Vấn đề việc làm của nông dân hiện nay - Bài toán không dễ giải
Theo những nghiên cứu gần đây, hơn 80% cư dân Việt Nam sống ở nông thôn, trong đó gần 70% lao động trong nông nghiệp với 77% hộ thuần nông. Năm 2005, năng suất lao động bình quân trong nông nghiệp chỉ bằng 1/5 trong công nghiệp và dịch vụ (tính theo GDP bình quân đầu người), 90% hộ đói, nghèo trong tổng số hộ đói nghèo của cả nước là nông dân. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn rất nghiêm trọng, có khoảng 7 triệu lao động chưa có hoặc thiếu việc làm, mỗi năm lại bổ sung thêm 400.000 người đến tuổi lao động.
1. Vì sao bài toán không dễ giải?
Do yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, việc xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị... nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển là một thực tế khách quan, tuy nhiên, quá trình trên cũng đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế, xã hội rất bức xúc ở các địa phương, nhất là ở những nơi phương có tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá diễn ra nhanh chóng. Trong đó vấn đề việc làm của người nông dân sau khi bị thu hồi đất được coi là vấn đề bức xúc nhất. Đây cũng là thách thức lớn đối với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng, phát triển đất nước nói chung.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 1990 đến năm 2003, diện tích đất bị thu hồi để phục vụ cho các mục đích sử dụng trên lên tới 697.410 ha, những năm sau đó, trung bình mỗi năm cả nước mất khoảng 50 nghìn ha đất nông nghiệp cho các nhu cầu phi nông nghiệp. Tính bình quân cứ 1 ha đất bị thu hồi sẽ làm cho 13 lao động nông nghiệp bị mất việc; riêng vùng đồng bằng sông Hồng là 15 người. Trong 5 năm (2001-2004), số người bị mất việc do bị thu hồi đất phục vụ cho các nhu cầu trên ở Hà Nội là gần 800.000 người; Hà Nam: 12.360 người; Hải Phòng: 13.274 người; Hải Dương: 11.964 người; Bắc Ninh: 2.222 người; Tiền Giang: 1.459 người; Quảng Ninh: 997 người(1) v.v... Theo tính toán của Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, giai đoạn từ 2006-2010, tổng diện tích đất nông nghiệp sẽ bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhu cầu công cộng và lợi ích quốc gia sẽ là 192.212 ha và theo đó sẽ 2.498.756 lao động nông thôn mất việc.
Trên thực tế, diện tích đất nông nghiệp chỉ có hơn 9 triệu ha, chiếm khoảng 28% diện tích của cả nước, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn hiện có khoảng 33.971 ngàn người (chiếm 75,03% tổng lao động cả nước) và sau mỗi năm lại tăng thêm khoảng 45 vạn người(2) . Vì vậy, những lao động nông thôn đã bị thu hồi đất có rất ít cơ hội được cấp lại đất để tiếp tục sinh sống bằng nghề cũ. Do đó, hàng triệu người, chủ yếu là nông dân lâm vào cảnh không có hoặc thiếu việc làm, thu nhập giảm hoặc không có hoặc thu nhập. Điều đáng chú ý trong số những người bị mất việc nhóm người bị ảnh hưởng nhiều nhất ở độ tuổi từ 35 tuổi trở lên (chiếm khoảng 50%) - là nhóm người thường có trách nhiệm tạo thu nhập chính cho gia đình, và ở độ tuổi của họ vấn đề học và chuyển đổi nghề mới không dễ dàng. Đây là một bài toán khó, một thách thức lớn đối với phát triển.
Trong những năm qua, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân những vùng bị thu hồi đất như chính sách định cư tại chỗ, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, nhưng do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên số lượng nông dân mất việc làm, thiếu việc làm vẫn chưa thể khắc phục triệt để.
Trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế nước ta phải chấp nhận một “sân chơi” bình đẳng trong quan hệ kinh tế quốc tế - sẽ không có sự phân biệt đối xử giữa hàng hoá, dịch vụ nội địa và nhập khẩu; phải mở cửa thị trường, bảo hộ hạn chế, dỡ bỏ hàng rào thuế quan và tiến tới sự minh bạch trong dự báo chính sách thương mại v.v... Đây là những thách thức lớn đối với các ngành sản xuất và dịch vụ trong nước, đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp.
Công nghệ tiên tiến ngày càng thâm nhập vào lĩnh vực nông nghiệp, quy mô sản xuất lớn và đại trà, tạo ra sức cạnh tranh khốc liệt làm cho các cơ sở sản xuất trong nước trong đó có những hộ kinh doanh cá thể nhỏ, lẻ, manh mún hạn chế về trình độ công nghệ, phương pháp quản lý dễ dàng lâm vào thế yếu, bị phá sản hoặc thu hẹp sản xuất. Quá trình này sẽ dẫn tới sự cạnh tranh về cơ hội việc làm giữa lực lượng lao động mới, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn với lực lượng lao động không có chuyên môn và trình độ kỹ thuật, tay nghề. Một phần trong số đó trở thành lao động dư thừa do sự đào thải và nhu cầu của thị trường.
Thực tế hiện nay cho thấy, việc làm của người nông dân đang biến chuyển theo các hướng: (I) việc làm thuần nông vẫn tiếp tục được duy trì theo thời vụ, nhưng đang giảm dần về số lượng; (II) một số chuyển hẳn sang thực hiện mô hình kinh tế nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn (phát triển nông trại, phát triển các loại cây nông, công nghiệp hàng hoá), tuy nhiên số này còn rất ít; (III) một số khác chuyển sang tìm kiếm cơ hội việc làm phi nông nghiệp ngoài thời vụ nông nghiệp hoặc chuyển hẳn sang ngành nghề khác thông qua việc tham gia các chương trình đào tạo nghề; (IV) trở thành nguồn lực lao động xuất khẩu của quốc gia.
Người nông dân hiện vẫn làm các công việc mang tính chất thủ công và thời vụ. Đúng vụ sản xuất nông nghiệp thì công việc của họ là thuần nông, ngoài thời vụ kể trên phần lớn là họ chuyển sang các lao động phổ thông khác như gia công thêm một số mặt hàng thủ công truyền thống (đối với những vùng nông thôn có làng nghề), buôn bán nhỏ - tham gia lưu thông hàng hoá từ nông thôn ra thành thị (bán buôn, bán lẻ các mặt hàng rau quả, lương thực, thực phẩm), tham gia vào các chợ lao động ở những thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với các nghề phổ biến như: chuyên chở vật liệu xây dựng, giúp việc gia đình, chăm người ốm ở bệnh viện, phụ việc ở các công trình xây dựng và bất kể các công việc khuân vác, tạp vụ nào mà họ được thuê mướn, hoặc cũng có một số tham gia vào thị trường xuất khẩu lao động, nhưng chưa nhiều và mức độ đáp ứng các yêu cầu của thị trường này chưa cao... Do tính chất công việc phổ thông, mang tính sự vụ nên thu nhập của họ không cao và không ổn định. Thực tế này tạo nên sự thiếu bền vững và tiềm ẩn những bất ổn về việc làm đối với lực lượng lao động nông thôn nói chung, nông dân nói riêng. Nông dân thiếu việc làm ngày càng tăng về số lượng mà chất lượng cũng chưa được cải thiện.
Thực trạng trên nếu không được khắc phục sớm sẽ trở thành lực cản đối với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; gia tăng các vấn đề kinh tế - xã hội...
2. Vài kiến nghị nhằm giải bài toán việc làm cho nông dân
Trên phương diện vĩ mô, để giải quyết triệt để và hiệu quả việc làm cho khu vực nông thôn và nông dân cần quan tâm tới những khía cạnh sau:
Thứ nhất, thay đổi nhận thức của người nông dân về việc làm, thu nhập. Sở dĩ cần có sự thay đổi này là vì, hiện nay quan niệm của người nông dân về việc làm rất máy móc, tính hiệu quả của công việc chưa được quan tâm đúng mức. Họ chưa hiểu rằng, việc làm không đơn thuần là tạo ra các sản phẩm hiện vật thiết yếu phục vụ trực tiếp các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của họ, mà việc làm phải được lượng hoá thành thu nhập về mặt giá trị, phải được tính toán trên cơ sở hiệu quả kinh tế có hoạch toán đầu vào, đầu ra và lấy nhu cầu xã hội làm đối tượng hướng tới, nghĩa là người nông dân phải thấy được việc làm của họ là nhằm đáp ứng các nhu cầu xã hội đang được phản ánh thông qua thị trường và thông qua việc làm đó, họ có được thu nhập chính đáng và xứng đáng đối với phần công sức họ đã bỏ ra. Trên cơ sở đó, từng bước loại bỏ nếp nghĩ cố hữu (rằng đã là nông dân thì phải gắn với công việc nhà nông, ruộng quen trồng lúa thì không thể trồng cây khác v.v...) và hình thành tư duy phát triển kinh tế hàng hoá, kinh tế thị trường trong tiềm thức từng người nông dân. Mỗi người nông dân cần phải nghĩ là trồng cây gì, nuôi con gì có thể đem lại thu nhập cao nhất cho họ, chứ không phải trồng những cây, những con phục vụ nhu cầu tiêu dùng của mình.
Để cải thiện nếp nghĩ của người nông dân, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao trình độ dân trí thông qua các phương tiện truyền thông, các chương trình phổ cập giáo dục quốc gia, cần thiết phải tổ chức thường xuyên, liên tục các chương trình tập huấn cả về kỹ thuật sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, đồng thời với những chương trình tư vấn các mô hình, phương thức phát triển kinh tế và hỗ trợ các khoá đào tạo kỹ năng, kiến thức kinh tế ứng dụng cơ bản.
Thứ hai, giúp nông dân khắc phục các hạn chế, tiếp cận các cơ hội việc làm một cách bền vững. Một trong những nguyên nhân khiến người nông dân thiếu việc làm hoặc thất nghiệp là do những hạn chế từ chính bản thân họ - hạn chế về nhận thức, trình độ nghề nghiệp, kỹ năng lao động, tác phong lao động... Thực tế cho thấy, kinh tế đất nước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới đã và đang đem lại nhiều cơ hội việc làm cho mọi đối tượng trong đó có nông dân. Nhưng với những hạn chế của người nông dân cùng với những điều kiện khách quan khác, họ không thể hoặc chưa thể tiếp cận được với cơ hội việc làm mới, và những hạn chế này đang là rào cản lớn trên con đường mưu sinh của hàng triệu nông dân trong điều kiện phát triển kinh tế hiện nay. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần chú trọng tới việc phân loại đối tượng tham gia quá trình đào tạo, tư vấn cho phù hợp, hiệu quả. Cần xác định những mục tiêu cụ thể: đối tượng nào cần được tư vấn? Đối tượng nào cần được đào tạo cơ bản? Đối tượng nào có thể chuyển giao công nghệ v.v..?
Phát triển đa dạng các loại hình nghề nghiệp trên địa bàn các khu vực nông thôn thông qua các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn có kế hoạch để những đối tượng được đào tạo nghề có thể tự mình phát triển hoặc phát triển nghề nghiệp thông qua các tổ chức hội nghề nghiệp. Tăng cường hơn nữa sự phối, kết hợp giữa các cơ sở đào tạo nghề, các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền các cấp.
Xây dựng chính quyền xã vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên vững mạnh  (12/04/2008)
Ba mươi lăm năm quan hệ Việt Nam - Pháp  (12/04/2008)
Ba mươi lăm năm quan hệ Việt Nam - Pháp  (12/04/2008)
Diễn đàn đầu tư Việt Nam tại Niu Yoóc  (11/04/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên