Về công tác xã hội hóa giáo dục ở nước ta những năm qua và các giải pháp đồng bộ cần thực hiện thời gian tới
TCCS - Xã hội hóa giáo dục nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển giáo dục và đào tạo ở nước ta đã trở thành một chủ trương lớn, lâu dài và nhất quán, được quán triệt sâu sắc và triển khai rộng khắp đến các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và mọi đối tượng thành phần dân cư trong toàn xã hội. Công tác xã hội hóa đã đem lại hiệu quả tích cực cho nền giáo dục và đào tạo trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, công tác này đã nảy sinh nhiều bất cập cần được giải quyết trong thời gian tới.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo đồng thời xác định định hướng nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã xác định rõ các quan điểm, mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo trong thời gian tới; các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; định hướng các mục tiêu, đối tượng cần ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và đổi mới chính sách, cơ chế tài chính để huy động sự tham gia đóng góp của xã hội vào phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần hoàn thành mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Để tạo hành lang pháp lý cho các nguồn lực của xã hội đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, đào tạo và tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục được hưởng chính sách ưu đãi xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, như được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; được hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư đã tự thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; được hưởng mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; được tham gia cung cấp các dịch vụ công do Nhà nước tài trợ, đặt hàng; tham gia đấu thầu nhận các hợp đồng, dự án sử dụng nguồn vốn trong và ngoài nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hoạt động theo quy định của pháp luật; được đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm và dịch vụ của cơ sở thực hiện xã hội hóa,... Để phát triển giáo dục mầm non khu công nghiệp, khu chế xuất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg, ngày 20-3-2014, về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020.
Về chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): cùng với việc ký kết các hiệp định song phương giữa các quốc gia, các điều ước quốc tế và cam kết hạn chế đối xử quốc gia trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngày 26-9-2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được thực hiện theo các hình thức khác nhau, như công nhận văn bằng, thành lập cơ sở giáo dục, đào tạo theo hình thức liên doanh; hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc theo hình thức 100% vốn nước ngoài để thực hiện các hoạt động giáo dục cho người nước ngoài hiện đang công tác có thời hạn tại Việt Nam; giáo dục bậc phổ thông trung học cho người nước ngoài và người Việt Nam; đào tạo trung học chuyên nghiệp, dạy ngoại ngữ, dạy nghề, đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học cho người nước ngoài và người Việt Nam thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học quản lý kinh tế, ngôn ngữ; thành lập văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.
Với những định hướng khuyến khích xã hội hóa giáo dục nêu trên, giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi ra lớp, phổ cập giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển loại hình trường, lớp, chương trình chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách.
Theo thống kê giáo dục và đào tạo, tính đến hết năm học 2014-2015 tổng số các cơ sở giáo dục của toàn ngành là 43.874 trường, trong đó có: 41.248 trường công lập (94%), 2.626 trường ngoài công lập (6%); về quy mô, cả nước có 20.889.029 học sinh, sinh viên, trong đó các trường ngoài công lập có 1.323.797 học sinh, sinh viên (6,4%). Tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số, vùng khó khăn cùng với sự chăm lo của các cấp chính quyền, người dân có con đi học, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã có nhiều việc làm thiết thực, như dựng lán trại, đóng góp lương thực, mua các vật dụng sinh hoạt, thuê người nấu ăn và trông nom các em, góp phần quan trọng đưa con em là người dân tộc thiểu số đến trường. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí để thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên; ngân sách địa phương đã huy động 6.720,044 tỷ đồng và các nhà tài trợ, cộng đồng dân cư trong cả nước đã đóng góp 721,156 tỷ đồng, đạt 70,67% kế hoạch cả giai đoạn 2008 - 2012.
Các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, như chính sách về thuê đất, thuế, cho vay vốn kích cầu, hỗ trợ lãi suất để xây dựng trường học, chính vì vậy công tác xã hội hóa đã phát triển rất mạnh mẽ. Chỉ tính trong năm học 2014-2015, tổng kinh phí mà Thành phố Hồ Chí Minh huy động tài trợ, đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bằng các hình thức để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục là 1.455 tỷ đồng; thành phố Hà Nội đã có 78 dự án xã hội hóa với tổng mức đầu tư đăng ký trên 5.600 tỷ đồng, sử dụng 1.009.673 m2 đất; có 58 dự án đã triển khai đầu tư xây dựng, trong đó 17 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động.
Việc phát triển các loại hình trường ngoài công lập đã giảm áp lực cho các địa phương có nhu cầu cao về trường lớp, đáp ứng quy mô học sinh tăng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng.
Mô hình trường chất lượng cao, trường quốc tế thời gian qua cũng đã phát triển mạnh mẽ, trong đó điển hình là Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 19 trường phổ thông quốc tế, trường có yếu tố nước ngoài với 1.345 giáo viên, 10.799 học sinh (trong đó có 5.080 học sinh Việt Nam). Hầu hết các trường đều kết hợp dạy thêm một phần chương trình nước ngoài, các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh hoặc lồng ghép dạy. Các trường phổ thông quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường học tập tốt cho con em người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến Việt Nam công tác hoặc kinh doanh, góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giảm chi cho ngân sách nhà nước đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP, ngày 24-10-2014, về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Hiện nay, đã có 10 trường đại học được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện Đề án thí điểm.
Từ năm 2005 trở về trước, các dự án đầu tư trong nước hầu hết do một hoặc một số cá nhân bỏ vốn đầu tư. Trong những năm gần đây đã xuất hiện một số nhà đầu tư tiềm năng, như Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) đầu tư thành lập và vận hành Trường Đại học Bưu chính Viễn thông; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư thành lập và vận hành Trường Đại học Điện lực; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PETROVIETNAM) đầu tư thành lập và điều hành Trường Đại học Dầu khí; Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam (Vietronics) đầu tư thành lập và vận hành Trường Cao đẳng Vietronics Hải Phòng; Tập đoàn FPT đầu tư thành lập và vận hành Trường Đại học FPT; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (BECAMEX IDC Corp.) đầu tư thành lập và vận hành Trường Đại học Quốc tế miền Đông; Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đăng ký đầu tư thành lập và vận hành Trường Đại học Y khoa Hoàn Mỹ,...
Các địa phương không chỉ kêu gọi sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, mà còn tìm kiếm các nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, ví dụ như tỉnh Bến Tre đã kêu gọi Tổ chức thiện nguyện thành phố Ni-ga-ta (Nhật Bản) xây dựng 2 phòng học trị giá 190 triệu đồng; đoàn giáo viên, học sinh Xin-ga-po xây mới 1 phòng học trị giá 140 triệu đồng; đoàn học sinh Mỹ láng sân trường trị giá 174 triệu đồng; tại thành phố Hà Nội, Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu đã được tổ chức Christoffel Blindenmission (CBM) của Đức viện trợ kinh phí phục vụ chương trình giáo dục trẻ khiếm thị tại trường với tổng kinh phí viện trợ là 399 triệu đồng. Tổ chức Samaritan (Mỹ) viện trợ 462 triệu đồng để trao học bổng, dạy nghề cho học sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố; tỉnh Hà Nam đã kêu gọi Đại sứ quán Nhật Bản ủng hộ 2,9 tỷ đồng. Các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài trong giáo dục và đào tạo được Quốc hội và Chính phủ ban hành là căn cứ pháp lý để triển khai có kết quả tốt việc thu hút nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
- Trong thực hiện Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, ngày 30-5-2008, về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, những ưu đãi về giao đất hoặc cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; cho thuê đất, cơ sở vật chất với giá ưu đãi; ưu đãi tín dụng thực tế triển khai rất hạn chế do nhiều nguyên nhân, như vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, thiếu quy hoạch sử dụng đất đai cho mục đích xã hội hóa.
- Trong quá trình thực hiện Quyết định số 1466/QĐ-TTg, do quỹ đất tại các đô thị có hạn nên các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập chưa được ưu tiên xem xét thực hiện giao đất, cho thuê đất, thuê nhà theo Thông tư số 135/2008/TT- BTC, ngày 31-12-2008, của Bộ Tài chính hoặc đã được giao đất, thuê đất, thuê nhà nhưng không bảo đảm diện tích đất tối thiểu theo quy định; để đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, các trường ngoài công lập tự thu xếp nguồn vốn trong việc chuyển nhượng hoặc thuê đất của tư nhân để đầu tư xây dựng nên chi phí đầu tư cao; quy mô học sinh/trường thấp, nhất là cấp học mầm non. Đối với các trường ngoài công lập thì loại hình trường đa cấp là khá phổ biến, nhưng Quyết định số 1466/QĐ-TTg chưa có quy định về loại hình trường này nên khó khăn cho các đơn vị khi thực hiện.
- Nghị định số 49/2010/NĐ-CP và Nghị định số 74/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, theo đó lộ trình đổi mới chế độ học phí đối với các trường đại học công lập chưa phù hợp với mặt bằng giá cả và việc điều chỉnh chính sách cải cách tiền lư¬ơng trong những năm qua. Điều này đã làm hạn chế quyền tự chủ của các trường trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính. Các cơ sở giáo dục đại học công lập không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo, bảo đảm chất lượng đào tạo và tái đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, nên phần lớn các cơ sở đào tạo công lập đều không đáp ứng đủ tiêu chí về cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng. Do bị khống chế về trần học phí, nên để có thêm nguồn thu, các cơ sở giáo dục đại học công lập buộc phải tăng số lượng và quy mô học sinh đào tạo, mở rộng các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết đào tạo. Nhưng việc mở rộng quy mô đào tạo không tương xứng với năng lực đào tạo của nhà trường (về giáo viên, cơ sở vật chất, thư viện, phòng thí nghiệm,...).
- Nhận thức về xã hội hóa giáo dục và đào tạo chưa thực sự thống nhất, đồng thuận trong các cấp quản lý và các tầng lớp nhân dân. Vẫn còn tư duy bao cấp và tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước nên rụt rè, lưỡng lự trong hành động kêu gọi đầu tư; chưa quyết liệt triển khai công tác xúc tiến đầu tư, hoặc thiếu sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng danh mục kêu gọi đầu tư. Trong danh mục thu hút đầu tư thường chỉ nêu chung chung về các dự án giáo dục và đào tạo mà chưa có thông tin cụ thể để giới thiệu với các nhà đầu tư. Thủ tục đầu tư còn phức tạp, bất cập gây khó khăn cho quá trình vận động đầu tư, giới thiệu dự án và đàm phán cụ thể.
- Trong những năm gần đây, công tác tuyển sinh đào tạo các trình độ đại học và cao đẳng, trung cấp của các trường tư thục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chất lượng đầu vào rất thấp. Tỷ lệ học sinh, sinh viên ngoài công lập đạt thấp hơn chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết.
- Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương, việc giao đất sạch cho các nhà đầu tư là một chính sách ưu đãi rất lớn để thu hút đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, chính sách này rất khó thực hiện trong thực tế do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là thiếu quy hoạch sử dụng đất đai cho mục đích xã hội hóa và thiếu kinh phí thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư. Ngay cả đối với quỹ đất sạch trong các dự án khu đô thị, nhà đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục cũng gặp không ít khó khăn trong việc chi trả kinh phí hạ tầng cho nhà đầu tư phát triển khu đô thị và thường phải giãn tiến độ thực hiện dự án để chờ được giao đất.
- Một số chính sách không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác, như trong Nghị định số 73/2012/NĐ-CP, ngày 26-9-2012, của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, quy định về pháp nhân cơ sở giáo dục chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp; quy định về hình thức liên kết đào tạo; về hình thức đầu tư; hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư có điểm không phù hợp với quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP, ngày 22-9-2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 73/2012/NĐ-CP, ngày 26-9-2012, của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục quy định tỷ lệ hạn chế học sinh Việt Nam được theo học (10% đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở; 20% đối với học sinh trung học phổ thông) là không phù hợp với nhu cầu của xã hội, đặc biệt là ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
- Việc các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, ngày 30-5-2008, của Chính phủ đòi hỏi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên đến nay chưa có văn bản của Thủ tướng Chính phủ về việc này, do đó các địa phương khi xác định các ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế,... cho các nhà đầu tư nước ngoài phải dẫn chiếu theo các văn bản pháp luật khác.
- Còn thiếu các chính sách ưu đãi chuyên biệt giành cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thực tế, ngoài mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho dự án giáo dục ở mức tương đối thấp thì các dự án giáo dục chưa được hưởng sự hỗ trợ đặc biệt nào trong quá trình đầu tư, như hỗ trợ về tìm kiếm địa điểm, về các thủ tục,...
- Thời gian thẩm định các dự án thực tế còn dài, không tuân thủ quy định hiện hành của Chính phủ, trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ, các cơ quan chức năng phải có ý kiến bằng văn bản do nhiều thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, trải qua nhiều công đoạn do phải thống nhất ý kiến giữa các bộ, ngành.
Trong điều kiện khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước cho giáo dục có hạn, việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đòi hỏi cần phải có kinh phí bổ sung để đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, trang bị thêm phương tiện, thiết bị, công nghệ dạy học mới. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp sau về xã hội hóa giáo dục nhằm huy động tối đa nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo:
Một là, rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan đến xã hội hóa giáo dục, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo.
Hai là, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động theo hướng tiếp tục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự và khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tăng cường hoàn thiện các công cụ quản lý và vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Công khai các quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, danh mục các dự án trọng điểm đầu tư thuộc các nguồn vốn.
Ba là, ban hành các cơ chế tạo sự bình đẳng giữa hệ thống giáo dục và đào tạo công lập và ngoài công lập trong tham gia đào tạo nguồn nhân lực xã hội và hưởng các hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
Bốn là, khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, viện trợ và hỗ trợ giáo dục, đào tạo dưới các hình thức khác nhau, như trao học bổng, nhận sinh viên đến thực tập, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, hiến, tặng sách vở, tài liệu trực tiếp cho học sinh, sinh viên, hoặc cho cơ sở giáo dục, đào tạo.
Năm là, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước thành lập trường tư thục ở tất cả các ngành học, cấp học và trình độ đào tạo; cho phép nhà đầu tư trong nước thành lập cơ sở giáo dục, đào tạo tư thục thuê giáo viên người nước ngoài giảng dạy một số chương trình quốc tế; cho phép các cơ sở đào tạo áp dụng mô hình đào tạo chuyển tiếp bằng hình thức học 1 hoặc 2 năm trong nước, học 2 hoặc 3 năm ở nước ngoài và do trường trong nước và trường nước ngoài cùng cấp bằng...
Sáu là, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học hàng đầu quốc tế mở cơ sở đào tạo ở Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Khuyến khích đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo chất lượng cao ở vùng đô thị có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
Bảy là, tổ chức các diễn đàn, hội thảo nhằm giới thiệu các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam cần thu hút nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, đồng thời là cơ hội để tiếp cận và tạo mối quan hệ thân thiết với các nhà tài trợ chiến lược.
Tám là, rà soát biểu cam kết WTO về quy định liên quan đến hạn chế tiếp cận thị trường, hạn chế đối xử quốc gia đối với các ngành và phân ngành của lĩnh vực giáo dục và đào tạo để đề xuất hướng điều chỉnh cho phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Tiếp tục hài hòa chính sách, quy trình và thủ tục về đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; mua sắm và đấu thầu, quản lý tài chính,... giữa Việt Nam và các nhà tài trợ. Áp dụng các cơ chế và hình thức thích hợp, như hợp tác công tư (PPP)... trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo./.
Tỉnh Moskva (Liên bang Nga) thúc đẩy hợp tác với các địa phương Việt Nam  (22/10/2015)
Thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 12, khóa XI và Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương khóa XII  (22/10/2015)
Chủ tịch nước tiếp cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak  (22/10/2015)
Đồng Tháp tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển công nghiệp  (22/10/2015)
Quyết tâm đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững  (22/10/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên