Nước Mỹ và bản kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính
TCCSĐT - Tuần qua, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã có bài phát biểu quan trọng về tình hình kinh tế Mỹ. Ông Ô-ba-ma cho rằng, đã có những dấu hiệu lạc quan trên con đường phục hồi kinh tế, tuy nhiên nước Mỹ sẽ còn phải mất nhiều tháng nữa mới có thể thoát khỏi suy thoái. Trong bài phát biểu trên, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố, các chỉ số kinh tế trong quý II/2009 cho thấy, gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỉ USD đã phanh đà suy thoái sâu và Mỹ đã chọn đúng hướng.
Tổng thống Ô-ba-ma nêu rõ, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 31-7 về tình hình phát triển kinh tế của Mỹ trong quý II vừa qua đã ghi nhận những tín hiệu khả quan. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tiến bộ này có được là do gói kích thích kinh tế, được biết tới với tên “Luật Tái đầu tư và Khôi phục nước Mỹ”, bắt đầu phát huy tác dụng. Theo ông, điều này chứng tỏ nước Mỹ đã đi đúng hướng. Song ông cũng cảnh báo, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, trong quý II/2009, giá trị tổng sản phẩm quốc nội Mỹ đạt 141,1 tỉ USD, chỉ giảm 1% so với quý I, thấp hơn so với mức dự đoán 1,5% của giới chuyên gia. Mức suy giảm GDP cũng đã có sự cải thiện mạnh mẽ, từ 6,4% trong quý I/2009 xuống còn 1% trong khoảng thời gian từ tháng tư đến hết tháng sáu vừa qua. Mức suy giảm này cho thấy, dấu hiệu của tình trạng suy thoái tồi tệ nhất của nước Mỹ có thể đã qua.
Cuối tháng 6-2009, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã đưa ra Quốc hội kế hoạch đại cải tổ hệ thống tài chính Mỹ nhằm ngăn chặn những rủi ro của ngành ngân hàng trong tương lai, sau hàng loạt sai lầm đã mắc phải. Và kế hoạch này sẽ phải được thông qua sự phê chuẩn của Quốc hội. Bản Kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính của Mỹ - nơi được cho là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng toàn cầu lần này, gồm 5 phần:
Phần 1: Đẩy mạnh giám sát và quản lý các công ty tài chính. Đây là phần cốt lõi nhất của kế hoạch cải tổ tài chính, trong đó có hai điểm đặc biệt quan trọng:
a. Trao quyền lực giám sát các tổ chức tài chính lớn cho Cục Dự trữ Liên bang (FED) nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các rủi ro mang tính hệ thống trong các ngân hàng. Nội dung này cũng bắt nguồn từ một thực tế là cho đến khi cuộc khủng hoảng nổ ra thì FED và Chính phủ Mỹ hầu như mù tịt về các hoạt động kinh doanh tài chính của các tổ chức tài chính ở Mỹ, nên sự đổ vỡ của chúng đã tạo ra một bất ngờ lớn và một cú sốc mạnh đối với nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
b. Yêu cầu các công ty tài chính tăng tỷ lệ vốn tự có nhằm đối phó các khoản thua lỗ (bất ngờ) và phải giữ lại 5% các khoản cho vay có tên “Chứng khoán có nguồn gốc từ tín dụng thế chấp (MBS)”. Yêu cầu tăng dự trữ vốn trong bản kế hoạch này là một yêu cầu dễ hiểu khi cuộc khủng hoảng lần này đã cho thấy, nhiều công ty lâm vào tình trạng không trả được nợ do tỷ lệ vay trên vốn tự có rất cao. Các doanh nghiệp này dùng nguồn vốn vay được dùng để mua các sản phẩm tài chính và khi chúng mất giá đột ngột, mức thua lỗ nhanh chóng lớn hơn vốn tự có của doanh nghiệp và đẩy họ vào thế có trị giá tài sản ròng âm, và vì thế phải phá sản.
Trong khi đó, việc yêu cầu giữ lại một phần các khoản cho vay mà các doanh nghiệp “trộn lẫn, đóng gói, xé nhỏ và bán lại” là để các ngân hàng này cẩn thận hơn trong việc tạo ra các MBS. Trước đây, khi họ có thể bán sạch các MBS đã tạo ra sau đó sự phủi tay mà không lo gì tới các rủi ro vỡ nợ sau này. Giờ đây, nếu họ phải giữ lại một phần, ví dụ như 5% chẳng hạn, thì họ chắc chắn phải cẩn thận hơn với các khoản cho vay.
Phần 2: Thiết lập hệ thống quản lý toàn diện đối với thị trường tài chính. Phần này không có gì mới ngoài việc quy định thêm một số yêu cầu đối với các định chế có chức năng giám sát thị trường tài chính như SEC hay CFTC.
Phần 3: Bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư. Có lẽ nội dung chính trong phần này là thành lập Cơ quan bảo vệ tài chính tiêu dùng (CFPA - Consumer Financial Protection Agency), có chức năng giám sát những đơn vị cho vay, yêu cầu họ phải cung cấp các sản phẩm tín dụng minh bạch và dễ hiểu đối với người tiêu dùng.
Phần 4: Trang bị cho Chính phủ các công cụ cần thiết để chống khủng hoảng. Phần này gồm 2 điểm quan trọng:
a) Tạo ra cơ chế để Chính phủ can thiệp vào các công ty tài chính lớn đang sắp phá sản, trong đó Ủy ban Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đứng ra kiểm soát tất cả các ngân hàng đang sắp phá sản. Đây là nội dung nhằm giải quyết tình hình lúng túng của chính quyền khi đứng trước sự kiện các công ty tài chính lớn như Lehman Brothers đang chuẩn bị sụp đổ.
b) Buộc FED phải nhận được sự đồng ý của Bộ Tài chính Mỹ trong các quyết sách có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế. Điều này nhằm thỏa mãn một số chỉ trích cho rằng, trong vòng 2 năm qua, FED đã có những quyết định lên tới hàng nghìn tỉ USD mà không cần phải thông qua Chính phủ hay Quốc hội Mỹ. Nhiều người cho rằng, việc thiếu giám sát này đã khiến FED lộng quyền và làm việc không hiệu quả.
Phần 5: Nâng cao các quy chuẩn quản lý quốc tế và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Như vậy, theo kế hoạch này, FED sẽ được trao quyền giám sát các định chế tài chính then chốt. Một cơ quan bảo vệ tài chính khách hàng mới sẽ được thành lập; Ủy ban Thương mại Liên bang và Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ sẽ có thêm nhiều quyền mới để bảo vệ khách hàng và nhà đầu tư nhằm khắc phục những yếu kém mà cuộc khủng hoảng ở khu vực cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn và tình trạng suy thoái kinh tế đã bộc lộ trong hệ thống quản lý của Mỹ. Nó cũng nhằm tới việc giải quyết những nguy cơ có thể gây hại cho toàn bộ hệ thống tài chính, gia tăng các thủ tục về vốn cho các ngân hàng, đảm bảo Chính phủ có thể tiếp quản các ngân hàng thua lỗ, bảo vệ khách hàng và nhà đầu tư.
Nét thay đổi rõ nhất trong kế hoạch của Tổng thống Ô-ba-ma là việc tạo ra cơ quan bảo vệ tài chính cho người tiêu dùng, sẽ biên soạn và thực thi luật tài chính tiêu dùng. Các nhà hoạch định chính sách ngân hàng đang nóng lòng ngăn chặn rủi ro, bởi nhiệm vụ chính của họ là giữ cho hệ thống ngân hàng khỏe mạnh và có lãi. Một cơ quan riêng về tiêu dùng trong kế hoạch mới của ông Ô-ba-ma sẽ quản lý nghiêm ngặt hơn đối với các khoản vay tiêu dùng cũng hơn đảm bảo quyền lợi của họ. Sự đổi mới trong vấn đề này là điều quan trọng bởi khủng hoảng tài chính trong 2 năm qua có thể sẽ không thiệt hại đến như vậy nếu như các nhà cho vay không mở rộng các khoản vay vô tội vạ đối với những người không thế hoàn trả lại tiền mà không bán nhà hoặc là quay vòng vốn mới.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, bản kế hoạch này khó lòng có được sự đồng ý từ phía các nghị sĩ nếu không có các sửa đổi mang tính thỏa hiệp. Cả giới quan sát và bản thân Tổng thống Ô-ba-ma đều nhận định, “đây là kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính lớn nhất kể từ thập kỷ 1930”. Tổng thống Ô-ba-ma tuyên bố, “chúng ta đang nỗ lực để xây dựng một nền tảng mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Nhiệm vụ này không hề dễ dàng. Chúng ta biết rằng, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay không phải là kết cục của một sai lầm mà là của rất nhiều sai lầm. Những thách thức cam go nhất mà chúng ta đang đối mặt là sản phẩm của vô số sai lầm và cơ hội bị bỏ lỡ vốn đã diễn ra trong nhiều thập niên qua”.
Giới quan sát dự báo, kế hoạch trên có thể sẽ gặp phải sự phản đối tại Quốc hội Mỹ. Trong khi đó, ông Ô-ba-ma hy vọng, Quốc hội sẽ “làm việc nhanh chóng” để đưa kế hoạch vào thực tiễn. Tất cả chỉ có thể biết được vào cuối năm 2009, thời điểm mà Quốc hội Mỹ dự kiến thông qua bản kế hoạch trên./.
Bế mạc Đại hội đồng AIPA 30  (06/08/2009)
Diễn đàn Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc bộ mở rộng 2009  (06/08/2009)
Từ khủng hoảng tới tăng trưởng: tác động và cơ hội đối với phụ nữ  (06/08/2009)
Tổng thống I-ran bắt đầu nắm quyền sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi  (06/08/2009)
Tổng thống I-ran bắt đầu nắm quyền sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi  (06/08/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển