TCCSĐT - Trong không khí chuẩn bị kỷ niệm 73 năm chiến thắng phát-xít, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai và cũng là 73 năm Ngày Chiến thắng vinh quang của quân và dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại (09-5-1945 - 09-5-2018), hoạt động thường niên trong suốt hơn 10 năm qua của phong trào xã hội “Trung đoàn bất tử” lại được tổ chức.

“Trung đoàn bất tử” với Ngày Chiến thắng phát-xít

 
 "Trung đoàn bất tử". Ảnh: RIA Novosti

Từ một phong trào chỉ diễn ra tại một số thành phố của Nga, đến nay, hoạt động này đã được hưởng ứng tại nhiều nước trên khắp thế giới. Tại Mỹ, hoạt động của “Trung đoàn bất tử” đã diễn ra tại các thành phố bao gồm cả New York và thủ đô Washington. Tại thủ đô Washington, các hoạt động kỷ niệm bắt đầu từ khu vực Nhà Trắng. Những người tham gia đã mang theo ảnh của người thân là các cựu chiến binh và tuần hành dọc các tuyến phố. Trong đoàn tuần hành năm nay cũng có rất nhiều thanh niên chưa đầy 18 tuổi. Sau đó, các hoạt động nghệ thuật kỷ niệm cũng được tổ chức. Dự kiến, trong vài ngày tới, các hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng cũng sẽ diễn ra tại các thành phố khác của Mỹ như Los Angeles, San Francisco, Chicago... Ước tính, hoạt động của “Trung đoàn bất tử” tại nước Mỹ năm nay sẽ thu hút hơn 6.000 người tham gia.

Không chỉ có Mỹ, tại khu vực châu Mỹ, hoạt động tưởng nhớ những người đã cống hiến và hy sinh để cứu toàn nhân loại khỏi thảm họa phát-xít cũng được tổ chức tại nhiều nước như Cuba, Brazil, Argentina, Mexico... Đáng kể nhất, năm nay là năm đầu tiên phong trào “Trung đoàn bất tử” đã lan đến Chile. Những người hưởng ứng phong trào này ngày 05-5 đã tập trung tại nhà thờ chính thống giáo của Nga ở thủ đô Santiago để tiến hành lễ cầu siêu cho những người đã ngã xuống trong chiến tranh, sau đó tiến hành tuần hành từ đây.

Tại châu Âu, những người hưởng ứng hoạt động của “Trung đoàn bất tử”ở Italy bao gồm những người gốc Nga hoặc các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây và cả người dân nước sở tại, đã tập trung tại thủ đô Rome. Tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan, những người tuần hành giơ cao ảnh của người thân tham gia cuộc chiến tranh chống phát-xít, đi từ nhà ga chính ở thủ đô đến quảng trường trung tâm Dam, đồng thời hát vang các bài hát thời chiến, trong đó có bài “Ngày Chiến thắng” và Kachiusa. Các hoạt động tương tự như vậy cũng đã diễn ra tại Thụy Sĩ, Bỉ, Slovakia và Macedonia.

Trong khi đó, ở châu Á, hoạt động của “Trung đoàn bất tử” lần thứ 2 được tổ chức tại Nhật Bản. Nhiều người Nga đang sinh sống tại Nhật Bản cũng như các nhân viên cùng gia đình của phái bộ ngoại giao Nga tại Tokyo ngày 05-5 đã tập trung tại Đại sứ quán Nga để hưởng ứng phong trào này.

Tại thành phố Melbourne (Australia), hàng trăm người cũng đã tập trung tại trung tâm thành phố và tuần hành dọc bờ sông Yarra, sau đó tổ chức hoạt động tập thể tại công viên Batman. Ngày 05-5, cuộc tuần hành “Trung đoàn bất tử” cũng lần đầu tiên được tổ chức ở Zambia, quốc gia miền Nam châu Phi với sự tham gia của hàng trăm người.

Phong trào “Trung đoàn bất tử” bắt đầu từ năm 2007 nhân Ngày Chiến thắng tại tỉnh Tyumen miền Trung nước Nga, khi mọi người, nhất là thanh niên, mang ảnh của người thân đã tham gia Chiến tranh giữ nước vĩ đại tuần hành trên đường phố trong sự kiện gọi là “Cuộc diễu hành của những người chiến thắng”. Cái tên “Trung đoàn bất tử” xuất hiện từ năm 2012 trong cuộc tuần hành tương tự tại tỉnh Tomsk. Các hoạt động của “Trung đoàn bất tử” diễn ra trên khắp thế giới nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã đóng góp công sức làm nên chiến thắng vĩ đại trong cuộc chiến được xem là tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại này - chiến thắng phát xít, đặc biệt là các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô.

Cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: news.cgtn.com

Nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ những bất đồng trong quan hệ thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nước đã tiến hành đàm phàn thương mại. Dẫu Mỹ và Trung Quốc đạt đồng thuận trong một số vấn đề thương mại và kinh tế, song vẫn còn những bất đồng đòi hỏi hai bên cần có nhiều nỗ lực hơn nữa.

Trong cuộc tham vấn thương mại kéo dài 2 ngày 03 và 04-5-2018 tại Trung Quốc giữa phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Tài chính S. Mnuchin dẫn đầu và phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, hai bên đã tập trung thảo luận về một loạt những khiếu nại của Mỹ về các hoạt động thương mại của Trung Quốc, từ việc Bắc Kinh ép buộc các công ty chuyển giao công nghệ, đến những khoản trợ cấp chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ cũng như trao đổi các quan điểm về việc mở rộng hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Tại cuộc đàm phán, phái đoàn thương mại Mỹ mong muốn, Trung Quốc lập tức cắt giảm sự mất cân bằng thương mại song phương và chấm dứt trợ giá cho mặt hàng công nghệ tiên tiến. Đồng thời, yêu cầu Trung Quốc giảm 200 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ trước năm 2020, đồng thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với tất cả các mặt hàng xuống các mức không cao hơn biểu thuế của Mỹ.

Về phía Trung Quốc, phái đoàn nước này đã đưa ra một gói các biện pháp ngắn hạn, gồm việc loại bỏ yêu cầu về tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong các liên doanh đối với một số ngành, cắt giảm thuế áp lên mặt hàng ô tô, và gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ nhằm trì hoãn quyết định của Mỹ về áp đặt thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 50 tỷ USD.

Kết thúc đàm phán, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được đồng thuận trong một số vấn đề về tranh chấp thương mại như cam kết giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại và nhất trí thành lập một cơ chế làm việc chung nhằm duy trì liên lạc chặt chẽ, song giữa hai bên vẫn còn những bất đồng tương đối lớn về một số nội dung khác.

Những diễn biến căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung thời gian gần đây đã làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại mà những tổn thất hai bên sẽ phải gánh chịu không hề nhỏ. Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, Mỹ và Trung Quốc cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá nhằm tránh xảy ra một cuộc chiến thương mại thực sự.

Pháp khẳng định vai trò quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương

 
 Tổng thống Pháp E. Macron và Thủ tướng Australia M. Turbull. Ảnh: radionz.co.nz

Từ ngày 01 đến 03-5-2018, Tổng thống Pháp E. Macron đã thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Australia kể từ khi nhậm chức. Trong chuyến thăm, việc nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi thành lập liên minh chiến lược mới giữa Pháp, Australia và Ấn Độ nhằm đối phó với các thách thức ở khu vực tiếp tục là dấu hiệu cho thấy, Pháp ngày càng khẳng định vai trò tại cả hai khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Tiếp sau chuyến công du tới Ấn Độ hồi tháng 3 vừa qua, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Pháp tới Australia được coi là thông điệp Paris đang khẳng định vai trò tại cả hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bởi đây là hai khu vực mà Paris có sự gắn bó lợi ích với nhiều hải đảo cùng lực lượng vài nghìn quân nhân bảo vệ lãnh thổ. Pháp hiện có những cơ sở ở Ấn Độ Dương, như vùng đảo Réunion thuộc Pháp, và vùng lãnh thổ hải ngoại New Caledonia ở Thái Bình Dương.

Thời gian gần đây, Pháp cũng đã tăng cường sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cụ thể là, chương trình huấn luyện của hải quân Pháp “Jeanne d’Arc” được triển khai tại Đông Á và Nam Thái Bình Dương, với sự tham gia của tàu Dixmude lớp Mistral và tàu khu trục nhỏ Surcouf lớp La Fayette. Tàu khu trục Vendemiaire của Pháp đã ghé thăm Nhật Bản và tham gia đợt huấn luyện với lực lượng hải quân sở tại vào tháng 2. Một nhóm hải quân khác của Pháp cũng tiến hành hoạt động huấn luyện ở Ấn Độ Dương. Tàu đổ bộ Tonnerre lớp Mistral và tàu khu trục Chevallier lớp Horizon vừa kết thúc các cuộc diễn tập với hải quân Mỹ ở khu vực bờ biển ngoài khơi Djibouti.

Chính vì vậy, sáng kiến của Tổng thống E. Macron nhằm thành lập một liên minh chiến lược mới giữa Pháp, Australia và Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương được coi là cơ sở để Pháp mở rộng phạm vi hoạt động ở hai khu vực này. Hơn thế, lời kêu gọi thành lập một liên minh chiến lược mới giữa Pháp, Australia và Ấn Độ của Tổng thống E. Macron dựa trên cam kết bảo đảm an ninh, tự do đi lại và thị trường tự do tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đồng thời bảo vệ chủ quyền chung trong chuyến thăm Australia đã được Thủ tướng M. Turbull hưởng ứng khi khẳng định Canberra và Paris chia sẻ “tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do, mở và thịnh vượng”. Những động thái này của hai nhà lãnh đạo Pháp và Australia đã được các chuyên gia phân tích nhận định là toàn diện và khá sâu sắc, hội tụ đầy tham vọng giữa các lợi ích chiến lược của Pháp và Australia trong sự phát triển mạnh mẽ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trước đó, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống E. Macron, hai nước đã khẳng định tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và hòa bình, đồng thời cam kết tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương. Có thể nói, những tuyên bố của Tổng thống E. Macron và Thủ tướng M. Turbull cũng như những cam kết của hai nhà lãnh đạo Pháp và Ấn Độ cho thấy sự tương đồng lợi ích chiến lược giữa Paris - Canberra - New Delhi tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đồng thời là 3 cường quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quan hệ đối tác Pháp - Australia - Ấn Độ trong một liên minh chiến lược sẽ giữ vai trò trung tâm trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực.

Xung quanh căng thẳng ngoại giao giữa Maroc và Iran

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: abcnews.go.com

Maroc vừa tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran với lý do Tehran ủng hộ nhóm Mặt trận Polisario, một phong trào đấu tranh đòi độc lập cho khu vực Tây Sahara. Bộ Ngoại giao Iran đã kịch liệt bác bỏ các cáo buộc của Maroc. Sự việc này đã khiến căng thẳng ngoại giao giữa Maroc và Iran tiếp tục tái diễn.

Trước quyết định của Maroc, các nước vùng Vịnh gồm Bahrain, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã bày tỏ ủng hộ và tuyên bố sẽ “sát cánh với Maroc trong việc ứng phó với mọi thách thức đối với an ninh, an toàn và ổn định” của nước này.

Căn nguyên sâu xa của vấn đề này bắt nguồn từ cuộc xung đột giữa Maroc và Mặt trận Polisario để giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ sa mạc Tây Sahara. Maroc tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Tây Sahara sau khi thực dân Tây Ban Nha rời đi, nhưng Mặt trận Polisario đã phát động một cuộc chiến tranh du kích đòi độc lập cho người Sahrawi. Cuộc xung đột giữa Maroc và Mặt trận Polisario để giành quyền kiểm soát khu vực Tây Sahara đã kéo dài từ năm 1975 đến năm 1991. Kể từ năm 1991, Liên hợp quốc đã thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho Tây Sahara, sau khi đạt được một lệnh ngừng bắn và chấm dứt xung đột, đồng thời Phái bộ Liên hợp quốc tại Tây Sahara (MINURSO) đã giám sát lệnh ngừng bắn ở khu vực này. Với khu vực sa mạc rộng 266.000 km2 và bờ biển dài 1.100 km, Tây Sahara là vùng lãnh thổ duy nhất của châu Phi mà tình trạng hậu thuộc địa chưa được giải quyết. Hiện Maroc đang kiểm soát phần lớn khu vực này (80%), trong khi phần còn lại (20%) thuộc về Mặt trận Polisario. Phần lãnh thổ do Maroc kiểm soát và phần lãnh thổ do Mặt trận Polisario kiểm soát được ngăn cách bởi một bức tường và một vùng đệm do các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc kiểm soát. Tuy nhiên, phía Maroc đã cáo buộc Mặt trận Polisario xâm phạm khu vực lãnh thổ do nước này quản lý.

Ngày 27-4 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các bên tham gia cuộc xung đột ở Tây Sahara “đàm phán không có điều kiện tiên quyết” và kéo dài thêm 6 tháng hoạt động của MINURSO giám sát việc ngừng bắn giữa Maroc và Mặt trận Polisario. Nghị quyết này đã được phê chuẩn. Nhiệm vụ giám sát ngừng bắn giữa Maroc và Mặt trận Polisario của MINURSO đã hết hạn vào ngày 30-4 vừa qua. Theo nghị quyết, nhiệm vụ giám sát ngừng bắn giữa Maroc và Mặt trận Polisario của MINURSO được gia hạn cho đến ngày 31-10 tới. MINURSO gồm khoảng 400 nhân viên với ngân sách hoạt động hằng năm khoảng 52 triệu USD. 6 tháng kéo dài này sẽ cho phép tạo ra một đòn bẩy để thúc đẩy các bên đàm phán. Trong thời gian này, MINURSO sẽ tìm kiếm các giải pháp chính trị với hy vọng sẽ nối lại quá trình đàm phán trước đó. Vòng đàm phán gần nhất giữa Maroc và Mặt trận Polisario bắt đầu từ năm 2008.

Dấu ấn sau một năm cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

 
 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: time.com

Trong một năm qua, có thể nói Tổng thống Moon Jae-in đã đạt được những thành công nhất định trong việc điều hành đất nước, cũng như cải thiện được mối quan hệ liên Triều và được dư luận quốc tế đặc biệt hoan nghênh.

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Moon Jae-in đã có cuộc gặp riêng với tất cả các đảng phái đối lập ở Hàn Quốc để kêu gọi sự ủng hộ của họ đối với việc điều hành đất nước, điều mà chưa có bất kỳ nhà lãnh đạo Hàn Quốc nào từng làm. Và những nỗ lực này của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã được đền đáp nhất định khi tỷ lệ ủng hộ mà người dân dành cho vị Tổng thống mới vẫn duy trì ở mức trên 70% kể từ sau lễ nhậm chức.

Các nhà phân tích cho rằng, sự ủng hộ mà Tổng thống Moon Jae-in có được, bắt nguồn từ những sáng kiến và chính sách mà ông đã đề ra và hiện đang tiếp tục trở thành động lực giúp nhà lãnh đạo này thúc đẩy những thay đổi và cải cách. Để vực dậy nền kinh tế đất nước, Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra 5 mục tiêu và 100 nhiệm vụ, tập trung chủ yếu vào việc tăng thu nhập cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp. Để đạt được mục tiêu này, Tổng thống Hàn Quốc đã cam kết tạo ra gần 1 triệu việc làm trong khu vực công trong nhiệm kỳ đầu cầm quyền, với khoảng 110.000 việc làm được tạo mới trong năm 2017.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho thấy, trong quý I-2018, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 1,1% so với quý trước đó nhờ sự gia tăng trong đầu tư và xuất khẩu, “lội ngược dòng” từ mức suy giảm 0,2% ghi nhận trong ba tháng cuối năm 2017. So với cùng kỳ năm 2017, GDP quý I-2018 của Hàn Quốc đã tăng 2,8%. Với đà tăng trưởng đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã dự đoán nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 3% trong suốt năm 2019. Hiện nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, đồng thời là nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới. Hàn Quốc là một nhà chế tạo hàng đầu về các sản phẩm công nghệ cao, một nhà giao dịch toàn cầu được hưởng hạ tầng hạng nhất thế giới.

Ngoài ra, những sáng kiến được ca ngợi nhiều nhất của nhà lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae-in trong năm qua còn là kế hoạch cải tổ toàn diện chương trình chăm sóc sức khỏe. Nếu hoàn tất đúng hạn vào năm 2020, chương trình này sẽ giúp người dân Hàn Quốc giảm bớt 18% chi phí y tế cá nhân và giúp những người có mức thu nhập thấp giảm tới 46% chi phí trong lĩnh vực này...

Ngay từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Moon Jae-in luôn theo đuổi mục tiêu thúc đẩy đối thoại liên Triều. Theo ông, chỉ có đàm phán đi kèm với các thỏa thuận về kinh tế, thương mại với Triều Tiên mới giúp làm giảm căng thẳng và thuyết phục nước này từ bỏ chính sách quân sự của mình.

Nếu như trong năm 2017, bán đảo Triều Tiên liên tục bị đe dọa bởi những vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thì sang năm 2018, dường như tình hình đã lắng dịu xuống kể từ sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát đi Thông điệp đầu Năm mới, khẳng định hai miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ và sẵn sàng đàm phán với Hàn Quốc về khả năng tham gia Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018.

Và một dấu mốc quan trọng trong năm đầu tiên giữ cương vị tổng thống của ông Moon Jae-in, đó là vào ngày 27-4-2018, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều giữa nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã kết thúc thành công hơn mọi dự đoán. Ngoài ra, trong một năm qua, quan hệ của Hàn Quốc với nước đồng minh Mỹ, hay Trung Quốc, Nhật Bản… cũng được cải thiện đáng kể khi ông Moon Jae-in nhận được sự ủng hộ của những nước này trong vấn đề Triều Tiên.

Có thể thấy, trong một năm qua, Tổng thống Moon Jae-in đã điều khiển “con tàu” Hàn Quốc đi đúng hướng và đạt được những thành tựu nhất định về đối nội và đối ngoại. Mặc dù vậy, quãng đường phía trước của ông vẫn còn dài và sẽ còn nhiều thách thức. Do đó, hiện người dân Hàn Quốc tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng vào vị “thuyền trưởng” Moon Jae-in sẽ dẫn dắt đất nước đạt được những thành công hơn nữa./.