Để góp phần kiềm chế lạm phát

Trần Quang Vũ
10:50, ngày 06-06-2008

Nền kinh tế nước ta đang đối mặt với khăn lớn là lạm phát tăng cao. Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm, lạm phát đã lên tới 15,96%. Hiện nay, kiềm chế lạm phát là công việc trọng tâm nhất. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua mức tăng trưởng kinh tế năm 2008 là 7%. Để vừa kiềm chế lạm phát vừa đạt mục tiêu tăng trưởng, rất cần có những giải pháp linh hoạt.

Theo báo cáo chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vào ngày 2-6 vừa qua, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 ước đạt 55,5 nghìn tỉ đồng (giá cố định năm 1994), tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2007. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 271 nghìn tỉ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, mặc dù có nhiều khó khăn do thiên tai và dịch bệnh. Tính đến trung tuần tháng 5, các tỉnh phía Nam đã cơ bản thu hoạch xong lúa đông - xuân với 1.835,5 nghìn ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ; tổng sản lượng thóc đạt khoảng 11,32 triệu tấn, tăng 400 nghìn tấn so với vụ đông - xuân năm trước.

Ngay sau khi thu hoạch, các tỉnh phía Nam đã gieo cấy được hơn 1.179,5 nghìn ha lúa hè - thu, tăng 14,4%. Diện tích lúa đông - xuân ở các tỉnh phái Bắc đạt gần 1.112 nghìn ha, bằng 98,8% diện tích cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt, năng suất có khả năng đạt xấp xỉ vụ trước. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển, với tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ 5 tháng đầu năm lên 368,9 nghìn tỉ đồng, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành du lịch tăng 43,7%. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục phát triển. Năm tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23.398 triệu USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2007.

Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến giữa tháng 5 ước đạt gần 149 nghìn tỉ đồng, bằng 46,1% dự toán cả năm. Năm tháng, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.950 triệu USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2007... Như vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta không suy giảm nhiều so với vài năm gần đây. Tuy nhiên, nền kinh tế đang đứng trước khó khăn rất lớn là tỷ lệ lạm phát tăng cao.

Thực hiện Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, tính đến cuối tháng 5, qua báo cáo của 28 bộ, ngành, 43 tỉnh, thành phố và 8 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã đình hoãn, ngừng triển khai thực hiện và giãn tiến độ thực hiện 995 dự án, với tổng số vốn 3.983 tỉ đồng, bằng 7,8% tổng vốn đầu tư trong nước thuộc ngân sách nhà nước trong năm 2008. Tuy nhiên, trong đó có 6 tỉnh (Phú Thọ, Hà Giang, Ninh Bình, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Trà Vinh) không điều chỉnh dự án và còn 21 tỉnh chưa báo cáo kết quả thực hiện.

Nền kinh tế của nước ta đang đối mặt với hai nguy cơ. Một là, mức tăng trưởng kinh tế giảm. Hai là, lạm phát tăng cao. Các cơ quan quản lý cấp cao đã đưa ra chủ trương giữ mức tăng trưởng kinh tế là 7%, còn mức lạm phát, về định tính sẽ giảm nhưng chưa xác định định lượng. Giữ mức tăng trưởng cao và đồng thời kiềm chế lạm phát là việc làm khó vì các giải pháp kích hoạt tăng trưởng kinh tế sẽ có tác động xấu đến quá trình kiềm chế lạm phát và ngược lại!

Hiện nay, do kiềm chế lạm phát, các cơ quan chức năng tìm mọi giải pháp hạn chế việc đưa tiền ra lưu thông tại thị trường. Hệ lụy của giải pháp này là ngân hàng thiếu tiền. Các tổ chức tín dụng đua nhau tăng lãi suất huy động vốn và kéo theo nó là tăng lãi suất cho vay. Các doanh nghiệp không vay hoặc vay được rất ít vốn cho hoạt động của mình đồng thời phải chịu lãi suất rất cao. Vòng luẩn quẩn trong giải quyết bài toán tiền tệ vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế 7% và kiềm chế lạm phát chưa có lời giải cuối cùng.

Trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng chỉ ra những mặt còn yếu kém cần sớm tiếp tục có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới là giá cả tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng ở mức cao. Đáng chú ý là giá lương thực tăng đột biến do tin đồn thất thiệt và nạn đầu cơ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua. Bên cạnh đó, trong những ngày gần đây, giá vàng và ngoại tệ cũng có những biến động khá lớn. Tình hình trên đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đã đề ra. Nhập siêu của 5 tháng đã ở mức trên 14,4 tỉ USD, cao hơn mức nhập siêu của cả năm 2007 và đang có xu hướng tiếp tục tăng nếu không có các giải pháp hữu hiệu kịp thời. Khối lượng thực hiện và giải ngân của các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ đều chậm so với tiến độ đề ra.

Đề cập đến nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải chủ động đề xuất với Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vừa kiềm chế lạm phát vừa phát triển sản xuất để tăng trưởng kinh tế. Đi đôi với tiếp tục đình hoãn, ngừng triển khai thực hiện và giãn tiến độ thực hiện các dự án xét thấy chưa cần thiết, chưa cấp bách, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chăm lo hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, nhất là vùng chịu hậu quả nặng nề của lũ lụt, vùng núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Chăm lo công tác an sinh xã hội là bản chất của xã hội chúng ta. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng và các tiêu cực xã hội.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, để vừa giữ mức tăng trưởng 7% vừa kiềm chế lạm phát, các cơ quan quản lý vĩ mô cần phải thống nhất vừa phải quyết liệt thực hiện 8 giải pháp do Chính phủ đề ra. Việc áp dụng các giải pháp nói trên phải cấp kỳ chứ không nên theo lề thói hành chính hiện nay. Ngoài ra, các chuyên gia còn kiến nghị áp dụng các giải pháp phụ trợ: dùng Quỹ Dự trữ quốc gia tạo nguồn vật tư chiến lược đầu vào cho sản xuất để khắc phục tình trạng giá vật tư thế giới leo thang; khẩn trương xây dựng chính sách thông thoáng mang tính thực tiễn để huy động các dòng tiền tệ hiện nay đang lưu thông trong công chúng phục vụ cho quá trình tăng trưởng, đồng thời tiếp tục thắt chặt các dòng vốn từ Nhà nước để kiềm chế lạm phát; tăng cường quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ với các định chế tài chính quốc tế để tạo thêm nguồn lực hỗ trợ cho kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế./.