TCCS - Trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô hiện nay, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được thành phố Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát huy các giá trị văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và cả nước. 

1- Thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4-6-2020, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, gắn với quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa. Để thực hiện nội dung này, thành phố Hà Nội xác định triển khai hiệu quả các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa gắn với việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử do thành phố ban hành. Các hoạt động đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành và thu hút được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Trong quá trình triển khai thực hiện, đã có nhiều điểm mới, sáng tạo, nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, toàn diện, nổi bật. Tiêu biểu là việc tập trung thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm tuyên truyền giá trị về văn hóa truyền thống, phát huy giá trị tốt đẹp trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, góp phần thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030. Công tác xây dựng thôn, làng văn hóa được gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ dân phố văn hóa gắn với xây dựng đô thị văn minh cùng các phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và các loại tội phạm xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội… được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các mô hình thôn, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu được triển khai rộng khắp trên toàn thành phố, như mô hình “Thôn, tổ dân phố tự quản”, “Thôn, tổ dân phố 5 không, 3 sạch”. Hằng năm, thành phố có 88% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 63% thôn (làng) đạt danh hiệu Làng văn hóa, có 72,5% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa.

Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã đã tổ chức tốt việc tôn vinh, khen thưởng các danh hiệu gắn với ngày Quốc tế Hạnh phúc (ngày 20-3), Ngày gia đình Việt Nam (ngày 28-6), Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt (ngày 10-10), Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (ngày 18-11). Liên đoàn Lao động thành phố và các quận, huyện đã tập trung nâng cao chất lượng cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp” trong công nhân, viên chức lao động Thủ đô gắn với phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, ban hành Đề án Xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và địa bàn có công nhân lao động cư trú tập trung giai đoạn 2022 - 2025.

Đáng chú ý, công tác xây dựng các mô hình văn hóa thời gian qua ở hầu hết các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có sự thay đổi từ tư duy, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và đông đảo người dân, không còn chạy theo số lượng mà tập trung đầu tư, xây dựng mô hình bảo đảm chất lượng gắn với đời sống văn hóa ở cơ sở và phù hợp với nhu cầu của nhân dân. Tiêu biểu như các quận, huyện, thị xã: Hà Đông, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Sơn Tây, Đông Anh, Đan Phượng…

Thành phố Hà Nội cũng tích cực triển khai thực hiện tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí số 16 (văn hóa) trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, qua đó đóng góp tích cực vào việc cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đến nay, toàn thành phố đã có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 382/382 xã của Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó 14 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đưa Hà Nội trở thành địa phương đi đầu cả nước khi có tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện nhiệm vụ này.

Cùng với đó, bám sát việc triển khai quy hoạch mạng lưới văn hóa và thể thao cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, thành phố Hà Nội đã triển khai các nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; thực hiện Chương trình số 16-CTr/TU, ngày 26-8-2022, của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045... Đến năm 2023, thành phố có 383 công trình, điểm sinh hoạt văn hóa thể thao, trong đó Ủy ban nhân dân thành phố quản lý trực tiếp 1 thiết chế; các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố quản lý 350 thiết chế, điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao; Sở Văn hóa và Thể thao thành phố quản lý 27 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao; Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội quản lý 5 thiết chế, công trình. Cấp huyện có 84 thiết chế văn hóa, thể thao (trên 30 quận, huyện, thị xã). Cấp xã có tổng số 125/579 xã, phường, thị trấn có công trình trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã. Có 4.656/5.476 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng (đạt 85,0%). Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã trở thành địa chỉ văn hóa phục vụ việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ đô.

Đối với việc đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ đội ngũ công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, trong 2 năm qua, thành phố đã tiếp tục xây dựng mới 8 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, củng cố và duy trì hoạt động của 92 tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân và 55 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, 35 cụm văn hóa, thể thao, tổ chức được nhiều chương trình “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”, chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ các hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp.

Việc quy hoạch hệ thống trung tâm văn hóa dọc hai bên bờ Nam - Bắc sông Hồng đã được thành phố xác định tại đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, trong quá trình triển khai sẽ xác định cụ thể nhu cầu thiết chế văn hóa, thể thao trong khu vực. Đối với các trục không gian khác, thành phố tiếp tục rà soát, cập nhật vào Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, dự trù quỹ đất cho các nhu cầu văn hóa, trung tâm văn hóa, các không gian sinh hoạt văn hóa…

Thành phố định hướng cụ thể quy hoạch cây xanh đô thị trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với khu vực nội đô giàu di tích lịch sử - văn hóa, thành phố xác định nâng cấp, cải tạo các công viên hiện có, triển khai các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo công viên, cây xanh theo quy hoạch các quận, huyện và các dự án phê duyệt phù hợp với quy hoạch chung. Đối với khu vực nội đô mở rộng, thành phố xác định xây mới kết hợp với nâng cấp các công viên hiện có, hình thành 3 điểm trọng tâm Hồ Tây và phụ cận, Mỹ Đình, Yên Sở. Đến nay, thành phố đã hoàn thành việc phát triển 3 không gian văn hóa, phục vụ nhu cầu thưởng thức, giao lưu, sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, khám phá ẩm thực của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi cuối tuần, như tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), tuyến phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng); phố ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình)…

Công tác triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn thành phố phục vụ các ngày lễ, kỷ niệm và các sự kiện lịch sử, chính trị, công tác đối ngoại ngày càng được tổ chức kịp thời, bảo đảm tính thẩm mỹ và hiệu quả tuyên truyền. Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm trưng bày các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh là các sản phẩm đạt giải cao từ các cuộc thi trong nước và quốc tế; đồng thời tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động tuyên truyền, quảng cáo, sửa đổi bổ sung Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố và Quy hoạch quảng cáo.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra đối với những hoạt động văn hóa cũng được đẩy mạnh. Hà Nội là địa phương được đánh giá cao trong việc duy trì thường xuyên việc kiểm tra cũng như việc xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo, viết, đặt biển hiệu, tuyên truyền cổ động trực quan, kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, trò chơi điện tử không kết nối mạng. Từ năm 2014 đến nay, thành phố đã kiểm tra 4.209 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, lập biên bản và xử phạt 18,75 tỷ đồng đối với 1.653 cơ sở kinh doanh vi phạm. Thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các ngành và đoàn thể tiến hành hàng chục cuộc thanh tra, kiểm tra xử lý phạt hàng trăm triệu đồng, tịch thu hàng tấn sách in lậu, in không phép và hàng trăm đại lý vi phạm pháp luật; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt các trang web đưa tin không đúng sự thật hoặc phản cảm. Các sở, ngành, quận, huyện thuộc thành phố đã chỉ đạo thành lập đội thanh tra liên ngành nhằm nhắc nhớ, chấn chỉnh các hoạt động, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật; thường xuyên tiến hành điều tra, khảo sát tất cả các loại hình dịch vụ văn hóa, các cơ sở kinh doanh, các cơ sở in ấn, xuất bản sách.

2-  Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng môi trường văn hóa của Thủ đô vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Đó là còn tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội; những thuần phong, mỹ tục tốt đẹp của dân tộc, Thủ đô có nguy cơ bị bào mòn, quên lãng. Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, thiếu lễ phép đối với người lớn, với thầy cô giáo; tình trạng bạo lực học đường; vi phạm pháp luật, an ninh, trật tự… vẫn còn diễn ra, anh hưởng đến môi trường giáo dục văn hóa. Việc đầu tư thiết chế văn hóa hiện nay chưa tương xứng vị thế văn hóa Thủ đô mới. Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật vẫn chưa có nhiều tác phẩm tiêu biểu, phong phú, sinh động, đặc sắc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân Thủ đô. Còn một số địa phương chưa thực sự bảo đảm thực chất các phong trào thi đua…

Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng môi trường văn hóa ngày càng lành mạnh, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng văn hóa, con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, thành phố Hà Nội xác định cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò của môi trường văn hóa trong sự phát triển bền vững của Thủ đô và cả nước, cũng như nội dung của xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh. Phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng môi trường văn hóa bởi gia đình là môi trường đầu tiên, quan trọng nhất tạo dựng nhân cách con người; môi trường văn hóa gia đình tốt là cơ sở để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong toàn xã hội. Cần xây dựng mỗi gia đình Thủ đô thực sự trở thành tổ ấm bình yên, nơi hình thành và giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử của mỗi người dân. Đồng thời nâng cao vai trò của nhà trường trong xây dựng môi trường văn hóa. Mỗi trường học phải trở thành một không gian văn hóa quan trọng góp phần giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, lẽ sống.

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho công cuộc xây dựng môi trường văn hóa Thủ đô. Xây dựng, ban hành các bộ tiêu chí đánh giá đối với các môi trường văn hóa khác nhau, góp phần chấn chỉnh nếp sống, hành vi ứng xử trong các không gian văn hóa cụ thể, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng. Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân.

Thứ ba, quan tâm đầu tư, đào tạo nguồn lực xây dựng môi trường văn hóa. Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư, đào tạo nguồn lực, trước tiên là củng cố bộ máy cơ quan nhà nước đủ mạnh để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Chú trọng hơn hoạt động đầu tư phát triển nguồn lực con người, nguồn lực tài chính nhằm hoàn thiện các thể chế, thiết chế văn hóa phục vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô. Ngoài nguồn ngân sách của Nhà nước, cần đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, chung tay xây dựng môi trường văn hóa thông qua các hoạt động trùng tu, tôn tạo cảnh quan văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa, cung ứng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa…

Thứ tư, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác xây dựng môi trường văn hóa. Việc xây dựng môi trường văn hóa phải được tiến hành liên tục trong tất cả các không gian văn hóa, từ các cơ quan Đảng, chính quyền đến các không gian làng xã, nhà máy, xí nghiệp… Từ đó mới có thể tạo dựng được môi trường văn hóa trong lành ở mọi nơi, mọi lúc, trong văn hóa công vụ, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa lễ hội, văn hóa giao thông, văn hóa học đường, văn hóa gia đình.

Thứ năm, tăng cường vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trên địa bàn Thủ đô trong xây dựng môi trường văn hóa. Khơi dậy và phát huy sức mạnh nhân dân, phát huy sáng kiến, khuyến khích tinh thần tự quản, tự giác, tự chủ của nhân dân trong xây dựng môi trường văn hóa. Mỗi tập thể, tổ chức, địa bàn dân cư Thủ đô phải là môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần điều chỉnh nhận thức, hành vi, điều tiết hoạt động của mỗi cá nhân, hướng tới các giá trị tốt đẹp.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cần có những đánh giá, tổng kết, tiến tới đổi mới mô hình, nội dung, cách thức xây dựng môi trường văn hóa thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để có những điều chỉnh, bổ sung, chuyển hóa cho phù hợp. Chú trọng các phong trào hạt nhân, như phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa và phong trào thi đua người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến. Thực hiện thường xuyên công tác tôn vinh, khen thưởng những điển hình tiên tiến về tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; đồng thời, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận người dân. Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng môi trường văn hóa. Xây dựng các tác phẩm văn học, nghệ thuật Thủ đô trở thành công cụ sắc bén giáo dục đạo đức, trách nhiệm, hướng mỗi người dân tới các giá trị chân, thiện, mỹ, khơi dậy khát vọng xây dựng và phát triển thành phố Hà Nội phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm vị thế Thủ đô./.