Phát triển văn hóa - xã hội Việt Nam trước các biến động lớn của khu vực và thế giới hiện nay
TCCS - Biến động của khu vực và thế giới trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI tác động nhiều mặt tới đời sống văn hóa - xã hội Việt Nam, bao gồm cả tác động trực tiếp và tác động gián tiếp. Vì vậy, mọi chính sách quản lý và phát triển văn hóa - xã hội của Việt Nam không thể thoát ly khỏi bối cảnh thế giới và khu vực, đặc biệt là những chuyển biến lớn trong thời gian gần đây.
Những biến động lớn của thế giới và khu vực tác động mạnh mẽ đến đời sống và chính sách phát triển văn hóa - xã hội Việt Nam
Thế giới và khu vực thời gian qua có những chuyển biến lớn: bùng nổ mạng xã hội và vấn đề an ninh mạng; cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0); chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy và xu hướng bảo hộ mậu dịch; hoạt động khủng bố; toàn cầu hóa và thách thức với bản sắc văn hóa dân tộc.
Bùng nổ mạng xã hội diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có, tạo ra quá trình cá thể hóa hoạt động truyền thông mà mỗi người đều có thể tham gia, tạo thách thức đối với các phương thức truyền thông truyền thống (báo in, báo hình, báo nói,...). Các sự kiện khủng hoảng truyền thông ngày nay đều có sự tham dự của mạng xã hội mà ở đó thu hút số lượng lớn những người làm báo không chuyên. Phát triển mạng xã hội làm cho thông tin được chia sẻ cởi mở, tự do, đa tuyến, không chỉ đơn tuyến từ các định chế truyền thông đến đối tượng thu tin mà cả những phản hồi đa dạng. Đồng thời, mạng xã hội cũng đe dọa đến an ninh con người khi đứng trước sự hỗn loạn về thông tin, nếu mỗi con người thiếu một “bộ lọc” cần thiết trước thông tin đa đạng, đa tuyến. Chúng cũng tạo ra thách thức trong định hướng dư luận đối với các thể chế nhà nước khi đi tìm sự đồng thuận từ phía các lực lượng xã hội đối với việc triển khai thực hiện các chính sách công.
Cùng với bùng nổ mạng xã hội thì an ninh mạng thời gian qua cũng tạo thách thức lớn đối với quản lý phát triển xã hội Việt Nam. Hoạt động tấn công vào các kết cấu hạ tầng thông tin trọng yếu ngày càng gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm. Hằng năm, Việt Nam có hàng nghìn trang mạng bị tấn công, chỉnh sửa, chèn nội dung, cài mã độc. Riêng năm 2016 có tới gần 7.000 trang, cổng thông tin điện tử cả nước bị tấn công, nhiều thiết bị kết nối in-tơ-nét có lỗ hổng bảo mật dẫn đến nguy cơ bị tin tặc khai thác, chiếm đoạt sử dụng làm bàn đạp cho các cuộc tấn công mạng trên thế giới, đặc biệt các hệ thống thông tin trọng yếu, như hàng không, ngân hàng, viễn thông. Tội phạm công nghệ cao đang tạo thách thức trực tiếp trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội với sự gia tăng cả về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng, như hành vi tấn công mạng, trộm cắp thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản qua các hoạt động thương mại điện tử, sử dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm quyền điều khiển máy tính, đánh cắp dữ liệu quan trọng của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân...
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những thay đổi to lớn trong phương thức sản xuất, tiêu dùng, lối sống văn hóa, lao động và việc làm của con người. Các yếu tố cấu thành của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như trí tuệ nhân tạo, in-tơ-nét vạn vật, điện toán đám mây, thực tế ảo, công nghệ in 3D,... kết hợp với công nghệ nano, năng lượng sạch, vật liệu thông minh... đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến các vấn đề xã hội, văn hóa, lối sống của con người. Mặt cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là giúp phát triển sức sản xuất, nhiều công đoạn trước đây sử dụng sức người thì ngày nay máy móc dần thay thế, nhất là các hoạt động sản xuất không cần sự tham dự của cảm xúc và lương tri. Thế giới vật chất ngày càng “thông minh” hơn khi được kết nối in-tơ-nét vạn vật (Internet of thinks) trong quản lý phát triển xã hội và các mô hình “quốc gia thông minh”, “đô thị thông minh”, “giao thông thông minh”, “trang trại thông minh”, “nhà ở thông minh”,“vật dụng thông minh”... dần trở nên phổ biến. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn làm rút ngắn khoảng cách giữa các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; giữa hệ thống thực và ảo; giữa nền kinh tế quốc nội và kinh tế quốc tế. Nó thúc đẩy dịch chuyển nền kinh tế từ chỗ sử dụng nhiều lao động sang sử dụng nhiều thành tựu khoa học - công nghệ; tạo nên dòng đầu tư quay ngược trở lại các nước phát triển khi lợi thế lao động giá rẻ mất ưu thế ở các nước đang phát triển. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư về trung hạn và dài hạn tạo thách thức trực tiếp cho lao động và việc làm, cơ cấu lại hệ thống an sinh xã hội,... khi người máy thay thế con người ở nhiều loại hình lao động khác nhau; thách thức cho hệ thống giáo dục quốc dân khi phải cơ cấu lại để đào tạo lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu nền kinh tế sáng tạo; thách thức trong bảo đảm an ninh kinh tế ở tất cả các khâu sản xuất, phân phối và tiêu dùng khi bị chi phối bởi quá nhiều vào hệ thống ảo.
Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy và xu hướng bảo hộ mậu dịch không chỉ diễn ra trên bình diện kinh tế mà lan tỏa sâu rộng cả về mặt văn hóa, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội. Trên bình diện thế giới, sau các sự kiện, như nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), các chính sách thương mại và quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm... đang làm dấy lên những lo ngại về xu hướng bảo hộ mậu dịch. Các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo ngày càng diễn biến phức tạp hơn, các trật tự luật pháp quốc tế đã được hình thành nhiều thập niên qua giúp duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không, bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển đang bị đe dọa. Xung đột, tranh chấp lãnh thổ nếu không được kiểm soát thì có thể tạo nên những vấn đề xã hội bên trong mỗi quốc gia. Chủ nghĩa dân tộc là “con dao hai lưỡi”, có thể kích hoạt được tinh thần của dân chúng nhất thời, nhưng cũng có thể tạo nên các xung đột xã hội ngoài khả năng kiểm soát của các chính phủ.
Các hiệp định tự do thế hệ mới được khởi động, đàm phán, đi vào vận hành, cùng với tạo ra khả năng mới cho đầu tư, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ thì cũng tạo sức ép lớn về phương diện xã hội đối với các nền kinh tế sức cạnh tranh yếu. Trong đó có ba vấn đề lớn là: tự do di chuyển lao động, các tiêu chuẩn nhân quyền gắn với các sản phẩm hàng hóa - dịch vụ, bảo đảm quyền của người lao động. Nó đặt ra cho các nước phải nới rộng chính sách bảo hộ lao động trong nước, tạo sức ép cạnh tranh của lao động nhập cư với lao động trong nước, đòi hỏi phải cơ cấu lại hệ thống đào tạo nghề. Việc thiết định các tiêu chuẩn đối với lao động và nhân quyền cùng với những tiến bộ có được thì cũng tạo ra các rào cản phi thương mại cho hàng hóa - dịch vụ đối với các nước nhập khẩu, đặc biệt các nước phát triển đưa ra “tiêu chuẩn kép” để tạo ra các lợi thế chính trị và kinh tế, đẩy các nước đang phát triển rơi vào tình thế khó khăn hơn.
Hoạt động khủng bố tiếp tục trở thành vấn đề lớn của nhân loại, đã tạo ra không gian địa - tộc người, địa tôn giáo mới trên thế giới, với hệ lụy là khủng hoảng di dân và sự ra đời của các tổ chức phi quốc gia. Nhiều nước tập hợp dưới “màu cờ sắc áo” chống khủng bố luôn đan cài lợi ích của mình, thậm chí chống khủng bố chỉ là “bình phong” phục vụ cho cho các hoạt động chính trị - quân sự khác, làm cho cuộc đấu tranh này càng phức tạp hơn.
Toàn cầu hóa văn hóa được tiếp sức bởi mạng xã hội, in-tơ-nét, di chuyển lao động, di cư xuyên biên giới, du học, truyền giáo,... tác động tích cực và tiêu cực đối với đời sống văn hóa - xã hội đất nước. Mặt tích cực là cơ hội chia sẻ giá trị văn hóa ngày càng thuận lợi hơn, giúp các dân tộc có điều kiện hiểu biết và hợp tác sâu sắc hơn, tham dự quá trình phân công lao động quốc tế giữa các quốc gia có lợi thế so sánh khác nhau, giúp quảng bá tốt hơn văn hóa dân tộc ra bạn bè quốc tế. Mặt tiêu cực là nhiều mặt phản văn hóa cũng dễ dàng vượt qua biên giới quốc gia thâm nhập vào từng gia đình, ngõ xóm và mỗi con người Việt Nam; nguy cơ đụng độ, xung đột giữa văn hóa ngoại lai với văn hóa dân tộc cũng tăng lên; các thế lực đế chế với sức mạnh vượt trội trong tay và hỗ trợ của các công cụ chính trị, kinh tế ra sức tạo áp lực để gây ảnh hưởng, thậm chí xâm lăng bằng văn hóa. Xâm lăng bằng quyền lực mềm khó nhận diện và vì thế khó phòng vệ hơn so với xâm lăng bằng quyền lực cứng, dễ dẫn tới mất cảnh giác và bị thôn tính một cách ngấm ngầm, dần dần, bắt đầu từ hủy hoại các yếu tố mang tính hạt nhân, nền tảng của an ninh con người, rồi an ninh quốc gia.
Phát triển văn hóa - xã hội Việt Nam trước tác động bởi các biến động lớn của khu vực và thế giới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhất là được hỗ trợ bởi công cụ truyền thông đa phương tiện, mỗi sự kiện trong nước hay chính sách phát triển quốc nội đều chịu sự chi phối, tác động của những biến động lớn trên thế giới. Nhiều mặt của đời sống văn hóa - xã hội trước đây được giới hạn ở lĩnh vực “đối nội” thì ngày nay rất dễ được “quốc tế hóa” sâu rộng, nếu thiếu phương pháp quản trị quốc gia hiệu quả, đặc biệt là các xung đột dân tộc, tôn giáo, khủng hoảng môi trường, các vấn đề xã hội có tính đám đông... Vì vậy, chính sách phát triển văn hóa - xã hội không chỉ xuất phát từ nhu cầu nội tại đất nước mà còn phải luôn tính đến bối cảnh thế giới, nhất là các biến động lớn, qua đó tối ưu hóa quản trị quốc gia. Sau đây là một số điểm chính yếu:
Một là, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, giá đỡ cho phát triển; giúp cho con người Việt Nam tự tin, đủ bản lĩnh và năng lực hội nhập thế giới, trụ vững trước các cú sốc văn hóa trong thế giới đương đại cũng như đề kháng có hiệu quả với mặt phản văn hóa trong toàn cầu hóa. Trước làn sóng tấn công từ bên ngoài bằng con đường văn hóa, truyền thông, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc được khẳng định là một bộ phận cấu thành của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc phải đi đôi với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu và hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc. Nhờ đó mới có thể giúp cho sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền được tiến hành có hiệu quả từ chiều cạnh văn hóa tinh thần, từ tâm hồn và cốt cách, từ khẳng định ý chí và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam trước thế giới toàn cầu hóa. Nó cũng là cách làm cho văn hóa trở thành hệ điều tiết để đề kháng có hiệu quả trước các thông tin độc hại, trước tình trạng hỗn loạn thông tin trong quá trình toàn cầu hóa, tạo cho mỗi con người một “bộ lọc” và đủ sức mạnh khi va chạm, đụng độ với các nền văn hóa khác. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cả cấp độ quốc gia, địa phương, các cộng đồng dân cư, các thể chế nghề nghiệp, các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là xây dựng văn hóa trong chính trị và trong kinh tế. Bởi trong nền kinh tế thị trường, do chi phối của lợi ích và các hoạt động thương mại dễ dẫn tới làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chỉ có đứng ở tầm cao văn hóa, trên nền tảng văn hóa, tức biến văn hóa thành giá đỡ cho phát triển, hệ điều tiết các nhu cầu bản năng của con người trong xã hội tiêu thụ, chế ước các yếu tố cực đoan của thị trường có nguy cơ làm phá vỡ các cân bằng xã hội về giá trị và lối sống,... thì văn hóa mới thật sự là nền tảng tinh thần cho xã hội. Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đặt ra cho Việt Nam phải hội nhập quốc tế sâu hơn trên phương diện văn hóa, nghiên cứu tinh hoa văn hóa nhân loại để kế thừa và phát triển trên tinh thần có chọn lọc, đặc biệt là các tư tưởng tiến bộ, các tác phẩm văn hóa đặc sắc thuộc nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật, phát triển công nghiệp văn hóa và đẩy mạnh ngoại giao văn hóa.
Hai là, chú trọng xây dựng hệ thống quản trị hiệu quả ứng phó với các mối đe dọa an ninh mạng, an ninh thông tin. Trước tình trạng lợi dụng mạng xã hội, in-tơ-nét để phát tán thông tin độc hại, đe dọa đến an ninh xã hội và an ninh con người, cần đang định hình hệ thống quản trị an ninh thông tin, an ninh mạng có hiệu quả hơn. Phối hợp với các nhà cung ứng dịch vụ in-tơ-nét để ngăn chặn thông tin xấu và độc hại; tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận cho người dân; công khai những vấn đề chính thống của cơ quan công quyền để không còn không gian cho hoạt động bịa đặt, xuyên tạc trên mạng xã hội, gây nhiễu loạn, ô nhiễm môi trường thông tin. Trong tương lai phải phấn đấu thiết kế, xây dựng mạng xã hội riêng nhằm ngăn chặn và hạn chế hoạt động sử dụng mạng xã hội có máy chủ đặt ở nước ngoài để chống phá, gây các bất ổn, đe dọa an ninh mạng trong nước. Ra sức xây dựng và hoàn thiện các chính sách an toàn thông tin, an ninh mạng. Bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng luôn cần đến các giải pháp chuyên biệt về công nghệ thông tin và cơ chế, chính sách tổng thể đối với toàn dân, mọi tổ chức, cá nhân sử dụng mạng phục vụ cho nhu cầu thông tin, quản trị phát triển. Nhiệm vụ này đòi hỏi phối hợp rất cao giữa các ngành, giữa các nước, đặc biệt là phòng, chống các hoạt động tội phạm công nghệ cao, như tấn công mạng, cài đặt mã độc, đánh cắp tài khoản, trộm cắp thẻ tín dụng, lừa đảo qua mạng,...
Ba là, đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo với mục tiêu phát triển con người toàn diện, đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất, năng lực tự chủ trước mọi hoàn cảnh, ứng phó có hiệu quả với mọi thách thức của sự thay đổi trong nước và quốc tế. Nền giáo dục Việt Nam bấy lâu vẫn chú trọng nhiều vào truyền thụ kiến thức, đến nay trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế phải cơ cấu lại theo hướng phát triển các phẩm chất và năng lực để hoàn thiện nhân cách con người, làm người, khẳng định bản chất con người tự chủ trong một xã hội đầy biến động và kinh tế thị trường kích thích các lợi ích vật chất và nhu cầu bản năng. Cải cách giáo dục hướng vào phát triển các kỹ năng cần có để thích ứng với một xã hội thay đổi, công nghệ thay đổi, quản trị xã hội thay đổi, cơ cấu nghề nghiệp thay đổi. Xây dựng chế độ học tập suốt đời, học tập thường xuyên; ra sức nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Quan điểm xem giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển và hiện đại hóa đất nước phải được thể chế hóa, tổ chức thực thi bằng kế hoạch cụ thể và hành động mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị và toàn dân. Xã hội hóa không chỉ thực hiện ở khía cạnh tài chính mà cả khía cạnh phi tài chính, nhằm huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đổi mới mô hình quản trị các cơ sở giáo dục, kiểm định chất lượng sản phẩm giáo dục, nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới hài lòng đối tượng phục vụ.
Bốn là, cơ cấu lại lực lượng lao động gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng các ngành sử dụng nhiều lao động có kỹ năng, sử dụng khoa học và công nghệ nhằm thích ứng với chuyển biến lớn của nền kinh tế thế giới và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước biến chuyển của cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần tích cực và đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành sản xuất gắn với cơ cấu lại lao động. Những lĩnh vực sản xuất dựa vào lợi thế giá lao động giá rẻ, sử dụng nhiều nguyên liệu, năng lượng, khai thác tài nguyên thiên nhiên... đang được giảm dần, đồng thời phát triển mạnh các ngành sử dụng khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế tri thức gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chỉ trên cơ sở đó, Việt Nam mới có thể phát huy được đầy đủ vốn con người, hạn chế dần tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với thách thức trung hạn và dài hạn của cách mạng công nghiệp lần thứ tư khi trí tuệ nhân tạo, người máy,... dần thay thế cho nhiều loại hình lao động giản đơn, tài sản vô hình và hệ thống ảo ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản quốc gia.
Năm là, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững gắn với thực hiện tăng trưởng bao trùm, cơ cấu lại hệ thống cung ứng các dịch vụ xã hội thiết yếu cho người dân, hạn chế tác động xấu từ biến động thị trường toàn cầu. Mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa là tạo khoảng cách giàu nghèo giữa các nước, giữa các nhóm dân cư trong xã hội từng quốc gia ngày càng bị phân hóa mạnh mẽ. Phân tầng xã hội quá mức, nếu không được kiểm soát, là một nguồn gốc chủ yếu của xung đột xã hội. Vì vậy, cần nhanh chóng chuyển từ chính sách giảm nghèo đơn chiều sang giảm nghèo đa chiều, thực hiện tăng trưởng bao trùm, tức làm cho mọi thành phần dân cư trong xã hội đều được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế. Chính sách giảm nghèo đa chiều bền vững nhấn mạnh tới không chỉ bảo đảm cho người nghèo mức thu nhập tối thiểu mà còn phải được bảo đảm các dịch vụ xã hội thiết yếu, như nước sạch, nhà ở, học tập, chữa bệnh, thông tin... Chính sách giảm nghèo đa chiều luôn coi trọng đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra việc làm để người lao động có thu nhập bảo đảm cuộc sống hiện tại, có điều kiện mua bảo hiểm phòng ngừa các rủi ro trong tương lai. Đồng thời, Nhà nước coi trọng quyền tiếp cận dịch vụ xã hội thiết yếu, vừa bảo đảm quyền con người, vừa thúc đẩy công bằng về cơ hội phát triển, giúp người dân chống chịu tốt hơn với các rủi ro, khủng hoảng, hạn chế tình trạng tái nghèo.
Sáu là, xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, linh hoạt, hỗ trợ lẫn nhau, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người, giảm thiểu tác động bất lợi của các khủng hoảng, suy thoái kinh tế trên thế giới. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội gắn với xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, tăng trưởng bao trùm, thiết kế hệ thống phúc lợi xã hội hợp lý, hệ thống an ninh xã hội bao phủ toàn dân. Công bằng xã hội được bảo đảm ở cả phân phối kết quả sản xuất và công bằng về cơ hội phát triển. Công bằng về phân phối kết quả sản xuất được bảo đảm bằng chế độ phân phối chủ yếu dựa trên kết quả lao động (bên cạnh phân phối dựa trên vốn), thị trường đóng vai trò trong phân phối lần đầu, Nhà nước đóng vai trò trong phân phối lại, đồng thời phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội. Công bằng về cơ hội phát triển được bảo đảm bằng xây dựng cơ chế để các nguồn lực được huy động và phân bổ theo quy luật của kinh tế thị trường, bằng xây dựng thể chế công khai, minh bạch, bình đẳng cho mọi người nỗ lực phấn đấu. Hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đang ngày càng được hoàn thiện, đó là hệ thống an sinh xã hội đa tầng linh hoạt, hỗ trợ lẫn nhau. Tầng trên cùng là bảo đảm cho mọi thành viên xã hội có việc làm và thu nhập tối thiểu để có mức sống nhất định và có điều kiện tài chính mua bảo hiểm; tầng giữa là hệ thống bảo hiểm xã hội (bảo hiểm dưỡng lão, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thai sản...) và bảo hiểm y tế; tầng cuối là hệ thống cứu trợ xã hội đối với những người gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn hay gặp các cú sốc khác nhau trong xã hội. Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang thực hiện quyền an sinh cho người dân. Hoàn thiện dần các quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng, có sự bảo trợ của Nhà nước. Mở rộng dần phạm vi bảo hiểm xã hội đối với lao động khu vực phi chính thức và cư dân nông thôn.
Bảy là, đổi mới hệ thống quản trị xung đột xã hội, hạn chế tác động bất lợi của biến động bên ngoài đối với trong nước và kiểm soát khả năng quốc tế hóa các xung đột xã hội bên trong, tránh để các lực lượng thù địch lợi dụng, chống phá. Càng phát triển kinh tế thị trường thì xung đột xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là xung đột giữa lao động và giới chủ, xung đột của người dân với chủ đầu tư ở các khu vực giải tỏa mặt bằng đất đai để phục vụ cho xây dựng các công trình phát triển kinh tế - xã hội, xung đột khi gặp khủng hoảng môi trường, xung đột giữa những cộng đồng xã hội theo đuổi các giá trị khác nhau. Các xung đột này luôn bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Để bảo đảm xây dựng xã hội đoàn kết, đồng thuận vì mục tiêu phát triển chung, đòi hỏi xây dựng một hệ thống quản trị xung đột xã hội hiệu quả, trước hết là cảnh báo, phòng ngừa khi xung đột còn ở dạng khả năng và đủ năng lực xử lý khi xung đột bùng nổ. Trong đó có những vấn đề cấp bách như: Giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa người lao động và giới chủ thông qua cơ chế hợp tác ba bên giữa công đoàn, giới chủ và chính quyền; tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của người dân; chuyển từ chính sách hỗ trợ đền bù sang bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người dân ở vùng bị giải tỏa, thu hồi đất đai; chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc; tôn trọng, đối thoại giữa những người theo đuổi các giá trị khác nhau,... đồng thời đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện vi phạm pháp luật, chống phá chính quyền, gây bất ổn chính trị - xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau.
Tám là, xây dựng hệ thống quản trị an ninh phi truyền thống hiệu quả ứng phó với các mối đe dọa an ninh con người, nguy cơ khủng bố, tai biến môi trường, biến đổi khí hậu, rủi ro xã hội. Thách thức an ninh phi truyền thống được tạo ra bởi các tác nhân tự nhiên và tác nhân nhân tạo bao gồm biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hoạt động khủng bố, buôn bán phụ nữ và trẻ em xuyên biên giới, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh tài chính, an ninh năng lượng, xung đột trong chia sẻ tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê-kông, các dịch bệnh lây lan nhanh ở người và động vật,... đe dọa trực tiếp đến an ninh con người và an ninh quốc gia. Các thách thức an ninh phi truyền thống nêu trên đều uy hiếp đến Việt Nam, trong đó đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu đang đe dọa đến sinh kế của hàng chục triệu người dân và an ninh lương thực của đất nước. Vì vậy, cần tích cực và chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống thông qua xây dựng hệ thống cảnh báo, phòng ngừa và quản trị hiệu quả trên từng lĩnh vực. Đối với thách thức biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phải quan tâm đến cả hai khía cạnh là thích nghi và ứng phó, được tiến hành bởi cơ cấu lại hệ thống sinh kế và cư trú của dân cư, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phòng, chống ngập mặn,... nhờ nguồn lực tại chỗ và hợp tác quốc tế rộng rãi. Đối với các thách thức an ninh phi truyền thống khác, phải rất chủ động phòng ngừa và ứng phó, thông qua xây dựng các lực lượng chuyên trách và phối hợp liên ngành, tham gia các cơ chế đa phương và song phương cùng nhau giải quyết.
Chín là, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong quản lý phát triển văn hóa - xã hội và ứng phó với các thách thức do biến động lớn của khu vực và thế giới. Nhận thức rõ trong điều kiện toàn cầu hóa, nhiều thách thức không thể được giải quyết bởi các nhà nước dân tộc mà phải tham gia hệ thống quản trị toàn cầu, quản trị khu vực hoặc hợp tác song phương, Việt Nam rất tích cực và chủ động thúc đẩy hợp tác thông qua nhiều cơ chế, mô hình đa dạng. Đó là hợp tác trong thúc đẩy, chia sẻ các giá trị văn hóa và mở rộng ngoại giao văn hóa; hợp tác giải quyết vấn đề lao động và di dân, đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm xuyên biên giới liên quan đến buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tội phạm công nghệ cao; hợp tác giải quyết các xung đột về tranh chấp nguồn tài nguyên nước thông qua Ủy hội sông Mê-công; hợp tác phòng, chống biến đổi khí hậu; hợp tác chống khủng bố và an ninh mạng... Hợp tác giải quyết các vấn đề văn hóa - xã hội có thể theo quan hệ song phương hoặc đa phương với nguồn lực đầu tư đa dạng. Thời gian tới, cần nâng cao hơn hiệu quả hợp tác trên các mặt thông qua các cơ chế song phương, đa phương theo tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản  (22/12/2017)
Lan tỏa tinh thần của Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào  (22/12/2017)
Công nghệ NPK hóa học từ Tây Ban Nha đã đến Việt Nam  (22/12/2017)
Vấn đề y đức với việc chăm sóc sức khỏe trong điều kiện hiện nay  (22/12/2017)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay