Hiệp định CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực từ cuối năm nay
Hiệp định CPTPP
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership) bắt nguồn từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (tiếng Anh: Trans-Pacific Partnership Agreement - viết tắt TPP). TPP là một hiệp đinh thương mại tự do được ký kết giữa 12 nước vào ngày 04-02-2016 tại Auckland, New Zealand sau 5 năm đàm phán với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thỏa thuận ban đầu được các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký vào ngày 03-6-2005 và có hiệu lực ngày 28-5-2006. Sau đó, thêm 5 nước đàm phán để gia nhập, đó là các nước Australia, Malaysia, Peru, Hoa Kỳ, và Việt Nam.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ D. Trump rút Mỹ ra khỏi TPP. Ngày 11-11-2017, tại Tuần lễ cấp cao APEC ở Đà Nẵng, các bộ trưởng TPP đã đạt được thoả thuận cơ bản cho hiệp định TPP-11, đồng thời thống nhất tên mới cho hiệp định là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP được ký kết chính thức vào ngày 08-3-2018.
TPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, gồm 30 chương bao quát rộng về thương mại, thuế, sở hữu trí tuệ, môi trường với 12 nước tham gia. CPTPP (gồm 11 nước, không có Mỹ) về cơ bản giữ nguyên các nội dung đã đàm phán của TPP nhưng có thêm 2 phụ lục: Phụ lục thứ nhất về danh mục 20 nghĩa vụ hoãn thực thi của TPP và 4 nội dung cần đàm phán lại như đầu tư và cấp phép đầu tư; giải quyết tranh chấp viễn thông; điều kiện tham dự thầu; đối tượng có thể cấp bằng độc quyền sáng chế; minh bạch và công bằng về thủ tục đối với hàng hóa dược phẩm và thiết bị y tế. Phụ lục 2 về 7 điều liên quan đến những điểm kỹ thuật của hiệp định mới.
Cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại,... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước,… Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.
Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.
Lợi ích của tham gia CPTPP
Mặc dù không còn sự tham gia của Hoa Kỳ nhưng Hiệp định CPTPP vẫn được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ gia tăng, việc 11 nước đàm phán và ký kết CPTPP được coi là thắng lợi của xu hướng tự do hóa thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế. Hiệp định sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước tham gia.
CPTPP kiến tạo nên một thị trường gần nửa tỷ dân, được kỳ vọng sẽ là nơi các doanh nghiệp có thể cạnh tranh và thành công trên một sân chơi bình đẳng. Các nước thành viên CPTPP chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu. Điểm nhấn của 11 quốc gia tham gia CPTTP là các nước thành viên rất giàu, GDP bình quân đầu người là trên 30.000 USD; trong đó Canada là 45.077 USD, Australia là 55.707 USD, New Zealand là 41.593 USD, Singapore là 57.513 USD. Khu vực này là các nước giàu, thu nhập bình quân đầu người cao, riêng Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp nhất (với 2.380 USD).
Về chính trị - đối ngoại, CPTPP sẽ là tập hợp có ý nghĩa của các nước trong khu vực, có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về kinh tế, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Phần quan trọng khác chính là việc CPTPP thúc đẩy cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài.
Hiệp định CPTTP có tính mở, khi có nước khác tham gia Hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
Ngoài các nội dung chính thức trên, cũng như với Hiệp định TPP trước đây, các nước dự kiến cũng ký một số Thư trao đổi liên quan đến các nội dung thuộc quan tâm riêng của mỗi nước khi Hiệp định CPTPP được ký chính thức.
Việt Nam là thành viên thứ 7 phê chuẩn Hiệp định CPTPP
Chính phủ New Zealand mới đây cho biết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) sẽ có hiệu lực từ ngày 30-12-2018 sau khi Australia phê chuẩn hiệp định (New Zealand chịu trách nhiệm nhận và thông báo lại tin tức của từng thành viên tham gia hiệp định).
Trước đó, chính phủ Australia đã thông báo cho New Zealand về việc hiệp định được phê chuẩn tại nước này, sau New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore.
Đối với Việt Nam, sáng 02-11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đọc Tờ trình Quốc hội về việc phê chuẩn CPTPP. Sau khi nghe Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cùng các văn kiện liên quan, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về phê chuẩn Hiệp định CPTPP.
Hầu hết các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao, khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây cũng như CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều năm. Việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn; thể hiện cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và sẽ là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do khác, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Đại biểu Nguyễn Phi Long (Bình Định) phân tích: Tham gia CPTPP sẽ tạo ra nhiều lợi thế khi chủ nghĩa bảo hộ đang có xu thế phát triển. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP sẽ tạo ra nhiều lợi thế, đặc biệt trong mở rộng thị trường xuất khẩu. Thông qua sân chơi quốc tế như vậy, Việt Nam học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu; lựa chọn những sản phẩm chủ chốt, thế mạnh của mình để tham gia thị trường chung.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn, bởi việc tham gia Hiệp định mang lại nhiều cơ hội nhưng chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn. Đây sẽ chính là những thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin...
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) dẫn chứng: Nước ta là nước có trình độ phát triển kinh tế thấp nhất trong nhóm 11 nước tham gia CPTPP. Cụ thể, mức bình quân GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 là 2.306 USD, trong khi đó nước cao nhất là Australia là 56.135 USD. Các nước ở nhóm dưới gần Việt Nam, như: Chi Lê, Malaysia, Mexicô, Peru; thấp nhất là Peru cũng là 6.598 USD, gấp khoảng 3 lần so với Việt Nam. Đây cũng là thách thức, cần có phân tích rõ hơn sau khi Việt Nam tiến hành phê chuẩn Hiệp định. Đồng thời, nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.
Đối với việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn Hiệp định CPTPP, một số ý kiến đánh giá đã bảo đảm đầy đủ theo quy định pháp luật hiện hành. Nhưng, một số ý kiến cũng cho rằng, Hiệp định CPTPP có tác động toàn diện đối với kinh tế-xã hội nhưng báo cáo của Chính phủ mới chỉ đánh giá tác động ở mức độ định tính, chưa định lượng mức độ ảnh hưởng đến ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân, thu ngân sách… cũng như chưa dự kiến các chính sách để hỗ trợ các chủ thể bị tổn thất, rủi ro phát sinh khi Hiệp định có hiệu lực. Đại biểu Trần Thanh Mẫn (Cần Thơ) kiến nghị Chính phủ bổ sung tài liệu các bản ghi nhớ, thư, thư trao đổi giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP, bởi đây là những văn kiện liên quan được đề nghị xem xét, phê chuẩn cùng với Hiệp định CPTPP.
Phân tích những thuận lợi và thách thức khi tham gia CPTPP, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Cơ hội đầu tiên của Việt Nam là có thể đẩy nhanh sự hội nhập quốc tế, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nhanh hơn, mạnh hơn, tiến bộ hơn. Thêm nữa, CPTPP mở ra cho nước ta một thị trường mới, rộng hơn. Có thể thấy, khi thu nhập bình quân đầu người trong CPTPP cao như vậy thì tiêu dùng cũng rất lớn. Do vậy, Việt Nam có cơ hội tạo ra những sản phẩm chất lượng với giá cả thích hợp. "Điểm nhấn không phải hàng giá rẻ mà khi nhắm tới thị trường này là thị trường có tiêu chuẩn cao, thu nhập cao, phù hợp với người có thu nhập cao. Đó là những vấn đề phải nghĩ đến khi tái cơ cấu nền kinh tế. Cải tiến và nâng cao năng suất lao động thì về yếu tố về năng suất, giống mới, con giống mới với năng suất cao và an toàn phải đặt lên hàng đầu, như vậy chúng ta mới có cơ hội đi vào thị trường này.
Cùng ý kiến, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, khi áp dụng, ký kết Hiệp định CPTPP, các quốc gia trong đó có trình độ phát triển kinh tế cao nên chắc chắn sẽ đánh vào phân khúc thị trường mặt hàng cao, hướng đến mặt hàng chất lượng, không phải là các mặt hàng giá rẻ. Về xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các nước cùng tham gia Hiệp định được giảm thuế sẽ có tính cạnh tranh lớn hơn theo xu hướng của thế giới, xu hướng phát triển bền vững. Trong lĩnh vực thực phẩm, đặc biệt các mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản sẽ có cạnh tranh lớn, sẽ có lợi cho các doanh nghiệp hội nhập một cách đàng hoàng, đầu tư sản xuất chất lượng. Về phía các mặt hàng nhập khẩu cũng tương tự như vậy. Người dân đang phải đối mặt với hai loại hàng: những sản phẩm được sản xuất với tiêu chí giá càng rẻ càng tốt và hàng cho người thu nhập khá hơn. Những mặt hàng có chất lượng khá hơn thường phải đóng thuế cao hơn nhưng khi tham gia Hiệp định CPTPP sẽ phải giảm thuế xuống. Nếu doanh nghiệp không chú trọng đến sản xuất để cạnh tranh sẽ có nguy cơ mất trắng thị trường. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu trên thị trường còn tồn tại chưa kiểm soát được, cũng tạo ra sự cạnh tranh. Bài toán đặt ra khó khăn cho Chính phủ trong việc cân đối ngân sách và các doanh nghiệp cần có sự đầu tư sản xuất thích đáng, nếu không sẽ bị thua thiệt.
Quan tâm đến vấn đề lao động, việc làm khi tham gia Hiệp định CPTPP, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nêu rõ: Việc ra đời tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, doanh nghiệp hoạt động song song với tổ chức công đoàn đặt ra thách thức cho công đoàn Việt Nam về việc tập hợp, đoàn kết đoàn viên công đoàn. Đây là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội, động lực cho các tổ chức công đoàn đổi mới mạnh mẽ để hoạt động có hiệu quả hơn. Nhà nước ta đang phải tích cực tuyên truyền về thời cơ và thách thức đối với doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan về nội dung của Hiệp định. Chính phủ cần phát huy những mặt tích cực, những lợi ích, thời cơ, đồng thời cần có những giải pháp để hạn chế những tác động tiêu cực, ảnh hưởng để Việt Nam có môi trường phát triển bền vững, có thêm nhiều việc làm cho người lao động, hạn chế các rủi do cho doanh nghiệp. Cùng với đó, việc hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn, hoàn thiện Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng là một trong những yêu cầu hết sức quan trọng.
Tích cực và chủ động tham gia CPTPP của Việt Nam
Nhận thức rõ tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của Hiệp định TPP, nên ngay từ khi Mỹ rút khỏi TPP, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp với các nước TPP tìm hướng đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong thời gian sớm nhất, trên cơ sở bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam. Nỗ lực của Việt Nam và các nước còn lại, đặc biệt trong thời điểm diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, các nước còn lại đã đạt được đồng thuận trong ký kết TPP-11 hay với tên gọi mới là CPTPP.
Để bảo đảm Hiệp định CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tiến hành tuyên truyền, phổ biến về nội dung và tác động của Hiệp định tới công chúng. Thêm vào đó, Chính phủ cũng tiếp tục cho triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của Hiệp định CPTPP.
Ngoài ra, Chính phủ cam kết tiếp tục xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; quyết liệt đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.
Với những giải pháp này, cùng với sự chủ động của doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế, có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu hay uy tín và chất lượng để làm ăn quy mô và dài hạn trong tương lai, chắc rằng Việt Nam sẽ tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại để tiếp tục phát triển vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh./.
Việt - Pháp cùng thúc đẩy hợp tác, đầu tư tăng cao hơn nữa  (03/11/2018)
Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm ba Thứ trưởng  (03/11/2018)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gặp các học sinh, sinh viên xuất sắc  (03/11/2018)
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2018  (03/11/2018)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự kỷ niệm 110 năm Trường Bưởi  (03/11/2018)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên