Nhà báo Đỗ Xuân Lộc sinh năm 1930, tại thành phố Yên Bái. Ông nhập ngũ năm 1948 làm chiến sĩ liên lạc ở tỉnh đội, rồi đi học trường Chính trị Phùng Chí Kiên trở thành Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 432, Trung đoàn 249 chiến đấu tiêu diệt địch trên địa bàn Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Chính trị viên Đại đội 338 vận tải bằng ngựa, thuộc Phòng Hậu cần, Khu Tây Bắc. Đã 55 năm trôi qua, ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm về các “chiến sĩ” ngựa thồ góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông Lộc kể: Đại đội tôi thường được xé lẻ từ 5 đến 7 con ngựa đi một đợt công tác, nhiều nhất là một trung đội chuyên vận chuyển theo yêu cầu phục vụ các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương của Khu. Giữa năm 1953 thì được lệnh tập trung toàn đại đội đi chuyển hàng phục vụ “đánh lớn”. Những mặt hàng mà đơn vị vận chuyển gồm các loại nhu yếu phẩm như: gạo, ngô, đường, sữa, thịt hộp, chè, thuốc… trên cung đường từ Thượng Bằng La (ngã ba đường Yên Bái - Nghĩa Lộ), vượt đèo Lũng Lô, qua Phù Yên đến chân đèo Chẹn, bàn giao cho đơn vị khác vận chuyển lên Cò Nòi, Tuần Giáo. Thời gian cứ đi ba ngày thì nghỉ một ngày. Đại đội tôi toàn anh em chiến sĩ trẻ, xuất thân từ nông dân, nhiều người không biết chữ, vào đơn vị được học chính trị, văn hóa, biết đọc, biết viết, lại có thư từ gia đình báo tin cải cách ruộng đất được chia ruộng nên phấn khởi, hăng hái lắm. Nhiều anh không ngủ trưa ra rừng đan mũ nan, vót tăm, chăm sóc ngựa như đuổi mòng, chải bờm, cho ăn cỏ, ngắm nghiá con ngựa.
 
Ban đầu chúng tôi không biết là vận tải phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng khi đường 13 mở xong, chúng tôi đi lẫn trong đội hình bộ đội, xe pháo, dân công nườm nượp như trảy hội mới thấy vinh dự quá. Thế nhưng, cũng có lúc anh em thấy tủi thân. Nhất là chị em nữ dân công, cứ thấy chúng tôi cùng đàn ngựa thồ lại hò: Chồng người ra trận lập công, hò lơ/ Chồng em lóc cóc làm ông ngựa thồ, này hò lơ, hò lờ hoặc; Nghe chức giám mã tưởng oai, hò lơ/ Hóa ra cắt cỏ ở ngoài bãi sông, này hò lơ, hò lờ… thế là cả đoàn dân công, bộ đội lại cười rộ lên. Khổ thêm nữa là ngựa thồ nặng, lên dốc thót bụng, ỉa dọc đường. Đi lẻ còn đỡ chứ đi cả đoàn hàng chục con thì ghê lắm, phân lẫn đất lầy lội và mùi hôi nồng nặc…

Khó khăn là thế nhưng anh em vẫn quyết tâm. Có đồng chí bị sốt rét, chỉ huy bắt ở lại, thế nhưng hai hôm sau đã đuổi kịp đơn vị, vì lo ngựa của mình giao cho người khác không quen dễ sinh hư. Có chiến sĩ thức suốt đêm đốt bồ kết xông cho ngựa bị đầy hơi chướng bụng. Những khi máy bay địch ném bom vào đội hình, ngựa sợ giật cương chạy vào rừng, cả đơn vị bổ đi tìm, thấy ngựa, chiến sĩ giám mã ôm đầu ngựa khóc vừa mắng, vừa mừng. Tuy thiếu thốn, đã có người phải đổi một chiếc đồng hồ để lấy một gói thuốc lào nhỏ, nhưng hàng phục vụ chiến dịch chúng tôi không tơ hào, không hao hụt. Gạo để người ăn, thóc cho ngựa mang kèm riêng theo cung đường. Mỗi tháng đại đội vận chuyển khoảng 30 tấn hàng, mưa nắng thì khắc phục, bom đánh tắc đường thì vòng tránh, ngựa không cần có đường đi sẵn, nên chúng tôi luôn bảo đảm về mặt thời gian đến hết chiến dịch...

Giải phóng Điện Biên, nhà báo Đỗ Xuân Lộc về Ban Tuyên huấn Cục Chính trị (Khu Tây Bắc), rồi lần lượt làm Tổng biên tập Báo Chiến sĩ Tây Bắc (Báo Quân khu 2 ngày nay), Chính trị viên Đoàn Văn công Quân khu 2. Ông chuyển ngành về Bộ Cơ khí luyện kim năm 1971, sau đó về phụ trách Bộ môn Tuyên truyền của Tổng cục Thể dục thể thao cho đến năm 1982 nghỉ hưu tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Những tưởng về hưu sẽ thảnh thơi, được nhân dân và chính quyền tín nhiệm ông tiếp tục có 10 năm công tác tại địa phương ở các vị trí như: Phụ trách công tác tuyên giáo Đảng ủy, nhân viên tư pháp, tổ hòa giải… của phường. Từ 1993 đến năm 2007 ông được Hội Cựu chiến binh Hà Nội giao làm Trưởng ban biên tập Bản tin Cựu chiến binh Thủ đô. Nay đã 80 tuổi nhưng ông vẫn rất hăng hái tham gia biên soạn cuốn Lịch sử Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội (1989 - 2009). Ông tâm sự: Tuổi già, sức yếu nhưng cứ nghĩ đến những ngày phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ tôi lại thấy khỏe thêm. Hào khí Điện Biên, nghĩa tình đồng đội, đức hy sinh vì đất nước đã tiếp thêm cho tôi động lực./.