ADMM Retreat: Nhận diện và đẩy lùi các thách thức an ninh mới
Dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM Retreat) tại Singapore từ ngày 05 đến 06-02, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đánh giá Hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nước chủ nhà Singapore vì đây là thời điểm mà các bộ trưởng cần phải hoạch định những nội dung và công việc sẽ triển khai trong năm 2018.
Tuy nhiên, với các nước trong khối, Hội nghị này cũng “nóng” không kém do tình hình an ninh khu vực hiện nay có nhiều vấn đề cần phải giải quyết liên quốc gia, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN.
Trong số đó, khái niệm về “thách thức an ninh mới” đã được các nhà lãnh đạo quốc phòng đề cập để cùng nhận diện và đưa ra các giải pháp chung.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Singapore, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh tại ADMM Retreat lần này, các bộ trưởng đã tập trung thảo luận về một vấn đề mới.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: “Nếu như trước kia chúng ta chỉ nghe đến khái niệm an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống thì trong thời điểm hiện nay đã xuất hiện một khái niệm mới, đó là những “thách thức an ninh cũ” và “thách thức an ninh mới”. Và trên cơ sở đó, trong năm 2018 này, các quốc gia sẽ tập trung thảo luận về những “thách thức an ninh mới” - mà thường được gọi tên là “mặt trái của cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư - 4.0”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, có thể nhận diện những thách thức an ninh dựa trên công nghệ cao như an ninh mạng; các loại vũ khí tác chiến mạng, vũ khí hóa học, sinh học, vũ khí cao phân tử và các hoạt động khủng bố có vũ trang và phi vũ trang.
Vấn đề này đã nhận được sự quan tâm rất lớn của tất cả các nước tại diễn đàn hội nghị và các bộ trưởng đều nhất trí cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, xu hướng hòa bình, ổn định ngày càng lan rộng và phổ biến ở tất cả các quốc gia, song các thách thức an ninh không những bị đẩy lùi mà còn phát triển theo.
Điều này đòi hỏi không chỉ sự cố gắng nỗ lực của từng nước, mà còn cần sự chung tay của cả ASEAN.
Tuy nhiên, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng không vì thế mà ASEAN được “lơ là”, mà cần phải cảnh giác trước những thách thức an ninh cũ như an ninh biển, khủng bố hay những xung đột, thậm chí là chiến tranh. Đây cũng là chủ đề mà đoàn Việt Nam đề cập tới tại Hội nghị lần này.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho hay những thách thức an ninh cũ mà Việt Nam đề cập chủ yếu vẫn là vấn đề an ninh trên Biển Đông.
Trong thời gian qua, các nước ASEAN và một số nước đối tác đã có cách ứng xử thể hiện sự mong muốn hòa bình, ổn định và tuân thủ luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chỉ rõ Việt Nam cũng bày tỏ sự quan ngại khi trên “bề mặt” tương đối bình lặng, nhưng bên dưới lại tiềm ẩn những thách thức khá phức tạp, thậm chí phức tạp hơn thời gian trước.
Ví dụ, những hành động bất chấp pháp luật vẫn diễn ra hay việc xây dựng căn cứ trên các đảo, đá thuộc chủ quyền Việt Nam của các nước ngoài.
Thượng tướng nhấn mạnh: “Rõ ràng đây là những hành động đi ngược lại với luật pháp quốc tế và de dọa tới tình hình an ninh trong khu vực”.
Thứ trưởng cũng cho biết các bên đang nỗ lực tìm kiếm cách thức xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để COC bảo đảm các nguyên tắc về pháp lý, có tính ràng buộc nhưng phải trên cơ sở đồng thuận của các quốc gia, đặc biệt là trong vấn đề “thực trạng mới”.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng bày tỏ quan điểm của Việt Nam khẳng định không chấp nhận cái gọi là một “thực trạng mới” - thực trạng mà con người đã xây dựng trên những đảo, đá tự nhiên.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhìn nhận trong điều kiện hiện nay, rõ ràng những thách thức trên đã đặt các quốc gia ASEAN vào con đường duy nhất là phải đoàn kết và thống nhất.
Điều quan trọng là mỗi nước cần biết bảo vệ lợi ích của mình, nhưng cũng phải biết tiết chế tham vọng để có được sự thống nhất, cùng đấu tranh với các thách thức.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay: “Trong vấn đề này cần nhận thức rằng không có thách thức nào là của riêng mỗi nước, mà đều là vấn đề chung, chỉ là đến trước hay đến sau mà thôi”.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đồng thời nhấn mạnh đến sự ưu tiên của đối ngoại quốc phòng. Trên cơ sở nhận điện các thách thức an ninh cũ và mới, Việt Nam xác định xây dựng chính sách đối ngoại quốc phòng phải đi trước một bước.
Theo đó, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết đối ngoại quốc phòng năm 2018 đã đặt ra một số yêu cầu mới và yêu cầu này được thể hiện rất rõ trong ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị quân chính toàn quân vừa qua tại Hà Nội.
Đó là đối ngoại quốc phòng phải làm sao đóng góp cho nền đối ngoại quốc gia, giữ cho đất nước hòa bình, ổn định và có môi trường thuận lợi để phát triển đồng thời đối ngoại quốc phòng cũng phải giữ cho quân đội xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, bảo vệ lợi ích cũng như chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Trong năm 2018, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác song phương, trong đó xác định xây dựng trọng tâm quan hệ với các nước láng giềng (Lào, Campuchia, Trung Quốc); các nước và khu vực lớn (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Liên minh châu Âu (EU)...); tăng cường quan hệ ASEAN cả song phương và đa phương; các nước “bạn bè cũ”...
Việc xác định trọng tâm này, theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai mở rộng chính sách đối ngoại quốc phòng song phương.
Về quan hệ đa phương, Việt Nam cần phải làm tốt hơn vai trò trong cấu trúc hợp tác quốc phòng ASEAN và ASEAN mở rộng.
Không chỉ như vậy, sắp tới đây, một số cấu trúc an ninh trên thế giới như cộng đồng quốc phòng quân sự EU cũng quan tâm và mong muốn hợp tác quốc phòng với Việt Nam..., trong đó có rất nhiều đối tác chiến lược của Việt Nam. Và vì vậy, việc hợp tác này sẽ giúp tăng cường nội hàm đối tác chiến lược với các nước của EU.
Đặc biệt, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, thông qua việc cử quân tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình.
Nếu như từ trước đến nay, Việt Nam mới chỉ cử theo hình thức sỹ quan độc lập, năm nay chúng ta lần đầu tiên sẽ cử theo từng đơn vị.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, mới đây nhất thì đoàn kiểm tra thanh sát cuối cùng của Liên hợp quốc đã làm việc với các đơn vị và bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam và đã đưa ra kết luận rằng Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để trong tháng 4 - 5 tới sẽ sang Nam Sudan tham gia vào đội quân gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ tham gia vào các hoạt động diễn tập chung, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo song phương hoặc đa phương.
Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ chú trọng xây dựng nền công nghiệp quốc phòng và năm nay cũng là lần đầu tiên Việt Nam sẽ tham gia hội chợ về công nghệ quốc phòng ở nước ngoài, cụ thể tại Indonesia; thí điểm sản xuất những sản phẩm công nghệ lưỡng dụng và các trang thiết bị quốc phòng.
Đây là một điểm mới và là đóng góp của quân đội không chỉ vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, mà còn vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho hay sắp tới đây Quân ủy Trung ương sẽ thông qua Kế hoạch hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng giai đoạn 2018 - 2021, trong đó nêu cụ thể các công việc sẽ triển khai và quan trọng nhất là tạo một sự ổn định trong chính sách đối ngoại quốc phòng, đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định cũng như bảo vệ chủ quyền và độc lập tự chủ của đất nước./.
Chủ tịch nước tiếp Đại sứ Trung Quốc nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ  (07/02/2018)
“Chính phủ do dân, vì dân, trong đó Việt kiều cũng là những người dân”  (07/02/2018)
Khai mạc Phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (07/02/2018)
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam  (07/02/2018)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết cán bộ, công nhân, chiến sỹ và các văn sỹ, trí thức tại một số địa phương  (06/02/2018)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 29-01 đến ngày 04-02-2018)  (06/02/2018)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay