Đàm phán RCEP hướng tới đạt được sự đồng thuận chung trong năm 2018
Hướng tới đạt được sự đồng thuận chung trong năm nay
Ngày 01-7, Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ 5 các nước đám phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã khai mạc tại Tokyo, Nhật Bản. Tham gia hội nghị có bộ trưởng và thứ trưởng phụ trách của 16 nước thành viên. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu tham dự hội nghị.
Đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức tại một nước ngoài ASEAN. Trong bối cảnh những lo ngại từ chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, các nước tham gia đàm phán mong muốn đẩy nhanh quá trình đàm phán tiến tới một thỏa thuận tự do thương mại chung cho toàn khối hay còn gọi là Hiệp định đối tác toàn diện khu vực. Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tăng thuế nhập khẩu nhằm vào các đối tác thương mại với lý do vì an ninh quốc gia, làm gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại, gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu, càng thúc đẩy các nước tham gia RCEP sớm đạt được tiến triển trong đàm phán.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới dự và có bài phát biểu. Ông Abe cho biết “trong bối cảnh những quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới tăng cao, sự chú ý đang được tập trung vào RCEP hơn bao giờ hết”. Ông cũng kêu gọi các quốc gia hãy tạo ra một thị trường tự do và công bằng dựa trên pháp luật.
Phát biểu mở đầu hội nghị Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nước chủ nhà Nhật Bản Hiroshige Seko bày tỏ mong muốn tiếp tục các cuộc đàm phán với những tiến triển nhanh chóng và kêu gọi sự hợp tác của các quốc gia. Ông Seko thừa nhận rằng việc đạt được sự đồng thuận là không đơn giản, tuỳ thuộc vào cách làm, quan điểm chính trị của các quốc gia, song ông muốn đặt mục tiêu đạt sự thống nhất trong năm nay.
Trước cuộc họp bộ trưởng RCEP lần này, cuộc họp giữa các trưởng nhóm làm việc đã được triển khai tại Nhật Bản và đã đạt được những kết quả nhất định trong các lĩnh vực khó như thương mại điện tử, thủ tục hải quan, sở hữu trí tuệ… Các bên đã thống nhất rất cao về việc phải tiếp tục tạo dựng hơn nữa cơ sở xây dựng lòng tin, từ đó có cách tiếp cận tích cực hơn tạo sự đồng thuận lớn hơn, tiến tới vòng đàm phán cấp trưởng đoàn tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 7 tới, cũng như cuộc họp bộ trưởng bên lề hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào cuối năm tại Singapore, cố gắng đạt được sự đồng thuận chung cả gói vào cuối năm nay nhân dịp hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Gian nan đàm phán RCEP
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (tiếng Anh: Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) được kỳ vọng sẽ hoàn tất việc ký kết trước năm 2015, hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA). Buổi thảo luận đầu tiên diễn ra tại hội nghị cấp cao ASEAN 2011 tại Indonesia, tiến trình đàm phán RCEP chính thức bắt đầu tại hội nghị cấp cao ASEAN 2012 tại Cambodia. Hiệp định RCEP chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ. Điều này không có nghĩa là RCEP không chứa nhiều tham vọng. Cụ thể, RCEP bắt đầu sớm hơn trên một số phương diện, chủ yếu là về quy tắc hoạt động và không có sự phân biệt đối xử nhằm tạo thuận lợi hóa thương mại trong khuyến khích hợp tác khu vực.
16 quốc gia đàm phán RCEP gồm 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. RCEP bắt đầu đàm phán từ năm 2013, với các nước tham gia chiếm một nửa dân số thế giới và 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu.
Vào 08-2012, 16 Bộ trưởng Kinh tế các nước RCEP đã công bố bản Hướng dẫn Quy tắc và Mục tiêu đàm phán của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), và 06 đối tác FTA của ASEAN (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và New Zealand).
Mục tiêu đàm phán của RCEP là đạt được một thỏa thuận hợp tác kinh tế tân tiến, toàn diện, có chất lượng cao và đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Vòng đàm phán RCEP chính thức được bắt đầu vào đầu năm 2013.
Nội dung đàm phán RCEP bao gồm: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp, thương mại điện tử, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các vấn đề khác.
Kể từ khi các cuộc đàm phán RCEP bắt đầu từ năm 2013 cho tới nay, các quốc gia mới chỉ nhất trí được 2 trong số 18 điều khoản cần thống nhất.
Trong khi một số quốc gia như Nhật Bản muốn nâng cao cấp độ tự do thương mại thì Trung Quốc và Ấn Độ lại tỏ ra thận trọng hơn.
Hồi tháng 3 vừa qua, các bộ trưởng đã nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực để có thể thống nhất một thỏa thuận trong năm nay tuy nhiên vẫn lưu ý những khác biệt còn tồn tại.
Nhật Bản cũng ủng hộ mục tiêu của các quốc gia ASEAN nhằm kết thúc quá trình đàm phán vào cuối năm nay trong khi cũng hướng tới một thỏa thuận thương mại cân đối và chất lượng cao.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam
Đoàn Việt Nam tham dự đàm phán lần này do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu. Trả lời phỏng vấn của phóng viên bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết hội nghị RCEP lần này đóng một vai trò rất quan trọng, đây là dịp để các nước rà soát đánh giá tiến bộ, tiến triển đối với một loạt các chương quan trọng của RCEP. Trong khoảng thời gian 5 năm đàm phán kể từ năm 2013, dù các bên đã có những nỗ lực rất lớn, tuy nhiên do RCEP là một hiệp định có nội dung quá rộng, trình độ phát triển của các nền kinh tế tham gia đàm phán rất khác nhau, vì vậy yêu cầu về lợi ích cần đảm bảo cũng rất khác nhau, nên hiện vẫn còn những khác biệt.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp xúc song phương
Trong khuôn khổ chuyến công tác Nhật Bản tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có các cuộc làm việc song phương với Bộ trưởng phụ trách Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) Nhật Bản Motegi Toshimitsu, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko.
Tại buổi hội đàm với Bộ trưởng phụ trách CPTPP Toshimitsu Motegi hai bên đã thông báo cho nhau tình hình phê chuẩn Hiệp định CPTTP tại mỗi nước. Bộ trưởng Motegi cho biết, Nhật Bản vừa thông qua luật liên quan đến CPTTP và sẽ sớm hoàn thiện các thủ tục cần thiết trong nước để đi vào thực thi.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao việc Nhật Bản là một trong các nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định, thể hiện vai trò tích cực, đồng thời tạo động lực và tác động mạnh đến việc phê chuẩn Hiệp định tại các nước khác. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, chủ trương và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy nhanh tiến trình pháp lý để trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định này tại kỳ họp sắp tới vào cuối năm.
Chia sẻ thông tin về việc mở rộng các thành viên CPTPP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hoan nghênh sự quan tâm của các đối tác đối với việc tham gia Hiệp định CPTPP và tiến trình xem xét việc gia nhập của các đối tác có quan tâm sẽ được tiến hành theo quy định của hiệp định sau khi hiệp định đi vào thực thi. Trước mắt, các nước CPTPP cần ưu tiên thúc đẩy sớm phê chuẩn hiệp định đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, tạo nền tảng phát triển thương mại, đầu tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định Việt Nam sẽ tổ chức thực thi cam kết hội nhập CPTPP hiệu quả nhất, trong đó 3 nội dung mà Bộ Công Thương cần chú trọng là: thông tin tuyên truyền hiệp định đến mọi tầng lớp nhân dân, không chỉ cơ quan chính phủ mà còn cần chú trọng đến các doanh nghiệp; tăng cường nâng cao năng lực, thể chế của các cơ quan chính phủ có nội dung cam kết trong CPTPP; hỗ trợ về mặt pháp lý, thông tin giúp cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu biết hiệp định, có thể tận dụng mọi cơ hội từ hiệp định, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.
Trong cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị xây dựng chương trình hợp tác giữa hai chính phủ để việc thực thi Hiệp định CPTPP đạt hiệu quả cao hơn. Bộ trưởng Motegi nhất trí với đề xuất này và tin tưởng, với kinh nghiệm của Nhật Bản và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành hai nước việc thực thi hiệp định sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Còn tại buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hiroshige Seko, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao hỗ trợ của METI trong việc đôn đốc các đơn vị phía Nhật Bản triển khai Ý định thư (LOI) đã ký giữa hai Bộ trưởng vào tháng 9-2017.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị METI hợp tác trong một số lĩnh vực như: công nghiệp, năng lượng, Hiệp định CPTPP, chế biến thực phẩm. Đáp lại các đề xuất của phía Việt Nam, Bộ trưởng Hiroshige Seko cho biết các nội dung hợp tác trong ý định thư mà hai bên ký kết cơ bản đã và đang được triển khai, một vài nội dung còn lại cũng đang được tiếp tục xem xét. METI luôn quan tâm và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu như đào tạo nguồn nhân lực, kết nối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển chuỗi công nghiệp chế biến.
Hai Bộ trưởng cũng cam kết nỗ lực hết sức để các thỏa thuận được triển khai hiệu quả, đi cùng với những sáng kiến hợp tác mới tiếp tục được đưa ra trong tương lai vì sự phát triển kinh tế của mỗi nước và khu vực./.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn làm việc tại Quảng Nam  (01/07/2018)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Hoa Kỳ  (01/07/2018)
Cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ có thể được tổ chức tại Phần Lan  (01/07/2018)
Tái định hình chiến lược an ninh của Mỹ tại Đông Bắc Á  (01/07/2018)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên