TCCSĐT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành nhiều thời gian quan tâm xây dựng lực lượng Công an nhân dân trực tiếp, toàn diện về mọi mặt. Một trong những nội dung được Bác thường xuyên nhắc nhở, căn dặn lực lượng Công an đó là: Phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, quyết tâm đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm. Ngay sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, vào ngày 15-10-1948 trên báo Sự thật, Bác đã có bài viết “Chủ nghĩa cá nhân” để chỉ ra biểu hiện, tính chất, mức độ nguy hiểm và phương pháp đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cho cán bộ, đảng viên thấy rõ. Với lực lượng Công an nhân dân, là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Người có sự quan tâm đặc biệt. Trong Bài nói tại trường Công an Trung ương ngày 28-01-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Để tiến lên chủ nghĩa xã hội trước hết cán bộ phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, muốn vậy phải chống chủ nghĩa cá nhân. “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là thế nào? Là mỗi người hãy nghĩ đến lợi ích chung, lợi ích toàn dân trước”(1) còn chủ nghĩa cá nhân được hiểu: “Là so bì đãi ngộ: lương thấp, cao, quần áo đẹp, xấu, là uể oải, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn…”(2) . Để giúp cán bộ, chiến sĩ Công an hiểu rõ ràng, rành mạch hơn thế nào là chủ nghĩa cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Tóm lại, cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân”(3) .

Bằng cảm quan chính trị, phẩm chất thiên tài của một vị lãnh tụ vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân là ung nhọt, kẻ thù của tư tưởng xã hội chủ nghĩa, cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ. Người nói với lực lượng Công an nhân dân: “Chủ nghĩa cá nhân như vi trùng đẻ ra nhiều bệnh khác: Sợ khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa; vui thì làm, không vui thì không làm, thích thì làm, không thích thì không làm… Công an là bộ máy giữ gìn chính quyền chống thù ngoài địch trong, mà còn chủ nghĩa cá nhân là còn có địch ở bên trong, địch ở trong con người mình. Kẻ địch ấy lại không thể lấy súng bắn vào được”(4) . Người tiếp tục nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, thiên hình vạn trạng. Ví dụ: lười biếng, hủ hóa, suy tính tiền đồ, cho rằng ngành công an gian khổ, vất vả nhiều mà ít được ai biết, ít được huân chương; đòi đãi ngộ, so bì lương thấp, lương cao; công thần địa vị: cho rằng ở trong Đảng lâu năm mà không được đề bạt bằng người vào Đảng ít năm hơn; không an tâm công tác; ở công an muốn sang ngành khác; có quyền hạn một chút là thiếu dân chủ, chỉ tay năm ngón; đối với nội bộ thì suy bì, ganh tị, không đoàn kết với nhau... Còn có thể nêu ra nhiều ví dụ nữa, nhưng tóm lại cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân”(5) .

Để đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong lực lượng Công an, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những cách thức, phương pháp:

Trước hết, đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong Công an phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Người phân tích: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ… Chủ nghĩa cá nhân không phải chống lại một lần mà hết được. Trong lớp này, các cô, các chú kiểm thảo thành khẩn là điều tốt, tiến bộ. Nhưng không phải kiểm thảo xong là gột rửa hết chủ nghĩa cá nhân. Ví như rửa mặt phải rửa hàng ngày. Vì vậy kiểm thảo ở đây không phải là xong, là đủ mà còn phải tiếp tục luôn luôn phê bình, tự phê bình, kiểm thảo trong mọi việc”(6) .

Hai là, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải không ngừng tu dưỡng, thấm nhuần đạo đức cách mạng; cố gắng phấn đấu, vươn lên, khắc phục khó khăn. Bác nói: “Không phải chỉ muốn không là được. Miệng nói tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng tư tưởng còn không thông và hành động còn không đúng thì không tiến lên được. Trước hết cán bộ phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, lập trường phải rõ ràng, vững chắc đã”(7) . Trong Bài nói tại lớp nghiên cứu khóa I và lớp bổ túc khóa VI trường Công an Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tiếp tục khẳng định: “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa (so bì, hưởng thụ). Đã là cuộc đấu tranh gian khổ, gay go thì phải chống tư tưởng uể oải, mệt mỏi, sợ khổ, chống tư tưởng tự do chủ nghĩa, thích thì làm, không thích thì không làm”(8) .

Ba là, “Phải đề cao tổ chức, đề cao kỷ luật. Chống chủ nghĩa ba phải; trái phải, phải dứt khoát, phải rõ ràng, không được nể nang. Can đảm bảo vệ chính nghĩa, dũng cảm tự phê bình và phê bình. Xác định toàn tâm toàn ý, 100% phục vụ nhân dân. Có như thế mới khắc phục được khuyết điểm, phát huy được ưu điểm. Còn so sánh địa vị, còn suy bì, hưởng thụ thì chỉ có 50% phục vụ nhân dân còn 50% là phục vụ cá nhân mình”(9) . “Công an đánh địch bên ngoài đã khó đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn. Vì vậy phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải, nể nang. Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu, tự đại”(10) .

Hiện nay, chúng ta đang tiến hành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước những diễn biến mới, phức tạp và khó lường của tình hình quốc tế và khu vực, bên cạnh những nhân tố thuận lợi là chủ yếu, chúng ta cũng đang phải đối phó với những nguy cơ, thách thức không nhỏ. Các thế lực thù địch đã và đang tìm mọi cách chống phá chúng ta về mọi mặt, chúng không từ một âm mưu, thủ đoạn và hành động nào nhằm lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội; trong nước tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn tồn tại gây bức xúc xã hội... Với vai trò là lực lượng nòng cốt, tiên phong, “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục xây dựng, củng cố về mọi mặt từ chính trị, tư tưởng, tổ chức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Muốn vậy, bên cạnh việc lực lượng Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng sáng tạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thì việc tiếp tục nghiên cứu, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về quét sạch chủ nghĩa cá nhân là hết sức cần thiết. Để góp phần đẩy lùi, loại bỏ tư tưởng chủ nghĩa cá nhân trong lực lượng Công an nhân dân trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, từng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải tích cực, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng


Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng bậc nhất giúp Công an nhân dân quét sạch chủ nghĩa cá nhân một cách có hiệu quả và thiết thực. Bởi lẽ, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội. Khi mỗi cán bộ, chiến sĩ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng một cách thường xuyên, liên tục thì những tư tưởng, ý nghĩ, hành động chủ nghĩa cá nhân sẽ dần dần bị triệt tiêu và bị loại bỏ hoàn toàn.

Để làm được điều đó, ngành Công an cần đặc biệt coi trọng công tác giáo dục, đào tạo những nội dung cơ bản, cốt lõi của các môn học Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh cho mỗi cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân một cách thường xuyên, liên tục, có kiểm tra, đánh giá, giám sát của thủ trưởng cơ quan các đơn vị. Công an nhân dân tích cực quán triệt và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Công an nhân dân thực hiện nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ”. Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải tự ý thức, tầm quan trọng của việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nghiêm túc nghiên cứu, quán triệt, học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức thường xuyên, liên tục.

Thứ hai, xây dựng và thực hiện kỷ luật nghiêm minh, kiên quyết đấu tranh, xử lý những trường hợp vi phạm

Xuất phát từ tính chất, công việc của Công an nhân dân là thường xuyên đấu tranh với bọn phản cách mạng, bọn tội phạm nguy hiểm, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng vũ trang cách mạng, phải xây dựng và thực hiện kỷ luật nghiêm minh là điều tất yếu. Đây cũng là thế mạnh của Công an nhân dân hơn so với các lực lượng khác trong quá trình đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân đối lập với tinh thần tập thể, mà chúng ta xây dựng và thực hiện kỷ luật nghiêm minh là chúng ta đã và đang hình thành tư tưởng vì tập thể, vì việc chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Việc xây dựng và thực hiện kỷ luật nghiêm minh giúp Công an nhân dân phát hiện những cán bộ thoái hóa, biến chất, có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân để giáo dục, thuyết phục, thậm chí là khai trừ ra khỏi ngành công an nếu không chịu sửa chữa. Như vậy, xây dựng và thực hiện kỷ luật nghiêm minh là nội dung rất quan trọng góp phần không nhỏ quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong lực lượng Công an nhân dân.

Thời gian tới, để tiếp tục làm tốt công tác xây dựng và thực hiện kỷ luật nghiêm minh đòi hỏi ngành Công an cần nghiên cứu, rà soát, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu, bổ sung những quy định về điều lệnh, nội vụ, quy chế làm việc ở cơ quan, đơn vị ngày càng khoa học, chặt chẽ hơn. Phổ biến và yêu cầu từng cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân phải quán triệt, học tập và thực hiện nghiêm những quy định của Điều lệnh Công an nhân dân, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị về giờ giấc làm việc, trật tự nội vụ, tác phong làm việc; chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết, Chỉ thị của Ngành. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong Công an nhân dân phải là người đi đầu, thật sự gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành kỷ cương, kỷ luật, coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên việc chấp hành điều lệnh nội vụ, kỷ luật lao động của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; kịp thời phát hiện, uốn nắn, giáo dục, sửa chữa cán bộ có dấu hiệu coi thường, vi phạm kỷ luật, biểu hiện chủ nghĩa cá nhân ngay từ ban đầu, tránh tạo thành tiền lệ xấu.

Thứ ba, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nội bộ

Tham nhũng là một căn bệnh nguy hiểm, là một ung nhọt cần phải loại bỏ trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang là một vấn đề được toàn Đảng, toàn dân và cả xã hội quan tâm. Tác hại của tham nhũng là hết sức nguy hiểm, không chỉ làm thiệt hại đến tài sản của nhân dân, những tác hại về xã hội mà còn dẫn tới những hậu quả khó lường về phẩm chất, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ Đảng viên nói chung và đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng. Vì lợi ích của bản thân mình mà bất chấp việc “ăn cắp của dân”, “ăn cắp của Chính phủ”, vì tham nhũng mà cán bộ quên lợi ích của dân, quên lợi ích của tập thể, lợi ích của quốc gia, dân tộc, bị thoái hóa, biến chất, suy đồi về đạo đức… Như vậy, tham nhũng là một căn bệnh hết sức nguy hiểm mà chúng ta cần phải loại bỏ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trong quá trình xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Phòng, chống tham nhũng là biện pháp hữu hiệu góp phần quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong ngành công an.

Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Công an nhân dân cần tích cực làm tốt công tác đào tạo cán bộ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức trong sáng, lành mạnh, đặc biệt là cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng; bố trí cán bộ hợp lý đúng chuyên môn, có phẩm chất tốt ở những nơi có nguy cơ xẩy ra tham nhũng, thường xuyên luân chuyển cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm việc liên quan đến tài chính, tiền tệ, cán bộ làm công tác hành chính trong Công an nhân dân; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh những vụ việc, những trường hợp liên quan đến tham nhũng trong nội bộ, kiên quyết xử lý người đứng đầu cơ quan, đơn vị Công an nhân dân để xẩy ra tham nhũng.

Thứ tư, làm tốt công tác tổ chức cán bộ

Công tác tổ chức cán bộ là một hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong giai đoạn hiện nay. Công tác tổ chức cán bộ là việc Công an nhân dân thực hiện chức năng tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an nhân dân, kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp cán bộ vi phạm đạo đức, lối sống, kỷ luật… Như vậy công tác tổ chức cán bộ trong Công an nhân dân giữ một vai trò rất quan trọng giúp cho lực lượng Công an nhân dân không ngừng vững mạnh, tổ chức khoa học, hoạt động có hiệu quả, thông suốt, mà còn góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Đây là một nhiệm vụ vinh quang, nhưng cũng là một trọng trách nặng nề của công tác tổ chức cán bộ trong lực lượng Công an nhân dân.

Công tác tổ chức cán bộ cần làm tốt công tác tuyển dụng những người có phẩm chất chính trị tốt, vì lý tưởng cộng sản, có tinh thần tập thể, có nhân thân rõ ràng, trong sạch; làm tốt công tác phát hiện, trọng dụng nhân tài, bố trí nhân tài đúng với sở trường, khả năng của mình, phát hiện, đấu tranh xử lý đối với các trường hợp vi phạm kỷ luật, lối sống, đạo đức, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Để làm tốt công tác tổ chức cán bộ góp phần đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong Công an nhân dân đòi hỏi Công an nhân dân cần tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những quy định rõ ràng về công tác tổ chức cán bộ; bố trí, sử dụng cán bộ làm công tác tổ chức có kinh nghiệm, công minh, rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo.

Thứ năm, quán triệt và thực hiện nghiêm túc công tác tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng. Đây là nguyên tắc căn bản để duy trì, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, là một biện pháp quan trọng góp phần nâng cao đạo đức cách mạng của toàn Đảng nói chung và của Công an nhân dân nói riêng, góp phần quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Để góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh, quét sạch chủ nghĩa cá nhân mỗi cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân phải nghiêm túc tự kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết, Chỉ thị của Ngành, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị. Xác định tự phê bình và phê bình là một hoạt động thường xuyên, liên tục, trong đó cần chú ý học tập phương pháp, cách thức tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cần phân biệt phê bình với trù dập, phê bình phải trung thực, thẳng thắn, đúng phương pháp vừa đảm bảo tính nghiêm túc vừa mang tính nhân văn vì mục tiêu làm cho đồng chí, đồng đội tiến bộ; qua công tác tự phê bình và phê bình kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân để có biện pháp xử lý ngay từ đầu.

Thứ sáu, xây lực lực lượng Công an nhân dân thật sự đoàn kết, vững mạnh


Đoàn kết là biện pháp hiệu quả hàng đầu góp phần quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong Công an nhân dân. Khi lực lượng Công an nhân dân thật sự đoàn kết, vững mạnh thì chủ nghĩa cá nhân không còn cơ sở để tồn tại, tư tưởng cá nhân, bè phái, ích kỷ, lười biếng… mất cơ hội phát triển, mầm mống của chủ nghĩa cá nhân bị triệt tiêu. Biện pháp xây dựng lực lượng Công an nhân dân đoàn kết, vững mạnh hiệu quả nhất đó là “vì nước”, “vì dân”. Đây là kinh nghiệm vô cùng quý báu mà Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng để Đoàn kết toàn dân tộc. Đối với Công an nhân dân cũng vậy, chỉ khi lực lượng Công an xác định và thực hiện nghiêm túc mục tiêu cao nhất của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự là vì mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, lấy đó là mục tiêu chung để thực hiện nhiêm vụ, đoàn kết. Đồng thời phát huy vai trò của lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác trong công tác phát hiện biểu hiện gây mất đoàn kết, biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, chia rẽ bè phái, ích kỷ… để có phương pháp xử lý hiệu quả. Làm cho nội bộ cơ quan, đơn vị và ngành Công an nhân dân thật sự đoàn kết, không có “đất sinh sôi” của chủ nghĩa cá nhân./.
-------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.249.

(2). Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.249.

(3). Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.222.

(4). Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.249.

(5). Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.222.

(6). Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.222.

(7). Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.248, 249.

(8). Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.599.

(9). Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.249.

(10). Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.599.