Xây dựng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào “mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”
TCCSĐT - Mối quan hệ Việt Nam - Lào được Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cũng như hai quốc gia Việt Nam, Lào vun đắp là mối quan hệ đặc biệt. Tính đặc biệt của quan hệ hai nước khác căn bản với các quan hệ đối tác thông thường, đó là quan hệ hợp tác toàn diện và ưu tiên, ưu đãi cho nhau cao hơn cả các quan hệ song phương khác, được thấm nhuần trong nhận thức thống nhất của cán bộ và nhân dân hai nước.
Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được xây dựng trên quy luật giành thắng lợi và nguồn sức mạnh vô tận của cách mạng Việt Nam, Lào, là di sản văn hóa của hai dân tộc. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào thể hiện rõ tính quy luật giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Lào được phản ánh ở hiệu quả to lớn trên các chặng đường liên minh, hợp tác, giúp đỡ qua lại giữa hai dân tộc trong giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, tạo lập địa bàn chiến lược cho hai bên hoạt động, nương tựa, bảo vệ lẫn nhau. Đồng thời, mỗi bên đều sẵn sàng đáp ứng yêu cầu giúp bạn, phối hợp với bạn trên các lĩnh vực hoạt động. Tất cả diễn ra theo quá trình phát triển lực lượng từ yếu đến mạnh, từ nhỏ đến lớn, từ phá vỡ thế bị bao vây, cấm vận đến hội nhập khu vực và quốc tế.
Quan hệ Việt Nam - Lào phát triển từ quan hệ truyền thống lên quan hệ đặc biệt. Mối quan hệ này do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, đồng chí Xu-pha-nu-vông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân, dân hai nước thấm nhuần và thực hiện lời dạy của lãnh tụ và của hai Đảng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành nhiều thành quả trên các chặng đường cách mạng, vươn tới những thắng lợi mới.
Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào mang tính xuyên suốt, toàn diện và bền vững. Trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài của hai dân tộc, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là nhân tố xuyên suốt các chặng đường và bước trước chuẩn bị cho bước sau nối tiếp phát triển. Mỗi thời kỳ lịch sử tương ứng với một nhiệm vụ chiến lược cách mạng của hai nước, gắn liền với sự vận động của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội, văn hóa. Tuy mỗi thời kỳ có những nhiệm vụ trọng tâm, song nhìn tổng thể, vẫn nhận rõ tính toàn diện, phong phú mang bản chất cách mạng, nhân văn trong tư tưởng và hoạt động thực tiễn.
Quan hệ Việt Nam - Lào là động lực nhân lên gấp bội sức mạnh của hai dân tộc do mỗi bên đều tự giác phát huy tinh thần tự lực, tự cường kết hợp với sự giúp đỡ vô tư của phía bạn. Mặt khác, còn tạo ra ảnh hưởng qua lại tích cực thuận chiều cho sự phát triển của cả hai nước trên các chặng đường lịch sử từ cách mạng giải phóng dân tộc đến sự nghiệp đổi mới.
Mục tiêu phấn đấu của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam bao quát những nguyện vọng tha thiết nhất của nhân dân Việt Nam, Lào, là đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng chống kẻ thù chung, xây dựng quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác vì sự phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc ở hai quốc gia. Trong thời gian qua, hai nước chung sức, chung lòng, vừa xây dựng lực lượng, vừa anh dũng, sáng tạo, giữ vững mục tiêu cách mạng, đánh thắng nhiều kẻ thù hùng mạnh mà không tính thiệt hơn, dành cho nhau sự quý mến, trân trọng và biết ơn sâu nặng. Truyền thống tốt đẹp đó tiếp tục được phát huy trên trận tuyến bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trên con đường đổi mới của hai nước.
Đó cũng là di sản văn hóa thiêng liêng của hai dân tộc Việt Nam, Lào, nơi hội tụ các giá trị cao đẹp và sâu sắc mà trí tuệ và tình cảm của nhân loại hằng ngưỡng mộ, tôn vinh, như Chủ tịch Xu-pha-nu-vông từng miêu tả: Tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam thật là vĩ đại mà bất cứ bài ca, bản nhạc nào, bất cứ bài thơ nào hay nhất cũng không sao diễn tả trọn vẹn được. Tình hữu nghị đó cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất. Tình hữu nghị cao đẹp đó đã được vun trồng, xây đắp với tất cả tấm lòng thành thật của chúng ta. Do đó, không thể có hung thần nào, không thể có kẻ thù nào phá vỡ nổi.
Thành quả cơ bản của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào
Nhìn lại chặng đường hào hùng lịch sử đã qua, Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào tự hào về quá trình hình thành và phát triển của mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai dân tộc. Trong thời kỳ đấu tranh chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, hai nước đã thành lập Liên quân Việt - Lào để cùng chung sức chiến đấu chống kẻ thù chung. Quyết tâm, hy sinh xương máu và sự phối hợp chặt chẽ giữa những người con ưu tú của hai dân tộc đã góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân cũ của hai nước đi đến thắng lợi vẻ vang, với việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương.
Thời kỳ sau đó, tinh thần đoàn kết Việt Nam - Lào được hun đúc và tôi luyện hơn khi hai nước nhịp nhàng hỗ trợ nhau trên các mặt trận quân sự và đối ngoại, làm thất bại âm mưu phá hoại và tiến hành chiến tranh do chủ nghĩa thực dân mới gây ra. Ngày 05-9-1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ hai nước. Liên minh chiến đấu của quân và dân hai nước Việt - Lào ngày càng được tăng cường và dãy Trường Sơn hùng vĩ đã trở thành hình ảnh sinh động của mối quan hệ keo sơn “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”.
Bước vào thời kỳ xây dựng đất nước trong hòa bình và quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, quan hệ hai nước chuyển từ quan hệ đoàn kết trong chiến đấu chống kẻ thù chung sang quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Ngày 18-7-1977, hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Hiệp ước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời kỳ mới; tạo cơ sở để hai bên tiến tới ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác sau này. Trong quá trình hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau sau chiến tranh, Việt Nam đã cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp bạn bảo đảm an ninh, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế. Quan hệ hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ đó được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; đề cao ý chí tự lực, tự cường, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.
Trong công cuộc đổi mới của mỗi nước ngày nay, cả hai nước Việt Nam và Lào đều giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về kinh tế, xã hội, đối ngoại. Quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai nước Việt - Lào cũng được đẩy mạnh và mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể:
Trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh: Hai Đảng cùng phối hợp chặt chẽ trong quá trình nghiên cứu, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vận dụng vào điều kiện cụ thể của hai nước; đồng thời, tìm tòi thử nghiệm trong thực tiễn để mở ra con đường đổi mới và hội nhập quốc tế, tiến bước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 1976 đến đầu thế kỷ XXI, Việt Nam và Lào bị nhiều thế lực thù địch từ bên ngoài vừa tấn công, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, vừa sử dụng những phần tử phản động lưu vong quay trở về phá hoại an ninh quốc gia. Một lần nữa, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho ngành quốc phòng, an ninh và nhân dân Việt Nam, Lào nhiều nhiệm vụ mới.
Theo chủ trương, kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng và Chính phủ, lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh Lào, Việt Nam phối hợp chặt chẽ thực hiện các nhiệm vụ chống ngoại xâm, chống phỉ, dẹp bạo loạn, trừ diệt bọn phản động vượt qua lãnh thổ Lào xâm nhập lãnh thổ Việt Nam… Mặt khác, hai bên giúp nhau đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và trang bị kỹ thuật hậu cần.
Quan hệ chính trị giữa hai nước đã và đang phát triển trên nền tảng sâu rộng và ngày càng vững chắc. Đến nay, các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và địa phương hai bên được tiến hành thường xuyên; Ủy ban liên Chính phủ thường niên được duy trì và củng cố. Giao lưu giữa các tổ chức, các tầng lớp nhân dân ngày càng nhộn nhịp, hình thức ngày càng phong phú. Trên cơ sở đó, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào trong những năm gần đây ngày càng khởi sắc, bước đầu tạo nền tảng vật chất để liên kết và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Nhờ các chính sách ưu tiên, ưu đãi hợp lý của cả hai bên nên thương mại Việt Nam - Lào tăng trưởng đều trong những năm gần đây.
Cùng với sự hợp tác trong khuôn khổ song phương, tình đoàn kết anh em giữa Việt Nam và Lào còn được thể hiện rõ nét tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức hợp tác kinh tế chiến lược ba dòng sông (ACMECS), Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Thông qua đó, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.
Hợp tác phát triển kinh tế, giáo dục, đào tạo cán bộ: Trên lĩnh vực kinh tế, hai nước thúc đẩy hợp tác dựa trên nguyên tắc hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, hết lòng giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời căn cứ vào tình hình cụ thể của mỗi nước mà dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau. Trên thực tế, sự hợp tác của hai nước diễn ra từ Trung ương đến tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…, trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, công thương, nông nghiệp… Hợp tác giáo dục, đào tạo bắt đầu từ hợp tác đào tạo cán bộ chính trị, khoa học và giáo dục phổ thông đã tiến đến hợp tác trong tất cả các cấp giáo dục và đào tạo.
Nhìn chung, quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực với nhiều hình thức hợp tác phong phú, đa dạng trên các kênh Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó quan hệ chính trị được coi trọng và đóng vai trò nòng cốt.
Ý nghĩa lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn
Một là, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh của hai dân tộc Việt Nam, Lào. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phát triển trong sự trùng hợp mục tiêu cách mạng và tình nghĩa của hai dân tộc láng giềng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; bình đẳng, hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau. Thực tế đó đã trở thành động lực mạnh mẽ, là cội nguồn sáng tạo và niềm tin tất thắng, phát huy sức mạnh tổng hợp của hai dân tộc trong sự nghiệp giải phóng và phát triển đất nước từ nô lệ, bị chia cắt, nghèo nàn, lạc hậu trở thành những dân tộc độc lập, tự do, thống nhất, có vị trí xứng đáng trong khu vực và quốc tế.
Hai là, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trở thành lực lượng vững mạnh, chặn đứng, làm thất bại những mưu đồ và hành động của các thế lực thù địch với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác, hữu nghị giữa các quốc gia Đông Nam Á do hai nước ở vị trí chiến lược của vùng Đông Nam Á, nơi đối đầu quyết liệt giữa cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội với các thế lực thù địch,.
Ba là, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, vững bền, chưa từng có trong quan hệ giữa các dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ xã hội.
Trong lịch sử thế giới, đã xuất hiện nhiều hình thức liên minh, đồng minh, hợp tác hoặc hình thành các cộng đồng quốc gia. Nhưng xét về mọi phương diện, chỉ có mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mang đầy đủ các yếu tố ưu việt về cách mạng và nhân văn dựa trên cơ sở lý luận đúng đắn và nguyên tắc, phương pháp hợp lý về xây dựng phát triển mối quan hệ quốc gia - quốc tế, được lãnh đạo hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đồng thuận và cùng chung sức thực hiện, mang lại những thành tựu to lớn và tiến bộ vượt bậc về mọi mặt cho cả hai dân tộc. Tất cả hợp thành tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, bền vững, chưa từng có trong quan hệ giữa các dân tộc trên thế giới.
Từ quá trình phát triển của quan hệ song phương giữa hai nước có thể rút ra những kinh nghiệm thực tiễn:
Thứ nhất, xác định đúng đắn hệ thống quan điểm lý luận về mối quan hệ dân tộc và quốc tế trong thời đại mới giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Trong lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, với trách nhiệm cao đối với cách mạng Đông Dương và năng lực sáng tạo lý luận cách mạng kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất những quan điểm cơ bản về cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, Campuchia, Lào, bao hàm cả nội dung quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Đó là: Cách mạng của các dân tộc ở Đông Dương được tiến hành theo quan điểm cách mạng triệt để, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Sức mạnh tạo nên thắng lợi của sự nghiệp đó là khối đại đoàn kết nhân dân Đông Dương và sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chủ tịch nhấn mạnh, phải hết sức tôn trọng nguyên tắc “dân tộc tự quyết”, quyền độc lập, tự do của các dân tộc ở Đông Dương. Và phải coi việc Việt Nam giúp cách mạng Lào là thực hiện nghĩa vụ quốc tế, hơn thế nữa giúp bạn là mình tự giúp mình. Hai Đảng, hai dân tộc Việt Nam, Lào coi đó là nền tảng tư tưởng và phương pháp ứng xử của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Những quan điểm trên thể hiện rõ ràng, đúng đắn nguyên tắc dân tộc tự quyết và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, biến những hy sinh cao cả mà hai bên dành cho nhau như là lẽ sống bình dị. Tư duy và hành động đó càng có ý nghĩa khi ngày nay sự vận động của thế giới theo xu thế hòa bình, độc lập, dân chủ, hợp tác và phát triển, nhưng vẫn diễn ra những cuộc đấu tranh dân tộc, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh kinh tế rất phức tạp.
Thứ hai, xác định nội dung, phương thức xây dựng quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là cơ sở thực hiện các nhiệm vụ cách mạng do hai bên xác lập.
Trong những năm tháng cùng nhau làm cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cán bộ và nhân dân Việt Nam, Lào luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền, phong tục tập quán của nhau, tin yêu giúp đỡ nhau; thật lòng tự phê bình, phê bình để cùng tiến bộ và phát triển nội lực của mỗi bên,…Do vậy, những thành quả cách mạng và phát triển đất nước ở hai quốc gia cũng in đậm giá trị cách mạng và nhân văn của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, không chỉ cho hiện tại mà cần bảo vệ, phát huy cao hơn nữa trong tương lai.
Thứ ba, tình cảm cách mạng thủy chung, trong sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào là một nhân tố quan trọng tạo nên sự bền vững và phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Tình cảm đó bắt nguồn từ đạo đức cách mạng của đảng viên, từ phẩm chất trong sạch và năng lực tương xứng với nhiệm vụ của người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cần giữ gìn và phấn đấu thực hiện như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Trong môi trường hoạt động hiện nay của đảng viên, có nhiều thuận lợi song cũng nhiều cám dỗ tiêu cực. Điều này đòi hỏi sự tự giác của mỗi đảng viên, sự giáo dục, kiểm tra của tổ chức đảng, gắn liền với việc giữ vững các nguyên tắc xây dựng Đảng, nâng cao bản lĩnh, năng lực lãnh đạo của Đảng; đồng thời cần nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng trách nhiệm của cá nhân và tổ chức trong việc bảo vệ, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam vì lợi ích quốc gia và quốc tế.
Thứ tư, khai thác, phát huy các nhân tố, điều kiện cần thiết để xây dựng, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Việt Nam và Lào sống bên nhau tại hai triền Đông và Tây dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, rất thuận lợi cho sự phát triển bền vững ở mỗi nước. Dãy núi Trường Sơn còn là một tường thành vững chắc cho nhân dân hai nước nương tựa nhau chống giặc ngoại xâm. Về kinh tế, hai nước có thể bổ sung cho nhau lợi thế về biển cả của Việt Nam, đường bộ của Lào đi sâu vào lục địa châu Á, cùng các nguồn tài nguyên phong phú do mỗi nước quản lý.
Ngoài những điều kiện trên, hai nước Việt Nam, Lào có một ưu thế nổi trội vô cùng quý giá là quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà hai Đảng, hai dân tộc cần luôn luôn vun đắp, bảo vệ và phát huy trong mọi hoạt động chính trị, tư tưởng, kinh tế, quốc phòng an ninh, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, đào tạo nhân lực, nhân tài.
Đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào lên tầm cao mới
Tại Lễ Kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 40 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào tại Hà Nội (tháng 7-2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, dù khó khăn, gian khổ đến đâu chúng ta cũng nguyện giữ gìn và bảo vệ mối quan hệ Việt - Lào như giữ gìn con ngươi của mắt mình để mối quan hệ Việt - Lào “mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
Trong thời gian tới, trước những biến động phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và khu vực, yêu cầu phát triển của mỗi nước, hai nước đặt ưu tiên cao cùng phấn đấu nâng quan hệ hữu nghị truyền thống đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt - Lào lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.
Phương hướng cụ thể gồm:
- Tiếp tục củng cố, tăng cường sự gắn bó, tin cậy và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong những vấn đề có tính chiến lược giữa hai Đảng, hai nước; duy trì các cuộc gặp cấp cao truyền thống; tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả và thiết thực về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước, nhất là cho thế hệ thanh thiếu niên hôm nay và mai sau.
- Nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế song phương tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp sẵn có. Phát triển hợp tác giữa các vùng, miền hai nước và hoàn thiện hơn nữa các chính sách ưu tiên, ưu đãi đã dành cho nhau. Chủ động thúc đẩy hợp tác ở cả ba cấp: Chính phủ với Chính phủ, địa phương với địa phương và doanh nghiệp với doanh nghiệp nhằm tạo sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế. Trong từng thời kỳ, xác định một số trọng tâm hợp tác kinh tế cụ thể, phù hợp với khả năng, nhu cầu của mỗi nước và mang lại lợi ích cho cả hai phía; tập trung tổ chức thực hiện triệt để, đồng thời thường xuyên theo dõi giám sát để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh.
- Tiếp tục đầu tư và phát huy những tiềm năng, lợi thế của hai nước nhằm bổ sung nguồn lực cho nhau, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước theo từng giai đoạn, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Lào, góp phần đưa nước Lào thoát khỏi nước kém phát triển vào năm 2020 và Việt Nam phát triển bền vững, thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” đối với một nước đang phát triển.
- Tăng cường và nâng cao vai trò hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, tổ chức, địa phương và doanh nghiệp hai nước. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, đặc biệt là các địa phương có chung đường biên giới nhằm phát triển các địa phương khu vực biên giới trở thành hậu phương chiến lược vững chắc, ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác lâu dài, tạo sự gắn bó, tin tưởng lẫn nhau lâu dài; tiếp tục tăng cường sự hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và cùng phối hợp nhằm chống lại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước, chia rẽ quan hệ hai nước.
- Hai bên phối hợp chặt chẽ việc rà soát, bổ sung sửa đổi các văn bản thỏa thuận, phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách mới phù hợp với luật pháp và tình hình thực tế mỗi nước, thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước và thông lệ quốc tế, tạo sự chuyển biến trong hợp tác kinh tế cũng như hội nhập quốc tế và khu vực của mỗi nước.
- Tích cực trao đổi thông tin về tình hình quốc tế và sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ các tổ chức mà hai bên cùng là thành viên. Phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các cam kết và có sự đồng thuận trong các khuôn khổ hợp tác đa phương đối với những vấn đề có liên quan đến hai nước./.
ADMM Retreat: Nhận diện và đẩy lùi các thách thức an ninh mới  (07/02/2018)
Chủ tịch nước tiếp Đại sứ Trung Quốc nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ  (07/02/2018)
“Chính phủ do dân, vì dân, trong đó Việt kiều cũng là những người dân”  (07/02/2018)
Khai mạc Phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (07/02/2018)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay