Bối cảnh quốc tế và việc triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

Vũ Khoan Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ
20:22, ngày 05-10-2016

TCCS - Nước ta là một bộ phận của thế giới, gắn liền với thế giới, vì thế khi nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì không thể không chịu tác động của tất cả những gì diễn ra trên toàn cầu. Những diễn biến của tình hình thế giới và khu vực đặt ra những thời cơ và thách thức mới, đòi hỏi phải có nhận thức thấu đáo, dự báo chuẩn xác, ứng phó kịp thời để có thể sớm đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.

Theo tinh thần đó, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã dành hẳn một phần để dự báo tình hình thế giới và đất nước trong những năm sắp tới. Do khuôn khổ của Văn kiện nên Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội XII chỉ nêu những đánh giá, dự báo lớn; không có điều kiện đánh giá cặn kẽ từng cục diện, đưa ra những kịch bản có thể nảy sinh, phân tích những nguyên nhân, chỉ ra những tác động có thể có. Trong khi đó, tình hình thế giới trong 6 tháng qua kể từ sau Đại hội XII diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp về nhiều mặt, ảnh hưởng trực tiếp tới công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta, đòi hỏi phải theo dõi sát sao, phân tích thấu đáo để có cách hành xử thích hợp.

Đôi điều minh họa cho những dự báo về tình hình thế giới

Trước hết, về tình hình kinh tế thế giới, Đại hội XII của Đảng nhận định: “Kinh tế thế giới phục hồi chậm, gặp nhiều khó khăn, thách thức và còn có nhiều biến động khó lường”(1). Trên thực tế, những gì diễn ra trong nền kinh tế thế giới 6 tháng qua khẳng định đánh giá trên.

Nhìn về triển vọng những năm tới, có thể đưa ra ba kịch bản:

- Kịch bản thứ nhất: kinh tế thế giới hoàn toàn phục hồi và phồn vinh trở lại. Tuy nhiên, thật khó hình dung kịch bản này có thể xảy ra vì di chứng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế bùng phát năm 2008 quá nặng, quá sâu và vẫn tiếp tục hiện hữu; các “đầu tàu” kinh tế, nhất là châu Âu đang rất trì trệ, quá trình dàn xếp giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU) sau khi trên 50% người dân Anh tham gia cuộc trưng cầu dân ý (ngày 23-6-2016) ủng hộ Anh ra khỏi EU (Brexit) chắc chắn sẽ kéo dài. Nếu trong những năm trước, nền kinh tế toàn cầu trông đợi vào “cái phao cứu sinh” là các nước thuộc nhóm BRICS (Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), thì nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không còn giữ phong độ cao như trước đây; kinh tế Nga phải gánh chịu áp lực nặng nề của chính sách bao vây, cô lập từ các nước công nghiệp phát triển; kinh tế Bra-xin khó khăn; chỉ có kinh tế Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ cao. Trong khi đó, các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột, khủng bố vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi trên thế giới, cản trở sự phục hồi vững chắc và phát triển ổn định của nền kinh tế toàn cầu.

- Kịch bản thứ hai nằm ở cực ngược lại: kinh tế thế giới rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nặng nề mới. Không thể loại trừ hoàn toàn khả năng này, song có thể hy vọng kịch bản này chưa xảy ra trong tương lai gần, vì sau cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế bùng phát năm 2008, các nền kinh tế chủ yếu đều rút ra bài học, áp dụng nhiều biện pháp và hợp tác với nhau để phòng ngừa nguy cơ khủng hoảng.

- Như vậy, có nhiều khả năng diễn ra kịch bản thứ ba là kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi với tốc độ vừa phải kèm theo sự trồi sụt, lúc tăng, lúc giảm, không ổn định ở những khoảng thời gian, địa điểm, lĩnh vực khác nhau.

Đó là những kịch bản đối với nền kinh tế thế giới xét về mặt lượng. Còn nét bao trùm về chất là “Hầu hết các nước trên thế giới đều điều chỉnh chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới thể chế kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để phát triển”(2). Thật vậy, lịch sử chỉ ra rằng, các cuộc đại khủng hoảng thường là những tín hiệu cho thấy mô hình, cơ cấu, trật tự cũ không còn phù hợp, đòi hỏi phải được cơ cấu lại. Điều này đã xảy ra sau cuộc đại suy thoái kinh tế 1929 - 1933, cuộc khủng hoàng dầu lửa trong những năm 70 của thế kỷ trước. Và nay, sau cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế bùng phát năm 2008, kinh tế thế giới cũng đang được cơ cấu lại. Có thể nói, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế thế giới mang tính toàn diện: về cơ cấu sản xuất và tiêu dùng, cơ cấu năng lượng, cơ cấu tiền tệ, cơ cấu thị trường, vị trí các nền kinh tế và khu vực, chiến lược phát triển... Nét nổi bật là dưới tác động của những tiến bộ vượt bậc về khoa học và công nghệ, loài người đang bước vào cuộc “cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Đánh giá tình hình chính trị - an ninh trên thế giới và ở khu vực, Văn kiện Đại hội XII nêu rõ: “Tương quan sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia, khu vực đang có nhiều thay đổi. Hầu hết các nước trên thế giới đều điều chỉnh chiến lược... Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược ngày càng quan trọng... là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn”(3).

Trong những năm tới, các chiều hướng này chắc sẽ tiếp diễn với những bước thăng trầm khác nhau. Tuy nhiên, hy vọng rằng lợi ích hòa bình, ổn định sẽ thắng thế, nhờ vậy có thể tránh được cuộc đụng độ quân sự trực tiếp, nhất là giữa các nước lớn.

Những thuận lợi và khó khăn đối với việc triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

Văn kiện Đại hội nêu khái quát: “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”(4).

Vậy, ta thử giải mã xem thuận lợi là gì? khó khăn, thách thức là gì?

Có thể hình dung những thuận lợi là sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, “lực” của nước ta đã lớn hơn nhiều, từ một nước có thu nhập thấp nay nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình tuy còn ở mức thấp. Cũng qua 30 năm đổi mới, chúng ta đã đúc rút được nhiều bài học, nhận dạng được những điểm yếu và hướng giải quyết. Tình hình chính trị - xã hội trong nước vẫn duy trì được ổn định. Vị thế quốc tế của đất nước được nâng cao chưa từng thấy. Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng tạo ra nhiều dư địa cho sự cơ động, linh hoạt.

Mặt khác, đúng như Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh, chúng ta đang và sẽ đứng trước nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn và phức tạp hơn. Riêng về lĩnh vực kinh tế, nước ta vừa phải xử lý tiếp những khó khăn, phức tạp của 10 năm trước để lại, trong đó nổi lên là vấn đề ngân sách và nợ công, đồng thời lại phải ứng phó với nhiều khó khăn mới chưa lường trước được, như nạn hạn hán, xâm nhập mặn chưa từng có, sự cố ô nhiễm môi trường tại một số tỉnh ven biển miền Trung do Formosa gây ra cùng nhiều vụ gây ô nhiễm khác... Một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng 6 tháng sau Đại hội không đạt được mức dự kiến, trong đó có chỉ tiêu về tăng trưởng GDP, xuất khẩu... Tất nhiên, 6 tháng chưa phải là cả năm, song nó có thể để lại những “di chứng” cho những tháng tiếp theo của năm.

Điều đáng lo ngại hơn về kinh tế là việc tập trung xử lý các vấn đề trước mắt có thể che lấp nhiều vấn đề cơ bản, mang tính dài hạn, làm cho kinh tế nước ta vốn tụt hậu sẽ càng tụt hậu xa hơn, nhất là về chất, khi thế giới đang tiến nhanh vào cuộc “cách mạng công nghiệp lần thứ tư” mà ta vẫn chưa cấu trúc lại được nền kinh tế và chuyển đổi được mô hình phát triển, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa càng gặp nhiều khó khăn.

Đó là chưa kể nhiều vấn đề sẽ nảy sinh khi nước ta tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, phạm vi rộng; bản thân nhiều đối tác đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, ta khó tận dụng được những cơ hội như kỳ vọng. Bên cạnh đó, tình hình chính trị - an ninh, đối ngoại trên toàn cầu và ngay ở khu vực có nhiều diễn biến phức tạp mới, nhất là trên Biển Đông.

Nhận dạng những khó khăn là sự cần thiết để có những biện pháp ứng phó cần thiết.

Những việc nên làm trong bối cảnh mới

Thực ra, mọi chủ trương nêu tại Đại hội XII của Đảng chính là những biện pháp thiết thực để tận dụng những cơ hội, đối phó với những thách thức. Ở đây, chỉ xin chia sẻ đôi điều.

Một là, Đại hội chỉ có thể dự kiến được những đường hướng lớn trong khi tình hình lại biến động khôn lường, nên không thể cứng nhắc trong tư duy mà cần theo sát diễn biến, đưa ra những dự báo tương đối chuẩn xác, ứng phó kịp thời. Nhiều đại hội của Đảng đã chỉ ra thiếu sót trong công tác dự báo nhưng cho đến nay vẫn chưa khắc phục được, một phần do phương pháp nghiên cứu còn nặng về minh họa, chú trọng vào quá khứ và thực tại, chưa hướng nhiều tới tương lai; công tác chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu còn nhiều phân tán. Không kịp thời khắc phục mặt yếu này sẽ tiếp tục bị động bất ngờ trong khi tình hình đang chuyển biến rất nhanh chóng.

Hai là, nhìn lại 6 kỳ đại hội từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, có thể thấy “thực hiện” vẫn là khâu yếu. Đại hội XII nêu nhiều ý tưởng, chủ trương mới; nếu không khắc phục được tình trạng thực hiện kém thì hệ lụy sẽ càng lớn.

Ba là, bối cảnh trong nước và quốc tế đòi hỏi phải cân nhắc thấu đáo, chọn lựa chính xác, xử lý đúng đắn, thực hiện rốt ráo một loạt mối quan hệ khá phức tạp giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữa đấu tranh bảo vệ chủ quyền và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; giữa phát triển nhanh và bền vững; giữa các vấn đề trước mắt và lâu dài; giữa nội lực và ngoại lực (mà nay đang có nhiều biểu hiện ngoại lấn nội); giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng và lòng tin của dân vào Đảng... Mong rằng, trước những diễn biến mới cần có nhận thức mới một cách thống nhất và nhất là có những hành động thích hợp. Chỉ có vậy, Nghị quyết Đại hội mới sớm đi vào cuộc sống./.

---------------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 72

(2), (3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 72 - 73, 75