Hợp tác phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng Việt Nam - Ấn Độ
TCCSĐT - Sáng 27-5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ về an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”. Hội thảo là một minh chứng sinh động về mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ngài Parvathaneni Harish, Trợ lý Ngoại trưởng Ấn Độ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, có các nhà lãnh đạo, quản lý các bộ, ban, ngành của Việt Nam và Ấn Độ, các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nhân Ấn Độ và Việt Nam.
GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, an ninh năng lượng là vấn đề an ninh phi truyền thống có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam và Ấn Độ là hai nền kinh tế phát triển rất năng động ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng làm tăng nhanh mức tiêu thụ năng lượng ở hai nước, tạo ra sức ép lớn cho việc cân bằng quan hệ giữa cung và cầu năng lượng.
Hợp tác năng lượng Việt Nam - Ấn Độ có nhiều tiềm năng phát triển và là cấu phần quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Việt Nam và Ấn Độ đều sở hữu những nguồn năng lượng đa dạng, nhất là nguồn năng lượng tái tạo. Cơ cấu năng lượng của hai nước đã có những chuyển dịch tích cực, từ chỗ chủ yếu khai thác các loại năng lượng hóa thạch truyền thống sang một cơ cấu năng lượng tổng hợp, có nhiều nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Ngay từ năm 2007, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035, xác định rõ quan điểm, mục tiêu và định hướng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng đa dạng hóa nguồn năng lượng, tăng cường khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, phát triển các thị trường năng lượng có năng lực cạnh tranh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Trong những năm qua, Chính phủ Ấn Độ cũng đã có nhiều nỗ lực và sáng kiến khắc phục tình trạng thiếu hụt năng lượng bằng cách tìm kiếm, phát triển những nguồn năng lượng mới. Việc thành lập riêng Bộ Điện năng và Bộ Năng lượng mới và tái tạo cho thấy, Chính phủ Ấn Độ rất quan tâm đến vấn đề an ninh năng lượng, đặc biệt là sản xuất năng lượng tái tạo cho mục tiêu phát triển bền vững.
Tuyên bố chung của các chuyến thăm cấp cao của các nhà lãnh đạo Việt Nam và Ấn Độ gần đây đều xác định rõ hợp tác năng lượng là trụ cột thứ ba trong năm trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Theo đó, hợp tác hai nước về năng lượng được triển khai trên 4 lĩnh vực chính là năng lượng hạt nhân, dầu khí, năng lượng điện và năng lượng tái tạo.
Về năng lượng hạt nhân, Việt Nam và Ấn Độ đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác quan trọng. Chính phủ Ấn Độ đã hỗ trợ thành lập Trung tâm đào tạo Việt Nam - Ấn Độ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt; tặng cho Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ thiết bị điều trị Bhabhatron II Teletherapy; cử chuyên gia Ấn Độ sang Việt Nam và đào tạo cán bộ chuyên môn cho Việt Nam cũng như mời cán bộ chuyên môn của Việt Nam sang đào tạo tại Ấn Độ. Việt Nam và Ấn Độ đã thực hiện thỏa thuận vận chuyển nguồn Coban-60 từ Ấn Độ sang Việt Nam, mở ra hướng hợp tác mới về lò phản ứng y học hạt nhân, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân cho điều trị ung thư tại Việt Nam.
Về lĩnh vực dầu khí, Ấn Độ là một trong những nước sớm có hợp tác với Việt Nam. Hai bên cũng đã ký nhiều biên bản thăm dò dầu khí chung.
Về lĩnh vực điện năng, từ năm 2007, Ấn Độ dành cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi trị giá 45 triệu USD cho Dự án Thủy điện Nậm Chiến. Năm 2009, Ấn Độ cho Việt Nam vay khoản tín dụng trị giá 19,5 triệu USD để phục vụ dự án Thủy điện ở Nậm Trai, tỉnh Sơn La, Thủy điện Yan Tann Sien ở Lâm Đồng và Thủy điện Nậm He, tỉnh Điện Biên. Dự án hợp tác đầu tư khí gas giữa Công ty Roseft Ấn Độ và Petro Việt Nam cung cấp nguyên liệu cho sản xuất điện của Việt Nam đã đi vào vận hành. Ấn Độ cũng đã đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD vào dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú II tại Sóc Trăng.
Về lĩnh vực năng lượng tái tạo, tính đến năm 2018, Ấn Độ đã có 176 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 814 triệu USD. Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đã đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam như: Dự án sản xuất điện mặt trời tại Bình Thuận của Tập đoàn TATA; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy năng lượng tái tạo công suất 1000 MW của Tập đoàn Adani; Dự án đầu tư của Tập đoàn Suzlon để sản xuất thiết bị tua bin điện gió và xây dựng các cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc và Bình Định,...
Theo GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, hợp tác Việt Nam - Ấn Độ về an ninh năng lượng trong những năm qua đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng của mỗi nước. Cho đến nay, hai nước vẫn chưa có những hình thức tổng kết, đánh giá hiệu quả hợp tác, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những rào cản, phát huy tiềm năng và thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực này.
Về phần mình, Trợ lý Ngoại trưởng Ấn Độ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish khẳng định, Ấn Độ sẽ luôn là đối tác tin cậy của Việt Nam trong mọi lĩnh vực. Theo ông, hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực an ninh năng lượng còn rất nhiều tiềm năng và sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng, trong thời gian tới, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển sâu rộng.
Ngài Parvathaneni Harish, Trợ lý Ngoại trưởng Ấn Độ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam
Trên tinh thần đó, Hội thảo là cơ hội để các học giả hai nước trao đổi, đề xuất nhiều ý kiến bổ ích, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực năng lượng. Hội thảo tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính:
Một là, phân tích, đánh giá vấn đề an ninh năng lượng trong bối cảnh mới, nhất là dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những gợi mở cho chính sách an ninh năng lượng mới của Việt Nam và Ấn Độ.
Hai là, đánh giá thực trạng và chính sách an ninh năng lượng của Việt Nam và Ấn Độ; thực trạng và tiềm năng hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực an ninh năng lượng; chỉ ra những thành tựu đạt được và những rào cản trong hợp tác năng lượng giữa hai nước; đặc biệt đánh giá khả năng đầu tư vào phát triển lĩnh vực năng lượng của các doanh nghiệp hai nước.
Ba là, đề xuất các giải pháp, kiến nghị góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác Việt Nam - Ấn Độ về an ninh năng lượng trong bối cảnh mới, phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi nước, góp phần triển khai mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày một thiết thực, hiệu quả hơn.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu. Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàn An đã phân tích về bối cảnh an ninh năng lượng ở khu vực Đông Nam Á, những thời cơ cũng như thách thức đối với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh năng lượng trong thời gian tới. Đồng thời, đề cập tới những kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng biển.
GS. Chintamani Mahapatra, Hiệu trưởng Đại học Jawaharla Nehru Ấn Độ nghiên cứu về tác động của an ninh năng lượng đối với an ninh quốc gia. Giáo sư Chintamani Mahapatra nhận định, bên cạnh những mối đe dọa an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, buôn bán ma túy trái phép, hoạt động tội phạm quốc tế, nhập cư bất hợp pháp,… an ninh năng lượng hiện nay cũng đã được mô tả là một trong những vấn đề của an ninh quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, vấn đề năng lượng nhanh chóng trở thành vấn đề an ninh quốc gia tại nhiều nước. Theo GS. Chintamani Mahapatra, có những quốc gia giàu năng lượng và những quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng; có những lực lượng vũ trang trên biển ngăn chặn sự di chuyển của các nguồn năng lượng, và có cả những quốc gia dễ bị tổn thương. Đây chính là vấn đề an ninh cần được nghiên cứu, để từ đó có những giải pháp đối với Việt Nam và Ấn Độ trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia bằng các biện pháp quản lý hữu hiệu các nguồn tài nguyên năng lượng.
Bàn cụ thể về hợp tác năng lượng Việt Nam - Ấn Độ hướng tới mục tiêu tăng cường an ninh năng lượng quốc gia, Viện sĩ, GS, TSKH. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ là cơ sở vững chắc cho hợp tác về an ninh năng lượng, đồng thời phân tích tình hình phát triển năng lượng của Việt Nam, mục tiêu phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2035, cũng như nhận diện những thách thức trong bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam.
Hướng tới chuyển đổi từ năng lượng truyền thống đến năng lượng tái tạo - một con đường mới cho hợp tác Ấn Độ và Việt Nam, GS. Jayachandra Reddy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học Sri Venkatesman đưa ra số liệu thống kê mức tiêu thụ năng lượng ở các nước đang phát triển tăng trung bình hằng năm là 3% trong giai đoạn 2004 - 2020. Ở các nước công nghiệp hóa có nền kinh tế phát triển bền vững, nhu cầu năng lượng dự đoán tăng ở mức thấp hơn là 0,9%/năm. Đến năm 2030, con số này ở khu vực các nước đang phát triển được dự báo vượt khu vực các nước công nghiệp hóa. Khoảng 1/2 mức tăng nhu cầu năng lượng trên toàn cầu vào năm 2030 là để phát điện và 1/5 là xuất phát từ nhu cầu vận tải - chủ yếu là các nhiên liệu từ xăng. Trước tình hình như vậy, theo GS. Jayachandra Reddy, có nhiều cách tiếp cận đa cấp để đáp ứng nhu cầu: Trước hết, tăng cường sản xuất nhiên liệu hóa thạch và duy trì ở mức tốt nhất; thứ hai, tìm các năng lượng thay thế để giảm sức ép cho các loại năng lượng thông thường; thứ ba, tăng cường đổi mới để duy trì các nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường; thứ tư, tập trung nhiều hơn vào các loại năng lượng tái tạo mà hiện không chỉ thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch mà còn rất thân thiện với môi trường. Giáo sư đã phân tích thực trạng an ninh năng lượng của Ấn Độ, Việt Nam, đưa ra kết luận về nhu cầu hợp tác song phương trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, Hội thảo cũng đã nghe báo cáo của Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung về tiềm năng, triển vọng hợp tác phát triển an ninh năng lượng Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực công nghiệp xi măng; Tổng quan về năng lượng không thể tái tạo và năng lượng tái tạo của Ấn Độ và Việt Nam của Rajan Kaltrosa, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ; Kinh nghiệm khai thác và quản lý dầu khí của Công ty khai thác dầu khí ONGC Videsh Ấn Độ…/.
Trở lại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ lần này, một không khí phấn khởi, tự tin và quyết tâm rất lớn đang hiện hữu từ những người lao động nơi đây  (27/05/2019)
Về nơi dòng vốn nồng đậm tình người  (27/05/2019)
Hoạt động kinh doanh hóa chất đang tạo thành công cho Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí  (27/05/2019)
Tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV  (26/05/2019)
Thủ tướng đến Stockholm, bắt đầu thăm chính thức Thụy Điển  (26/05/2019)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay