Diễn biến cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki, Phần Lan.
Giới quan sát cho rằng việc chọn Helsinki làm địa điểm tổ chức cuộc gặp là rất hợp lý vì đây là nơi Hiệp ước Helsinki được Mỹ, Liên Xô và 33 nước châu Âu thông qua năm 1975 nhằm cải thiện quan hệ Đông-Tây, ngăn chặn thảm họa hạt nhân và tiến tới xây dựng an ninh chung.
Trước đó, hai nhà lãnh đạo từng gặp nhau hai lần bên lề các hội nghị quốc tế và có ít nhất 8 cuộc điện đàm.
Lần gần nhất hai ông gặp nhau khi cùng dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng tháng 11-2017.
Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử này mới là lần đầu tiên hai bên chính thức gặp nhau kể từ khi ông Trump nhậm chức cách đây một năm rưỡi và cũng là lần đầu tiên nguyên thủ hai nước hội kiến chính thức kể từ năm 2009.
Lãnh đạo hai nước gặp riêng
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp gỡ báo chí trước khi họp kín.
Trước khi bắt đầu cuộc gặp riêng, hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc trò chuyện với báo giới.
Theo đó, Tổng thống Putin cho rằng đã đến lúc hai bên có những cuộc thảo luận quan trọng về mối quan hệ song phương và nhiều vấn đề cấp bách khác trên thế giới.
Về phần mình, Tổng thống Trump cho rằng việc duy trì mối quan hệ hòa thuận với Nga là một điều tốt đẹp chứ không phải điều xấu, ngoài ra cả thế giới đều mong muốn Nga và Mỹ hòa thuận.
Ông Trump khẳng định sẽ thảo luận về mọi vấn đề từ thương mại, quân sự, vũ khí hạt nhân cho đến quan hệ với Trung Quốc trong cuộc gặp riêng với Tổng thống Putin.
Tổng thống Mỹ cũng đánh giá cao việc Nga vừa tổ chức thành công World Cup 2018.
Theo chương trình nghị sự, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ lần này sẽ đề cập đến tình hình Ukraine, Syria và thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngoài ra, vấn đề kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro hạt nhân, đặc biệt là tương lai của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) sẽ hết hạn vào tháng 02-2021, dự kiến cũng là một nội dung quan trọng của cuộc hội đàm.
Theo lịch trình của Nhà Trắng được công bố trước đó, sau khi kết thúc cuộc hội đàm dự kiến diễn ra trong 1 giờ rưỡi, hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục với bữa trưa làm việc. Cuộc họp báo chung của hai nhà lãnh đạo sẽ được tổ chức sau đó.
Cựu Cố vấn về Trung Đông của Tổng thống Trump, ông Walid Phares cho biết ông Trump và người đồng cấp Nga Putin có khả năng sẽ nhất trí các nguyên tắc chung về cuộc nội chiến Syria, khi mà cả hai bên đều thấy được sự cấp thiết phải giải quyết vấn đề này.
Sau hàng loạt những căng thẳng, quan hệ Nga và Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Chính quyền Tổng thống Trump đã áp đặt trừng phạt một loạt cá nhân và tổ chức của Nga với cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, song song với các đòn trả đũa ngoại giao qua lại như trục xuất hàng trăm nhân viên ngoại giao của nhau, đóng cửa nhiều cơ sở ngoại giao ở mỗi nước theo kiểu "ăn miếng, trả miếng."
Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt Nga trong khuôn khổ loạt biện pháp gây sức ép của phương Tây liên quan việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, cũng như vai trò của Moskva trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Trong bối cảnh hai bên còn quá nhiều mâu thuẫn và khác biệt, dư luận kỳ vọng cuộc gặp giữa ông chủ Nhà Trắng và người đứng đầu Điện Kremlin sẽ được tận dụng để làm “bàn đạp” giúp quan hệ song phương "tan băng," tạo cơ hội để hai cường quốc thiết lập lại các mối quan hệ và phát triển hợp tác trong nhiều vấn đề quan trọng.
Trong một phản ứng mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga đã khẳng định "nhất trí" với bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra ngày 16-7 trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki rằng quan hệ Nga-Mỹ xuống mức thấp chưa từng thấy là do sự "ngu ngốc" của Mỹ.
Liên quan tới đánh giá về quan hệ song phương của Tổng thống Trump, trên tài khoản Twitter, Bộ Ngoại giao Nga đăng dòng tweet "chúng tôi nhất trí."
Chỉ vài giờ trước cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga, bình luận trên trang Twitter của mình, Tổng thống Trump viết :"Quan hệ của chúng ta với nước Nga xấu chưa từng thấy do sự ngu ngốc của Mỹ và giờ đây là chiến dịch săn phù thủy gian dối," ám chỉ tới cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Lãnh đạo Mỹ-Nga bắt đầu bữa trưa làm việc
Lãnh đạo Mỹ-Nga trong bữa trưa làm việc.
Sau cuộc gặp riêng rẽ ngày 16-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có bữa trưa làm việc với các cố vấn.
Đánh giá về cuộc gặp riêng trước đó, phát biểu tại bữa trưa làm việc, Tổng thống Trump tuyên bố ông đã có được "một sự khởi đầu tốt, một sự khởi đầu rất tốt cho tất cả mọi người."
Trước đó, Nhà Trắng dự kiến cuộc gặp riêng của hai nhà lãnh đạo chỉ trong vỏn vẹn 90 phút, nhưng trên thực tế, cuộc gặp đã kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ.
Hai tổng thống tiến hành họp báo
Kết thúc cuộc gặp riêng và bữa trưa làm việc với các cố vấn tại thủ đô Helsinki của Phần Lan tối 16-7 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành họp báo chung, thông báo về kết quả các cuộc làm việc.
Theo hãng tin Anh Reuters, Tổng thống Putin đánh giá cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ đã diễn ra hết sức thẳng thắn và hữu ích. Mặc dù vậy, ông cũng thừa nhận quan hệ song phương đang trong giai đoạn khó khăn, không có lý do khách quan nào có thể biện minh cho điều này khi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định các cuộc gặp này phản ánh mong muốn của hai nước sớm khôi phục sự tin tưởng lẫn nhau.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hai nước đang phải đối mặt với những thách thức mới như chủ nghĩa khủng bố và các vấn đề kinh tế thế giới. Ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khởi động đối thoại về cân bằng vũ khí hạt nhân. Tổng thống Putin đánh giá cao các nỗ lực ngoại giao của chính quyền Mỹ trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra những khác biệt trong quan điểm của Nga và Mỹ liên quan đến vấn đề Iran.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông và nhà lãnh đạo Nga đã có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng và diễn ra tốt đẹp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mô tả cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin là một cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở và có tính xây dựng sâu sắc.
Theo Tổng thống Trump, quan hệ Nga-Mỹ đã được cải thiện qua hội nghị thượng đỉnh này. Ông nói: "Quan hệ của chúng ta chưa bao giờ tồi tệ hơn bây giờ. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi. Khoảng 4 giờ trước đây." Tổng thống Trump khẳng định quan hệ ngoại giao với Nga là điều cần thiết và hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề như cuộc khủng hoảng Syria.
Về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Ông khẳng định cuộc điều tra của Mỹ về việc Nga can thiệp bầu cử là một thảm họa đối với nước này. Theo Tổng thống Trump, đội ngũ cố vấn bầu cử của ông đã tiến hành một chiến dịch tuyệt vời và đây là lý do tại sao ông trở thành tổng thống.
Cũng theo Tổng thống Trump, cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga tại Helsinki chỉ là khởi đầu cho con đường đối thoại mạnh mẽ hơn với Moskva.
Hai ngoại trưởng hội đàm bên lề
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo.
Ngày 16-7, trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin đang tiến hành hội đàm riêng tại Dinh Tổng thống Phần Lan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai ngoại trưởng kể từ khi ông Pompeo được bổ nhiệm làm người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ. /.
Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở  (16/07/2018)
Thông tin sai sự thật, Báo Tuổi trẻ Online bị đình bản 3 tháng  (16/07/2018)
Chủ động phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho người dân  (16/07/2018)
Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị của cơ quan Văn phòng Quốc hội quán triệt Nghị quyết Trung ương 7  (16/07/2018)
Tuyển sinh đại học 2018: Chốt điểm sàn ngành sư phạm  (16/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay