Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của Khánh Hòa. Để đưa du lịch phát triển xứng với tiềm năng và lợi thế, tỉnh Khánh Hòa tập trung khai thác tối đa thế mạnh về biển đảo, du lịch núi rừng, thăm quan lịch sử, văn hóa và các loại hình du lịch đa dạng, hấp dẫn khác trên địa bàn, nhằm ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và nước ngoài, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhận thức được tiềm năng lợi thế to lớn về du lịch, ngay từ những năm giữa thập kỷ 90 thế kỷ XX, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khánh Hòa. Năm 1998, thực hiện Chỉ thị 20/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) "Về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa", tỉnh đã có một số dự án phát triển du lịch biển và xem đây là một trong những ngành chủ lực. Đặc biệt, năm 2001, thực hiện Chỉ thị 20/CT-TW của Bộ Chính trị trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy (khóa XIV) ra Nghị quyết chuyên đề xây dựng kinh tế biển của tỉnh giai đoạn 2001 - 2010, tiếp tục xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính đột phá trong phát triển kinh tế biển nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung. Trên tinh thần đó, bên cạnh xây dựng chương trình "Chương trình kinh tế biển", lấy du lịch biển là ngành chủ lực, UBND tỉnh còn xây dựng "Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2001 - 2005 và đến năm 2010" với những mục tiêu cụ thể: Tăng cường thu hút du khách; đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa; tạo thêm việc làm cho người lao động; nâng cao nguồn thu nhập từ du lịch, phấn đấu đạt tốc độ phát triển bình quân hằng năm từ 10% - 11%... Chương trình được được Hội đồng nhân dân tỉnh (khóa III) thông qua tại kỳ họp thứ 3, ngày 20-2-2001.

Quán triệt và triển khai thực hiện chủ trương trên, các cấp, các ngành trong tỉnh nhanh chóng xây dựng, sửa chữa hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tổng thể du lịch Khánh Hòa, quy hoạch mạng lưới chợ trung tâm, siêu thị đến năm 2010, định hướng đến 2020; quy hoạch chi tiết cũng như quy hoạch hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch và khu kinh tế trong tỉnh. Ban chỉ đạo Chương trình phát triển du lịch Khánh Hòa (được hình thành sau khi có đề án phát triển du lịch) đã phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành các văn bản pháp quy để điều chỉnh, quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch của địa phương như: Quy chế quản lý các hoạt động thể thao giải trí trên biển; Quy chế phối hợp quản lý hoạt động và kinh doanh đón khách du lịch bằng tàu biển quốc tế tại Cảng Nha Trang; Quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư trong nước tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó có lĩnh vực dịch vụ du lịch; các quy chế, quy định về quản lý thuế, an ninh trật tự, vận chuyển khách, lập lại trật tự, giải quyết vệ sinh môi trường, quản lý việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các cơ sở lưu trú, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, phát triển ổn định và bền vững.

Một giải pháp có tính đột phá mà Khánh Hòa thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua, là tỉnh đã đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch. Những năm gần đây, việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch ở Khánh Hòa trở nên sôi động. Ngoài các công trình giao thông được đầu tư bằng ngân sách địa phương và trung ương, tỉnh còn kêu gọi và có chính sách thu hút đầu tư của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó, một số dự án lớn phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế đã và đang được triển khai xây dựng như: Khu du lịch Quần thể khách sạn 5 sao Hòn Ngọc Việt - Bãi Trũ Hòn Tre (tổng vốn đầu tư 450 tỉ đồng), khu nghỉ dưỡng cao cấp Sunrise (146 tỉ đồng), khu du lịch sinh thái Evaso Hideaway at Ana Mandara - Ninh Vân (97 tỉ đồng), khu du lịch tổng hợp Sông Lô (343 tỉ đồng)... Hiện, tỉnh đang chuẩn bị đấu thầu và tổ chức đấu thầu thi công dự án nâng cấp, mở rộng đường vào khu Công viên YangBay - Hocho. Các thành phần kinh tế trong tỉnh cũng đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng phát triển cơ sở du lịch. Tính đến cuối tháng 6-2007, toàn tỉnh có 365 cơ sở kinh doanh du lịch với 8.573 phòng tăng 241,6% % so với năm 2001. Nhiều cơ sở lưu trú được đầu tư xây mới, mở rộng quy mô, nâng cấp thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ để nâng sao như: Khách sạn Hải Âu I, khách sạn OLIMPIC, khách sạn Phương Đông... Riêng khu du lịch Hòn Ngọc Việt đưa vào sử dụng hệ thống cáp treo vượt biển dài nhất thế giới nối đất liền với đảo (104 tỉ đồng). Ngoài ra, còn có trên 200 chiếc tàu du lịch, trong đó có 4 tàu đáy kính, 250 đầu xe tắc-xi và 44 đầu xe buýt được đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển du khách và ngắm cảnh.

Đi đôi với công tác đầu tư và kêu gọi đầu tư Khánh Hòa còn thành công trong công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Khánh Hòa. Tỉnh làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền như: xây dựng và đưa vào khai thác Website du lịch Khánh Hòa và bản đồ điện tử du lịch thành phố Nha Trang; phát hành trên 500 đĩa VCD, 20.000 tập gấp, 10.000 tờ rơi, gần 14.000 ấn phẩm như sách ảnh, cẩm nang và Discovery, 3.500 huy hiệu du lịch Khánh Hòa...; đổi mới nội dung và tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh và trung ương tuyên truyền, quảng bá du lịch địa phương. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2007, các cơ quan đã sản xuất và phát sóng phát thanh và truyền hình trên 30 chuyên mục, 20 phóng sự dài và phim tài liệu, 100 phóng sự ngắn,180 tin và 4 buổi truyền hình trực tiếp về du lịch Khánh Hòa... Bên cạnh công tác thông tin tuyên truyền, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - du lịch Khánh Hòa theo chủ đề của các ngày lễ và sự kiện trong năm như: Tháng 4 "Du lịch - Lễ hội xứ Trầm Hương"; Tháng 6 "Nối kết con đường Di sản miền Trung - Du lịch hè Nha Trang"; định kỳ tổ chức Tháng du lịch hằng năm với chủ đề "Tháng 8 - Nha Trang - Điểm hẹn", Festival biển năm 2003, 2005, 2007. Đặc biệt, Festival biển lần thứ 3, 2007 được tổ chức với quy mô lớn hoành tráng, với nhiều nội dung hoạt động phong phú, ấn tượng, mang đậm nét văn hóa du lịch của Khánh Hòa và một số vùng miền của đất nước. Tại Festival này, có 7 kỷ lục quốc gia được xác lập. Ngoài ra, hằng năm, tỉnh còn tổ chức các lễ hội truyền thống của địa phương như: lễ hội Am Chúa, Tháp Bà Ponagar, lễ hội cầu ngư... và từ năm 2004, tổ chức thêm nhiều lễ hội mang tính quần chúng cao như: Lễ hội đường phố, triển lãm ngoài trời... thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách. Cùng với tỉnh, các doanh nghiệp du lịch như Yasaka Sài Gòn - Nha Trang, khu du lịch Hòn Ngọc Việt, khu du lịch Hòn Lao, chủ động xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch tại đơn vị như: văn hóa ẩm thực, chợ quê, thời trang du lịch... tạo nên sự phong phú, đa dạng trong hoạt động du lịch của địa phương.

Ở Khánh Hòa, công tác an ninh trật tự và vệ sinh môi trường du lịch có bước chuyển biến tích cực hơn so với trước đây. Tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án "Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong hoạt động kinh doanh du lịch và địa bàn du lịch"; thực hiện cài đặt chương trình khai báo tạm trú cho 152 cơ sở lưu trú du lịch; hướng dẫn các doanh nghiệp cam kết thực hiện các quy định về an ninh trật tự và phòng chống cháy, chữa cháy; thành lập Đội chống tội phạm cướp giật, triệt phá toàn bộ các băng nhóm tội phạm; thu gom và đưa vào trại Khánh Bình các đối tượng lang thang cơ nhỡ; xây dựng thí điểm mô hình "Xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội"; phân loại các luồng giao thông, lắp đặt các biển báo và quy định đường một chiều một số tuyến đường... Nhờ vậy, đến nay 100% cơ sở kinh doanh lưu trú cam kết phối hợp với công an đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và chấp hành nghiêm túc quy định phòng cháy, chữa cháy; tình hình an ninh, trật tự tại các điểm du lịch đã tốt hơn nhiều so với trước đây; môi trường du lịch ngày càng được cải thiện.

Cùng với những lĩnh vực trên, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch của Khánh Hòa cũng gặt hái nhiều thành công, đáp ứng yêu cầu về số lượng và bước đầu tăng dần tỷ trọng lao động lành nghề, có nghiệp vụ chuyên môn về du lịch. Từ năm 2001 đến nay, tỉnh đào tạo trên 800 cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ trong ngành, cử 4 cán bộ quản lý ngành tham gia các lớp tập huấn về du lịch ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trong tỉnh, thực hiện chương trình giảng dạy lồng ghép giới thiệu văn hóa du lịch Khánh Hòa ở các bộ môn khoa học xã hội của trường; tổ chức đào tạo các lớp ngắn hạn và dài hạn chuyên ngành du lịch với gần 3.000 học viên. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt là các cơ sở cao cấp xếp hạng từ 3 sao trở lên đã chủ động có kế hoạch đào tạo tại chỗ, hoặc hợp đồng với các trường tổ chức các lớp đào tạo theo nhu cầu phát triển của đơn vị.

Những kết quả trên đã góp phần làm cho ngành du lịch Khánh Hòa ngày càng khởi sắc. Giai đoạn 2001 - 2006, bình quân hằng năm tỉnh đón 902.648 lượt khách (trong đó 248.578 lượt khách quốc tế), đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16,2%; doanh thu đạt 644 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân 27,2%. Riêng 6 tháng đầu năm 2007, tỉnh đón trên 621.715 lượt khách, trong đó có 148.919 lượt khách quốc tế, doanh thu 487.586 tỉ đồng, đạt trên 51% so với kế hoạch đề ra. Xét về tổng thể, chương trình phát triển du lịch được đánh giá là một trong những chương trình đạt hiệu quả nhất trong các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh từ trước đến nay.

Từ thực tiễn hoạt động du lịch, Khánh Hòa rút được nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng. Trước hết, phải thống nhất về nhận thức và quan điểm chỉ đạo từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến các cấp, các ngành và các địa phương đối với việc phát triển du lịch. Đây là nhân tố quyết định cho thành công của du lịch của Khánh Hòa trong thời gian qua. Thứ hai, cần kết hợp các sự kiện chính trị, văn hóa với hoạt động du lịch; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng được ý thức văn minh trong dân chúng, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, thu hút khách du lịch và tạo sự chuyển biến nhanh chóng cho các vùng du lịch mới. Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; có cơ chế khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và mở rộng kinh doanh du lịch.

Tuy đạt được những thành quả to lớn trên, song phía trước du lịch Khánh Hòa vẫn còn phải đương đầu với nhiều khó khăn:

- Cơ chế chính sách đầu tư vẫn còn những bất cập, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch vẫn chưa theo kịp yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Tiến độ đầu tư các dự án du lịch trên một số địa bàn còn chậm. Số cơ sở kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao còn ít và chậm đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch mới, các khu giải trí, các trung tâm mua sắm quy mô lớn, hiện đại... đã hạn chế đến mức chi tiêu của du khách trong tiêu dùng cũng như kéo dài ngày nghỉ của du khách tại địa phương.

- Môi trường du lịch nhìn chung vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là các khu vực nội thị thành phố Nha Trang và lân cận. Tình trạng rác thải, nước thải đang tiếp tục gây ô nhiễm nặng tại một số vùng du lịch trọng điểm như: cửa sông Cái, bến đò Vĩnh Nguyên, các chợ nội thành... Nạn lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, họp chợ, giữ xe, nạn bán hàng rong, ăn xin, cò mồi... vẫn còn khá phổ biến đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường du lịch

Những năm tới, du lịch Khánh Hòa vẫn là một trong những ngành chủ lực trong chiến lược kinh tế biển nói riêng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo, tỉnh chủ trương: "Tiếp tục phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh về biển đảo, du lịch núi rừng, du lịch tham quan lịch sử, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng và các loại hình du lịch khác. Từng bước xây dựng ngành du lịch thành ngành công nghiệp "sạch" về môi trường văn hóa tinh thần, hiện đại, dân tộc và độc đáo"...; duy trì tốc độ phát triển bình quân hàng năm 16%. Phấn đấu đến 2010 thu hút khách lưu trú đạt 1.400.000 - 1.500.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 500.000 lượt; doanh thu trực tiếp từ du lịch đạt 1.300 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho 5.400 lao động.

Khắc phục những khó khăn, hoàn thành những mục tiêu đã đề ra là cả quá trình phấn đấu lâu dài của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa. Hiện tỉnh đã và đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như sau:

1 - Xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010, năm 2008, cũng như Quy hoạch du lịch đến năm 2010; tiếp tục khảo sát xây dựng hoàn thiện các tuyến, điểm du lịch mới; trong đó chú trọng xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch Khánh Hòa trong năm 2008.

2 - Triển khai đấu thầu thi công dự án nâng cấp mở rộng đường vào khu công viên YangBay-Hocho; khảo sát sửa chữa nâng cấp các tuyến đường, vỉa hè cho trung tâm du lịch nội thị Nha Trang, lập dự án đường vào khu du lịch Ba Hồ; thực hiện cơ chế, chính sách đầu tư, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình và tiến độ triển khai các dự án đầu tư du lịch, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cơ sở, các dự án đầu tư du lịch của các doanh nghiệp theo đúng kế hoạch.

3 - Tiếp tục tăng cường công tác thông tin quảng bá, xúc tiến du lịch, thực hiện tốt kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa - du lịch gắn với các sự kiện diễn ra trong các tháng cuối năm 2007 và năm 2008; đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ nhu cầu thăm viếng, lễ hội của nhân dân và tham quan của du khách; đào tạo đội ngũ thuyết minh viên phục vụ du khách, nâng cao chất lượng công tác tổ chức đón tiếp, phục vụ khách tham quan tại các trọng điểm văn hóa - du lịch của tỉnh.

4 - Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn trong các khâu hoạt động kinh doanh du lịch và địa bàn du lịch. Tập trung thực hiện chỉ đạo của trung ương và địa phương về quản lý hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh, nhất là trong các tháng cao điểm, các dịp lễ hội; thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm.

5 - Thực hiện lồng ghép chương trình "giáo dục du lịch" cho học sinh trong các trường học, đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn du lịch; tổ chức đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thủy nội địa hạng 3, hạng 2, cấp chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện tốc độ cao loại 1 và loại 2; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch và hỗ trợ hoàn chỉnh về mặt thủ tục để Trường nghiệp vụ du lịch Nha Trang sớm đi vào hoạt động.