Vai trò của đồng chí Trường Chinh đối với cách mạng Việt Nam trên cương vị là Tổng Bí thư

Lê Quang Vĩnh Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng
21:52, ngày 07-02-2017

TCCSĐT - Đồng chí Trường Chinh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất trong những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, có những đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Ở bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng bào, đồng chí tin yêu, mến phục. Đồng chí Trường Chinh đã để lại dấu ấn phong cách đậm nét của người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo kiệt xuất, sáng tạo.

Đồng chí Trường Chinh với tư duy chiến lược tài năng và sáng tạo trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám

Tại Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11-1940), đồng chí Trường Chinh được cử làm Quyền Tổng Bí thư thay đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (bị thực dân Pháp bắt rồi xử bắn váo tháng 8-1940). Tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Từ Hội nghị này, Đảng ta đã hoàn chỉnh cuộc chuyển hướng chiến lược cho phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khẳng định: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được"(1).

Trên cơ sở làm sáng tỏ tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, trong tài liệu chính sách mới của Đảng(2) , viết tháng 9-1941, đồng chí Trường Chinh đã chỉ rõ: "Cuộc cách mạng Đông Dương hiện thời là cách mạng giải phóng dân tộc"; "lúc này, nhiệm vụ phản đế nặng nề và cấp bách hơn nhiệm vụ ruộng đất". Lúc này quyền lợi dân tộc cao hơn hết thẩy. Quyền lợi của bộ phận phải phục tùng quyền lợi của toàn thể quốc gia, dân tộc. “Đông Dương không được giải phóng khỏi ách đế quốc thì dân tộc sẽ vô cùng đau khổ và bị diệt vong. Cho nên, bất cứ một nhiệm vụ gì chưa cần kíp mà đặt ra lúc này có thể tổn hại cho nhiệm vụ phản đế thì phải gác lại để giải quyết sau".

Quyết định chuyển hướng chiến lược của Hội nghị Trung ương 8, rõ ràng là sự hoàn chỉnh quá trình chuyển hướng chiến lược được bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939), đồng thời là sự trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giải phóng dân tộc được khẳng định trong Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt (tháng giêng năm 1930). Cần nhận rõ, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đó là sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, thông qua vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh và được các học trò của Người bổ sung, phát triển và tổ chức thực hiện một cách xuất sắc, đặc biệt là vai trò của đồng chí Trường Chinh. Đồng chí Trường Chinh người khởi thảo Nghị quyết Trung ương 8 - một nghị quyết đóng vai trò hết sức quan trọng trước một quyết định chiến lược mang ý nghĩa lịch sử.

Như vậy, trong tư duy chiến lược của đồng chí Trường Chinh đã tụ hội được tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với những dự báo đúng đắn về tình thế cách mạng trực tiếp và thời cơ lịch sử cho khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 07-5-1944, để đẩy mạnh hơn nữa việc chuẩn bị khởi nghĩa, lấy danh nghĩa Tổng bộ Việt Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh viết Chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa”. Để đưa Chỉ thị quan trọng này vào quần chúng cả nước, bắt đầu từ trước đó, trên báo Cờ giải phóng xuất hiện một loạt bài, tập trung giải quyết vấn đề này dưới tiêu đề chung “Sửa soạn khởi nghĩa”. Để quán triệt sâu rộng hơn nữa tinh thần bản Chỉ thị, đồng chí Trường Chinh đã viết bài “Hãy nắm lấy khâu chính” đăng trên báo Cờ giải phóng, số 6 (ngày 25-7-1944), tóm tắt thành 5 việc cốt yếu để thi hành Chỉ thị nói trên của Tổng bộ Việt Minh. Đồng chí yêu cầu các địa phương ra sức phát triển các tổ chức tự vệ, tổ chức thêm bộ đội chiến đấu; huấn luyện thêm cán bộ quân sự; tìm hết cách sắm sửa vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang, vận động binh lính; làm cho chiến thuật khởi nghĩa phổ biến trong các tổ chức cách mạng và trong nhân dân. Bằng giác quan chính trị nhạy bén, đồng chí Trường Chinh phát hiện hàng loạt vấn đề liên quan đến nhiệm vụ sửa soạn khởi nghĩa để định hướng và chỉ đạo thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể giúp cho người đọc của Cờ giải phóng hiểu rõ rằng, nhiệm vụ sửa soạn khởi nghĩa trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng Việt Nam.

Trong bài “Phải tiến gấp” đăng trên Cờ giải phóng, số 6, ngày 28-7-1944, đồng chí kêu gọi : “Các chiến sĩ cách mạng Đông Dương! Các giới đồng bào yêu nước cùng thời cuộc trong ngoài hết sức có lợi cho ta. Dịp tốt ngàn năm có một đang lại. Hãy tiến gấp! Hãy kíp sửa soạn khởi nghĩa theo chỉ thị đã ra. Các đồng chí hãy kiên nhẫn và mạnh dạn thuyết phục đồng bào. Hãy thi nhau phát triển tổ chức; thi nhau đẩy mạnh phát triển đời sống quần chúng. Vận mệnh các dân tộc Đông Dương đã đặt trong tay chúng ta. Phải hy sinh, phải chiến đấu. Phải kiên quyết, tích cực. Bỏ lỡ cơ hội là một tội ác. Phải sẵn sàng đón lấy thời cơ và chuẩn bị đủ điều kiện tóm lấy nó”(3).

Khi nhận được tin báo có dấu hiệu chuẩn bị đảo chính lật đổ Pháp để toàn quyền thống trị Đông Dương của quân Nhật, Tổng Bí thư Trường Chinh lập tức triệu tập Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại làng Đình Bảng, Từ Sơn (Bắc Ninh) vào đêm 09-3-1945. Nội dung cuộc họp quan trọng này được thể hiện đầy đủ trong bản Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo và hoàn chỉnh. Ngày 15-3-1945, Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo Mặt trận Việt Minh phát động Cao trào kháng Nhật, cứu nước. Để đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang, từ ngày 15 đến 20-4-1945, Tổng Bí thư Trường Chinh triệu tập và chủ trì Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, tại Hiệp Hòa, Bắc Giang (thuộc ATK2). Đây là Hội nghị quân sự quan trọng đầu tiên của Đảng nhằm giải quyết nhiệm vụ quân sự - nhiệm vụ quan trọng và cần kíp nhất của Đảng lúc này. Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội để quyết định phát động tổng khởi nghĩa và thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng.

Sau Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư Trường Chinh nêu một số việc cần làm để thi hành Nghị quyết Trung ương, đó là tuyên truyền, phổ biến tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 đến tận chi bộ; tổ chức việc thi hành Nghị quyết của Đảng; làm cho quần chúng do kinh nghiệm bản thân mà nhận thấy chính sách mới của Đảng là duy nhất và nhận thấy khẩu hiệu của Đảng là của mình; phải ra sức đào tạo cán bộ để có người đủ năng lực đem chính sách mới của Đảng thi hành trong quần chúng; kiên quyết tẩy trừ bệnh “tả khuynh”, cô độc, hẹp hòi làm cho Đảng xa rời quần chúng, đồng thời phải chống bệnh “hữu khuynh”… Nhưng, để đường lối, chính sách mới của Đảng có thể đi vào cuộc sống, một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Tổng Bí thư là vấn đề xây dựng Đảng vững mạnh. Bởi vậy, ngay sau Hội nghị Trung ương 8, với bút danh Thiết Tâm, Tổng Bí thư viết bài “Củng cố Đảng” đăng trên báo Giải phóng, số 2, tháng 6-1941, bàn về vấn đề cán bộ và vấn đề sinh hoạt chi bộ. Ngày 21-12-1941, Tổng Bí thư triệu tập cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng và ra Thông cáo “Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng” gửi các cấp bộ đảng. Tiếp đó, vào giữa tháng 01-1942, đồng chí Trường Chinh viết gửi Ban Tuyên truyền huấn luyện Trung ương tài liệu “Chiến tranh Thái Bình Dương và cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương” để kịp thời uốn nắn một số lệch lạc trong nội bộ Đảng, giúp toàn Đảng nhận định đúng tình hình và xác định những nhiệm vụ cần kíp của cách mạng.

Về công tác tuyên truyền, sau một thời gian chuyển vào hoạt động bí mật ở các vùng phụ cận Hà Nội và về quê, giữa năm 1940, đồng chí Trường Chinh bắt liên lạc được với Xứ uỷ. Sau đó, đồng chí hoạt động chủ yếu ở các vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, Đông Anh,… vừa chỉ đạo, vừa xây dựng cơ sở của các an toàn khu (ATK), vừa ổn định hệ thống tổ chức và cơ sở cho các cơ quan tuyên truyền của Đảng. Thời gian này, đồng chí chỉ đạo tiếp tục xuất bản báo Giải phóng, cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ và trực tiếp làm chủ bút của báo. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí cho thành lập, chỉ đạo và viết bài cho các cơ quan báo chí của Đảng. Thông qua các tờ báo này, Tổng Bí thư truyền đạt nhận định về thời cuộc, truyền đạt đường lối, chủ trương của Đảng, tổ chức và uốn nắn phong trào cách mạng… Tháng 10-1941, đồng chí trực tiếp phụ trách Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng; tháng 01-1942, phụ trách báo Cứu quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh. Tháng 10-1942, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định ra báo Cờ giải phóng - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, do Tổng Bí thư trực tiếp phụ trách. Báo Cờ giải phóng số 1 ra ngày 10-10-1942 và kéo dài đến ngày 18-11-1945. Báo Cờ Giải phóng thực sự trở thành công cụ tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể.

Thực hiện chủ trương muốn cho sự tuyên truyền kịp thời và không bị gián đoạn, mỗi khi các đảng bộ mất liên lạc với nhau thì mỗi đảng bộ địa phương phải tìm cách ra báo chí tuyên truyền. Ít nhất là các ban Tỉnh uỷ phải có ban tuyên truyền chuyên môn xuất bản báo riêng ở trong tỉnh để tuyên truyền cho kịp thời, Tổng Bí thư chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác báo chí tuyên truyền để tạo sự đồng bộ với sự phát triển của tổ chức đảng và quần chúng khắp cả nước. Vì vậy, một loạt báo địa phương đã ra đời, góp phần tích cực và kịp thời vào việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và thông báo những biến đổi mau chóng của tình hình trong nước và quốc tế đến nhân dân. Do những hoạt động tích cực và bằng những biện pháp toàn diện của Tổng Bí thư, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và các Xứ uỷ, các tổ chức đảng được củng cố, các văn kiện của Đảng đã được phổ biến tới các đảng bộ, chi bộ địa phương, tới các đảng viên và quần chúng cách mạng. Đến đầu năm 1942, Chương trình, Tuyên ngôn của Việt Minh và thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (ngày 06-6-1941) đã vào đến Sài Gòn và Hậu Giang. Tình hình đó tạo ra khí thế cách mạng mới, một phong trào cách mạng mới trong cả nước.

Điều đó cho thấy, thắng lợi của cách mạng không tự nó đến mà phải chủ động, tích cực giành lấy nó. Tư duy chiến lược của đồng chí Trường Chinh trong thời điểm bước ngoặt này là rất khéo lợi dụng những điều kiện thuận lợi do chiến tranh diễn ra trên phạm vi thế giới và trong nước tạo ra, mà ra sức chuẩn bị khởi nghĩa. Mặt khác, tư duy chiến lược của đồng chí Trường Chinh không chỉ thể hiện ở tư duy chính trị thành thục mà còn thể hiện ở tư duy quân sự nhạy bén.

Như vậy, vấn đề chọn thời cơ, nắm thời cơ và chớp thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa toàn quốc đã được Đảng ta, Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh vận dụng tài tình trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là vấn đề chọn thời cơ mà cuộc khởi nghĩa nổ ra đúng lúc, làm cho kẻ địch bất ngờ, trở tay không kịp. Chỉ trong 15 ngày, Cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay nhân dân đối với hầu hết các địa phương trong cả nước. Đó là một trong những thành công nổi bật của tư duy chiến lược tài năng và bản lĩnh chính trị vững vàng của Tổng Bí thư Trường Chinh.

Vai trò của đồng chí Trường Chinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954

Trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh không chỉ chú trọng chỉ đạo những công tác chung mà còn rất quan trọng chỉ đạo công tác quân sự. Nhiều hội nghị quân sự đồng chí Trường Chinh trực tiếp chủ trì với cương vị thay mặt Ban Chấp hành Trung ương lúc bấy giờ.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công - bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Tổng Bí thư Trường Chinh đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng kịp thời khái quát những kinh nghiệm được tập dượt qua những cao trào trước đó, trong việc ra sức xây và thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, nắm bắt thời cơ, chủ động tiến hành Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ.

Toàn quốc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (ngày 19-12-1946), trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh là một trong những nhà lãnh đạo chủ yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tác phẩm "Kháng chiến nhất định thắng lợi" của Tổng Bí thư Trường Chinh đã bổ sung, phát triển sáng tạo đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mạnh nhân dân là chính. Tác phẩm này có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển đường lối kháng chiến, khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc và khẳng định ý chí chống xâm lược, giành độc lập dân tộc. Trong thực tiễn, đồng chí Trường Chinh không những chú trọng chỉ đạo nhiệm vụ kháng chiến, mà còn hết sức chú ý đến mặt kiến quốc, từng bước thực hiện khẩu hiệu "Người cày có ruộng", chuẩn bị những tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Từ những chủ trương, đường lối đúng đắn đó, cùng với thực tiễn sinh động, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã giành thắng lợi to lớn, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc ta.

Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, với "Luận cương về cách mạng Việt Nam", đồng chí Trường Chinh đã phát triển khái niệm cách mạng tư sản dân quyền thành khái niệm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; đề ra một hệ thống lý luận, phương châm chiến lược và sách lược của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Tại Hội nghị Trung ương 4 khoá II (tháng 1- 1953), Tổng Bí thư Trường Chinh nêu rõ phương châm chỉ đạo kháng chiến của Đảng: “Ta không chủ quan, khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại là hết vốn”. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn góp phần chèo lái con thuyền cách mạng nước nhà. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trong điếu văn tại lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh đã đánh giá: ''…Vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng”, “đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn vào sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”(4).

Những cống hiến của Tổng Bí thư Trường Chinh trong công cuộc đổi mới

Ngày 14-7-1986, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng (5).

Nhận rõ trọng trách ở vị trí mới trước sự chờ đợi của toàn Đảng cũng như toàn dân ở thời điểm thật ngặt nghèo của lịch sử đất nước và dân tộc, đồng chí Trường Chinh đã làm hết sức mình chuẩn bị cho Đại hội VI của Đảng. Nhiều suy tính, quan điểm, khuynh hướng khác nhau đòi hỏi được quy về một mối. Đồng chí Trường Chinh đã tổ chức làm việc chặt chẽ dù quỹ thời gian chuẩn bị cho Đại hội rất eo hẹp. Đồng chí vừa nghe những thông tin khoa học, vừa nắm bắt tình hình cụ thể của các ban, các ngành và các địa phương, nhờ đó mà tìm ra những kết luận thoả đáng, thích hợp, làm cơ sở cho việc hoàn thiện Báo cáo chính trị của Đại hội VI.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đồng chí Trường Chinh là người lát những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho sự nghiệp vĩ đại ấy. Chính trong thời điểm phức tạp nhất của hoàn cảnh quốc tế, cùng với những khó khăn của đất nước ta, trên cương vị là Tổng Bí thư, với tư duy chính trị lão luyện, với trí tuệ sắc sảo, đồng chí Trường Chinh đã sớm nhận rõ xu thế phát triển của thời đại, nắm vững thực trạng của đất nước và yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cùng Trung ương Đảng và Bộ Chính trị Đảng ta kịp thời đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Những quan điểm đổi mới tư duy mà đồng chí là người đầu tiên đề xuất đã trở thành nền tảng phương pháp luận cho việc nhận thức và giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới.

Đồng chí Trường Chinh là người đầu tiên đưa ra phạm trù đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế. Chỉ đổi mới tư duy kinh tế, đời sống nhân dân mới được cải thiện và nâng cao thì mới lấy lại niềm tin vào công cuộc đổi mới. Đổi mới tư duy kinh tế có hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho đổi mới chính trị. Nhưng theo đồng chí, không phải chờ đổi mới tư duy kinh tế xong mới bắt đầu đổi mới hệ thống chính trị, mà phải tính toán bước đi thích hợp sao cho quá trình đổi mới từng bước hệ thống chính trị, không gây nên những biến động chính trị.

Chính trên ý nghĩa ấy, trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8 khóa V, đồng chí Trường Chinh đã chỉ rõ mối quan hệ giữa quản lý kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị: "chuyển sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, một vấn đề có tầm quan trọng quyết định, đó là tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ. Cần tiến hành ngay việc đổi mới và kiện toàn tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ, trước hết đối với những bộ phận liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh". Đồng chí cho rằng, chuyển sang cơ chế mới, nếu không làm như vậy thì đất nước khó vượt qua và thoát khỏi tình hình khó khăn gay gắt.

Như vậy, cuộc đấu tranh để xóa bỏ mô hình kinh tế hiện vật và cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp chuyển hẳn sang mô hình kinh tế mới, cơ chế quản lý mới không phải là quá trình đơn giản có thể giải quyết được trong một sớm một chiều. Đó là một quá trình đấu tranh với những quan điểm, cách nghĩ, cách làm cũ lỗi thời, bảo thủ, trì trệ với những quan điểm đổi mới và cách nghĩ, cách làm đúng đắn, sáng tạo.

Trong một thời điểm bước ngoặt, tất yếu sẽ xuất hiện các nhân vật lịch sử có ý chí lớn, có tư duy nhạy bén và có trí tuệ lỗi lạc để giải quyết các vấn đề trọng đại mà cuộc sống đặt ra. Trường Chinh là con người như thế. Trong quá trình đổi mới tư duy, đồng chí chủ trương bắt đầu đổi mới từ kinh tế mà không bắt đầu từ đổi mới chính trị. Thực tế Việt Nam lúc này đòi hỏi đồng chí Trường chinh và các đồng chí của mình phải làm như vậy.

Đồng chí Trường Chinh là một nhà lý luận nắm vững nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn nắm vững quan điểm thực tiễn của chủ nghĩa duy vật biện chứng, từ thực tiễn mà tìm ra chân lý, góp phần xây dựng đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng. Đồng chí Trường Chinh là người có tinh thần “chí công vô tư”, luôn coi trọng chân lý, không hề chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân, ra sức xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong tập thể lãnh đạo, đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân. Đồng chí là một người cộng sản mẫu mực, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng nước ta. Những cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mãi được trân trọng vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau, đặc biệt là vào thời điểm toàn Đảng ta đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế và nhiệm vụ then chốt là chỉnh đốn, xây dựng Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới./.

---------------------------------------

(1) Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng, P05-01-64

(2) Chính sách mới của Đảng, lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng, P56-01-1096

(3) Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 208

(4) Điếu văn do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh, ngày 05-10-1988, xem Trường Chinh - một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 16

(5) Biên bản tại Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương, ngày 14-7-1986. Lưu tại kho Lưu trữ Trung ương Đảng P11-05-153