Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng gia tăng xuất khẩu hàng có giá trị, giảm xuất khẩu thô đang được coi là giải pháp quan trọng để đối mặt và vượt qua một thách thức lớn của nền kinh tế hiện nay là nhập siêu.


Phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2008, diễn ra sáng 10-4 tại Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng chuyển dịch cơ cấu mặt hàng là ưu tiên hàng đầu trong gói giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, cùng với cải cách cơ chế và chính sách xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại và điều hành linh hoạt tỷ giá.

Trước mắt, các bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp được khuyên lựa chọn những mặt hàng đang phải nhập khẩu lớn nhưng trong nước lại có thế mạnh để tập trung đầu tư sản xuất thay thế hàng nhập khẩu. Cùng với đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị lớn như dệt may, thay vì các mặt hàng giá rẻ.

Tuy nhiên, để làm được việc này, theo ông Trương Đình Tuyển, cần phải phát triển nhanh hơn các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; cải cách mạnh thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất khẩu để giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhất là thủ tục hải quan và thuế - những nút thắt quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu. “Đi đôi với đó là việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phù hợp với cam kết quốc tế để bảo vệ hàng Việt Nam”, ông Tuyển nói thêm.

Với tư cách là một chuyên gia cố vấn kinh tế, ông Tuyến cũng đề xuất Bộ Công Thương cần có một chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung vào những ngành có khả năng cạnh tranh cao nhất và đặc biệt chú trọng phát triển ngành công nghiệp có hàm lượng sáng tạo cao như truyền thông, may mặc thời trang, thủ công mỹ nghệ.

Đồng quan điểm này, ông Thái Doãn Tửu, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại và Dịch vụ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho rằng để xuất khẩu tăng trưởng mạnh cần tập trung vào cải tiến chính sách thương mại, khâu phân tích dự báo nhu cầu thị trường thế giới và tác động của sự gia tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thừa nhận nhập siêu lớn đang là một khó khăn hiện hữu của nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên phân tích thêm, việc gia nhập WTO đồng nghĩa với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương khoảng 160% GDP, trong đó nhập khẩu tương đương 90% GDP. Trong bối cảnh đó, "độ mở càng lớn thì mức độ giao thoa và tác động của tình hình kinh tế bên ngoài đến Việt Nam càng mạnh, càng tức thời".

Trong những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng nhanh và ổn định, bình quân trên 20% năm. Năm 2007 - năm đầu tiên gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 48,5 tỉ USD. Tuy vậy, nhập siêu lớn và ngày càng tăng nhanh đang làm giảm ý nghĩa của xuất khẩu.

Riêng quý I năm nay, trong khi kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng chưa đầy 23% so với cùng kỳ năm ngoái thì kim ngạch nhập khẩu tăng tới gần 62,5%./.