao gồm: Sở chỉ huy, hệ thống công trình công sự, trận địa chiến đấu, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật trong khu vực phòng thủ và xây dựng hệ thống phòng thủ dân sự. Trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đầu tư 22 dự án cho quốc phòng, trong đó có 10 dự án đã hoàn thành được đưa vào sử dụng, một số công trình phòng thủ sau khi hoàn thành được lấp phủ bảo quản theo quy định; chỉ đạo một số quận, huyện triển khai xây dựng các công trình phòng thủ ở địa phương; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp sở chỉ huy của các ban chỉ huy quân sự quận, huyện và một số đơn vị thường trực. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh đã xây dựng xong hệ thống thông tin địa lý, cung cấp số liệu địa hình trực tiếp giúp cho xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến và phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong quá trình xây dựng thế trận quân sự của thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chỉ đạo phát huy tốt mọi tiềm năng, thế mạnh, tận dụng kết cấu hạ tầng có sẵn và điều kiện tự nhiên để giảm bớt chi phí, tăng hiệu quả đầu tư, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng khu vực phòng thủ từ thành phố đến cơ sở ngày càng vững chắc.
Bốn là, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội vững chắc.
Là đội quân công tác, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, đặc biệt là trên các địa bàn xung yếu, như huyện Mỹ Đức, quận Hà Đông... Nội dung tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương của Bộ Tư lệnh bao gồm: Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp củng cố, xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở; định hướng những chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ; công tác phối, kết hợp giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương; công tác phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh... Thực hiện phong trào “Bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô chung sức xây dựng nông thôn mới, trật tự văn minh đô thị”, cấp ủy, chỉ huy các cấp Bộ Tư lệnh đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy mọi nguồn lực ở địa phương để đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa 366/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới và làm cho kết quả xây dựng nông thôn mới của thành phố về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Ngoài ra, các đơn vị của Bộ Tư lệnh còn giúp đỡ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở địa phương thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; phát huy hiệu lực của hệ thống chính trị trong thực hiện các phong trào cách mạng, các chính sách an sinh xã hội ở địa phương... Những hoạt động này góp phần quan trọng xây dựng “thế trận lòng dân” trong xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội ngày càng vững chắc.
Năm là, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị bộ đội thường trực, dân quân tự vệ và dự bị động viên, làm nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội vững chắc.
Các đơn vị bộ đội thường trực của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, có cơ cấu tổ chức và quân số hợp lý, trang bị phù hợp, thiết thực; có trình độ kỹ thuật, chiến thuật tốt; giỏi hoạt động chiến đấu độc lập, nhỏ lẻ, phân tán và thành thạo chiến đấu hiệp đồng binh chủng.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội còn chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, có chất lượng chính trị cao, bao gồm lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, có binh chủng chuyên môn kỹ thuật cần thiết; được tổ chức phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng địa phương, kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ sản xuất, công tác của cơ quan, đơn vị(4). Xây dựng lực lượng dự bị động viên “hùng hậu”, được huấn luyện tốt, có tỷ lệ đúng chuyên môn quân sự cao; bảo đảm khả năng động viên được ngay, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi được huy động(5).
Các đơn vị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là lực lượng nòng cốt, trực tiếp nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ từ thành phố đến cơ sở, như diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội “HN-13” và “HN-19”, diễn tập xử lý tình huống A2 quận Tây Hồ năm 2018, diễn tập khu vực phòng thủ các quận, huyện, thị xã và diễn tập chiến đấu phòng thủ xã, phường, thị trấn, tham gia diễn tập tác chiến chiến lược trên hướng chiến trường miền Bắc “MB-17”(6)...
Để phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ thành phố vững chắc, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn coi trọng củng cố, ổn định tổ chức biên chế, đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị trực thuộc; kiện toàn tổ chức biên chế theo quy định của Bộ Quốc phòng, bảo đảm cho các đơn vị làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu luôn đạt từ 98% đến 100% quân số; thực hiện tốt phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc” đối với lực lượng thường trực và “cơ bản, thiết thực, chất lượng” đối với lực lượng dân quân tự vệ; chú trọng huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng vũ khí, trang bị hiện có trong biên chế, nhất là vũ khí, trang bị hiện đại và huấn luyện phù hợp với nhiệm vụ, sát địa bàn, gắn với thực tế của từng địa phương, cơ sở; kịp thời xây dựng kế hoạch chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống văn kiện tác chiến, điều chỉnh quyết tâm tác chiến phòng thủ, các phương án phòng, chống bão, lụt, tìm kiếm, cứu nạn, cháy nổ, chữa cháy rừng...
Một số bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn xây dựng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội vững chắc thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh xây dựng cơ quan, đơn vị Bộ Tư lệnh vững mạnh toàn diện “tiêu biểu, mẫu mực”, trong đó lấy xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức làm cơ sở. Kịp thời tham mưu cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, về xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc phù hợp với điều kiện cụ thể của thành phố và các địa phương.
Thứ hai, phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân Thủ đô về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh; vị trí, vai trò của khu vực phòng thủ trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, làm cơ sở thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn trong xây dựng phương án, kế hoạch công tác quân sự, quốc phòng và thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự. Tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, của các cấp, các ngành địa phương đối với nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ thành phố, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới.
Thứ tư, chú trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị bộ đội thường trực, dân quân tự vệ và bộ đội địa phương, bảo đảm để các đơn vị này thực sự là lực lượng nòng cốt, công cụ sắc bén trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, cơ sở; góp phần xây dựng tiềm lực quân sự trong khu vực phòng thủ thành phố ngày càng vững chắc.
Thứ năm, thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung kịp thời các nội dung mới về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, về xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ thành phố và các địa phương, tạo sự thống nhất, đồng bộ để tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng khu vực phòng thủ từ cơ sở đến thành phố.
Trong thời gian tới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội vững chắc, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trước mắt: Thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức về đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chăm lo xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện làm cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực toàn diện, giàu kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao; thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch huấn luyện, diễn tập hằng năm sát với yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, cơ sở; tổ chức thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên.
Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn kế thừa và phát huy truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ và phát triển Thủ đô, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh sẽ luôn đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, sẵn sàng bảo vệ vững chắc Thủ đô và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
------------------------------
(1) Thành ủy đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 12-1-2009, Về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X; Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 26-10-2011, nhằm cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương đối với nhiệm vụ xây dựng thành phố Hà Nội thành khu vực phòng thủ vững chắc; Chương trình hành động số 25-CTr/TU, ngày 31-1-2019, về “Thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 16-4-2018, của Bộ Chính trị (khóa XII), về “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam””; các kế hoạch tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ 5 năm (giai đoạn 2011 - 2015 và 2015 - 2020)... Từ các chương trình của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 30/2013/NQ-HĐND, ngày 6-12-2013, về “Xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước có nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về xây dựng khu vực phòng thủ
(2) Như sơ kết 10 năm (2009 - 2019) xây dựng nền quốc phòng toàn dân; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; tổng kết thực hiện Luật Quốc phòng năm 2005; tổng kết 10 năm (2008 - 2018) thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; tổng kết 10 năm (2003 - 2013) thực hiện công tác đào tạo cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn...
(3) Từ năm 2008 đến năm 2018, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho: đối tượng 2 là 133 lớp/8.920 người, đối tượng 3 là 378 lớp/33.702 người, đối tượng 4 là 3.603 lớp/456.839 người, đối tượng 4 mở rộng là 977 lớp/116.363 người; chức sắc, chức việc tôn giáo là 21 lớp/1937 người; kiểm tra 52 lượt đối với hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh ở các quận, huyện, thị xã và 20 sở, ngành; tổ chức 5 lớp tập huấn cho 400 sĩ quan biệt phái công tác tại các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức đào tạo giáo viên dạy môn giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường trung học phổ thông; tiến hành giáo dục quốc phòng và an ninh cho 3.240.805 lượt học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học trên địa bàn
(4) Hiện nay, tỷ lệ lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt chiếm 1,31% dân số; tỷ lệ đảng viên trong dân quân tự vệ là 20%, đoàn viên là 54,8% (trong khi năm 2009, tỷ lệ đảng viên là 17,6%, đoàn viên là 45,1%)
(5) Tỷ lệ đúng chuyên môn quân sự trong lực lượng dự bị động viên đạt 72,05%; tỷ lệ đảng viên là 7,5%, đoàn viên là 34%
(6) Từ năm 2008 đến năm 2018, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chỉ đạo 62 lượt quận, huyện, thị xã diễn tập khu vực phòng thủ và 1.305 lượt xã, phường, thị trấn diễn tập chiến đấu phòng thủ (trong đó có 536 xã, phường, thị trấn tổ chức thực binh vào ban đêm)
Việt Nam quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế mới  (05/11/2019)
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa quân đội và nhân dân trong tình hình hiện nay  (05/11/2019)
Giải quyết mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại - nghệ thuật lãnh đạo cách mạng  (28/10/2019)
Thủ tướng: Lợi ích của từng tôn giáo gắn liền với lợi ích quốc gia  (10/08/2019)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển