I. Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua

Thứ nhất, chiếm tỷ trọng rất nhỏ về số lượng dự án và vốn đầu tư trong tổng FDI trong nền kinh tế.

Trong giai đoạn 1990-2009 tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được cấp phép là 12.575 dự án với số vốn đăng ký 194.429,5 triệu USD. Trong đó số dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là 738 dự án, chiếm 5,9% tổng số dự án đăng ký, với số vốn đăng ký là 4.379,1 triệu USD, chiếm 2,3% tổng số vốn đăng ký.(2) Riêng năm 2009 có 1.208 dự án được cấp phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 23.107,7 triệu USD; trong đó số dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là 29 dự án, chiếm 2,4% tổng số dự án với số vốn là 134,5 triệu USD, chiếm 0,6% tổng vốn đăng ký, không có dự án quy mô lớn.

Bảng 1: Đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài
được cấp giấy phép trong năm 2009 phân theo ngành kinh tế

Lĩnh vực

Số dự án

Tỷ lệ (%)

Vốn đăng ký (triệu USD)

Tỷ lệ (%)

Tổng

1208

100

23107,3

100

Nông lâm nghiệp, thủy sản

29

2,4

134,5

0,6

Công nghiệp-xây dựng

550

45,5

5175,7

22,4

Dịch vụ-Thương mại

629

52,1

17797,1

77

                Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2010

Thứ hai, phân bổ không đồng đều trong nông nghiệp

Các dự án FDI chỉ tập trung vào một số ngành như: chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi, trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, thủy sản. Trong đó, đầu tư vào trồng rừng và chế biến gỗ chiếm khoảng 78% tổng vốn FDI vào nông nghiệp. Cả nước có 453 dự án FDI đầu tư vào trồng rừng và chế biến gỗ đã được cấp phép với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 tỷ USD, trong có 421 dự án đang có hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,38 tỷ USD, nhưng vốn thực hiện chỉ đạt 359 triệu USD.

Thứ ba, phân bổ không đồng đều theo địa phương

Hầu hết các dự án FDI vào nông nghiệp tập trung vào những tỉnh có lợi thế về vùng nguyên liệu, có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư như: Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Lâm Đồng Thanh Hóa, Nghệ An, một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên. Trong đó, Bình Dương là tỉnh đứng đầu, tiếp theo là Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Lâm Đồng. Cụ thể về vốn FDI vào nông nghiệp được phản ánh qua số liệu bảng 2

 

Bảng 2: Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành nông nghiệp phân theo địa phương

TT

Địa phương

Số dự án

Vốn đăng ký (USD)

Vốn thực hiện (USD)

Tỷ lệ vốn điều lệ (%)

1

Bình Dương

265

1109622258

450439627

20.31

2

Đồng Nai

103

1058744864

468793875

21.14

3

TPHCM

85

268579865

101309892

4.57

4

Tây Ninh

25

222527500

149407680

6.74

5

Lâm Đồng

77

172100716

105429882

4.75

6

Long An

19

150201700

56433936

2.54

7

Vũng Tàu

24

108443720

48023720

2.17

8

Nghệ An

6

105838640

50638000

2.28

9

Thanh Hóa

9

87079000

33290000

1.50

10

Ninh Bình

5

63329672

26322529

1.19

11

Cáctỉnh khác

348

1336397754

727966035

32.82

Tổng số

952

4682865689

2218055176

100.00

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tính toán của nhóm tác giả, 2009

Thứ tư, cơ cấu theo hình thức đầu tư và nguồn gốc đầu tư

Hiện nay có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, trong đó các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan chiếm hơn 60% tổng vốn đăng ký, riêng Đài Loan là 25%. Vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện chủ yếu dưới 2 hình thức là hình thành doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Trong đó, hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm khoảng 77,4%, còn lại là hình thức liên doanh 22,1%. Các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Mỹ thường thực hiện đầu tư theo hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Trong khi đó, các nhà đầu tư đến từ Pháp, Hồng Kông, Ma-lay-xi-a chủ yếu lựa chọn hình thức doanh nghiệp liên doanh.

II. Những trở ngại dẫn đến hạn chế động lực FDI vào nông nghiệp.

2.1. Hoạt động kinh doanh nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro.

Địa bàn diễn ra kinh doanh nông nghiệp thường rộng lớn, cơ sở hạ tầng kém phát triển, tác động bất thường của điều kiện thời tiết, khí hậu khó lường. Sản phẩm nông sản mang tính thời vụ cao, dễ hư hỏng, dễ bị ảnh hưởng xấu của của dịch bệnh và sự suy thoái về chất lượng. Các doanh nghiệp FDI nông nghiệp thường tốn kém nhiều vốn vào đào tạo chuyên môn cho lao động và đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật của sản xuất nông nghiệp như thủy lợi nội đồng, đường liên thôn bản, hệ thống dẫn nước trong sản xuất nông nghiệp và các công trình phúc lợi cho công nhân tại các cơ sở chế biến nông sản, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong khi các doanh nghiệp FDI trong công nghiệp, thương mại không phải chịu những khoản đầu tư này. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản đang đòi hỏi các nhà đầu tư phải tăng thêm vốn đầu tư vào xử lý chất thải và chống ô nhiễm, làm tăng thêm chi phí sản xuất. Các dự án trồng rừng và cây công nghiệp gặp nhiều khó khăn về quỹ đất giành cho họ không đủ về quy mô và mức độ tập trung để sản xuất theo yêu cầu hàng hóa lớn. Tình trạng tranh chấp về đất đai trong sản xuất nguyên liệu giữa các loại cây trồng diễn ra ngày càng phổ biến đang làm nản lòng các nhà đầu tư FDI không tự bảo vệ được vùng nguyên liệu. Những địa phương có nhiều diện tích đất trồng rừng như các tỉnh Tây Bắc thì địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, khó tìm mặt bằng để đầu tư nhà máy chế biến và các hạng mục hạ tầng khác nên không hấp dẫn nhà đầu tư…Các dự án đầu tư FDI vào nuôi trồng thủy sản đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường nước không bảo đảm bền vững cho hoạt động kinh doanh.

2.2. Sản xuất nông nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ, phân tán, thiếu tính liên kết, phối hợp và không chuyên nghiệp, chưa tạo ra sức thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI.

Nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là sản xuất nhỏ với số lượng nông dân rất đông đảo cùng sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ, manh mún và chưa quen với phương thức sản xuất hàng hóa, đa số nghèo và tâm lý phức tạp. Các vùng sản xuất chưa được chuyên môn hóa với kết cấu hạ tầng đồng bộ; cơ cấu sản xuất chưa ổn định, thiếu tầm nhìn dài hạn. Các chủ thể sản xuất nông nghiệp chủ yếu là các hộ gia đình với phương thức sản xuất truyền thống, kỹ thuật giản đơn, chưa được đào tạo về chuyên môn quản lý, kỹ thuật. Họ tự quyết định đầu tư mua sắm vật tư sản xuất như giống cây, con, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, trả công lao động, cải tạo đồng ruộng, xây dựng chuồng trại chăn nuôi…trong điều kiện thiếu các dịch vụ cung ứng chuyên nghiệp đã tạo ra chất lượng các đầu vào thấp, làm cho sản xuất của nông dân không thể nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Phương thức sản xuất như vậy đã không hấp dẫn các nhà đầu tư FDI trong làm ăn với nông dân ta. Tính chất mùa vụ của sản xuất nông nghiệp vốn là khách quan, ảnh hưởng không thuận đến động lực đầu tư. Trong điều kiện sản xuất nhỏ, phân tán và thiếu gắn kết giữa các hộ nông dân thì ảnh hưởng không thuận này lại càng tăng lên. Thêm vào đó hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng chưa phát triển đủ mạnh và toàn tâm phục vụ nông nghiệp, chưa tạo đủ vốn tín dụng cho người sản xuất nông nghiệp đã làm tăng gánh nặng về vốn tiền mặt ngắn hạn lên các doanh nghiệp nói chung và nhà đầu tư FDI nói riêng trong việc thu mua sản phẩm của nông dân, dẫn đến làm suy giảm động lực của họ trong đầu tư vào nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp chưa hình thành được các chuỗi giá trị bền vững từ cung ứng đầu vào, canh tác trên đồng ruộng, thu hoạch, đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ, tình trạng chia cắt, tranh chấp đã tạo ra thị trường nông sản nguyên liệu không lành mạnh, mang tính phổ biến làm nản lòng các doanh nghiệp và nhà đầu tư FDI.

2.3. Nhà nước chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, phù hợp để thu hút FDIvào nông nghiệp.

Cơ chế, chính sách về quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nông sản cho các dự án FDI đã cấp phép không được thực thi trong thực tế. Các dự án mía đường gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, phát triển và duy trì các vùng mía mà nhà nước đã quy hoạch cho họ. Các dự án chế biến gỗ, sữa, dầu thực vật không thể thực hiện đúng quy định sử dụng nguyên liệu trong nước với các lý do khác nhau. Số lượng và chất lượng nguyên liệu ở Việt Nam không phù hợp với dây chuyền công nghệ của nhà đầu tư, việc phát triển vùng nguyên liệu khó khăn do điều kiện hạ tầng kém, thời tiết phức tạp…Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tháng 1-2006, nhưng các vùng thủy sản vẫn chưa được hình thành trong cả nước đã gây trở ngại cho thu hút FDI vào lĩnh vực này. Nhiều vùng sản xuất nguyên liệu nông sản chưa có quy hoạch, hoặc đã có nhưng không được thực thi nghiêm túc để tạo vùng sản xuất tập trung có uy tín, có thương hiệu với hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ và đầy đủ theo yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn cho toàn vùng. Mặt khác, do chưa có quy hoạch, hoặc quy hoạch lỏng lẻo, thiếu chế tài hữu hiệu quản lý các vùng sản xuất tập trung nên đã tạo ra sự phát triển tự do, cạnh tranh tùy tiện và cả độc quyền vô nguyên tắc đã làm cho thị trường nguyên liệu nông sản trong vùng trở nên hỗn loạn, lúc tăng, lúc giảm và tình trạng này lại được một bộ phận các nhà quản lý cả ở trung ương và địa phương xem là “đúng theo quy luật của cơ chế thị trường” đã dẫn đến kết cục là không tạo được vùng nguyên liệu phát triển ổn định, có sự kiểm soát của nhà nước về nguồn gốc, chất lượng nông sản. Vùng nguyên liệu nông sản không hấp dẫn FDI. Các danh mục dự án quốc gia gọi vốn do Chính phủ ban hành thường ít chú trọng những thông tin cụ thể về lĩnh vực nông nghiệp. Thông tin về từng dự án trong danh mục dự án quốc gia gọi vấn còn rất sơ lược, thiếu chuẩn xác, chưa chỉ rõ các vùng đầu tư ở đâu và điều kiện thế nào, và đặc biệt mang nặng mong muốn chủ quan của cơ quan chủ quản và các doanh nghiệp Việt Nam, chưa tính đến động lực và lợi ích thực tế của nhà đầu tư FDI nên không thu hút được quan tâm của nhà đầu tư FDI.

2.4. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với các nhà đầu tư FDI trong nông nghiệp thiếu rõ ràng và minh bạch.

Các quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục đầu tư và tổ chức hoạt động của các dự án FDI trong nông nghiệp chưa tính hết những đặc thù như: chứa đựng nhiều rủi ro trong kinh doanh; khả năng tiên lượng về thị trường khó khăn; các mối quan hệ giữa các tác nhân trong triển khai dự án phức tạp hơn so với dự án FDI trong công nghiệp, xây dựng và thương mại... Các quy định của luật pháp về đầu tư FDI hiện nay ít phù hợp với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan địa phương trong thẩm định, cấp phép dự án chưa nghiêm túc và rõ ràng, làm nhà đầu tư mất nhiều thời gian, chi phí giao dịch, nhất là các dự án nhạy cảm về môi trường sinh thái… Các quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư FDI trong nông nghiệp còn chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu chỉ rõ các điều kiện và tiêu chí áp dụng, vì vậy chỉ nằm trên giấy, không vận hành vào thực tiễn. Các biểu hiện cụ thể như: (i). Chính sách đất đai, mặt nước chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án FDI trong nông nghiệp. Hầu hết các dự án FDI trong lĩnh vực này cần vùng nguyên liệu tập trung, đều gặp phải sự trắc trở, thậm chí là bế tắc trong tiếp cận đất đai . Nhiều dự án trồng rừng, trồng mía công nghiệp gặp khó khăn do chỉ được giao một phần nhỏ diện tích đất trồng rừng so với quy định tại giấy phép đầu tư. Các dự án trồng và chế biến rau quả gặp cản trở trong thuê đất và quan hệ với nông dân về đất đai. Các dự án thủy sản gặp khó khăn trong giao mặt nước cho nuôi trồng thủy sản ở các vùng biển do trở ngại về môi trường sinh thái trong điều kiện năng lực quản lý của Việt Nam còn hạn chế. (ii). Chính sách tín dụng chưa hỗ trợ cho các dự án FDI; các hoạt động tín dụng tại chỗ chưa hậu thuẫn cho triển khai các dự án FDI, cho rằng chủ đầu tư không cần nguồn tín dụng này…

2.3. Tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản ở Việt Nam còn nhiều vấn đề mâu thuẫn, phức tạp khó xử lý.

Tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu về nguyên liệu cho chế biến nông sản diễn ra phổ biến, liên tục và ngày càng nan giải. Tình trạng nông dân không gắn hoạt động sản xuất nông sản nguyên liệu của họ với hoạt động thu mua, chế biến của các doanh nghiệp đang đẩy tới tình trạng tranh chấp trong mua - bán nguyên liệu vừa đẩy giá nguyên liệu lúc lên cao, lúc xuống thấp diễn ra phổ biến gây bất lợi cho cả người nông dân sản xuất, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và cả lĩnh vực nông nghiệp nói chung. Phần lớn nông sản (tới 90%) được tiêu thụ ở dạng tươi sống và chế biến thô, giá trị gia tăng thấp và không có thương hiệu, nguồn gốc Việt Nam.

III. Những nội dung cần thay đổi của chính sách thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp

3.1. Chính sách hỗ trợ, ưu đãi các dự án FDI trong nông nghiệp

Các dự án FDI trong nông nghiệp mặc dù được xem thuộc diện khuyến khích và đặc biệt khuyến khích đầu tư và Nhà nước đã áp dụng biện pháp ưu đãi đầu tư với các hình thức: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất và các hình thức ưu đãi khác. Trong những năm tới cần tiếp tục những hình thức ưu đãi và hỗ trợ này, tuy nhiên để thực hiện những cam kết WTO của Việt Nam về chính sách hỗ trợ nông nghiệp thì việc xem xét để chỉnh sửa các quy định về ưu đãi và hỗ trợ các nhà đầu tư FDI trong nông nghiệp cho phù hợp với cam kết là cần thiết. Cụ thể là:

- Tiếp tục duy trì và mở rộng các ưu đãi, hỗ trợ hiện hành đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng cần loại bỏ các tiêu chí về khuyến khích xuất khẩu và ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước;

- Tăng cường các biện pháp hỗ trợ thuộc hộp xanh lá cây. Bao gồm: các biện pháp cho nông dân vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu nông sản phục vụ công nghiệp chế biến; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản; áp dụng hạn ngạch thuế quan thay thế cho biện pháp cấm và áp dụng hạn ngạch về khối lượng nhập khẩu đối với một số mặt hàng như đường, sữa đồng thời đánh thuế nhập khẩu theo mùa; áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu cao đối nhập khẩu nguyên thô phục vụ chế biến như đường thô(3), sữa bột...

- Tiếp tục áp dụng biện pháp ưu đãi thuế thu nhập đối với các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các loại giống mới, dự án phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Có chính sách trợ cấp cho nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp khi bị tổn thất vì thiên tai, bị rủi ro về biến động giá thị trường nông sản. Trong điều kiện hạn chế về tài chính, cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp nhằm tăng năng lực phòng chống thiên tai, hạn chế rủi ro dịch bệnh, biến động giá nông sản… Chú trọng biện pháp lập và sử dụng quỹ bảo hiểm nông nghiệp cho các trường hợp này

3.2. Chính sách hỗ trợ vốn tín dụng cho dự án FDI

Hiện nay nguồn vốn tín dụng cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu từ các nguồn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng người nghèo, các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia và nguồn của một số ngân hàng cổ phần hoạt động ở nông thôn, điển hình là ngân hàng Liênvietbank…nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nông dân và doanh nghiệp. Do vậy, cần phát triển mở rộng phần cung của thị trường vốn tín dụng tại các vùng nông nghiệp nói chung và vùng có các dự án FDI nói riêng theo những hướng sau:

- Xem xét để xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng có nguồn vốn nhà nước. Theo đó, các dự án FDI trong nông nghiệp cũng là đối tượng được hưởng cả 3 chế độ tín dụng từ Ngân hàng phát triển gồm: vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng. Đồng thời, cần tạo điều kiện về thủ tục để các doanh nghiệp FDI được tiếp cận thuận lợi nguồn tín dụng ưu đãi này;

- Hướng dẫn kênh hỗ trợ vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp từ Ngân hàng phát triển để tạo nguồn vốn bổ sung cho các doanh nghiệp FDI đang triển khai một số dự án đầu tư tạo giống, sản xuất sản phẩm xuất khẩu…

- Áp dụng cơ chế bảo lãnh, thế chấp để doanh nghiệp FDI có dự án đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư được tiếp cận thuận lợi;

- Xem xét phân bổ một phần vốn ODA vào đầu tư hạ tầng nơi triển khai các dự án FDI về mía đường, cây công nghiệp dài ngày, trồng rừng…

3.3. Chính sách về đất đai, mặt nước tạo thuận lợi cho dự án FDI

Cần mạnh dạn thực hiện các chính sách sau:

- Chính quyền địa phương chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu tư trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư với doanh nghiệp theo quy định của Luật đất đai hiện hành về các hình thức cho thuê hoặc góp vốn bằng đất để cùng kinh doanh nông nghiệp;

- Ngân sách hoặc các nguồn vay ODA của Việt Nam thực hiện đầu tư giải phóng mặt bằng tại các vùng dự án triển khai;

- Mở rộng và đảm bảo quyền lợi của người nông dân trong việc chuyển giao quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư, đi đôi với đảm bảo khả năng sử dụng đất ổn định theo quy hoạch của nhà đầu tư. Đơn giản hóa thủ tục trong việc xác nhận hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận chuyển giao quyền sử dụng từ nông dân sang nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có tài sản hợp pháp về đất để thế chấp khi cần vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đầu tư theo nhu cầu của dự án;

- Từng địa phương tiến hành quy hoạch lại việc sử dụng các loại đất của các dự án FDI trong nông nghiệp và xác định kế hoạch sử dụng đất lâu dài cho từng dự án FDI trong nông nghiệp trên địa bàn và chính thức hóa vào hồ sơ rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

3.4.Chính sách hỗ trợ nhà đầu tư FDI phát triển vùng nguyên liệu.

Việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, có chất lượng cao và nằm trong sự kiểm soát của nhà nước là yêu cầu rất bức xúc của các vùng nguyên liệu đã quy hoạch cho từng dự án FDI trong nông nghiệp hiện nay. Vì vậy, cần khuyến khích các nhà đầu tư cùng với Chính phủ Việt Nam đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu trong nước để đáp ứng đúng yêu cầu kinh doanh của nhà đầu tư và đảm bảo lợi ích của nông dân đã chuyển giao quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư FDI. Chính sách cùng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu nông sản nên theo định hướng sau:

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn dưới hình thức cho nhà đầu tư FDI vay để xây dựng các hạng kết cấu hạ tầng cứng và mềm cần thiết và sử dụng lâu dài tại vùng nguyên liệu;

- Ngân sách nhà nước và các tổ chức dụng triển khai các hình thức tín dụng ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp để đầu tư trực tiếp vào cây trồng để tạo vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu kinh doanh có hiệu quả.

- Chính quyền tỉnh và các huyện có vùng nguyên liệu của dự án FDI có trách nhiệm bảo vệ và duy trì các vùng nguyên liệu đã quy hoạch cho dự án FDI để đảm bảo cung cấp đầy đủ nguyên liệu tập trung cho nhà đầu tư;

- Xác định quyền và trách nhiệm cho nhà đầu tư trong việc đưa ra các biện pháp bảo vệ vùng nguyên liệu của họ. Nhà nước nghiên cứu đưa ra các quy định phù hợp về cả quyền và trách nhiệm của nhà đầu tư với vùng nguyên liệu, đủ đảm bảo giúp nhà đầu tư duy trì và phát triển các vùng nguyên liệu, đồng thời có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng hạ tầng của vùng nguyên liệu theo quy hoạch. Đồng thời nhà nước sẽ cùng nhà đầu tư chăm lo xây dựng các cơ sở văn hóa giáo dục, cơ sở hạ tầng của nông thôn của các cộng đồng dân cư vùng nguyên liệu nhằm gắn lợi ích của họ với vùng nguyên liệu.

3.5. Chính sách phát triển nguồn nhân lực

Để khắc phục những yếu kém và nâng cao tính hấp dẫn của nguồn nhân lực trong các dự án FDI trong nông nghiệp, Nhà nước cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhiều mặt cho lực lượng lao động làm việc cho các dự án này. Chính quyền tỉnh hỗ trợ các nhà đầu tư tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn đội ngũ lao động trực tiếp và lao động gián tiếp cả về kiến thức ngoại ngữ, chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Phát triển hệ thống đào tạo nghề ở nông thôn, hệ thống khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, kiến thức kinh tế và kiến thức về thị trường cho người lao động tại chỗ, trong đó có lao động làm việc cho FDI. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể địa phương trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư FDI tiếp cận người dân, gia đình những người làm việc cho FDI để tạo sự hiểu biết, chia sẻ và hiểu biết lẫn nhau, qua đó phát triển nguồn nhân lực địa phương nói chung và nguồn nhân lực làm việc cho FDI./.
 
----------------------------------------------------

(1) Theo nghĩa rộng, bao gồm: nông nghiệp thuần, lâm nghiệp, thủy sản và nghề muối

(2) Tổng cục Thông kê, Niên giám thông kê năm 2010

(3) Trong thực tế, đường cũng là một trong những sản phẩm được hưởng mức trợ cấp sản xuất trong nước rất cao ở các nước phát triển, nhất là EU, Oxtrâylia và Mỹ. Do vậy, giá đường trên thị trường quốc tế đã bị bóp méo đáng kể. Nếu ở mức giá như hiện nay thì chỉ có 3 nước (Brazil, Oxtrâylia và Thái Lan) là có giá thành sản xuất thấp hơn giá đường quốc tế. Do vậy, Việt Nam vẫn phải áp dụng mức độ bảo hộ hợp lý để sản xuất đường trong nước vẫn có thể tiếp tục trong điều kiện giá đường nhập khẩu thấp hơn giá thành sản xuất đường trong nước.