Quan điểm của Đảng về kinh tế tư nhân qua các kỳ đại hội trong 30 năm đổi mới
TCCSĐT - Đại hội VI của Đảng năm 1986, khởi xướng công cuộc đổi mới, đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần và qua từng kỳ đại hội sau đó, tư tưởng này đã có những phát triển, đặc biệt, Đại hội X (năm 2006) chủ trương coi trọng kinh tế tư nhân, đến Đại hội XII coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế.
Văn kiện Đại hội VI của Đảng (năm 1986) nêu rõ: “Củng cố thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa bao gồm cả kinh tế quốc doanh và khu vực tập thể một cách toàn diện,… làm cho thành phần kinh tế này giữ vai trò chi phối trong nền kinh tế quốc dân… Bằng những biện pháp thích hợp, sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ và dưới sự chỉ đạo của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa”(1). Đại hội VI cũng có những đánh giá rất cụ thể, xác thực tình hình: “Khả năng thu hút sức lao động của khu vực nhà nước trong những năm trước mắt còn có hạn. Cũng không thể đưa tất cả những người làm ăn cá thể vào các tổ chức kinh tế tập thể trong một thời gian ngắn. Có những ngành, nghề đưa vào làm ăn tập thể chưa bảo đảm hiệu quả. Trong khi nguồn vốn của Nhà nước và của tập thể còn eo hẹp, thì nguồn vốn còn dư trong nhân dân hầu như chỉ đưa vào tiêu dùng hoặc cất giữ và mua hàng tích trữ”(2). Từ những đánh giá đó, Đại hội đã xác định: “Phải có chính sách mở đường cho người lao động tự tạo ra việc làm, kích thích mọi người đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm tiêu dùng để tích lũy, mở rộng tái sản xuất trên quy mô toàn xã hội…; đi đôi với việc phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, tăng cường nguồn tích lũy tập trung của Nhà nước và tranh thủ vốn nước ngoài, cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế khác”(3). Đại hội VI cũng khẳng định “Cần sửa đổi, bổ sung và công bố rộng rãi chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế… Xóa bỏ những thành kiến thiên lệch trong sự đánh giá và đối xử với người lao động thuộc các thành phần kinh tế khác nhau… tạo nên môi trường tâm lý xã hội thuận lợi cho việc thực hiện chính sách sử dụng và cải tạo nền kinh tế nhiều thành phần”(4).
Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa VI (ngày 15-7-1988) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới, nhất quán thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, khẳng định kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế địa bàn, quy mô, trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Cũng trong năm 1988, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa VI) xác định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, từ đó đổi mới cơ bản cách thức quản lý hợp tác xã nông nghiệp, tạo động lực cho kinh tế tư nhân trong nông nghiệp hồi phục và phát triển năng động, bước đầu chuyển sang sản xuất hàng hóa. Đó là bước khởi đầu quan trọng đối với kinh tế tư nhân nước ta, mở đường cho những bước đột phá mạnh hơn sau này.
Có thể thấy những quan điểm và chính sách đổi mới về kinh tế do Đại hội VI của Đảng đề ra và thực hiện, nhất là những giải pháp từ cuối năm 1988 là cơ sở cho những thành tựu quan trọng: dù mới là bước đầu nhưng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã được hình thành, tạo cơ sở và nền tảng để Đại hội VII khẳng định “Tiếp tục xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và đổi mới quản lý kinh tế”(5). Cụ thể hơn, Văn kiện nêu; “Kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước”(6); “Mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật, được bảo hộ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp”(7). Một trong những định hướng lớn về chính sách kinh tế đã được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) khẳng định là “Phát triển một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng. Kinh tế cá thể còn có phạm vi tương đối lớn, từng bước đi vào con đường làm ăn hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi. Tư bản tư nhân được kinh doanh trong những ngành, nghề có lợi cho quốc kế dân sinh do luật pháp quy định. Phát triển kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức… Các tổ chức kinh tế tự chủ và liên kết, hợp tác và cạnh tranh trong sản xuất và kinh doanh”(8). Đại hội VII cũng khẳng định: “Kinh tế tư bản tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà luật pháp không cấm. Nhà nước có thể liên doanh bằng nhiều hình thức với tư nhân trong và ngoài nước, hình thành loại doanh nghiệp thuộc thành phần tư bản nhà nước”(9). Đặc biệt từ Hội nghị Trung ương 2 khóa VII, kinh tế tư nhân đã được coi trọng và khuyến khích phát triển, trong đó nhấn mạnh: “Bổ sung, sửa đổi thể chế nhằm đảm bảo cho kinh tế tư nhân được phát huy không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm; được tự do lựa chọn hình thức kinh doanh, kể cả liên doanh với nước ngoài theo những điều kiện do luật định”(10).
Như vậy, phải đến Đại hội VII, Đảng ta mới có quan điểm khá rõ về vị trí và vai trò của kinh tế tư nhân. Sau 5 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước với đường lối “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển đáng kể và có những đóng góp không nhỏ trong nền kinh tế quốc dân. Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, quan điểm của Đảng ta về thành phần kinh tế này là: “Kinh tế cá thể còn có phạm vi tương đối lớn, từng bước đi vào con đường làm ăn hợp tác… Tư bản tư nhân được kinh doanh trong những ngành có lợi cho quốc kế dân sinh do luật pháp quy định… Kinh tế gia đình được khuyến khích phát triển mạnh, nhưng không phải là một thành phần kinh tế độc lập”(11).
Quan điểm Nghị quyết Đại hội VII của Đảng và các kỳ hội nghị trung ương trong khóa đã thúc đẩy công cuộc đổi mới về kinh tế và đã đạt được 3 thành tựu cơ bản: cơ cấu kinh tế đã chuyển sang nhiều thành phần; cơ chế quản lý đã chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; hệ thống kinh tế đã mở cửa, bước đầu gắn với thị trường thế giới.
Năm năm sau, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, khi đất nước đã trải qua 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới, kinh tế tư nhân được Đảng ta xác định là cần “tạo điều kiện kinh tế và pháp lý thuận lợi để các nhà kinh doanh tư nhân yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài”, với điểm nhấn mạnh là: “Kinh tế cá thể, tiểu chủ có vị trí quan trọng, lâu dài”(12).
Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, một lần nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, trong nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư bản nhà nước là thành phần kinh tế được “khuyến khích phát triển” trong những ngành nghề sản xuất mà pháp luật không cấm và đề ra những biện pháp cụ thể để khuyến khích sự phát triển của nó trong khuôn khổ của luật pháp, với sự điều tiết của Nhà nước nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ đánh giá “Chính sách kinh tế nhiều thành phần đã góp phần to lớn giải phóng và phát triển sức sản xuất, đưa đến những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng sau 10 năm đổi mới”(13), Đại hội VIII (năm 1996) tiếp tục khẳng định “thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách này, khuyến khích mọi doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước khai thác các tiềm năng, ra sức đầu tư phát triển, yên tâm làm ăn lâu dài, hợp pháp, có lợi cho quốc kế dân sinh, đối xử bình đẳng với mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, không phân biệt sở hữu và hình thức tổ chức kinh doanh”(14).
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta đã khẳng định kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế có vị trí quan trọng lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được “khuyến khích phát triển không hạn chế về quy mô trong những ngành, nghề, lĩnh vực và địa bàn mà pháp luật không cấm”(15). Từ chỗ cho rằng “Tư bản tư nhân được kinh doanh trong những ngành có lợi cho quốc kế dân sinh”; “nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, đến Đại hội IX, quan điểm đã có bước nhìn nhận mới: “Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài; chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động; liên doanh liên kết với nhau với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước”(16). Và từ chỗ xác định xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, Đại hội IX đã nâng lên một bước “Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu”, “mọi doanh nghiệp, mọi công dân được đầu tư kinh doanh theo các hình thức do luật định và được pháp luật bảo vệ. Mọi tổ chức kinh doanh theo các hình thức sở hữu khác nhau hoặc đan xen hỗn hợp đều được khuyến khích phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng và là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(17).
Sau 15 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, kinh tế tư nhân hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp tư nhân đã chứng tỏ được sự năng động, tính hiệu quả đối với nền kinh tế quốc dân, đóng góp vào quá trình phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Sau 10 năm từ khi chính thức được Đảng ta thừa nhận là bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (từ 1991 đến 2001), kinh tế tư nhân đã phát triển rộng khắp trong cả nước, và trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đến kinh doanh, dịch vụ. Ảnh hưởng của kinh tế tư nhân cũng ngày càng lớn, có thể khẳng định, là đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế nói riêng và kinh tế - xã hội đất nước nói chung, góp phần đưa nước ta ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội thời kỳ đó. Bên cạnh đó, cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tư nhân đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khu vực kinh tế này cũng đã tạo việc làm cho khá nhiều công nhân, lao động và doanh nhân, thúc đẩy phong cách làm việc hiệu quả, năng động, phát huy năng lực, tính sáng tạo của người lao động. Đây cũng là thời kỳ Đảng, Nhà nước chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong một số lĩnh vực, và kinh tế tư nhân đã góp phần không nhỏ vào việc hiện thực hóa chủ trương xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội, xã hội hóa các ngành văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế...
Một trong những định hướng cơ chế, chính sách và giải pháp chủ yếu cho giai đoạn 2001 - 2005 được xác định là: “bảo đảm các thành phần kinh tế đều được khuyến khích phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, thực sự là bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đặc biệt “kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển mạnh… Sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội cho mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế. Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử, bảo đảm cơ hội và khả năng lựa chọn bình đẳng của các thành phần kinh tế trong tiếp cận về vốn, đất đai, lao động, công nghệ, trong sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu”(18). Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX (từ 18-2 đến 2-3-2002), khi thông qua Nghị quyết “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, cũng khẳng định: “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế”.
Đến Đại hội X, Đảng ta nêu rõ: “Trên cơ sở ba chế độ sở hữu (toàn dân, tập thể, tư nhân), hình thành nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài… Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”(19). Đây cũng là lần đầu tiên, kinh tế tư nhân được xác định chính thức với tư cách là một thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển. Lần đầu tiên, vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân được Đảng ta chính thức đưa ra trong “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X”, Đảng ta cho rằng đảng viên làm kinh tế tư nhân phải gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Đảng và quy định của Ban Chấp hành Trung ương”. Thực tế, vấn đề này đã được đặt ra và tranh luận từ những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, nhưng tới Hội nghị Trung ương 3 khóa X mới thảo luận và thông qua “Quy định đảng viên làm kinh tế tư nhân”. Tinh thần được nhấn mạnh là bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của Điều lệ Đảng, nghị quyết, quyết định của Đảng và các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách của Nhà nước, đồng thời nêu cao tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên trong mọi lĩnh vực, để vừa phát huy được khả năng làm kinh tế của đảng viên, vừa giữ được tư cách, phẩm chất của đảng viên, giữ vững bản chất cách mạng của Đảng. Quy định này cho thấy Đảng ta rất thận trọng nhưng cũng đã mở đường cho đảng viên ra kinh doanh hợp pháp. Cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân chính là huy động, phát huy tiềm năng của mọi người dân, trong đó có đội ngũ đảng viên, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, tại Đại hội X, Đảng có những khẳng định mới của Đảng về kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành không thể thiếu, có vị trí quan trọng đặc biệt và ý nghĩa chiến lược trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời, khuyến khích thành phần kinh tế này phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tiếp theo của công cuộc đổi mới đất nước.
Đến Đại hội XI, Đảng ta xác định phải: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”.
Đặc biệt tại Đại hội XII, Đảng đã khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. Việc Đảng ta xác nhận “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng” trong phát triển đất nước (Đại hội X mới ghi nhận: “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”), không chỉ xác nhận vai trò mới của kinh tế tư nhân mà còn mở ra những cơ hội mới để thành phần kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn. Với chủ trương của Đảng không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, xóa bỏ hẳn cơ chế bao cấp, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội XII của Đảng chính là Đại hội có nhiều nhận thức mới đối với các thành phần kinh tế, đó là khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế đối với kinh tế tư nhân; quan điểm lựa chọn tiếp nhận kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; và quan tâm hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Tại Đại hội XII cũng lần đầu tiên Đảng ta khẳng định chủ trương: “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”. Điều này cho thấy, Đảng ta đã nhận thấy rõ trong phát triển kinh tế, sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân là một xu thế tất yếu, là một kênh quan trọng giúp Nhà nước thực thi nhiệm vụ kinh tế đã đề ra.
Có thể thấy, qua các kỳ đại hội, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, quan điểm của Đảng ta về kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế tư nhân đã có những bước chuyển quan trọng. Đặc biệt, Đại hội XII của Đảng đã có những phát triển mới trong tư duy của Đảng về kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế tư nhân. Trong thời gian tới, với các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cụ thể, kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước./.
------------------------------------------
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 41, tr. 52, tr. 52 - 53, tr. 58 - 59, tr. 331, tr. 334, tr. 374, tr. 414, tr. 437 - 438,
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 75
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 11 - 12
(12), (13), (14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần I, Sđd, tr. 677 - 678, tr. 622, tr. 622 - 623
(15),( 16), (17), (18), (19) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần II, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 149, tr. 26, tr.147, tr. 248 - 249, tr. 354
Hợp tác xuyên biên giới từ góc nhìn vùng Tây Nam Bộ  (08/11/2016)
Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II và Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2016  (08/11/2016)
Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II và Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2016  (08/11/2016)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Tổng thống Ireland  (08/11/2016)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên