TCCS - Đồng hồ đếm ngược thời gian của Hà Nội đang tiến dần đến thời khắc lịch sử trọng đại của cả nước. Với nỗ lực, quyết tâm thực hiện các giải pháp kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội tin tưởng sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ngăn chặn kịp thời suy giảm kinh tế, thực hiện mức tăng trưởng cao, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ thành phố, thiết thực kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa sớm hơn so với cả nước, xứng đáng là Thủ đô anh hùng, nghìn năm văn hiến.

Nếu tính đến thời điểm ngày 10-10-2010, thì chỉ còn lại một năm hai tháng nữa Hà Nội cùng với cả nước sẽ long trọng kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội nhận thức sâu sắc rằng, thông qua sự kiện lịch sử này là "Sự biểu hiện tình cảm và đạo lý uống nước, nhớ nguồn của nhân dân cả nước đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước, giữ nước; là dịp giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc; động viên toàn Đảng, toàn dân phấn đấu xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây cũng là dịp giới thiệu và nâng cao tầm vóc của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ở khu vực và trên thế giới"(1).

Với ý nghĩa trọng đại đó, thời gian qua, thành phố đã tích cực triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 4-5-1998, của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 30/2008/CT-TTg, ngày 10-10-2008 và Quyết định số 1470/QĐ-TTg, ngày 10-10-2008, của Thủ tướng Chính phủ cũng như triển khai Chương trình số 08-Ctr/TU, ngày 4-8-2006 và Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 27-10-2008, của Thành ủy Hà Nội về các công tác, nhiệm vụ thực hiện Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND, ngày 24-10-2008, về việc phân công chỉ đạo, phối hợp, tổ chức thực hiện các công trình, dự án, Quyết định số 1576/QĐ-UBND, ngày 24-10-2008, về việc thành lập Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.

Năm 2008 được coi là năm "bản lề" để hoàn thành các mục tiêu phát triển KT - XH đến năm 2010 do Đại hội Đảng bộ thành phố xác định, cũng là năm Hà Nội đẩy mạnh tiến độ các công trình trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển KT - XH của Thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội còn phải đương đầu với thiên tai, dịch bệnh, giải quyết hậu quả tình trạng ngập úng trên diện rộng (lớn nhất trong nhiều năm qua), thực hiện tổ chức, sắp xếp bộ máy, triển khai Nghị quyết số 15 của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Bằng nỗ lực và quyết tâm cao, tình hình KT - XH năm 2008 của Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển ổn định, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, đạt 10,58%. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kết quả khả quan với 300 dự án, số vốn đăng ký đạt gần 5 tỉ USD, tăng gần 2 lần so với năm 2007. Thu ngân sách đạt xấp xỉ 67,5 nghìn tỉ đồng, tăng 12% so với dự toán năm.

Gắn liền với tăng trưởng kinh tế, Hà Nội cũng chủ động thực hành tiết kiệm và chống lạm phát có kết quả, ngừng triển khai và giãn tiến độ 56 dự án với tổng số vốn cắt giảm là 614 tỉ đồng; cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng với một số công trình trọng điểm như: tuyến đường 32, phía bắc cầu Nhật Tân, đoạn Cầu Diễn - Nhổn thuộc dự án vành đai 3, khu tái định cư Vĩnh Ngọc (Đông Anh)... Xây dựng và quản lý đô thị có tiến bộ, kết cấu hạ tầng đô thị tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang theo quy hoạch, kết cấu hạ tầng nông thôn được cải thiện. Đời sống văn hóa và an sinh xã hội tiếp tục được nâng lên, chính sách hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách được thực hiện tích cực, các vấn đề dân sinh bức xúc tiếp tục được giải quyết. Thành phố đã giải quyết việc làm cho 21.000 lao động, hoàn chỉnh thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người cao tuổi; chi ngân sách 350 tỉ đồng khắc phục thiên tai, 259 tỉ đồng duy tu, sửa chữa hạ tầng kỹ thuật do hậu quả những trận mưa lớn cuối tháng 10-2008.

Bước vào năm 2009, kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, có chiều hướng diễn biến phức tạp và khó khăn hơn đã tác động sâu sắc đến tình hình phát triển KT - XH của Hà Nội. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý I-2009 chỉ đạt 3,1% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng thấp nhất trong những năm gần đây và bằng mức tăng trưởng chung của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở mức thấp, chiếm 5,7% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, kinh tế nhà nước tăng thấp nhất, chỉ đạt 2,2%, kinh tế ngoài nhà nước tăng 9,7%, khu vực đầu tư nước ngoài tăng 4,8%. Trong quý I-2009 nhiều làng nghề gặp khó khăn chưa ký được các hợp đồng xuất khẩu sản phẩm. Các hoạt động thương mại - dịch vụ tăng trưởng không cao so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2008. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn chỉ tăng 8,4% so với mức tăng 24,9% của quý I-2008, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm nay. Nhiều mặt hàng xuất khẩu truyền thống giảm mạnh, như: linh kiện máy tính, thiết bị ngoại vi, hàng thủ công mỹ nghệ, da giày. Kim ngạch nhập khẩu giảm 48,1% so với cùng kỳ, ước đạt 3,2 tỉ USD. Sản xuất nông nghiệp giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2008. Thu ngân sách giảm đáng kể, ước đạt 19.199 tỉ đồng, bằng 27,2% dự toán so với cùng kỳ năm 2008, đạt 35,7% dự toán năm. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản qua Kho bạc Nhà nước thành phố (vốn trong nước) đạt rất thấp.

Những khó khăn hiện nay ảnh hưởng không chỉ đến các chỉ tiêu phát triển KT - XH của Hà Nội năm 2009 mà còn đến tiến độ chuẩn bị các công trình, hạng mục phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Để khắc phục khó khăn, thách thức hiện nay, Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội đã quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị là: Tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; trong đó mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Trên cơ sở tiếp thu quan điểm, nội dung chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 9 khóa X; Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XIV), ngày 7-4-2009, xác định tiếp tục thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Thực hiện tốt Nghị quyết số 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô; khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai và những khó khăn trong sản xuất, đời sống, thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường công tác quy hoạch, đi liền với công tác quản lý xây dựng, phát triển Thủ đô; tích cực chuẩn bị chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng, củng cố quốc phòng, quân sự địa phương; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại của thành phố; tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.

Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đảng bộ và chính quyền thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, về phát triển kinh tế.

Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, bảo đảm cho việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện thực hiện an sinh xã hội, bảo đảm ổn định xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh. Trong năm 2009, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND và Kế hoạch số 25/KH-UBND triển khai, thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Hà Nội tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; thực hiện các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng; thực hiện chính sách tài chính - tiền tệ hợp lý; chính sách hỗ trợ và bảo đảm an sinh xã hội.

Để thực hiện 4 nhóm giải pháp và nhiệm vụ trên đây, thành phố dự kiến cân đối nguồn vốn ngân sách cho các dự án với tổng số vốn là 18.220 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách là 17.970 tỉ đồng, bao gồm cho các dự án an sinh xã hội và bảo vệ môi trường là 9.670 tỉ đồng; các dự án hạ tầng nông nghiệp, nông thôn 5.000 tỉ đồng; các dự án nhà ở xã hội, nhà ở chính sách, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp 2.000 tỉ đồng; 100 tỉ đồng cho việc xóa bỏ 100% số phòng học tạm (khoảng 1.500 phòng); bổ sung 2.000 tỉ đồng cho các dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nguồn vốn xã hội hóa, dự án BT, BOT huy động là 6.300 tỉ đồng. Ngoài ra, thành phố còn thực hiện chính sách hỗ trợ 200 tỉ đồng cho nông dân bị thu hồi đất, công nhân bị mất việc làm và chính sách an sinh xã hội, 50 tỉ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại và đầu tư.

Ủy ban nhân dân thành phố đã phân công các đồng chí thành viên, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công việc, lĩnh vực đơn vị phụ trách, cập nhật thông tin, tháo gỡ vướng mắc, nhất là các thủ tục vay vốn, thuế, hải quan, thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa; giao cho Kho bạc Nhà nước chú trọng đẩy mạnh giải ngân vốn cho các công trình, hạng mục đúng tiến độ; giao trách nhiệm cho Sở Công Thương sớm có cơ chế hỗ trợ sản xuất hàng nội địa, thay thế hàng nhập khẩu, hướng người tiêu dùng tiêu thụ hàng nội, khẩn trương xây dựng hệ thống phân phối, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ dân sinh, bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường biện pháp quản lý thị trường, giá cả, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống gian lận thương mại và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kinh doanh trái phép, trốn thuế, thao túng thị trường và giá cả. Các cơ quan chức năng cần giải quyết linh hoạt chính sách tài chính - tiền tệ cho các doanh nghiệp trên cơ sởbảo đảm đúng các quy định, đúng đối tượng và đúng mục tiêu thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.

Thứ hai, về xây dựng, quản lý đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn.

Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với Hà Nội trên lộ trình chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau khi mở rộng địa giới hành chính với 80% diện tích khu vực là nông thôn, nông dân chiếm tới 60% số dân, để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nâng cấp đồng bộ, liên thông, từng bước hiện đại, thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các quận, huyện tập trung hoàn thành sớm công tác quy hoạch phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn trọng điểm, cấp bách (xây dựng hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý rác thải... đạt tiêu chuẩn). Thực hiện các giải pháp về giải phóng mặt bằng, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, kiểm tra, xử lý, giải quyết tại chỗ các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, xây dựng các cơ chế đặc thù nhằm bảo đảm hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân bị thu hồi đất. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục một cách dân chủ, công khai để nhân dân hiểu, đồng thuận, ủng hộ chủ trương thu hồi đất của thành phố. Tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách về nâng cao năng lực quản lý đô thị, quản lý và khai thác sử dụng hệ thống hạ tầng đô thị; chính sách kiểm tra, giám sát quản lý đất đai, quản lý xây dựng. Kiện toàn và hoàn thiện đề án chống ùn tắc giao thông và nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông, giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông. Thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường, cung cấp nước sạch. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng nhà ở, đặc biệt chú trọng triển khai các dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, cải tạo, giải quyết nhà ở cũ nguy hiểm.

Đối với các công trình phục vụ kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã quyết định phê duyệt 66 công trình, với tổng số vốn đầu tư là 2.766,9 tỉ đồng, chiếm 31,1% tổng số vốn ngân sách xây dựng cơ bản do thành phố quản lý, trong đó 47/66 công trình hoàn thành vào ngày Đại lễ, 35 công trình sẽ hoàn thành trước ngày Đại lễ; bao gồm 20 công trình văn hóa (chỉnh trang khu thành cổ Hà Nội, bảo tồn, tôn tạo khu di tích Cổ Loa, xây dựng Đền thờ Lý Thái Tổ, tôn tạo tượng vua Lý Thái Tổ, Bảo tàng Hà Nội, tượng đài Thánh Gióng, một số rạp hát, nhà thi đấu...) và 15 công trình hạ tầng kỹ thuật - đô thị (cầu Vĩnh Tuy, nút Kim Liên đường vành đai 1, đường Lạc Long Quân, đường Đội Cấn - Hồ Tây, hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, đường trục phía bắc Hà Đông, đường vành đai 3...). Ngoài ra, thành phố còn tập trung vào một số dự án có mức vốn đầu tư lớn, như: tổ hợp 65 tầng Liễu Giai - Đào Tấn, công trình LandMark Tower (Keangnam Hà Nội).

Thứ ba, về phát triển văn hóa - xã hội.

Là trung tâm chính trị - văn hóa của cả nước, trong những năm qua, Hà Nội đã thực hiện hàng loạt các giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết thực kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong Chương trình số 08-Ctr/TU ngày 4-8-2006, Thành ủy Hà Nội đã thống nhất 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển văn hóa, 4 nhiệm vụ và giải pháp xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó, 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển văn hóa là: Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển văn hóa; hoàn chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố đến cơ sở; bảo tồn, tôn tạo, xây dựng mới và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của Thủ đô; phát triển hệ thống thông tin đại chúng, phát thanh truyền hình, báo chí, xuất bản của Thủ đô; phát triển văn hóa - nghệ thuật; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa; đẩy mạnh giao lưu và hợp tác văn hóa.

Bốn nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh bao gồm: Xây dựng ý thức tôn trọng kỷ cương, pháp luật, xây dựng các quan hệ xã hội giàu tính nhân văn, xây dựng nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa; lấy gia đình làm nền tảng, lấy cộng đồng dân cư, đơn vị hành chính làm cơ sở để xây dựng môi trường văn hóa; khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa gia đình truyền thống của Thăng Long - Hà Nội gắn với những yêu cầu của nếp sống công nghiệp, đô thị hiện đại; duy trì, nâng cao chất lượng và phát triển rộng rãi phong trào xây dựng gia đình, tổ, làng, khu dân cư, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa.

Thứ tư, về giải quyết các vấn đề xã hội.

Hà Nội tập trung chỉ đạo và đề ra các chính sách an sinh xã hội, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, khẳng định sự quan tâm của Nhà nước và thành phố đối với đời sống và việc làm của người dân, nhất là người lao động tại các khu công nghiệp, hộ gia đình khó khăn và các đối tượng chính sách; giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện Đề án đào tạo nghề cho nông dân và người nghèo, xây dựng quỹ hỗ trợ ổn định đời sống, việc làm cho các hộ bị thu hồi trên 35% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; tiếp tục điều tra, khảo sát xác định hộ nghèo, cận nghèo để có các giải pháp đồng bộ giảm nghèo, thoát nghèo, tiếp tục triển khai đề án phát triển thị trường lao động Hà Nội giai đoạn 2010 - 2015; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, cho vay vốn, giải quyết việc làm cho các đối tượng mất việc, đầu tư và hỗ trợ khôi phục các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề gặp khó khăn do suy giảm kinh tế.

Thành phố tập trung đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, chú trọng chất lượng giáo dục toàn diện, công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ, kỹ thuật cao; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác y tế, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng, chủ động ngăn ngừa và kịp thời xử lý tốt các dịch bệnh phát sinh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, giảm bớt chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền; tích cực ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức và trách nhiệm về trật tự xã hội và văn minh đô thị./.
 
-------------------------------------

(1) Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 4-5-1998, của Ban Chấp hành Trung ương về việc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội