Hợp tác giữa Việt Nam - ASEAN - Hoa Kỳ trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống trong bối cảnh mới
TCCS - Trong những năm gần đây, an ninh phi truyền thống ngày càng trở thành những thách thức lớn đối với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy không phải là những mối đe dọa mới, nhưng tính phức tạp và hậu quả do các vấn đề an ninh phi truyền thống gây ra khiến tất cả các nước trong khu vực, dù lớn hay nhỏ, đều phải ưu tiên giải quyết và tìm kiếm phương thức hợp tác, vì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.
Về các vấn đề an ninh phi truyền thống
Cho tới nay, dù chưa có một định nghĩa chung thống nhất về các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhưng nhìn chung, an ninh phi truyền thống được hiểu là những thách thức không có nguồn gốc quân sự nhưng ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người dân, mọi quốc gia.
Theo Liên hợp quốc, các vấn đề an ninh phi truyền thống là những mối đe dọa đến an ninh con người và được phân chia thành 5 nhóm, bao gồm: 1- Các vấn đề an ninh liên quan đến sự phát triển bền vững, bao gồm bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên, sinh thái và kiểm soát ngăn chặn bệnh dịch; 2- Các vấn đề an ninh kinh tế, an ninh xã hội, nhân quyền và tị nạn; 3- Tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia bao gồm buôn người và buôn ma tuý; 4- Hoạt động khủng bố quốc tế; 5- Các vấn đề an ninh liên quan đến sự phát triển của công nghệ và toàn cầu hóa bao gồm an ninh mạng, an ninh thông tin và an ninh ứng dụng gien.
Với các đặc điểm chủ yếu, như tính chất xuyên quốc gia, khó đoán định, dịch chuyển và mở rộng phạm vi ảnh hưởng một cách nhanh chóng, có khả năng chuyển hóa thành các vấn đề an ninh truyền thống, các vấn đề an ninh phi truyền thống đòi hỏi nỗ lực rất lớn của nhiều nước nhằm hợp tác và cải tiến phương thức hoạt động để ứng phó hiệu quả hơn với những vấn đề này. Đối mặt với những thách thức này, các nước trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương đã và đang có nhiều nỗ lực để cải tiến phương thức hoạt động, mở rộng phạm vi nghị sự cũng như nâng cao hiệu quả hợp tác nhằm ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Hợp tác khu vực nhằm ứng phó với an ninh phi truyền thống
Những vấn đề về an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, đặt ra nhiều thách thức đối với cấu trúc an ninh khu vực, và cho tới nay, chưa có một cấu trúc nào thực sự phát huy hiệu quả. Mặc dù vậy, thông qua các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, lãnh đạo các nước đang tiếp tục quan tâm và dành nhiều nỗ lực để ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Các nước thành viên ASEAN đã thiết lập những cơ chế hợp tác nhằm cùng đối phó với những vấn đề nêu trên, đồng thời ra nhiều tuyên bố chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, buôn người, an ninh hàng hải... tại nhiều cuộc họp cấp cao cũng như của các ngành hữu quan như công an, quân đội, tư pháp. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 12 diễn ra tại Phi-líp-pin năm 2017, các nhà lãnh đạo ra tuyên bố nhấn mạnh những lĩnh vực ưu tiên hợp tác, trong đó có phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm, bệnh nhiệt đới, bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, an ninh hàng hải, an ninh mạng và chống khủng bố...(1).
Các cuộc họp của Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 cũng dành nhiều quan tâm hơn đối với những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ (tháng 11-2017), kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại Hoa Kỳ - ASEAN, hai bên tiếp tục khẳng định quan hệ đối tác ASEAN - Hoa Kỳ có vai trò ngày càng tăng trong giải quyết những vấn đề an ninh phi truyền thống thông qua các khuôn khổ, như Hội nghị quan chức cấp cao về tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) mở rộng tham vấn với Hoa Kỳ, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) mở rộng, Cấp cao Đông Á...; triển khai các khóa tập huấn, huấn luyện. Hai bên cam kết phòng, chống khủng bố, bạo lực cực đoan thông qua chia sẻ thông tin và hợp tác của lực lượng chấp pháp; hợp tác an ninh mạng, tìm kiếm nhân đạo, buôn ma túy, buôn lậu, cướp biển, an ninh biển...(2). Những sáng kiến cụ thể của Hoa Kỳ, như sáng kiến an ninh phổ biến (PSI), Sáng kiến Công-ten-nơ (CSI), Sáng kiến an ninh hàng hải khu vực (RMSI), sáng kiến Hạ nguồn sông Mê-công (LMI)... cũng là cơ chế an ninh “mềm” cho phép nhiều nước có cùng lợi ích có thể hợp tác với nhau để hoàn thiện hơn những hạn chế hiện nay của các cơ chế hợp tác khu vực trong việc giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Để cụ thể hóa hợp tác giữa Hoa Kỳ và các nước trong khu vực, Hoa Kỳ đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD trong nhiều năm (tính riêng chương trình giúp chống nạn dịch HIV/AIDS-PEPFAR cho các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trị giá 15 tỷ USD kéo dài trong 5 năm), các chương trình hỗ trợ trong khuôn khổ sáng kiến LMI trên sáu trụ cột, như an ninh lương thực và nông nghiệp, kết nối, giáo dục, an ninh năng lượng, môi trường, nước và y tế cùng với lĩnh vực khác là trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới. “LMI 2020” là tầm nhìn của Sáng kiến đến năm 2020 tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác giữa Hoa Kỳ và các nước ASEAN lưu vực sông Mê-công để đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống. Năm 2012, Hoa Kỳ cam kết cung cấp thêm 50 triệu USD trong vòng 3 năm để ủng hộ mở rộng sáng kiến LMI(3). Tất cả những con số trên cho thấy, nền tảng cho quan hệ hợp tác Hoa Kỳ - ASEAN, nhất là những sáng kiến, cơ chế mở, tương đối linh hoạt để các bên cùng tham gia đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Hợp tác Việt Nam trong ASEAN nhằm đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống được thực hiện trong khuôn khổ các Kế hoạch tổng thể xây dựng ba trụ cột Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội của Cộng đồng ASEAN. Mặc dù cùng chia sẻ những quyết tâm về chính trị giữa các lãnh đạo, các hoạt động hợp tác vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu hụt nguồn lực và khung pháp lý hoặc lợi ích quốc gia khác nhau (trong giải quyết các vấn đề xây đập thủy điện, ảnh hưởng an ninh nguồn nước ở sông Mê-công...). Chính vì vậy, hợp tác ba bên giữa ASEAN - Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ phần nào khắc phục được một số điểm hạn chế trong những nỗ lực giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Trong những năm qua, một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống quan trọng trong tổng thể quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ chính là vấn đề biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai. Ngày 21-3-2010, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký bản ghi nhớ về hợp tác trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây là chương trình được thực hiện thông qua Chương trình toàn cầu của Hoa Kỳ nhằm giảm dần lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hướng đến phát triển bền vững do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ. Mục tiêu của chương trình nhằm giảm suy thoái môi trường, tăng khả năng phục hồi, ứng phó với biến đổi khí hậu(4). Năm 2014, USAID cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chính thức khởi động Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam tại Nam Định, ước tính trị giá 26 triệu USD. Dự án cũng sẽ hỗ trợ điều phối ở cấp quốc gia về thực hiện các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu(5). Ngày 22-5-2016, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ra Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chống biến đổi khí hậu, trong đó nhất trí về sự cần thiết phải ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của các quyết định đầu tư trong vòng 5 năm tới, đặc biệt trong các lĩnh vực, như năng lượng và sử dụng tài nguyên đất, trong đó có đất canh tác, để chuyển đổi sang một nền kinh tế phát thải khí thải thấp nhằm đáp ứng các mục tiêu được đề ra trong Thỏa thuận Pa-ri, đồng thời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế(6). Ngoài ra, hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ về phòng, chống dịch bệnh, cứu trợ cứu nạn... cũng được thúc đẩy. Những vấn đề an ninh phi truyền thống này được Việt Nam và Hoa Kỳ dành quan tâm và ưu tiên là nền tảng cơ bản để cả hai bên tiếp tục phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, bối cảnh phát triển mới nhất là sau tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Đô-nan Trăm rút khỏi Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu, yêu cầu đàm phán theo hướng có lợi hơn cho Hoa Kỳ, sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi đặt ra những câu hỏi lớn về nguồn lực, năng lực xử lý và tương lai của quan hệ giữa các nước trong ASEAN, giữa ASEAN và Hoa Kỳ, và giữa Việt Nam với Hoa Kỳ trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Điều này có liên quan đến việc định hình cấu trúc an ninh khu vực, trong đó cần phải có những cơ chế “mềm”, linh hoạt giữa các bên để khắc phục những hạn chế hiện nay và giải quyết hiệu quả hơn những vấn đề an ninh phi truyền thống.
Một số lợi ích của quan hệ hợp tác ba bên Việt Nam - ASEAN - Hoa Kỳ về các vấn đề an ninh phi truyền thống
Giải quyết được vấn đề về nguồn lực, trình độ và nhu cầu: Đối với những quốc gia đang phát triển, hậu quả, thiệt hại của những vấn đề an ninh phi truyền thống rất lớn. Để đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống, các nước này cần phải có nguồn lực và năng lực rất lớn để chuẩn bị ứng phó và khắc phục hậu quả. Đây là những nhiệm vụ rất khó khăn và gần như là không thể nếu không có sự hỗ trợ và giúp đỡ của các quốc gia láng giềng và đối tác bên ngoài. Nếu hợp tác hiệu quả, những nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á có thể trang bị tốt hơn để phòng, chống các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Cộng đồng người dân có thể tự lực, tự cường nếu xảy ra khủng hoảng. Các đối tác hợp tác có thể giúp cung cấp mọi nguồn lực, giúp các nước ASEAN nâng cao năng lực tự đứng vững trong các tình huống khẩn cấp. Việc nâng cao năng lực ứng phó cho mỗi quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho cả khu vực bởi nếu không được ngăn chặn ở một quốc gia, vấn đề đó sẽ đe dọa an ninh của nhiều quốc gia lân cận, kể cả của toàn khu vực châu Á.
Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, ASEAN chú trọng hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, trên cả ba trụ cột và coi đây là một cấu phần quan trọng của hợp tác ASEAN. Ví dụ như đối với Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, bản kế hoạch tổng thể đề ra những nội dung hợp tác cụ thể trên lĩnh vực chống tội phạm xuyên quốc gia, buôn người, buôn ma túy, chủ nghĩa khủng bố, buôn lậu vũ khí, tội phạm mạng, quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp(7). Những mối đe dọa an ninh phi truyền thống trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN gắn liền với kiến nghị hành động trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, đề ra nhiệm vụ xây dựng một Cộng đồng ASEAN tự cường, an toàn hơn, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và là một Cộng đồng ASEAN không ma túy. Đây chính là những vấn đề mang tính kết nối, gắn liền với nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HADR), về sức khỏe cộng đồng, di dân, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng...(8).
Nâng cao vị thế quốc gia, qua đó củng cố hơn nữa các cơ chế hợp tác đa phương: Với những quốc gia thành viên ASEAN như Việt Nam, việc hình thành quan hệ hợp tác ba bên với ASEAN và Hoa Kỳ sẽ không chỉ tạo nguồn lực, nâng cao khả năng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mà còn nâng cao vị thế trong quan hệ quốc tế của những nước như Việt Nam. Mặc dù vậy, cơ chế hợp tác trong ASEAN hiện nay vẫn chưa đủ hiệu quả trên thực tế, chưa có tính chế tài cao, ví dụ như việc hợp tác chống khói mù thiếu hiệu quả, thách thức chủ nghĩa khu vực “mềm yếu” của ASEAN(9). Mô hình hợp tác ba bên giữa Việt Nam - ASEAN - Hoa Kỳ có thể góp phần quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác nhằm ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống. Hơn nữa, việc Hoa Kỳ tham gia mạnh mẽ hơn với các nước ASEAN và Việt Nam trong hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống sẽ tiếp tục củng cố vị thế, vai trò của một cường quốc hàng đầu trên thế giới ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, như thông điệp của Tổng thống Hoa Kỳ Đ. Trăm trong chuyến công du châu Á tháng 11 vừa qua.
Để phát huy hiệu quả hợp tác Việt Nam - ASEAN - Hoa Kỳ về các vấn đề an ninh phi truyền thống
Điều quan trọng của hợp tác ba bên Việt Nam - ASEAN - Hoa Kỳ trong giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống cần phải tập trung vào hai vấn đề, đó là định hướng hợp tác và lĩnh vực hợp tác cụ thể. Ngoài ra, cần nhận diện những thuận lợi và thách thức của mô hình hợp tác ba bên hiện nay theo hình thức “trục và nan hoa”. ASEAN được coi là trục, giữ vai trò trung tâm trong phối hợp giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Các đối tác bên ngoài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... là “nan hoa” nối giữa ASEAN và các nước thành viên ASEAN như Việt Nam để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cần thiết cho ASEAN và các nước thành viên. Để “bánh xe” hợp tác có thể vận hành hiệu quả, phải có những thanh “nan hoa” chắc chắn và trục bánh xe đủ vững chắc để có thể “quay” được. Có thể thấy, mô hình này còn bộc lộ một số hạn chế, trước hết là phụ thuộc vào năng lực, các chương trình và sáng kiến của ASEAN; hai là, phụ thuộc khả năng tài chính, hỗ trợ của các nước thứ ba; ba là, các nước thành viên ASEAN có trình độ phát triển kinh tế cao hơn lại khó có thể tham gia tích cực cùng hỗ trợ các nước láng giềng ASEAN khác giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Bên cạnh đó, xét từ góc độ tham gia của Hoa Kỳ, có một số thách thức còn tồn tại, đó là chưa có một chính sách hay một cam kết rõ ràng và mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ đối với khu vực nói chung và với các cơ chế hợp tác đa phương. Điều này thể hiện qua nhiều phát biểu cũng như hành động của Tổng thống Đ. Trăm kể từ khi nhậm chức. Việc Hoa Kỳ có cam kết mạnh mẽ hơn với khu vực trong giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống ở châu Á còn là một ẩn số. Mặc dù cùng chia sẻ quan ngại đối với tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống nhưng mối quan tâm cụ thể và lợi ích quốc gia của mỗi bên là khác nhau, do đó, thách thức lớn nhất, bao trùm nhất chính là tìm ra được mẫu số chung trong tổng thể những mối quan tâm đó, những điểm mạnh của từng bên. Chỉ khi nào giải quyết được những câu hỏi đó, mối quan hệ hợp tác ba bên Việt Nam - ASEAN - Hoa Kỳ trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống mới có thể phát huy hiệu quả một cách tốt nhất, đem lại lợi ích chung cho tất cả.
Những mối đe dọa an ninh phi truyền thống tác động sâu sắc tới hòa bình, ổn định và phát triển trong toàn khu vực. Tuy có nhiều cơ chế hợp tác ứng phó với an ninh phi truyền thống nhưng còn nhiều hạn chế. Hợp tác ba bên hiện nay giữa Việt Nam - ASEAN - Hoa Kỳ có nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng đối mặt với nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Việc thúc đẩy hợp tác ba bên sẽ đem lại lợi ích cho không chỉ đối với Việt Nam, ASEAN mà còn đối với Hoa Kỳ trong việc củng cố vai trò, nâng cao uy tín và ảnh hưởng ở khu vực./.
--------------------------------------------------------------------
(1) http://asean.org/storage/2017/11/Final-Chairmans-Statement-of-the-12th-EAS_2.pdf
(2) http://asean.org/storage/2017/11/Joint-Statement-on-ASEAN-US-40th-Anniversary-ADOPTED.pdf
(3) http://lowermekong.org/about/faqs
(4) Ngô Xuân Bình: Hướng tới xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Hoa Kỳ, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2014
(5) https://vn.usembassy.gov/vi/u-s-vietnam-project-to-address-climate-change-in-vietnams-forests-and-deltas-vi/
(6) http://thethaovanhoa.vn/the-gioi/hoa-ky-viet-nam-ra-tuyen-bo-chung-ve-chong-bien-doi-khi-hau-n20160523125153819.htm
(7) ASEAN, 2009. ASEAN Political-Security Community Blueprint, tr. 12 - 13
(8) ASEAN, 2016. ASEAN Socio-Cultural Community Blueprint, tr. 14 - 17
(9) Xem trang sau
(9) Melly Camballero-Anthony, 2008: “Challenging Change: Nontraditional Security, Democracy, and Regionalism” in Donald K. Emmerson. ed. Hard Choices: Security, Democracy and Regionalims in Southeast Asia. Stanford: The Walter H. Shorenstein Asia-Pacific Research Center, Stanford University
Chính sách luân chuyển cán bộ vùng dân tộc thiểu số của Trung Quốc và tham chiếu kinh nghiệm đối với Việt Nam*  (09/02/2018)
Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy Lạng Sơn  (09/02/2018)
Thủ tướng hoan nghênh Đắk Nông kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi khai thác rừng tự nhiên  (09/02/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Đắk Nông  (09/02/2018)
Bảo đảm người dân được đón Tết an toàn, vui tươi, hạnh phúc  (09/02/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển