Khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của thanh niên quân đội hiện nay
TCCS - Khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của thanh niên quân đội là hoạt động định hướng, động viên, khuyến khích, phát huy sự quan tâm, mong muốn, ý chí quyết tâm của thanh niên quân đội nhằm tìm ra những ý tưởng, phương pháp, kỹ thuật mới, góp phần phát triển tiềm lực khoa học quân sự. Để khơi dậy mạnh mẽ khát vọng đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của thanh niên quân đội, cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Khát vọng đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của thanh niên quân đội
Đổi mới sáng tạo là những yếu tố không thể thiếu trong nghiên cứu khoa học giúp tạo ra giá trị mới, thúc đẩy sự phát triển và giải quyết các vấn đề thực tiễn phức tạp. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, đổi mới sáng tạo được xác định là một đột phá chiến lược phát triển, đồng thời nội hàm của đổi mới sáng tạo cũng phần nào được làm rõ qua các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Trong quân đội, thanh niên là lực lượng đông đảo, chủ yếu, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ ở đơn vị cơ sở, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong quân đội. Hiện nay, thanh niên quân đội là lực lượng quan trọng phấn đấu thực hiện tốt “Ba sáng tạo”, gồm: (1) sáng tạo trong ứng dụng những thành quả tích cực từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số; (2) sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; (3) sáng tạo về nội dung, hình thức, phương pháp tập hợp đoàn viên thanh niên, xây dựng tổ chức đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ(1). Tính xung kích, tích cực, chủ động và khát vọng đổi mới, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học là động lực mạnh mẽ để thanh niên quân đội không ngừng tìm kiếm tri thức, nghiên cứu những giải pháp mới mang tính khả thi, giải quyết hiệu quả những vấn đề lý luận và thực tiễn quân sự đặt ra, góp phần phát triển tiềm lực quân sự, phục vụ sự nghiệp xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo, chỉ huy của các đơn vị trong toàn quân đã quan tâm, chú trọng đến việc khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của thanh niên quân đội. Quán triệt thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1-11-2012, Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; Nghị quyết số 791-NQ/QUTW, ngày 30-12-2012, của Quân ủy Trung ương, về “Lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Thông tư số 164/2018/TT-BQP, ngày 1-12-2018, của Bộ Quốc phòng, ban hành “Quy chế tổ chức và hoạt động Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo”, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quân đội được triển khai đồng bộ, sâu rộng, đạt được kết quả tích cực, góp phần khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của thanh niên quân đội. Trong Cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo”, đã có 125.000 ý tưởng của thanh niên quân đội được đề xuất. Giai đoạn 2017 - 2022, số lượng các công trình, lĩnh vực nghiên cứu và đơn vị tham gia Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” trong tăng cao. Hằng năm, 100% số tổ chức đoàn thanh niên cấp cơ sở có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng. Trên 70% số công trình, sáng kiến tham gia dự thi cấp toàn quân, toàn quốc. Một số công trình được cấp bằng độc quyền sáng chế, chứng nhận sở hữu trí tuệ quốc gia và quốc tế(2). Những chủ trương và phong trào nghiên cứu khoa học trong quân đội đã tạo được sức lan tỏa lớn, thu hút sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của đội ngũ thanh niên. Nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khen thưởng. Đây là nguồn cổ vũ, động viên thanh niên quân đội phát huy khát vọng cống hiến, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, việc khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của thanh niên ở một số đơn vị vẫn còn có những hạn chế về nội dung, hình thức, biện pháp. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số đơn vị có lúc chưa kịp thời, chưa đặt ra yêu cầu cao về khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của thanh niên quân đội. Một số thanh niên chưa có động cơ, mục đích nghiên cứu đúng đắn và phương pháp nghiên cứu hiệu quả, còn ngại khó, ngại khổ, ngại suy nghĩ, ngại thay đổi, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên trong nghiên cứu khoa học. Khả năng phân tích, tổng hợp, tóm tắt, phát hiện và đề xuất các giải pháp đột phá để thay đổi, cải tiến cách tiếp cận nghiên cứu vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, vai trò cá nhân và cá tính sáng tạo của thanh niên quân đội trong một số công trình khoa học chưa được thể hiện rõ ràng. Kết cấu và nội dung của nhiều công trình khoa học còn dựa trên mô hình truyền thống, thiếu sáng tạo, chưa đóng góp mới về cả lý luận và thực tiễn; kết quả nghiên cứu chưa được ứng dụng phù hợp...
Một số giải pháp khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của thanh niên quân đội
Để tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ khát vọng đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của thanh niên quân đội, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Thứ nhất, xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học dân chủ, sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ cũng như khuyến khích khát vọng đổi mới, sáng tạo của người nghiên cứu. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, cần “có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học”. Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24-11-2023, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, “Về tiếp tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”, cũng khẳng định: cần nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ; tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mũi nhọn được tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm, phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới có khả năng cạnh tranh quốc tế. Trong thời gian tới, lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở từng đơn vị cần tổ chức thường xuyên những hoạt động đối thoại, xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa cơ quan, đơn vị với đội ngũ thanh niên; khuyến khích phát huy dân chủ trong khoa học, khuyến khích những ý tưởng, tư duy, cách làm mới. Bên cạnh đó, các cơ quan cần kết hợp giữa xây dựng, tôn vinh tấm gương sáng với việc nhắc nhở, đôn đốc những biểu hiện lệch lạc trong hoạt động nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện để thanh niên được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Những biện pháp đó sẽ giúp thanh niên quân đội hình thành phương pháp xác định vấn đề khoa học có giá trị, có trọng tâm, trọng điểm, nhìn nhận vấn đề đa chiều, có khả năng đưa ra những dẫn chứng thuyết phục về vấn đề nghiên cứu.
Thứ hai, quy định chế độ công tác, nghiên cứu khoa học cho thanh niên hợp lý, sát nhiệm vụ, đối tượng. Công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại các đơn vị trong quân đội có đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao, do đó, đội ngũ thanh niên quân đội thường chịu áp lực khá lớn về thời gian. Bên cạnh nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, đội ngũ thanh niên quân đội còn phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ huấn luyện, hành chính quân sự khác, nên đòi hỏi việc sắp xếp và quản lý thời gian để nghiên cứu, từ xây dựng đề tài, thu thập, phân tích dữ liệu, viết và công bố công trình khoa học một cách hợp lý. Để khuyến khích thanh niên quân đội dành thời gian tìm kiếm, phân tích thông tin để tìm ra những vấn đề mới và nghiên cứu chúng một cách kỹ lưỡng, thấu đáo, các cấp quản lý ở các đơn vị trong quân đội cần chú ý đến việc xây dựng các quy định, định mức hợp lý về thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác thanh niên. Xây dựng và ban hành các quy định về chế độ công tác của thanh niên, lập kế hoạch cụ thể, hợp lý, phù hợp với quy định chung của Bộ Quốc phòng, với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị và chức trách, nhiệm vụ, năng lực của thanh niên quân đội.
Thứ ba, bảo đảm cơ sở vật chất và hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học ở đơn vị, đặc biệt là ở các học viện, trường, viện, trung tâm nghiên cứu, nhà máy, xí nghiệp... trong quân đội nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học. Trong thời gian tới, các cấp lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần có chủ trương, kế hoạch bổ sung cụ thể để đổi mới đồng bộ các trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học ở phòng thí nghiệm, trung tâm huấn luyện thực hành, thư viện... Đổi mới phương thức phục vụ, tạo điều kiện cho thanh niên dễ dàng tiếp cận, khai thác tri thức khoa học. Với tài liệu, máy móc đầy đủ, hiện đại, không gian nghiên cứu đúng với tiêu chuẩn của chủ thể nghiên cứu khoa học, thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học có thể chủ động hơn, tích cực hơn trong quá trình tìm tòi, tích lũy và sáng tạo tri thức mới. Thực hiện các nghiên cứu khoa học đòi hỏi một khoản đầu tư không nhỏ, bao gồm cả các chi phí cho thiết bị, vật liệu và quá trình nghiên cứu. Để phát huy được tiềm năng đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng khát vọng đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, việc cung cấp tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho các nghiên cứu của thanh niên là vô cùng quan trọng. Việc hỗ trợ, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu của thanh niên cần được thực hiện một cách cẩn trọng để bảo đảm nguồn tài trợ được sử dụng một cách hiệu quả, tạo giá trị thiết thực.
Thứ tư, tổ chức, khuyến khích thanh niên tham gia phong trào nghiên cứu khoa học các cấp. Để cụ thể hóa chủ trương khuyến khích đổi mới sáng tạo, các đơn vị cần tổ chức, động viên thanh niên tích cực tham gia các phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại đơn vị, đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện để họ tham gia các phong trào nghiên cứu khoa học cấp toàn quân, toàn quốc, như phong trào “Sáng tạo trẻ”, Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội”, “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”, “Sao vàng đất Việt”, “Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam VIFOTEC”... Đặc biệt, trong quá trình tổ chức, triển khai các phong trào, cần chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo cả khoa học - công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn quân sự để thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, nâng cao tiềm lực quốc phòng, phát huy tiềm năng, nâng cao vị thế của quân đội trong công tác khoa học - công nghệ của cả nước. Các phong trào, giải thưởng nghiên cứu khoa học được tổ chức nghiêm túc, bài bản, khoa học, chặt chẽ, hiệu quả và đạt thành tích cao được ghi nhận, khen thưởng xứng đáng sẽ tạo sức lan tỏa lớn, góp phần khơi dậy tiềm năng đổi mới sáng tạo, từ đó hiện thực hóa nhiệt huyết và khát vọng đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của thanh niên quân đội.
Thứ năm, tạo cơ chế hỗ trợ để những sáng kiến đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của thanh niên quân đội được công bố, ứng dụng trong thực tiễn. Việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học xuất phát từ nhu cầu chia sẻ, trao đổi tri thức, khẳng định giá trị của kết quả nghiên cứu. Trên thực tế, việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học của thanh niên quân đội gặp phải những khó khăn nhất định. Các tiêu chuẩn xuất bản cao, quy trình đánh giá, phản biện nghiêm ngặt của các ấn phẩm khoa học, đặc biệt là các tạp chí, tập san trong nước và quốc tế có uy tín, đã và đang là một trong những thách thức lớn đối với thanh niên quân đội khi muốn công bố kết quả nghiên cứu khoa học. Do đó, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân có thể căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể của từng đơn vị để ban hành các quy chế, quy định nội bộ, tổ chức nhiều hoạt động, biện pháp hỗ trợ cho thanh niên trên tinh thần “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ”(3). Đặc biệt, với những sản phẩm khoa học đã được công bố trên các ấn phẩm có uy tín trong nước và quốc tế, cần có chính sách hỗ trợ, khen thưởng một cách thỏa đáng. Với những đề tài có chất lượng xuất sắc, mang tính khả thi cao, các cơ quan, đơn vị có thể liên hệ, hợp tác với các đơn vị liên quan, các viện, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài quân đội để đưa các sản phẩm khoa học này ứng dụng trong thực tiễn, tạo sự khích lệ, động viên cho thanh niên quân đội nỗ lực nghiên cứu khoa học.
Thứ sáu, phát huy tính tích cực, tự giác đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của thanh niên. Xây dựng động cơ đúng đắn, có thái độ trách nhiệm đối với nghiên cứu khoa học, góp phần hình thành nhu cầu tự thân của mỗi thanh niên, khắc phục khó khăn, nỗ lực trong tự học tập, rèn luyện nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và không ngừng đổi mới sáng tạo. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám đổi mới sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro và sẵn sàng để thử nghiệm những ý tưởng mới trong thanh niên quân đội, tìm ra những mô hình, cách làm, sản phẩm mới, thúc đẩy sự phát triển của khoa học trong lĩnh vực quân sự, đem lại lợi ích cho xã hội.
Khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa của thanh niên quân đội là nhân tố quan trọng để đẩy mạnh sự phát triển của khoa học - công nghệ quân sự. Việc tiếp tục khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo của thanh niên trong toàn quân đòi hỏi sự nỗ lực tham gia một cách đồng bộ của các chủ thể, lực lượng, đặc biệt là tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của thanh niên vì sự vững mạnh của quân đội./.
---------------------
(1), (2) Xem: Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Quân đội lần thứ X (2022 - 2027), Hà Nội, 2023
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 141
Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội Vùng 2 Hải quân theo tinh thần “7 dám"  (09/04/2024)
Nét đặc sắc trong tư duy lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội “7 dám”  (04/04/2024)
Nét đặc sắc trong tư duy lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội “7 dám”  (04/04/2024)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, làm việc tại Quân khu 5  (06/12/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam