Chiều 10-5, Hội nghị Thế giới về phòng chống đuối nước 2011 (WCDP2011) đã chính thức khai mạc tại Đà Nẵng, do Hiệp hội Cứu nạn Hoàng gia Úc; tổ chức Liên minh vì an toàn của Trẻ em (TASC - Hoa Kỳ); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Sở Ngoại vụ Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Dự phiên khai mạc có Toàn quyền Ô-xtrây-li-a Quin-tin Brai-xơ (Quentin Bryee) và Phu quân; lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và 400 đại biểu đến từ hơn 50 quốc gia.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Toàn quyền Ô-xtrây-li-a Quin-tin Brai-xơ (Quentin Bryee) khẳng định, không có thách thức con người nào to lớn hơn là cần phải phòng ngừa những cái chết vô nghĩa ở trẻ em đặc biệt là bắt nguồn từ đuối nước. Thời gian qua, Việt Nam đã có những hành động hiệu quả trong việc đối phó với tình trạng này. Toàn quyền Ô-xtrây-li-a hoan nghênh các tổ chức đã tổ chức Hội nghị này, đây sẽ là nơi tụ họp các chuyên gia hàng đầu thế giới về phòng ngừa đuối nước và sẽ có những tham khảo, những biện pháp mới về việc phòng ngừa, cứu hộ và giảm thiểu các rủi ro về đuối nước.

Hội nghị Thế giới về phòng chống đuối nước 2011 được tổ chức nhằm kêu gọi toàn cầu chung tay ngăn chặn nạn đuối nước đáng báo động tại Châu Á. Tiếp theo Hội nghị quốc tế về An toàn dưới nước tổ chức ở Bồ Đào Nha năm 2007, nơi mà nạn đuối nước trẻ em ở các nước thu nhập thấp và trung bình gia tăng đã được đề cập, Hội cứu trợ quốc tế (ILC) đã tiếp tục hội nghị quốc tế lần này để thực hiện lời cam kết quyết tâm phòng chống đuối nước.

Nghiên cứu cho thấy nạn đuối nước là 1 trong 4 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em tại nhiều quốc gia Châu Á và ước tính có 300.000 trẻ em bị chết đuối ở Châu Á hằng năm. 96% nạn đuối nước xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, chủ yếu là ở Châu Á và Châu Phi. Không như ở những nước có thu nhập cao là nơi mà đuối nước xảy ra tại các nơi có hoạt động giải trí, nạn đuối nước xảy ra tại các nước thu nhập thấp và trung bình hầu hết bắt nguồn từ các hoạt động hằng ngày tại các giếng, các kênh thuỷ lợi, ao, mương... Ở nước thu nhập cao, các chiến dịch giáo dục cộng đồng và phối hợp đa ngành mạnh mẽ đã dẫn đến sự phát triển của luật pháp với các quy định bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ chết đuối. Kết quả là, tỷ lệ chết do nạn đuối nước, đặc biệt là ở trẻ em, đã được giảm đáng kể trong suốt thế kỷ qua. Tuy nhiên, nạn đuối nước vẫn còn là một nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 1-4 tuổi nhiều nước có thu nhập cao như Úc, Mỹ và khắp Châu Âu.

Theo Tiến sĩ Stíp Bê-man (Steve Beerman), Chủ tịch Hội cứu trợ quốc tế: đối với một số nước có thu nhập thấp và trung bình, nạn đuối nước sẽ là một cản trở lớn để đạt được mục tiếu thứ 4 trong những mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ do Liên Hiệp quốc đề ra là giảm tỷ lệ tử vong trẻ em đuối nước vào năm 2015. Mục tiêu của chúng tôi là giảm thiểu nạn đuối nước trẻ em ở những nước này.

Việt Nam đã chủ động thành lập liên đoàn phòng chống đuối nước và đã chỉ ra 15 tỉnh, thành có tỷ lệ nạn đuối nước cao. Chính phủ Úc cũng đã công nhận đuối nước là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng trong khu vực và đang hỗ trợ các hội nghị thông qua các tổ chức của Úc đối với phát triển quốc tế, như AusAID và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam. AusAID khuyến khích những nỗ lực để nâng cao nhận thức, sự hợp tác và hỗ trợ chiến lược phòng chống đuối nước qua chương trình SwimSafe tại Đà Nẵng và gần đây đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu đuối nước quốc tế- Bangladesh, nơi tập trung vào phát triển xã hội và văn hoá các biện pháp phòng chống đuối nước.

Hội nghị kết thúc ngày 13-5./.